07:08
Oằn vai
thuế, phí
Trong khi thu nhập bình quân
đầu người của mỗi người dân đứng “đội sổ” so với thế giới, thì thuế thu nhập
cá nhân (TNCN) tại VN lại được đánh ở mức khá cao, và kéo dài suốt từ 2009, kể
cả khi kinh tế khó khăn, lạm phát dâng cao.
Lần đầu tiên báo cáo chuyên đề do Ủy ban Kinh tế Quốc hội
chủ trì đã thẳng thắn chỉ rõ, thuế tại VN quá cao đang làm ảnh
hưởng đến tích lũy của doanh nghiệp (DN) và tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt là
thuế TNCN hiện đang “đánh” vào hơn 15 triệu đối tượng.
Thu nhập thấp, bị đánh thuế cao
Báo cáo khẳng định, khoản thu nhập chịu thuế của người dân
VN thấp hơn nhưng lại chịu thuế cao hơn so với Trung Quốc (TQ) và Thái Lan.
Cụ thể, với thu nhập 3.451 - 5.175 USD/năm, người VN đã bị áp thuế suất 10%,
trong khi cũng với mức thuế suất này con số tương ứng ở Thái Lan và TQ lần
lượt là 4.931 - 16.434 USD/năm và 3.801 - 9.500 USD/năm.
Một trong những mục tiêu quan trọng của luật thuế là chỉ
điều tiết một phần thu nhập của cá nhân có thu nhập trên mức trung bình của
xã hội, phần thu nhập còn lại đảm bảo nâng cao đời sống. Tuy nhiên, kể từ khi
bắt đầu có hiệu lực 1.1.2009 đến nay, thuế TNCN đã thực sự trở thành gánh
nặng của người dân. Thạc sĩ Hà Thị Dương Lan - giảng viên Trường bồi dưỡng
cán bộ tài chính đã chứng minh bằng một nghiên cứu gần đây rằng, số thu từ
thuế TNCN đóng cho ngân sách năm 2009 là 14.316 tỉ đồng, bằng 110% so với năm
2008, bằng 3,4% tổng số thu ngân sách nhà nước (NSNN). Bước sang 2010 đã đạt
26.282 tỉ đồng, bằng 183,6% so với 2009, chiếm khoảng 4,7% tổng thu NSNN. Số
thu năm 2011 khoảng 37.160 tỉ đồng, bằng 141,38% năm 2010, khoảng 5,5% tổng
thu NSNN. Nếu so với GDP, năm 2009 tỷ lệ huy động bằng 0,87%/GDP; năm 2010 là
1,37%/GDP; năm 2011 khoảng 2,03%/GDP.
Số thu từ thuế TNCN tăng nhanh cả về số tuyệt đối, tỷ
trọng trên tổng thu, nguyên nhân theo thạc sĩ Lan là do số đối tượng nộp thuế
tăng đều đặn từng năm theo từng đợt tăng lương từ 450.000 đồng/tháng năm 2009
lên 830.000 đồng/tháng năm 2011. Ngoài ra, do thu nhập của các hộ gia đình, cá
nhân kinh doanh tăng khi chỉ số CPI tăng (năm 2008: 19,9%; năm 2009: 6,52%;
năm 2010: 11,75%; năm 2011: 18,13%), nhưng ngược lại mức giảm gia cảnh từ năm
2007 đến nay lại không hề nhúc nhích. Chính vì vậy, sự bao biện trong suốt
thời gian qua của cơ quan quản lý trở nên vô nghĩa và chính cơ quan này cũng
phải thừa nhận sự lạc hậu của luật để tăng mức giảm trừ khi sửa.
Nhìn lại mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế
4 triệu đồng/người/tháng bằng 1,7 lần thu nhập bình quân GDP đầu người trong
một tháng của VN năm 2011 thấy cao hơn nhiều so với TQ (6.404 USD/năm - bằng
1,23 lần GDP bình quân đầu người 2011); tương tự Indonesia 1.830 USD/năm
(khoảng 0,527 lần); Malaysia khoảng 2.687 USD/năm (0,312 lần)... Thế nhưng,
mức giảm trừ gia cảnh của VN thực tế lại rất thấp vì thu nhập GDP bình quân
đầu người của VN chỉ bằng 0,262 lần TQ, bằng 0,257 lần Thái Lan, bằng 0,158
lần Malaysia, bằng 0,392 lần Indonesia và 0,604 lần Philippines.
“Người nộp thuế không phàn nàn gì”?
Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết,
qua thực hiện miễn thuế TNCN bậc 1 tháng đầu tiên (tháng 7.2012) đối tượng
hưởng khá lớn, đợt miễn giảm này khoảng 3.600 tỉ đồng, cơ bản người nộp thuế
không phàn nàn gì.
Tuy nhiên, theo một tiến sĩ chuyên ngành tài chính, con số
trên quá nhỏ và nếu Bộ Tài chính đến hỏi những người đang chịu thuế suất bậc
2 sẽ biết có sự phàn nàn hay không. Ông dẫn số liệu thống kê, số người nộp thuế
từ thu nhập từ lương, tiền công ở bậc 1 chiếm tỷ trọng lớn trong số người
phải nộp thuế (năm 2009 khoảng 77,3%, năm 2010 khoảng 73,3%, năm 2011 khoảng
77%), nhưng số thuế nộp không lớn so với tổng thuế thu từ lương, tiền công
(năm 2009 khoảng 6,9%, năm 2010 khoảng 7%, năm 2011 gần 10%). Số người nộp
thuế từ thu nhập từ lương, tiền công ở bậc 2 trở lên không lớn (năm 2009 là
22,7%, năm 2010 là 26,7%, năm 2010 là 23%), nhưng số thuế nộp chiếm tỷ trọng
lớn (năm 2009 là 93,1%, năm 2010 là 93%, năm 2011 khoảng 90%). “Đó là lý do
vì sao, cứ khi nào khó khăn nhà quản lý chỉ đưa ra mỗi giải pháp giảm thuế
bậc 1”, tiến sĩ này nói.
Ngay cả với 7 mức thuế suất từ 5% đến 35% được cho là vừa
cao vừa dày, thì vừa qua khi trình dự thảo sửa đổi luật, Bộ Tài chính cũng
không hề “đả động” gì đến, với lý do đã tăng mức giảm trừ gia cảnh. Trong khi
đó, theo thạc sĩ Lan, việc sửa đổi biểu thuế lũy tiến từng phần (điều 22 luật
Thuế TNCN) để khuyến khích người có trình độ kỹ thuật cao, năng lực điều hành
giỏi ra sức lao động là rất cần thiết.
Bộ Tài chính đang trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo
luật Thuế TNCN với việc nâng mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp từ
4 triệu lên 9 triệu đồng, người phụ thuộc từ 1,6 triệu lên 3,2 triệu đồng. Tuy
nhiên, nhiều chuyên gia khẳng định, dự thảo luật lại sẽ nhanh chóng lạc hậu
và bị dư luận phản đối do mức trên sẽ không còn phù hợp cho các giai đoạn
tiếp theo sau 2015 khi thu nhập người dân đã khá hơn, mức lương tối thiểu
được điều chỉnh. Kể cả khi dự thảo luật bổ sung quy định “mở” - tức giá cả
thị trường biến động trên 20% thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội
điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp với sự biến động của giá cả, mức
lạm phát giai đoạn tới chỉ 15% cũng đủ cho người dân khó sống, chứ không nói
20%.
Anh Vũ (Theo
TNO, tựa đề do Thương Giang đặt)
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét