Thứ Ba, 5 tháng 9, 2017

TS Lê Đăng Doanh nói về câu chuyện BOT: Đừng biến người dân thành con nợ của nền kinh tế
 Cập nhật lúc 14:26                 

“Tôi đồng tình cách mà người dân ở Cai Lậy đã phản ứng trong vụ việc này: ôn hòa, hợp pháp nhưng vẫn thể hiện được sự phản kháng và bất bình. Sự phản ứng ở Cai Lậy là câu chuyện địa phương, nhưng sẽ là lời cảnh báo với các lãnh đạo Đảng và Nhà nước!”.
Nhà báo Hương Thảo Nguyên: Thưa TS Lê Đăng Doanh, sau câu chuyện người dân và các chủ doanh nghiệp bắt tay nhau để phản đối BOT Cai Lậy, tôi nghĩ về sự thay đổi trong cách phản ứng của người dân với các vấn đề chính sách trong những năm qua: từ chuyện Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng năm nào, đến vụ đất đai ở Đồng Tâm và vụ thu phí ở Cai Lậy, dù câu chuyện khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, cách phản ứng khác nhau, kết quả khác nhau, nhưng ông có đồng ý rằng trong những năm trở lại đây, người dân đã thể hiện sự bất bình công khai hơn và trực diện hơn với những chính sách chưa phù hợp - những chính sách mà ở đó lợi ích của người dân - chính quyền - doanh nghiệp mâu thuẫn trầm trọng với nhau?
TS. Lê Đăng Doanh: Tôi đồng ý với bạn về điều đó. Rõ ràng là ngày càng có nhiều bất mãn hơn từ người dân, ngày càng có nhiều mâu thuẫn hơn trong lòng xã hội mình, khi mà những chính sách chúng ta đưa ra đi ngược lại với lợi ích của dân.
Lý giải cho việc này, tôi nghĩ cái cần đề cập đến nhất là câu chuyện “nhóm lợi ích”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Nghị quyết 15 đã nói về khái niệm “lợi ích nhóm”, hay sòng phẳng và thẳng thắn thì chính là những “nhóm lợi ích” đang tồn tại ở đất nước ta, là sự bắt tay giữa các doanh nghiệp và một số quan chức chính quyền.
Những nhóm lợi ích này mang tính chất phi pháp và kiếm lợi bất chính, lợi dụng chính sách để kiếm lợi. Và nhóm lợi ích này thường có lợi ích đi ngược lại với lợi ích của dân. Vì thế dân là người chịu thiệt, nên dễ hiểu vì sao mà họ bức xúc!
Như trong trường hợp BOT Cai Lậy và nhiều BOT tai tiếng khác đã được báo chí phản ánh thời gian qua, tôi nhìn thấy bóng dáng của những nhóm lợi ích. Những nhóm lợi ích này đã lợi dụng việc Nhà nước ta không đủ tiềm lực kinh tế để xây dựng kết cấu hạ tầng nên đã nắm lấy cơ hội đó để thu nhiều món lợi bất chính. Tôi gọi đó là hành vi “móc túi” dân.
Thật ra bản chất của BOT không xấu. Khi mà nguồn lực quốc gia không đủ mạnh, chúng ta huy động nguồn lực xã hội để phát triển hạ tầng, vì hạ tầng tốt thì kinh tế mới có cơ hội đi lên. Nhưng cái bất ổn trong những dự án BOT của ta là những doanh nghiệp BOT phần lớn đều huy động vốn từ ngân hàng chứ không phải vốn xã hội.
Nhưng BOT ở Việt Nam đang bị biến tướng, trở thành miếng mồi ngon của các nhóm lợi ích. Những nhóm này lợi dụng việc Nhà nước chưa xây dựng khung pháp luật về BOT, sự giám sát dành cho các dự án BOT còn rất nhiều lỗ hổng và thu về lợi nhuận khổng lồ.
Ai giám sát giá? Giá được xác định thế nào? Dựa trên tần suất lưu thông là bao nhiêu? Tỷ suất lợi nhuận là bao nhiêu? Có đấu thầu công khai không?... Tất cả nhưng điều đó chúng ta đều không có. BOT ở nước ta đang được chỉ định thầu gần như 100%, nên không thể đảm bảo sự khách quan, minh bạch. Vì thế, tôi không ngạc nhiên khi những dự án này bị dân phản ứng đến mức bung bét, thì phía sau nó đã thấy lộ ra thấp thoáng chân dung của những ông to bà lớn.
Nên phản ứng của người dân ở trạm thu phí Cai Lây, hay trong nhiều trường hợp khác diễn ra thời gian qua, tôi cho là kết quả tất yếu của những việc mà tôi nói trên.


+ Ông vừa gọi câu chuyện BOT ở Cai Lậy là một ví dụ của việc móc túi người dân... Việc này được lí giải thế nào?
TS Lê Đăng Doanh: Vì người dân đó họ không đi hết đoạn đường ấy, tôi chỉ đi một đoạn đường ngắn vậy tại sao bắt tôi nộp? Thế không gọi là móc túi thì là gì?
Đối với những người dân địa phương họ không sử dụng con đường đó, không được hưởng lợi gì ở việc kinh doanh vận tải của con đường đó mà lại bắt họ nộp tiền, đó không gọi là móc túi thì gọi là gì?
Việc đặt trạm thu phí sai vị trí để kiếm lợi nhiều hơn, cưỡng ép người lái xe phải trả tiền, đó không gọi là móc túi thì gọi là gì?
Không có cách giải thích nào phù hợp hơn ngoài việc kết luận đây là biểu hiện của một nhóm lợi ích. Nên cuối cùng, không thể khác, vị trí đặt trạm BOT ấy cần đưa ra thảo luận và có lời giám định của các chuyên gia độc lập, các hội độc lập, Hội Bảo vệ người tiêu dùng. Kể cả chính quyền nhận sai thì cũng phải làm, vì những cái sai này có thể dẫn đến những cái sai khác nặng nề hơn.
+ Vậy ở vị trí của mình, ông chọn đứng về phía nhân dân hay chính quyền?
TS Lê Đăng Doanh: Tôi chọn đứng về phía nhân dân.
Tôi đồng tình cách mà người dân ở Cai Lậy đã phản ứng trong vụ việc này: ôn hòa, hợp pháp nhưng vẫn thể hiện được sự bất bình. Tôi nghĩ rằng Nhà nước cần suy nghĩ rất nghiêm túc, rất sâu sắc về sự phản ứng của người dân trong câu chuyện BOT Cai Lậy như một bài học và một lời cảnh báo cho các vụ việc khác.
Vì sao dân phản ứng: vì những sai sót về chính sách là có thật; vì những thiệt thòi của người dân là có thật; vì gánh nặng thuế phí đang ngày một lớn, và đang dần vượt quá sức chịu đựng của người dân...
Nên khi người dân bày tỏ sự bất bình của mình với một chính sách nào đó như trong câu chuyện Cai Lây, những người lãnh đạo cần phải biết lắng nghe và thấu hiểu!
Đã qua cái thời mà những cán bộ có chức quyền có thể “cả vú lấp miệng em” những người dân thấp cổ bé họng. Đã qua cái thời mà các cơ quan nhà nước có thể ban hành những chính sách một cách tùy tiện.
Đã qua cái thời mà một “dân đen” bất bình thì không có cơ hội lên tiếng. Người dân bây giờ đủ hiểu biết, đủ thông tin và đủ cách thức để thể hiện chính kiến của mình. Nên lối tư duy độc đoán, không công bằng, vô căn cứ, lên án, “đe dọa” người dân như trường hợp một vị đại biểu Quốc hội đòi dùng sức mạnh pháp luật với việc dân dùng tiền lẻ ở Cai Lậy là hết sức nực cười.
Giờ là thời gì rồi? Giờ là thời của mạng xã hội.
Khi bị cán bộ phường Văn Miếu gây khó dễ, người ta đưa lên Facebook và một cán bộ phường mất việc.
Bà Phó Chủ tịch quận Thanh Xuân bị dân quay clip tung lên mạng vì đỗ xe sai quy định và có hành vi cửa quyền, vô lối.
Một ông quan xã ở Thanh Hóa bị dân tố cáo vì viết bừa bãi vào sơ yếu lý lịch.
UBND TP Hà Nội đã phải tạm dừng việc chặt bỏ 6.000 cây xanh trước sức ép của người dân.


+ Tất cả những việc này nghĩa là gì?
TS Lê Đăng Doanh: Nghĩa là mỗi người dân “thấp cổ bé họng” đã học được cách để gây sức ép lên chính quyền, hay để tố cáo những sai trái của người làm quan chức. Và mọi phát ngôn, hành động thiếu sót của các cán bộ nhà nước sẽ bị đưa ra mổ xẻ trên mạng xã hội; mọi chính sách bất cập sẽ bị người dân cùng nhau phản đối trên mạng xã hội.
+ Quan chức thời đại mạng xã hội bùng nổ sẽ phải thay đổi cách tiếp cận như thế nào với dân khi mà dân ngày càng khôn và ngày càng ghê?
TS Lê Đăng Doanh: Bây giờ là thời dân nói thì cần bình tĩnh lắng nghe, phân tích thấu đáo. Nếu sai thì phải sửa...
Việc có quan chức như trong vụ BOT Cai Lậy cứ khư khư giữ lấy quyết định này là đúng đắn, thậm chí còn đòi kết tội những người đã dùng biện pháp đó... Tôi thấy những lời đó không những không cầu thị và thậm chí, tôi hồ nghi những người đó đại diện cho một nhóm lợi ích, họ sợ rằng họ nhân nhượng cho lợi ích của người dân thì nhóm lợi ích khác sẽ bị tác động.
Nhưng vấn đề là bây giờ, sẽ không còn việc người dân trên thưa gì mình biết đấy.
Cho nên người làm quan chức mà thông minh ra thì chắc cần xem xét lại phản ứng của mình. Từ những bài học này, tôi nghĩ rằng từ rất sớm, pháp luật cần nhanh chóng bổ sung luật về BOT, quy định lại thật rõ ràng, ngắn gọn những điều cần thiết và sửa lại luật đấu thầu để thực hiện những điều này một cách công khai minh bạch. Cũng rất nhiều việc khác ở đất nước ta cũng đã đến lúc phải có những thay đổi tương tự.
+ Nhưng chính sách đã ban, đường đã làm, hợp đồng đã ký, trạm thu phí đã xây, chúng ta sửa những bất cập đã được “an bài” như vậy như thế nào bây giờ mới được?
TS Lê Đăng Doanh: Theo tôi, mỗi dự án như vậy nên lập một nhóm phản biện độc lập, thảo luận với người dân về mức thu hợp lý. Người dân nào sống ở đó, đi qua đó hằng ngày thì miễn phí cho họ... Cần phải có sự cầu thị, sự tôn trọng lợi ích của các bên, lợi ích của người dân, của nhà đầu tư, của Nhà nước và lợi ích của toàn bộ nền kinh tế.
Vì vậy, những chỗ nào BOT có vấn đề thì hãy chủ động thảo luận với người dân, và mời các tổ chức dân sự xã hội, các chuyên gia tới tham gia thảo luận. Ở các nước khác, khi một điều luật được đưa ra, đều phải hỏi ý kiến các bên, và trước khi Quốc hội thông qua, mời tất cả các bên đến phát biểu công khai trước Quốc hội. Chúng ta cần làm một cách cầu thị, tôn trọng người dân, làm một cách kỹ lưỡng, có căn cứ khoa học thì chúng ta sẽ tiến bộ.
Chúng ta phải thẳng thắn nhận rằng, dọc đất nước mình, BOT đang mọc lên như nấm. Nó không chỉ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân trong vùng mà còn đẩy chi phí về vận tải của chúng ta lên rất cao, làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp... Có ai đảm bảo rằng sẽ không có những Cai Lậy nữa trong tương lai? Cho nên, thấy cái sai thì hãy sửa đi, kể cả là chấp nhận thiệt hại.
Như chuyện cải cách ruộng đất, Bác Hồ còn phải đứng ra xin lỗi dân cơ mà, Tổng Bí thư Trường Chinh phải từ chức cơ mà, đâu phải chuyện đơn giản! Vì thế, sai đến đâu sửa đấy và sửa một cách cầu thị thì người dân sẽ tin vào người lãnh đạo.

+ Thưa TS Lê Đăng Doanh, câu chuyện BOT Cai Lậy chỉ là một câu chuyện nhỏ trong chuỗi những sự bức xúc của người dân trước những gánh nặng về thuế phí hiện nay: thuế bảo trì đường bộ, thuế môi trường, thuế xe, thuế đất tăng đột biến hay dự thảo tăng thuế giá trị gia tăng sắp tới... gánh nặng về thuế trong bối cảnh thu nhập người dân không cao, dường như người Việt Nam đang phải oằn mình chịu một mức thuế và các loại chi phí quá lớn do với sức mình?
TS Đăng Doanh: Cái đó là không phải bàn cãi! Với mức thu nhập trung bình thấp của Việt Nam (hơn 2.160 đôla/người) thì Ngân hàng Thế giới khuyên chúng ta chỉ nên huy động 18% GDP thôi. Hiện nay, ta huy động 31-35% GDP, thực sự là cao quá mức, đẩy gánh nặng thuế khóa lên người dân.
So sánh với Trung Quốc, họ thu nhập 8.100 đô/người mà họ huy động 17% GDP thôi, tức là phần họ để lại cho người dân rất cao. Cho nên tôi phải cảnh báo việc chúng ta hiện nay đang có nguy có trở thành một nước có mức thuế cao.
Những loại thuế phí tăng liên tục gần đây chính là để giải quyết vấn đề thâm hụt ngân sách.
+ Và chuyện thâm hụt ngân sách đó là do dân đóng thuế chưa đủ hay gì khác?
TS Lê Đăng Doanh: Chúng ta thâm hụt ngân sách vì chúng ta đầu tư tràn lan, để thất thoát quá nhiều và chúng ta chi tiêu một cách quá tùy tiện. Có một đại biểu Quốc hội từng phát biểu rằng nếu cứ chi tiêu như thế này thì không ngân sách nào chịu được.
Tôi nhớ mãi một câu chuyện này, có lần Thủ tướng Phạm Văn Đồng đi thăm Thụy Điển để vận động họ viện trợ cho mình sau khi Mỹ ném bom vào tháng 12 năm 1972. Sau khi về, ông Phạm Văn Đồng đã lập tức triệu tập cuộc họp Chính phủ. Ông kể về việc nhà vua Thụy Điển đã đãi ông 1 bữa tiệc với chỉ 3 món ăn: món khai vị là rau, món chính là vịt trời mà ông ấy vừa đi săn được, món tráng miệng là hoa quả.
Sau bữa ăn thì ông ấy nói rằng,chúng ta ăn thế là đủ rồi, chúng ta không cần ăn quá no, quá thừa thãi, chúng ta phải tiết kiệm để chúng tôi có tiền giúp đỡ những đất nước như Việt Nam. Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói rằng ông đã cảm thấy rất xấu hổ, ta đang đi ăn xin người ta, mà mâm cơm chiêu đãi của chúng ta thì đầy ê hề thừa thãi. Bấy giờ trở đi, Thủ tướng ra lệnh tiệc chiêu đãi chỉ vừa đủ no thôi, không được thừa.
Hay một nước giàu như Thụy Sĩ mà nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan từng kể, ông đã được Thủ tướng Thụy Sĩ tiếp trong một căn phòng ở một cái bưu điện cũ. Chính khách của Thụy Sĩ đi công tác đều ở trong những cái bốt bưu điện đó, vì đó là của công, chứ không có tiêu chuẩn ở khách sạn đâu.
Một ví dụ nữa, một lần tôi được mời nói chuyện với các quan chức của Mỹ, Thụy Điển, Đức. Khi họ được mời đi ăn cơm sau khi tham dự bài giảng của tôi, ông giáo sư tổ chức hội thảo đó chỉ trả tiền cho tôi, còn tất cả những người khác phải tự trả tiền. 
Đặc biệt, tôi đã thấy có cố vấn của những Thượng nghị sĩ Mỹ họ tự tính biên lai và tự trả tiền. Tôi có hỏi vì sao phải làm thế thì vị cố vấn ấy nói rằng, nghề cố vấn cho Thượng nghị sỹ là nghề rất chặt chẽ, nếu sau này cơ quan kiểm toán phát hiện ra tôi đã ăn cơm với ông, ông trả tiền cho tôi, thì lúc bấy giờ sự tin cậy dành cho tôi không còn nữa và họ sẽ đưa tôi ra tòa.
Ông Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Thụy Điển, là bạn cũ của tôi, có lần dự một cuộc họp ở Paris, cuộc họp rất căng thẳng cãi nhau 14 tiếng. Ông Thứ trưởng thấy rằng mình thất bại, lập trường của mình không được thông qua thì chán nản, đi ăn ở một tiệm hết khoảng 480 USD và đưa cho cô tài vụ Bộ Ngoại giao để thanh toán.
Đến khi cơ quan kiểm toán của Thụy Điển truy ra cái hóa đơn bữa ăn đó, chỉ 15 phút sau, ông Thứ trưởng này viết đơn xin từ chức và chủ động thông báo cho truyền thông.
+ Ông đang lấy chuyện nước khác để so sánh với quan chức nước mình?
TS Lê Đăng Doanh: Đúng vậy! Quay trở lại câu chuyện ở Việt Nam, việc quản lý ngân sách đang quá lỏng lẻo, và để cho bộ phận quan chức tha hóa, lợi dụng để thu lợi cá nhân. Ví dụ, quan chức của ta đi từ Hà Nội vào TP HCM cũng phải đi hạng thương gia. Sao lại phải đi hạng thương gia cho một chuyến bay dài 2 tiếng? Người ta sinh ra hạng thương gia để dành cho những doanh nhân chứ đâu dành cho quan chức?
Ở Thụy Điển, làm quan chức không sướng thế đâu. Quan chức của họ chỉ có bộ trưởng được đi hạng thương gia trong trường hợp phải tham dự những cuộc họp đặc biệt căng thẳng và có chuyến bay quá dài. Từ cấp thứ trưởng trở xuống đều đi hạng phổ thông.
Ngay cả nhà vua Thụy Điển khi sang thăm Việt Nam cũng không sử dụng chuyên cơ. Ông bay máy bay dân dụng qua Bangkok, được Vua Thái Lan mời một bữa cơm rồi tiếp tục bay sang Hà Nội, bay vào TP HCM, bay lại qua Bangkok rồi về Thụy Điển.
Còn nước mình thì sao? Tôi từng tận mắt chứng kiến, có những hội nghị hội thảo do quốc tế tài trợ, các quan khách Việt Nam là nước nhận tiền thì ngồi hạng thương gia, còn Đại sứ, Giám đốc Ngân hàng Thế giới, Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế, đại sứ các nước... đều ngồi hạng phổ thông. Tôi ngồi hạng phổ thông với các đại sứ, Giám đốc Ngân hàng Thế giới..., họ im lặng, ý nhị không nói gì, nhưng tôi tự thấy ngượng ngùng lắm.
Bạn có biết các nước nghiêm khắc với chính khách của mình thế nào không? Tổng thống Mỹ đi thăm Việt Nam về toàn bộ quà đều phải nộp cho ngân khố, trong đó ngân khố quốc gia đánh giá giá trị của các món quà, Tổng thống có quyền được mua lại nếu muốn. Nếu không muốn thì món quà nào có giá trị lịch sử, văn hóa sẽ được sung công đưa vào bảo tàng, hoặc có những món sẽ đưa ra đấu giá và đưa vào ngân khố, chứ không phải ông được tự ý đem quà mang về nhà.
Chúng ta hãy học theo các quy tắc đó. Hãy giảm bớt cái “đẳng cấp” đi, các chi tiêu không cần thiết. Có doanh nghiệp nói, rất nhiều cuộc nhậu có mặt các quan chức, khi gần tàn bữa nhậu thì gọi điện cho doanh nghiệp đến trả tiền. Đấy là chuyện vừa vô lễ, vừa phạm pháp, vừa không thể chấp nhận được. Doanh nghiệp họ nói rằng ngoài việc đóng thuế, thì chi tiêu ngoài pháp luật là rất lớn, ngày một tăng chứ không hề giảm xuống, từ 64% nay đã lên đến 67%.
Theo một điều tra của Ngân hàng Thế giới, muốn kiếm 1 đồng lãi thì phải đút lót 0,72-1,02 đồng. Nên kinh doanh ở Việt Nam là rất khó nhọc, mệt mỏi. Vừa phải chịu mức thuế vượt quá nhiều mức khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới, vừa chịu nhiều gánh nặng về chi phí ngoài pháp luật, nó tạo cho người dân quá nhiều gánh nặng cả về tài chính và kinh doanh.
Như hôm rồi báo chí nói đến chuyện 3 tỷ USD đã được người Việt Nam mua nhà ở Mỹ. Tôi tin còn nhiều tỷ USD khác nữa tương tự ở các nước khác.
Có một thực tế là hiện nay có một số người dân Việt Nam thành đạt, họ bán lại doanh nghiệp cho người nước ngoài để sang kinh doanh ở một đất nước khác. Đó là điều rất mất mát cho đất nước, cả về kinh tế và trí tuệ. Họ có thể ra đi vì muốn tìm kiếm môi trường sống tốt hơn, nhưng tôi không loại trừ lý do trong số đó có những người đã cảm thấy quá sức chịu đựng với môi trường kinh doanh ở Việt Nam.
+ Vậy đâu sẽ là lời giải cho bài toán ngân sách?
TS Lê Đăng Doanh: Nghị quyết 07/2016 của Bộ Chính trị có cho biết rõ, phê phán hàng loạt các điều: chi tiêu ngân sách, đầu tư công kém hiệu quả... Bây giờ phải thực hiện theo cái đó, phải nhìn vào hiện thực chứ không phải tăng thuế. Ví dụ như chúng ta phải quyết tâm giảm biên chế, giảm diện Nhà nước trả lương. 30% công chức là không có tác dụng, vậy thì hãy giảm đi.
Không phải không có cách nếu chúng ta ngừng xây tượng đài, ngừng việc mua vé hạng thương gia cho quan chức cỡ vừa vừa, cân nhắc kĩ trước mỗi quyết định chi ngân sách như một người nghèo đang thắt lưng buộc bụng! Đó mới là cách giải quyết khó khăn hiện nay chứ không phải đẩy gánh nặng thuế lên người dân, biến người dân thành con nợ của nền kinh tế.
+ Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
(Theo CAND) Hương Thảo Nguyên thực hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét