11:01
Gặp 'cú sốc văn
hóa' giữa Hà Nội
(GDVN) - "Từ Đà Nẵng trở ra thủ đô hoa lệ với bao mơ mộng và tưởng
tượng, nhưng có lần chị gái tôi đã phát khóc lên vì những lời chửi bới, mạt
sát của một chủ cửa hàng ở chợ Hôm chỉ vì cái tội hỏi và mặc cả nhưng không
mua một chiếc túi hàng nhái bị hét giá trên trời...", độc giả Nguyễn
Thanh Tâm kể.
Xung quanh thái độ phục vụ thiếu
tôn trọng của nhân viên, chủ nhiều nhà hàng, cửa hàng đối với khách hàng trong
thời gian nói riêng và sự xuống cấp của văn hóa ứng xử nơi cộng cộng nói
chung, tòa soạn báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được rất nhiều ý kiến
khác nhau của độc giả.
Một trong số
bài viết kể về một câu chuyện có thật mà người thân của độc giả Nguyễn Thanh
Tâm đã rất "sốc" khi gặp phải trong chuyến ra Hà Nội chơi. Để rộng
đường dư luận, tòa soạn xin đăng tải toàn bộ nội dung bài viết này. Mời bạn
đọc cùng theo dõi:
Là một người đã từng đi nhiều nơi, Nam Bắc đủ cả, nước ngoài cũng có nhưng cá nhân tôi rất chua xót, khi phải thừa nhận một thực tế đang diễn ra rằng, văn hóa ứng xử nơi công cộng nói chung và văn hóa phục vụ khách hàng nói riêng trên mảnh đất Hà thành này đang ngày càng tạp nham, xuống cấp.
Cái cảnh nhân viên, mặt cau, mày có, lầm lầm lì lì khi phục vụ
khách, còn chủ nhà hàng thì sẵn sàng "văng" ra những tràng chửi bới
rất sức thô tục, tục tĩu, "thượng cẳng tay, hạ cẳng chân", rồi mang
hương, giấy đốt vía xua khách... chỉ vì những lý do phải nói rằng rất đơn
giản đã không còn quá xa lạ với nhiều người khi đi mua hàng ở các khu chợ, ăn
uống...
Và tôi cũng
thực sự không thể hiểu nổi tại sao, trước những cái kiểu văn hóa đã trở thành
tiếng xấu lưu danh: "bún mắng, cháo chửi, phở quát..." như vậy
nhưng không ít người Hà Nội lại vẫn thờ ơ, chấp nhận cho nó tồn tại và dường
như có chiều hướng ngày một lộng hành hơn.
Cũng có lẽ chính vì sự phớt lờ của các "thượng đế" Hà Nội trước cái văn hóa "chửi, chợ búa, Chí Phèo", nên cái cảnh không ít du khách từ phương xa đến với Hà Nội chịu những cú "sốc" văn hóa nặng như câu chuyện có thật của người chị gái họ tôi là bình thường? Cách đây chừng khoảng ba tháng, người chị gái họ, tên Huyền, con bác ruột của tôi đã có một chuyến đi "để đời" từ Đà Nẵng ra Hà Nội thăm gia đình cô em gái. Trước chuyến đi, nghe tôi giới thiệu về những nét phồn hoa, đô hội, văn hóa, thời tiết... đặc trưng của mảnh đất thủ đô ngàn năm tuổi này chị tôi thực sự đã rất hào hứng. Vừa chân ướt, chân ráo đặt chân vào nhà em, chị tôi đã đề nghị, sáng mai cho chị đi chơi, thưởng thức cái thời tiết mùa Thu lãng mạn ở Thủ đô và mua sắm một vòng quanh Hà Nội để thỏa cái nỗi ước mong. Ngồi trên xe, ngắm những nét đẹp thiên nhiên chốn thủ đô hoa lệ, náo nhiệt... chị tôi không khỏi vui mừng cùng những lời khen tíu tít... Nhưng niềm vui ngắn chẳng tầy gang, khi qua một số điểm quanh khu vực chợ Đồng Xuân, mấy phố cổ, bờ Hồ... được chứng kiến cảnh người trông giữ xe đua nhau "chặt chém" giá gửi xe thì chị tôi bắt đầu có những cảm giác "sốc" đầu tiên. Thấy tôi đưa tờ 20.000 đồng để trả vé xe, chị tôi vừa nhìn theo, suýt xoa: "Trời ơi, giá giữ xe ở Hà Nội mắc gấp đến gần chục lần Đà Nẵng nhà chị rồi em ơi..."
"Sốc" hơn nữa là những thái
độ phục vụ mà chị tôi đã nhận được từ không ít quán ăn. Khuôn mặt cau có, ánh
mắt sắc lẹm, cùng không ít lời chua chát, thô lỗ, thậm chí là tục tĩu là
những gì chị tôi được "thưởng" từ một bà chủ quán bún phở trên phố
Phùng Hưng khi góp ý về nước dùng có phần hơi nhạt.
Chưa dừng lại tại đó, chị tôi "đơ người", giận tái mặt, đứng ngay dậy trả tiền và bỏ đi khi người chồng của chủ quán đó đi ra nói với giọng rất khinh miệt: "đúng là đồ ..., muốn đúng vị thì về quê nhà mày, còn ở Hà Nội này người ta ăn thế thôi, không ăn được thì lượn...". Vào ăn kem Tràng Tiền, thái độ phục vụ của nhân viên cũng khiến chị tôi không khỏi ngỡ ngàng. Số là, thấy nhân viên tay không lại cầm vào kem đưa cho khách, chị tôi liền góp ý, nhắc nhở. Thay vì nhận được lời xin lỗi, người nhân viên đó liền "tặng" cho chị tôi một cái "lườm nguýt" cùng mấy lời đầy thách thức "...đây vẫn bán thế, ăn được thì ăn, không ăn được thì biến ra ngoài kia mà mua, có que kem cũng đòi hỏi nhiều...". Tuy nhiên, cú "sốc" văn hóa thực sự với chị tôi là buổi mua chiếc túi xách ở chợ Hôm. Chị tôi đã phát khóc lên vì những lời chửi bới, mạt xát thậm tệ của người chủ cửa hàng chỉ vì cái tội hỏi và mặc cả nhưng không mua hàng. Rõ ràng chiếc túi đó là hàng gia công, chất lượng kém nhưng người chủ quán "hét" giá trên trời và khẳng định đó là hàng nhập khẩu từ Italia?... nhưng có lẽ chị chủ quán xem chừng thấy chị Huyền có vẻ giàu có? Nhưng sau khi xem kỹ, có vài câu trao đổi thì chị tôi đã quyết định không mua, ngay lập tức chị kia giằng túi lại, lấy tay chỉ trỏ, xỉa xói, chửi bới và mấy nén hương được châm lên với mảnh giấy đốt vía, cùng những câu từ không thể chấp nhận được... Sau những câu chửi liên thanh thì chị Huyền đã đứng "sững người" lại ngay trước cửa hàng đó và chỉ biết khóc. Tôi không biết nói sao ở đây nữa, tôi chỉ biết im lặng và nói với chị đúng một câu duy nhất rằng "em xin lỗi chị"... Cũng từ sau hôm đó, chị đã tâm sự với tôi rất nhiều. Chị bảo, chị đã "sốc" thực sự, vì cứ tưởng rằng, Hà Nội có mùa thu lãng mạn, có mùa đông tuyệt đẹp, có mùa hè nắng vàng rực rỡ thì con người ở đây cũng gần gũi và dễ thương, thân thiện... cứ nghĩ rằng, người Hà Nội/ Tràng An phải ứng xử thế nào... chứ như những gì mà chị đã chứng kiến, đã là "người trong cuộc" thì quả thực quá thiếu văn hóa với "thượng đế", với khách phương xa tới. Chị cũng buồn khi chia sẻ với tôi rằng, cái câu ca về nét văn hóa, ứng xử lịch sự, thanh lịch người Tràng An được ví trong văn học dường như đã "mất" đi trong chị!
Độc giả Nguyễn Thanh Tâm (Theo GDVN)
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét