Thứ Tư, 27 tháng 9, 2017

Nhiều nguyên lãnh đạo của TrustBank bị khởi tố

Cập nhật lúc 09:16    
             
Cục CSĐT tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) - Bộ Công an đã thi hành lệnh khởi tố bị can, khám xét và cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 14 bị can nguyên là lãnh đạo Ngân hàng TMCP Đại Tín (TrustBank).


Bà Hứa Thị Phấn (ảnh nhỏ) và trụ sở Ngân hàng Xây dựng VN - chi nhánh Lam Giang Ảnh: Ngọc Dương - Đ.N.Thạch

Hôm qua 26.9, Cục CSĐT tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) - Bộ Công an đã thi hành lệnh khởi tố bị can, khám xét và cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 14 bị can nguyên là lãnh đạo Ngân hàng TMCP Đại Tín (TrustBank).
14 bị can bị khởi tố vì có vai trò giúp sức cho bà Hứa Thị Phấn (ngụ Q.Thủ Đức, TP.HCM, nguyên cố vấn cao cấp HĐQT TrustBank); ký các biên bản họp HĐQT chấp thuận cho TrustBank mua nhiều bất động sản bất hợp lý, trái quy định, gây thiệt hại cho TrustBank hàng nghìn tỉ đồng.
Trong đó, có 4 bị can bị bắt tạm giam gồm: Ngô Kim Huệ (nguyên Phó tổng giám đốc TrustBank), Ngô Nguyễn Đoan Trang (nguyên Phó tổng giám đốc TrustBank), Bùi Thị Kim Loan (kế toán Công ty TNHH Phú Mỹ), Lâm Hứa Quỳnh Trinh (thủ quỹ kiêm thủ kho Ngân hàng TM TNHH MTV Xây dựng VN - chi nhánh Lam Giang). Các bị can này bị khởi tố về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Ngay trong đêm 26.9, C46 đã dẫn giải 4 bị can này ra trại giam T16 (Hà Nội) để phục vụ việc điều tra vụ án. Khám xét nơi ở của các bị can, cơ quan điều tra thu giữ một số hồ sơ, tài liệu liên quan đến các sai phạm của bà Phấn và các bị can trong vụ án này.
Riêng bà Hứa Thị Phấn đang điều trị bệnh tại một bệnh viện ở Q.7 (TP.HCM), CQĐT cũng đã tống đạt quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can từ tội danh cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng sang tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Trước đó, tháng 3.2017, C46 đã thi hành lệnh khởi tố bị can, lệnh khám xét nơi ở của bà Phấn về hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Chiều qua, C46 còn tống đạt các quyết định khởi tố bị can, khám xét nơi ở, nơi làm việc của các bị can nguyên lãnh đạo, cán bộ của TrustBank gồm: Bùi Thế Nghiệp (Trưởng phòng Định giá tài sản Công ty xử lý nợ TrustBank), Nguyễn Vĩnh Mậu (nguyên Phó chủ tịch HĐQT TrustBank) và các thành viên HĐQT, nhân viên TrustBank với vai trò đồng phạm giúp sức cho bà Phấn.
Bà Phấn bán "cục nợ" cho Phạm Công Danh như thế nào?
Tháng 9.2016, TAND TP.HCM tuyên án bị cáo Phạm Công Danh và đồng phạm, đồng thời ra quyết định khởi tố tại tòa vụ án liên quan đến những sai phạm xảy ra tại TrustBank. Trong đó, bà Phấn và một số nguyên lãnh đạo, cán bộ TrustBank có hành vi sai phạm dẫn đến thiệt hại hơn 6.000 tỉ đồng trước khi chuyển nhượng cho Phạm Công Danh.
Tài liệu điều tra xác định, đầu năm 2012, Ngân hàng Nhà nước có chủ trương tái cơ cấu và sáp nhập các ngân hàng TMCP yếu kém. Do muốn thâu tóm TrustBank về Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank), nên Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank) đến gặp bà Hứa Thị Phấn là cổ đông lớn, đại diện nhóm cổ đông của TrustBank, đặt vấn đề chuyển giao lại TrustBank cho Thắm.
Ngày 23.2.2012, Hứa Thị Phấn giao cho cháu là Ngô Kim Huệ (lúc đó là thành viên HĐQT, Phó tổng giám đốc TrustBank) đại diện nhóm cổ đông của bà Phấn ký hợp đồng với Hà Văn Thắm để bán 254.751.970 cổ phần (tương đương 84,92% vốn điều lệ TrustBank), tổng giá trị theo hợp đồng là gần 5 tỉ đồng, kèm theo việc kế thừa toàn bộ nghĩa vụ trả nợ và một số nghĩa vụ khác của bà Phấn tại TrustBank.
Ký hợp đồng xong, Hà Văn Thắm cho người vào quản lý, tiếp quản TrustBank, nhưng sau đó phát hiện có một số khoản vay lớn, dư nợ xấu không có khả năng thu hồi, cũng như nhiều mối quan hệ phức tạp giữa bà Phấn và các nhóm khách hàng nên Hà Văn Thắm nảy sinh ý định chuyển nhượng lại TrustBank.
Do có quen biết với Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh), Thắm đã đặt vấn đề và Danh đồng ý mua lại TrustBank từ Thắm. Sau khi tiếp quản TrustBank, Phạm Công Danh đã làm thủ tục đổi tên thành Ngân hàng TMCP Xây dựng (VNCB).
Chiếm đoạt tiền của TrustBank
CQĐT cũng xác định, bà Phấn mua rất nhiều bất động sản giá rẻ, rồi nâng khống giá lên, bán lại cho TrustBank, nhằm rút của TrustBank hàng nghìn tỉ đồng. Để làm được việc này, không thể không kể đến sự tiếp tay của những người liên quan nguyên là lãnh đạo, cán bộ của HĐQT TrustBank.
Bà Phấn còn chỉ đạo các lãnh đạo, cán bộ của TrustBank giải ngân, hạch toán thu chi khống gần 5.000 tỉ đồng tiền vay đứng tên nhóm Phương Trang tại TrustBank. Bà Phấn đã sử dụng số tiền này để đáo hạn, trả nợ các khoản vay đứng tên các công ty, cá nhân có quan hệ hợp tác với nhóm Phương Trang và nhóm của Công ty TNHH Phú Mỹ. Hành vi này gây thiệt hại cho TrustBank gần 5.000 tỉ đồng.
Ngọc Lê

Bắt tạm giam Kế toán trưởng Tập đoàn dầu khí Việt Nam

Ông Lê Đình Mậu, Kế toán trưởng Tập đoàn dầu Khí Việt Nam đã bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Ông Lê Đình Mậu. Ảnh nguồn Tập đoàn dầu khí Việt Nam

Nguồn tin của Thanh Niên cho biết, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa thực hiện quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam và khám xét đối với Lê Đình Mậu, Kế toán trưởng, kiêm Trưởng ban Kế toán và Kiểm toán Tập đoàn dầu khí Việt Nam về hành cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Cũng về hành vi này, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cũng đã thực hiện quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh khám xét đối với ông Vũ Hồng Chương, nguyên Trưởng ban Quản lý dự án điện lực dầu khí Thái Bình 2 thuộc Tập đoàn dầu khí Việt Nam; Trần Văn Nguyên, Kế toán trưởng Ban Quản lý dự án điện lực dầu khí Thái Bình 2 và Nguyễn Ngọc Quý, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).
Quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam, khám xét đã được Viện Kiểm soát nhân dân tối cao phê chuẩn.
Được biết, cả 4 bị can khởi tố nêu trên có liên quan đến sai phạm các nguyên tắc về tài chính trong quá trình thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Mặc dù mới có chủ trương giao PVC thực hiện gói thầu EPC của dự án, chưa ký hợp đồng, nhưng trước đó Tập đoàn dầu khí Việt Nam đã làm thủ tục chuyển 8,2 triệu USD và hơn 1317 tỉ đồng cho Ban Quản lý dự án điện lực để tạm ứng 6,6 triệu USD và 1312 tỉ cho PVC, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền lãi phát sinh thời điểm tạm ứng đến thời điểm hợp đồng EPC có hiệu lực (11.10.2011) hơn 51,7 tỉ đồng và hơn 66.000 USD.
Cơ quan tố tụng xác định, các khoản thiệt hại gây ra do trách nhiệm của Hội đồng quản trị Tập đoàn dầu khí Việt Nam và một số cá nhân có liên quan.
Thái Sơn
Theo Thanh Niên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét