Thứ Ba, 3 tháng 7, 2012


19:45
Giá điện đã minh bạch chưa?

(Đất Việt) Ngày 1/7, nhiều tỉnh thành, trong đó có TP HCM, ngành điện lực chốt chỉ số điện kế để tính tiền điện theo giá mới. Giá điện tăng từ 1/7 gây sốc không chỉ với các hộ tiêu dùng mà ngay cả các doanh nghiệp cũng thấy choáng váng.


 Theo thẩm quyền của mình được quy định theo Quyết định 24, khi các thông số đầu vào như than, xăng, tỷ giá, cơ cấu nguồn phát thay đổi…, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) được điều chỉnh giá điện ở mức 5%, còn trên mức này phả có quyết định của Chính phủ. Lý do tăng giá điện lần này là do giá bán than cũng tăng từ ngày 1/7, với mức tăng 10 - 11,5%. 
Thực ra, trong những tháng qua, ngành điện lực nhiều lần nhấp nhỏm đòi tăng giá bán điện nhưng bất thành. Thực tế, giá điện tăng liên tục trong khoảng hơn 1 năm qua. Sau khi tăng hơn 15% vào tháng 3/2011, ngày 20/12/2011, giá điện lại tăng một lần nữa cũng tương đương với 5%.

Quyết định tăng giá điện ở thời điểm chỉ số giá tiêu dùng ở mức thấp kỷ lục trong 38 năm qua, lạm phát giảm, giá xăng dầu liên tục giảm, có vẻ như hợp lý nhưng xét về tổng thể nền kinh tế, việc tăng giá điện vào thời điểm mà nền kinh tế vẫn đang rất khó khăn, các doanh nghiệp đói vốn giá rẻ của ngân hàng là một cú sốc lớn. Điều đáng nói, dù giá bán điện được điều chỉnh tăng nhiều lần nhưng EVN vẫn chưa cắt được lỗ. Như vậy giá điện còn hứa hẹn sẽ phải tăng thêm nhiều lần nữa trong tương lai.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng giá điện tăng vào thời điểm này càng làm cho các doanh nghiệp thêm suy kiệt vì giá xăng dầu, giá điện chiếm đến 30% trong cơ cấu giá thành sản phẩm. Trong khi đó phải hiểu rằng chỉ số giá tiêu dùng giảm không phải vì lạm phát giảm tích cực mà là do sức mua của người dân giảm. Khảo sát của Tổng Cục Thống kê cho thấy rổ hàng hóa tiêu dùng của người dân chủ yếu tập trung cho các nhu cầu đời sống hàng ngày, còn các nhu cầu khác người dân đang tự cắt giảm, làm cho các nhà sản xuất đã khó khăn càng khó khăn thêm, hàng tồn kho càng chất nhiều trong kho.

Về mặt lý thuyết, việc tăng giá điện lần này không ảnh hưởng đến người nghèo (sử dụng dưới 50 KWh) nhưng mức này rất ít, cũng là mức chỉ ở diện xóa nghèo về điện, còn lại tuyệt đại đa số người dân bị ảnh hưởng lớn. Áp lực tăng giá đang đè lên người dân khi mà nhiều chi phí khác cũng đang tăng theo. Đơn cử, học phí ở TP HCM tăng từ 3 - 5 lần và nhiều địa phương khác cũng tăng học phí trong niên học tới. Giá nước sạch, theo khung giá được Bộ Tài chính xây dựng sẽ tăng gấp 4 lần trong tương lai gần, đặc biệt tăng cao ở TP HCM và Hà Nội. Dù hiện TP HCM chưa tăng giá nước sinh hoạt nhưng việc tăng giá nước trước sau gì cũng xảy ra. Áp lực tăng giá đang làm cho đời sống của người dân càng khó khăn thêm.

Trong các mặt hàng tăng giá, người dân và các doanh nghiệp sợ nhất là mặt hàng điện, đơn giản bởi điện là mặt hàng tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến nhiều lĩnh vực trong sản xuất kinh doanh, sẽ kéo theo hàng loạt mặt hàng tiêu dùng khác tăng giá.
Điều hành giá điện theo cơ chế thị trường là điều tất nhiên phải làm để có một thị trường điện minh bạch và tiến tới chống độc quyền. Nhưng ngành điện đã minh bạch chưa? Việc cắt lỗ cho ngành điện đã được tiến hành như thế nào? Kết quả kiểm toán? Đó là những câu hỏi mà khách hàng chờ đợi, vì họ muốn trả tiền điện một cách minh bạch, đúng giá trị. 
(Đất Việt) Lưu Trần

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét