Thứ Năm, 14 tháng 9, 2017

Vậy là Thủ tướng quyết chưa tăng thuế

Cập nhật lúc 09:39
  
Có vẻ nỗi lo VAT đã phần nào được giải toả khi trong phiên họp Chính phủ vừa qua, Thủ tướng đã có ý kiến yêu cầu Bộ Tài chính chưa tăng thuế phí ngay trong năm 2017.
 
Trong cuộc tranh luận bất tận xung quanh đề xuất tăng VAT và thuế tiêu thụ đặc biệt của Bộ Tài chính, có lẽ chúng ta mới đang chỉ nhìn thấy góc độ ảnh hưởng của việc tăng thuế đối với người dân, trong khi ngay bản thân hiệu quả của việc tăng thuế cũng đã “có vấn đề”!
Những tính toán của TS ĐH Fulbright Vũ Thành Tự Anh cũng cho thấy tỉ trọng đóng góp của VAT trong tổng thu ngân sách của Việt Nam hiện đã khá cao, cao hơn hẳn so với các nước EU - là những nước có thuế suất VAT thuộc nhóm cao nhất thế giới
Với thuế suất VAT phổ thông hiện nay là 10%, VAT đã chiếm tới 27,5% tổng thu ngân sách. Trong khi đó, với mức thuế suất phổ thông trung bình cao hơn hẳn (21,3%), VAT cũng chỉ chiếm trung bình 21,4% tổng thu ngân sách của các nước EU. Tăng thuế suất VAT vì vậy hoàn toàn “không hiển nhiên cải thiện vai trò của sắc thuế này trong tổng ngân sách”.
Huống chi ở góc độ nợ công, việc tăng thuế suất VAT có vẻ cũng không phải là đáp số đúng, bởi nguồn gốc của nợ công và thâm hụt ngân sách nặng nề không phải do thiếu khả năng huy động ngân sách mà chính là do hiệu quả chi ngân sách thấp, trong khi tỉ lệ chi ngân sách hiện đã rất cao, lên tới 28-29% GDP.
Việc tăng thuế VAT để tăng thu ngân sách không những không giải quyết được gốc rễ của vấn đề mà còn tạo điều kiện và dung dưỡng cho việc chi ngân sách “vung tay quá trán” hay các dự án nghìn tỉ đắp chiếu và kém hiệu quả.
Đừng nghĩ DN “chỉ là người thu hộ”, đừng nghĩ VAT không ảnh hưởng đến DN Việt. Giá cả hàng hoá tăng mạnh sẽ khiến sức mua suy giảm. Và cú bật ngược trở lại khiến DN sẽ là người lãnh đủ.
Ngân sách đang rất khó khăn và chỉ có 3 cách tăng thu: Tăng cường xuất khẩu dầu, vay nợ và tăng thuế.
Quyết định “chưa tăng thuế”, đi kèm với yêu cầu (Bộ Tài chính) “cần tập trung chỉ đạo các giải pháp tăng cường quản lý thu, chống thất thu, triệt để tiết kiệm chi, thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính”, nói một cách công bằng, đấy chính là an dân, đấy chính là kiến tạo. Bù đắp nguồn thu bằng cách tiết kiệm chi phí thường xuyên, kiến tạo để DN sống và nộp thuế cũng như giảm gánh nặng thuế phí trên vai người dân, chứ không phải chỉ hoãn binh vài tháng, phải chăng đó mới là kế gốc vững bền!
(Theo Lao Động) ĐÀO TUẤN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét