Thứ Bảy, 1 tháng 9, 2012


08:18
Bộ Tài chính thanh minh về điều hành giá xăng dầu

Ông Nguyễn Tiến Thỏa
Nhà nước không “buông”
Trước thông tin nêu về việc giá xăng dầu thế giới liên tiếp giảm trong vòng 1 tháng hồi tháng 5 giúp doanh nghiệp có lợi nhuận tới 2.100 đồng/lít xăng nhưng doanh nghiệp “quên” không đề xuất giảm giá bán, Bộ Tài chính cho hay là không chính xác.
Cụ thể: Tại thời điểm này, với việc giá xăng dầu được tính toán trên cơ sở bình quân 30 ngày của giá thế giới, Bộ đã tính toán và yêu cầu doanh nghiệp giảm giá 500 đồng/lít xăng và khôi phục thuế từ 0% lên 2%.
Về việc trao quyền định giá xăng dầu cho doanh nghiệp, theo Bộ Tài chính nhằm góp phần tạo lập thị trường cạnh tranh chứ không phải “buông”.
Bộ này cho rằng: Nghị định số 84 cho phép doanh nghiệp được quyền quyết định giá nhưng chỉ được quyết định trong biên độ nhà nước cho phép 7%, nhưng mức giá tính toán phải theo nguyên tắc, căn cứ, phương pháp và công thức do Nhà nước quy định, điều chỉnh phải có trình tự, thủ tục và phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền.
Theo Bộ Tài chính, tại lần tăng giá ngày 28-8, theo tính toán của Liên Bộ mức tăng đáng lẽ phải là 1.300 đồng/lít tùy từng chủng loại nếu mức thuế suất nhập khẩu, mức trích qũy bình ổn giữ ổn định. Tuy nhiên, doanh nghiệp chỉ được sử dụng 500 đồng/lít với xăng, 300 đồng/lít với dầu các loại, không được tính lợi nhuận định mức 300 đồng/lít trong cơ cấu tính giá cơ sở; và mức tăng chỉ được từ 300- 650 đồng.
Mỗi lít xăng cõng 6.500 đồng, cao hay thấp?
Theo công thức được Bộ Tài chính công bố, giá dầu phải “cõng” trên lưng 2 loại thuế là nhập khẩu 12%, giá trị gia tăng (VAT) 10% và phí (1.000 đồng mỗi lít).
Với giá xăng còn có thêm thuế tiêu thụ đặc biệt 10%. Chưa tính đến các khoản phải trích khác như chi phí - lợi nhuận định mức của doanh nghiệp, trích quỹ bình ổn giá... (hiện khoảng 1.200 đồng), mỗi lít xăng dầu hiện phải gánh trên lưng không dưới 6.500 đồng thuế, phí.
Liên quan đến “gánh nặng” này, trao đổi với báo giới sáng 31-8, Thứ trưởng tài chính phụ trách lĩnh vực thuế hải quan Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã lý giải:“Đứng ở giác độ quản lý thu ngân sách, việc “áp” thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng dầu là cần thiết. Việc thu thuế này đã trình Quốc hội. Các nước họ cũng đều thu ở mức cao hơn Việt Nam”.
Cụ thể hơn, ông Tuấn đơn cử: “Tại Đông Âu, nhóm thuế tiêu thụ đặc biệt ở mức cao nhất từ 19%-23%. Về thuế nhập khẩu thì tuỳ, có nước thu theo con số tuyệt đối, còn ở Việt Nam thì tính theo tỷ lệ tương đối nhưng ở mức nào thì nếu quy về một mối, chúng ta hiện vẫn thấp hơn”.
Ông Tuấn cũng khẳng định mức thuế nhập khẩu với mặt hàng xăng sẽ là 20% trong điều kiện bình thường, còn hiện tại do trong điều kiện không bình thường, giá thế giới tăng cao, nên đã có những chia sẻ để ở mức thuế 12%.
Tính tổng thể, theo ông Tuấn, con số 6.500 đồng tiền thuế, phí trên mỗi lít xăng hiện ở mức trung bình thấp trong khu vực.
Cùng ngày, thông tin đáng chú ý được Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Nguyễn Văn Cẩn công bố: Có tỷ lệ không nhỏ nhiều mặt hàng đã “tạm nhập” (trong đó có xăng dầu) nhưng không hề “tái xuất” mà chờ thời điểm thuận lợi để chuyển sang tiêu thụ trong nước.
“Hiện chúng tôi đã phối hợp với Bộ Công an làm rõ vụ việc, đối tượng. Sau 5-9, Tổng cục Hải quan sẽ công bố tổng thể về kết quả kiểm tra những mặt hàng này. Trong số hàng tạm nhập tái xuất mà ngành này vừa xử lý, có số liệu hàng tạm nhập của 14 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu nhập ở đâu, xuất khi nào, có sai phạm và phải truy thu gì không” - ông Cẩn khẳng định.
Để đảm bảo công khai minh bạch, Bộ Tài chính đã kiểm tra các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu từ tháng 5 đến đầu tháng 7-2012. Nội dung thanh tra tập trung vào thực hiện chấp hành các quy định của Nhà nước về đăng ký giá và các yếu tố hình thành giá bán của doanh nghiệp Nhà nước, kiểm tra việc chấp hành thuế, chi trả thù lao của đại lý, đơn vị đầu mối. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Bộ sẽ ban hành kết quả thanh tra năm 2012 và xử lý sai phạm (nếu có) theo quy định.
Theo Tiền Phong, ảnh Internet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét