Chủ Nhật, 23 tháng 9, 2012


07:01

Rắc rối từ CMND mới


Chứng minh nhân dân (CMND) là giấy tờ quan trọng liên quan đến hàng loạt giao dịch của người dân. Việc đổi giấy mới có 12 số thay cho 9 số liệu có ảnh hưởng đến những giao dịch trước đây?



“CMND cũ và mới có điểm khác nhau là 9 số và 12 số nhưng đều có giá trị như nhau, tồn tại song song, không có bất cứ sự phân biệt nào”


Thiếu tướng Trần Văn Vệ


Như đã phản ánh, từ ngày 21.9, Bộ Công an triển khai thí điểm cấp CMND mẫu mới tại 4 điểm thuộc TP.Hà Nội, gồm các quận, huyện Tây Hồ, Từ Liêm, Hoàng Mai và Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (QLHCTTATXH).
Trao đổi với Thanh Niên chiều qua 22.9, thiếu tướng Trần Văn Vệ, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát QLHCTTATXH, Bộ Công an cho biết, CMND mới có chế độ bảo mật hiện đại, khó có chất liệu có thể làm giả, trên cơ sở mỗi công dân tự kê khai vân tay. Vân tay này sẽ được lưu trữ, bảo quản theo chế độ bảo mật, tránh bị đánh cắp.
Cũng theo ông Vệ, việc làm CMND mới đồng thời với việc hoàn thiện hệ thống dữ liệu lưu giữ vân tay nối mạng trong toàn quốc nên thuận tiện cho việc xác định danh tính của mỗi công dân, không thể xảy ra trường hợp một người có 2 đến 3 CMND. Ngoài ra, việc thay đổi mẫu CMND mới sẽ góp phần phục vụ công tác điều tra, giúp lực lượng công an đấu tranh phòng, chống tội phạm khi cần tra cứu nhanh một số thông tin cá nhân và vân tay tội phạm tại hiện trường gây án.
“CMND cũ và mới có điểm khác nhau là 9 số và 12 số nhưng đều có giá trị như nhau, tồn tại song song, không có bất cứ sự phân biệt nào”, thiếu tướng Vệ khẳng định.

Lấy dấu vân tay để làm CMND mới - Ảnh: Hoàng Trang
Có phải “đính chính” sổ đỏ ?
Tuy nhiên, theo ghi nhận của Thanh Niên đã xuất hiện một số băn khoăn thắc mắc từ người dân. Bà Nguyễn Thị Bắc, ngụ Q.Hoàng Mai nói: “Trước đây tôi sử dụng CMND có 9 số để thực hiện các giao dịch về công chứng nhà cửa đất đai, nếu đổi CMND mới có 12 số thì không biết có ảnh hưởng gì đến giao dịch này?”.
Bà Phạm Thị Thảo, Chủ tịch HĐTV, công chứng viên Văn phòng công chứng Hồ Gươm cho hay, việc thay CMND 9 số bằng 12 số sẽ phát sinh ra một số vướng mắc. “Ví dụ đối với một hợp đồng tranh chấp thì hiệu lực của nó có thể là 5 năm, nếu người dân dùng CMND 9 số để ký kết hợp đồng mà giờ CMND của họ thay đổi thì bắt buộc hợp đồng cũng phải sửa đổi, bổ sung thêm phần phụ lục”, bà Thảo nói.
Cũng theo bà Thảo, trước đây người dân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) có thể hiện CMND 9 số, bây giờ họ có CMND 12 số, nếu muốn giao dịch thì phải thêm một bước là xin xác nhận tại Phòng TN-MT “đính chính” lại sổ đỏ thay đổi số CMND thì mới giao dịch được. “Từ trước đến nay, tại các văn phòng công chứng, nếu khách hàng có sai lệch về CMND, bị mất xin cấp lại có thay đổi số thì phải đính chính lại, tôi cho rằng đó cũng là những vấn đề khó khăn”, bà Thảo cho hay.
“Hiện tại chúng tôi đang phải chờ hướng dẫn từ cơ quan công an và tài nguyên - môi trường về những trường hợp này, có phải đính chính hay không, hay có những bổ sung thế nào để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng cũng như không phát sinh. Nếu trên thực tế có những trường hợp như thế này thì chúng tôi sẽ mất thêm một số thủ tục nữa như phải đi xác minh tại công an phường xem người này có phải thay đổi CMND hay không mới có thể công chứng các giao dịch”, bà Thảo cho biết.
Trong khi đó, một công chứng viên tại H.Từ Liêm cho biết chưa gặp các trường hợp có CMND mới đến giao dịch nhưng nếu có sẽ mất thêm thời gian để xác minh khách hàng, yêu cầu họ phải lăn tay để “an toàn” cho hoạt động công chứng.
Vân tay sẽ được lưu trữ theo chế độ bảo mật
Ngân hàng cũng bị động
Phản ánh với Thanh Niên, nhiều người bày tỏ băn khoăn khi trước đây họ thực hiện mở tài khoản tại các ngân hàng bằng CMND 9 số, nếu giờ sử dụng CMND 12 số thì có thực hiện được các giao dịch như rút tiền, chuyển tiền... hay không?
Thanh Niên đã liên lạc với lãnh đạo các ngân hàng Agribank, Vietinbank... đều nhận được câu trả lời là cũng vừa nắm bắt được sự việc; để có câu trả lời chính xác sẽ phải chờ các ban ngành chức năng và có các thông tin cụ thể vào đầu tuần tới.
Giải đáp những vấn đề trên, thiếu tướng Trần Văn Vệ cho biết từ ngày 21.9, Bộ Công an đã có văn bản gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng thông báo việc tồn tại hai loại giấy CMND và cùng có hiệu lực như nhau. Trong từng lĩnh vực cụ thể, các ngành sẽ có những hướng dẫn chỉ đạo riêng. “Chúng tôi cho rằng, CMND mới sẽ không ảnh hưởng nhiều đến các giao dịch trước đây của người dân”, ông Vệ khẳng định.
Vì sao CMND mới có 12 số ?
Trong dự án luật Hộ tịch đang soạn thảo và dự kiến được Quốc hội thông qua vào thời gian tới có đưa ra ý tưởng loại bỏ các giấy tờ gắn liền với nhân thân của mỗi người như giấy khai sinh, đăng ký kết hôn, khai tử, giám hộ, nhận cha mẹ nuôi, xác định lại dân tộc, giới tính..., và việc cấp một mã số định danh cho mỗi người (căn cứ vào con số này có thể biết tất cả các sự kiện trong đời của họ). Theo đó, nhà nước sẽ chỉ thiết lập một loại sổ gọi là sổ hộ tịch tại cơ quan đăng ký hộ tịch - nơi công dân đăng ký khai sinh (do UBND cấp xã, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trực tiếp quản lý). Ngoài ra để tạo thuận tiện cho người dân (không cư trú tại nơi đăng ký khai sinh), dự luật quy định các sự kiện hộ tịch phát sinh sau khi đăng ký khai sinh (như kết hôn, ly hôn...) không bắt buộc phải đăng ký tại nơi quản lý sổ hộ tịch, mà người dân có thể yêu cầu đăng ký tại nơi cư trú của mình.
Theo thiếu tướng Trần Văn Vệ, dự thảo luật Hộ tịch có nêu số định danh cá nhân, và giao cho Bộ Công an chịu trách nhiệm. “Chúng tôi đã tính đến chuyện đó nên mới làm số CMND 12 số. Sau này sẽ hoàn thiện dữ liệu quốc gia về dân cư. Khi con người sinh ra thì sẽ cấp số định danh này, đến 14 tuổi sẽ làm CMND theo số này. Số này sẽ theo suốt cuộc đời một con người và đây là số chính thức của người dân. Dù có luật Hộ tịch thì cũng không thể bỏ CMND vì đây là căn cước, là mã số công dân xác nhận về một con người. CMND và hộ tịch là hai cái khác nhau nhưng cùng tồn tại”, ông Vệ nói.

Không thể thương lượng bỏ hay để tên cha mẹ
Đối với việc đưa tên cha mẹ lên CMND mới bị dư luận phản đối, thiếu tướng Trần Văn Vệ cho biết vẫn thực hiện bình thường. Chỉ những trường hợp “nhạy cảm”, như không xác nhận được tên cha, tên mẹ hoặc công dân sinh theo phương pháp khoa học, con ngoài giá thú, mồ côi... thì mới để trống phần tên cha mẹ, nhưng vẫn được lưu trữ đầy đủ trong hệ thống dữ liệu. “Còn nếu cha mẹ là tội phạm hay như thế nào đó cũng đều phải tuân thủ quy định này, không ai có thể thương lượng với công an là để hay bỏ trống. Dù thế nào thì đó cũng là người sinh ra mình mà công dân không thể phủ nhận”.
(Theo TNO) Thái Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét