Trường lạm thu do... hội phụ huynh!?
Cập nhật lúc 14:51
Đầu năm
học mới, nhiều trường đưa ra những khoản thu "trên trời" khiến phụ
huynh bức xúc. Bị phản ảnh, nhà trường lại đem hội phụ huynh ra làm "lá
chắn".
Câu trả lời
chung của các trường khi việc lạm thu bị phanh phui luôn là: do hội phụ huynh
bàn bạc và tiến hành thu.
Tất cả là do... hội phụ huynh
Tại
Trường tiểu học Chu Văn An (TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), mỗi học sinh lớp 1
phải đóng hơn 16 triệu đồng, bao gồm các khoản thu khác nhau. Nhà trường nói
không phải do họ đề xuất mà do... trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh đưa ra.
Trước
đó, tại Trường THPT Ba Đình (huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa), mỗi học sinh
tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 phải đóng 200.000 đồng. Bị phản ảnh,
hiệu trưởng và phó hiệu trưởng nhà trường trả lời: "Nhà trường không chỉ
đạo thu và không đứng ra thu. Tất cả do hội phụ huynh học sinh của trường tự
đứng ra thu của các phụ huynh có con thi THPT quốc gia".
Tại
TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu, phụ huynh phản ảnh một số trường tiểu học thu
tiền lót nền, lắp máy lạnh... Phụ huynh nào không đóng những khoản tiền nêu
trên, giáo viên sẽ "điểm danh" bằng việc gọi tên học sinh đứng lên
trong lớp, làm học sinh xấu hổ.
Ông
Nguyễn Tấn Khương - chánh văn phòng kiêm người phát ngôn UBND tỉnh Bạc Liêu -
trả lời báo chí: "Các trường cho rằng những khoản thu này đều là "ý
nguyện" của hội phụ huynh học sinh".
Cứ
cho rằng ý nguyện này là có thật và là ý nguyện chính đáng, nhưng nếu hiệu
trưởng nhà trường không đồng thuận thì hội phụ huynh nào dám làm?
"Cánh tay nối dài"
của ban giám hiệu
Theo
điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh do Bộ GD-ĐT ban hành năm 2011, ban đại
diện (trước đây gọi là hội phụ huynh học sinh) được tổ chức trong mỗi năm
học, do cha mẹ hoặc người giám hộ học sinh đang theo học ở từng lớp, từng
trường cử ra, để phối hợp với nhà trường thực hiện các hoạt động giáo dục.
Mỗi
trường có một ban đại diện gồm trưởng ban, các phó trưởng ban và các thành
viên thường trực. Mỗi lớp có một ban đại diện, từ 3-5 thành viên, trong đó có
trưởng ban và một phó trưởng ban.
Ở
các trường, phụ huynh tham gia ban đại diện theo 2 hình thức: tự nguyện hoặc
được nhà trường, giáo viên mời tham gia. Đó thường là những phụ huynh có điều
kiện về thời gian, kinh tế gia đình khá giả, có học thức hoặc có địa vị xã
hội.
Trên
thực tế có những ban đại diện chính là "cánh tay nối dài" của ban
giám hiệu nhà trường. Vì phụ huynh tham gia ban đại diện ngoài những phụ
huynh tâm huyết với giáo dục, cũng có một số người tham gia vì mục đích cá
nhân: để con em mình được ưu tiên hơn các bạn đồng lứa, để tạo sự thân tình
với hiệu trưởng nhằm dễ bề xin xỏ này nọ...
Do
vậy, họ thường không dám phản biện với những mục tiêu trang bị, sửa chữa,
nâng cấp... mà nhà trường đưa ra, dù nó vô lý và quá đáng.
Điệp khúc "trường không
biết"
Ở
những trường có ban đại diện dạng này, vào đầu năm học, ban giám hiệu sẽ làm
việc với ban đại diện về những "công trình" cần chi tiền, với tổng
kinh phí là X tiền, rồi giao nhiệm vụ cho ban đại diện thu đủ khoản tiền ấy,
đương nhiên là với danh nghĩa của ban này.
Ở
TP.HCM, có nhiều trường lạm thu, khi báo chí đến trường tìm hiểu sự việc,
trường gọi ngay cho trưởng ban đại diện đến để tiếp nhà báo, vì: "Công
trình này của phụ huynh, do ban đại diện vận động thực hiện chứ nhà trường
không biết!".
Đây
là cách trả lời rất vô trách nhiệm của lãnh đạo nhà trường. Bởi Nhà nước đã
phân công hiệu trưởng quản lý ngôi trường, với mọi hoạt động xảy ra tại
trường thì hiệu trưởng phải biết và phải chịu trách nhiệm.
Hơn
ai hết, chính ban giám hiệu nhà trường phải là người định hướng cho hoạt động
của ban đại diện trường, còn giáo viên chủ nhiệm là người "cầm
trịch" cho hoạt động của ban đại diện lớp, với mục tiêu lớn nhất chính
là giáo dục học sinh sao cho đạt hiệu quả cao, chứ không phải thu tiền cho
nhiều.
Thế
nên, trường nào để xảy ra tình trạng lạm thu thì trước hết ban giám hiệu nhà
trường phải chịu trách nhiệm đầu tiên và bị kỷ luật, chứ không phải đá quả
bóng trách nhiệm sang cho ban đại diện.
Ban đại diện cha mẹ học sinh làm gì?
- Kiến nghị với hiệu trưởng những biện pháp cần thiết
nhằm thực hiện nhiệm vụ năm học của trường và về quản lý, giáo dục học sinh.
- Quyết định chi tiêu phục vụ các hoạt động của ban đại
diện từ nguồn ủng hộ, tài trợ tự nguyện.
- Phối hợp với hiệu trưởng tổ chức thực hiện nhiệm vụ
năm học và các hoạt động giáo dục theo nội dung được thống nhất tại cuộc họp
đầu năm học của ban đại diện.
- Phối hợp với hiệu trưởng hướng dẫn, tuyên truyền, phổ
biến pháp luật, chủ trương chính sách về giáo dục với cha mẹ học sinh, nhằm
nâng cao trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ, giáo dục học sinh.
- Phối hợp với hiệu trưởng giáo dục đạo đức cho học
sinh; bồi dưỡng, khuyến khích học sinh giỏi, giúp đỡ học sinh yếu kém; giúp
đỡ học sinh nghèo, học sinh khuyết tật và học sinh có hoàn cảnh khó khăn
khác; vận động học sinh đã bỏ học trở lại học...
Kết quả hoạt động của ban đại diện là một trong những tiêu
chuẩn xét thi đua khen thưởng đối với các cơ sở giáo dục.
(Theo
Điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh do Bộ GD-ĐT ban hành năm 2011)
(Theo TTO) HOÀNG HƯƠNG
|
Thứ Tư, 13 tháng 9, 2017
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét