BOT "tràn"
vào hồ bơi trường học!
Cập nhật lúc 10:00
Kêu gọi tư nhân đầu tư hồ bơi ở trường học, ngành
giáo dục tỉnh Bình Thuận bắt buộc học sinh phải học bơi và thu phí hoàn vốn
Ngày 13-9, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT)
tỉnh Bình Thuận cho biết từ năm học 2017-2018, bơi lội được đưa vào chương
trình dạy học chính khóa tại các trường để thay cho môn học thể thao tự chọn.
Đối với các cấp học THCS, THPT sẽ là 16 tiết, bậc tiểu học 12 tiết/năm cho
môn học này.
Thu hồi vốn bằng các khoản... đóng góp
Nói rõ hơn về quyết định trên, ông Phan
Đoàn Thái, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Thuận, cho rằng việc đưa môn bơi vào
dạy chính khóa là thực hiện chương trình hành động của UBND tỉnh về phòng
chống tai nạn, thương tích ở trẻ em của tỉnh.
Học sinh học bơi tại một cơ sở tư nhân ở TP
Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận Ảnh: TẤN ĐỨC
Theo đó, đối với những trường chưa có hồ bơi thì
nhà trường chủ động hợp đồng cụ thể với các trường học lân cận có hồ bơi để
tổ chức cho học sinh học tập. Đồng thời, kêu gọi các nhà đầu tư có khả năng
để xã hội hóa việc xây lắp hồ bơi tại trường. "Nếu trường học nào cũng
xây dựng hồ bơi thì kinh phí quá lớn, do vậy sở mới chỉ đạo việc xã hội
hóa" - ông Thái nói. Lý giải thêm, ông Thái nhận định việc tư nhân bỏ
vốn để xây dựng hoặc lắp ráp hồ bơi tương tự như hình thức BOT nên họ phải
thu hồi vốn bằng các khoản đóng góp của học sinh. "Chúng tôi biết việc
này có liên quan đến kinh tế gia đình của phụ huynh. Do vậy, đối với học sinh
thuộc diện nghèo, gia cảnh khó khăn, sở chỉ đạo các trường không thu phí học
bơi" - ông Thái khẳng định.
Ông Võ Văn Khải, chuyên viên phụ trách giáo
dục thể chất Sở GD-ĐT tỉnh Bình Thuận, thông tin tại huyện miền núi Tánh Linh
đã có 48/48 trường tiểu học, THCS dạy môn bơi lội, cứu đuối cho học sinh, với
16 hồ bơi cố định và 6 hồ bơi di động do tư nhân đầu tư xây dựng. Còn tại TP
Phan Thiết, theo chỉ đạo của Phòng GD-ĐT thì học sinh của 2 khối lớp 8 và 9
của các trường nội thành bắt buộc học môn bơi, riêng khối lớp 6 và 7 thì tự
nguyện nhưng tất cả đều phải đến các hồ bơi do doanh nghiệp đầu tư hoặc các
resort vì hầu hết các trường đều không có hồ bơi.
Tránh đâu cho thoát!
Đề cập đến học phí, ông Khải tính toán tùy
vào tình hình thực tế đầu tư, từng trường sẽ thu khoảng 12.500 đồng/tiết/học
sinh. Như vậy, với mức phí này thì mỗi học sinh THCS, THPT phải đóng ít nhất
là 200.000 đồng/năm; học sinh tiểu học cũng phải chịu mức học phí ít nhất
150.000 đồng/năm.
Trước thông tin này, nhiều phụ huynh cho
rằng khi Sở GD-ĐT đưa môn bơi vào dạy chính thức cũng đồng nghĩa học sinh
không còn lựa chọn môn thể dục nào khác và phải đóng học phí. Điều này trái
với tinh thần tự do phát triển thể chất theo khả năng, năng khiếu của học
sinh. Thế nhưng, ông Thái lại lý giải rằng học đánh cầu, đá bóng... thì cũng
phải mua giày, vợt, bóng. Học bơi cũng là rèn luyện thể chất, lại có thể tránh
được tai nạn dưới nước.
Không đồng tình với kiểu học bắt buộc trên,
ông Dương Hoàng Dũng, phụ huynh 2 học sinh đang học tiểu học và THCS ở huyện
Tánh Linh, phản ứng: "Con tôi đã biết bơi rồi, bây giờ phải mất tiền để
học bơi tiếp thì rất phi lý. Các cháu muốn chơi bóng chuyền và bóng đá vậy
thì làm sao?".
Một phụ huynh là cán bộ làm việc tại TP
Phan Thiết phân tích cho tư nhân đầu tư thì việc đầu tiên họ tính đến là lợi
nhuận. Ngành giáo dục bắt buộc học sinh học bơi chẳng khác nào tiếp tay cho
người đầu tư kinh doanh chắc ăn. Thời gian khấu hao bao lâu cũng không được
nói đến. Chả lẽ xây một lần rồi rủng rỉnh thu tiền mãi mãi. "Quan trọng
là học sinh phải học đúng môn thể thao mình yêu thích để phát huy năng khiếu
và thể chất phù hợp. Bắt buộc học sinh học những môn nhà trường muốn là điều
phản giáo dục" - phụ huynh này nói.
Khánh Hòa: Tùy
chọn môn thể dục
Theo ông Lê Đình Thuần, Phó Giám đốc Sở
GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa, sở này đã trình đề án "Dạy bơi, phòng chống đuối
nước cho học sinh tiểu học và THCS trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn
2017-2020" để UBND tỉnh phê duyệt và triển khai trong năm học này.
Theo đề án, trong 8 huyện, TP, thị xã của
tỉnh Khánh Hòa, mỗi địa phương sẽ thí điểm xây dựng 2 hồ bơi trong nhà trường
tại những trường có đủ điều kiện và nằm ở vị trí trung tâm để các trường lân
cận có thể sử dụng chung. Kinh phí dự kiến khoảng 5 tỉ đồng lấy từ ngân sách
tỉnh và địa phương. "Sau khi xây hồ bơi thì môn bơi lội sẽ đưa vào
chương trình giáo dục thể chất như một bộ môn chính khóa. Nếu học sinh không
muốn học bơi thì có thể học các môn khác như cầu lông, bóng bàn, cờ vua…
K.NAM
Không được ép
buộc
Ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể
chất - Bộ GD-ĐT, cho biết trong hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục thể
chất, hoạt động thể thao và y tế trường học năm học 2017-2018 vừa được bộ
trưởng Bộ GD-ĐT ban hành, một trong những nội dung quan trọng là đẩy mạnh
công tác truyền thông giáo dục xây dựng trường học an toàn, chú trọng đến
công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức kỹ năng phòng tránh tai nạn đuối
nước, đẩy mạnh việc dạy bơi cho học sinh, sinh viên. Bộ GD-ĐT yêu cầu các sở
GD-ĐT, các trường ĐH, CĐ tăng cường chỉ đạo, khuyến khích nhà trường, cơ sở
giáo dục đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư bể bơi trong trường học, tổ chức dạy bơi
cho học sinh - sinh viên trong và ngoài nhà trường.
Theo ông Duy Anh, việc các trường lựa chọn
môn thể thao đủ điều kiện và phù hợp thực tế của mình để đưa vào nhà trường
dạy chính khóa là hoàn toàn đúng quy định. Trong điều kiện ngân sách của các
địa phương còn hạn hẹp, việc xã hội hóa xây dựng bể bơi là cần thiết. Tất
nhiên, việc xã hội hóa phải có sự thống nhất của phụ huynh chứ không thể thu
học phí tùy tiện. "Mức phí học bơi 200.000 đồng/năm không phải là quá
cao, mang tính chất phục vụ học sinh là chính. Tuy nhiên, nếu phụ huynh không
đồng ý thì cũng không được thu. Trường hợp học sinh không có tiền học bơi thì
nhà trường phải có phương án thứ hai, tức là chọn một môn khác từ các môn tự
chọn để học sinh luyện tập chứ không được ép buộc" - ông Duy Anh nhấn
mạnh.
Y.ANH
(Theo Người Lao Động) Lê Trường
|
Thứ Năm, 14 tháng 9, 2017
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét