Đã 38 năm trôi qua, 9 người phải ngồi tù oan gần 4 năm chưa được
một lời xin lỗi
Cập nhật lúc 15:40
Dựa trên lời khai của một
người bị Công an xã bức cung, nhục hình mà… khai đại, Công an huyện Trảng
Bàng đã bắt 9 người, tra tấn, buộc họ nhận tội cướp, cất giấu tài sản và giam
gần 4 năm. Sau khi cơ quan tố tụng tỉnh Tây Ninh nhận ra oan sai, trả tự do
cho họ, nhưng không có kết luận điều tra, không bản án và một lời xin lỗi,
khiến cả 3 gia đình phải bỏ địa phương tha phương cầu thực gần 4 chục năm.
Điều hi hữu trong vụ án này, chính Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) tỉnh Tây Ninh
cũng khẳng định, do Công an huyện Trảng Bàng bức cung nhục hình, bắt họ nhận
tội…
Kì 1: Bắt giam người theo nghi vấn, Viện KSND tỉnh cho
rằng Công an huyện bức cung, nhục hình
Cập nhật lúc 15:53
“Một nhà sửng sốt, ngẩn
ngơ/Tiếng oan dậy đất, án ngờ lòa mây”
Vào đêm 26/7/1979, dựa trên lời khai của một người bị Công an xã
đánh đau quá mà… khai đại, Công an huyện Trảng Bàng đã bắt 9 người của 3 gia
đình ở ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận, tra tấn, nhục hình và giam họ đến 4 năm
(từ 1979 – 1983). Trong số 9 người bị giam, 8 người có quyết định đình chỉ vụ
án và trả tự do của Viện KSND tỉnh Tây Ninh, riêng chị Nguyễn Thị Nhung, bị
bắt giam 4 năm cùng mẹ, khi mới 2,5 tháng tuổi, nên không có quyết định đình
chỉ vụ án.
Cùng chung số phận trong đêm định mệnh đó, có ông Nguyễn Văn
Dũng (khi đó mới 21 tuổi), là Thượng sĩ, thuộc đơn vị C.19, E.774, F.317,
Quân khu 7 đang tham gia nghĩa vụ quốc tế tại chiến trường Cămphuchia, bị bắt
khi về nước công tác ghé thăm nhà.
Điều đáng nói, nếu 9 người sau khi có quyết định đình chỉ vụ án
đều về địa phương, thì vụ án oan, với hành vi tra tấn, nhục hình có một không
hai này sẽ đi vào quên lãng, do giấy tờ nộp lại cho xã và đã biến mất. May
thay, cựu chiến binh Nguyễn Văn Dũng, khi được trả tự do, đã không về địa
phương, nên là người duy nhất còn giữ lại được quyết định đình chỉ điều tra
vụ án, thực hiện việc khiếu kiện cho đến hôm nay, cũng là cơ hội cho phóng
viên Báo Người cao tuổi tìm gặp lại các nhân chứng, nghe kể lại những ngày họ
bị bắt giam và những hình thức tra tấn dã man của Công an huyện Trảng Bàng.
Không chỉ qua lời kể của nhân chứng, mà trong phần nội dung sự
việc tại quyết định đình chỉ vụ án của Viện KSND tỉnh Tây Ninh, do Phó Viện
trưởng Trịnh Quốc Anh kí, cũng nêu: “Công an đã nhục hình họ, buộc họ nhận
tội cướp tài sản. Việc họ đều đã nhận tội cướp và cất giấu tài sản là do Công
an nghi vấn, bắt điều tra, nhục hình buộc họ nhận chứ họ không phạm tội này”.
Vụ việc đã trôi qua 38 năm, trong 9 người bị bức cung, nhục hình
của vụ án oan sai này, một người đã chết, một người đi biệt xứ, còn lại 7
thành viên thì đều ốm đau, bệnh tật mà theo họ, nguyên nhân do những trận đòn
tra tấn của Công an huyện Trảng Bàng 38 năm về trước. Khi bỗng dưng bị công
an đến nhà bắt, tất thảy họ đều ngỡ ngàng, chẳng hiểu chuyện gì đã xảy ra.
Đến khi biết bị bắt oan, nhưng họ cũng không thể kêu oan, bởi những trận mưa
đòn trút xuống thân thể, cùng những khủng hoảng tâm lí khó có bút mực nào tả
xiết… Quả đúng như cụ Nguyễn Du đã tả trong truyện Kiều: “Một nhà sửng sốt,
ngẩn ngơ/Tiếng oan dậy đất, án ngờ lòa mây”.
Văn bản của Viện KSND tỉnh “tố”
Công an huyện
Để bạn đọc hiểu rõ về vụ việc, chúng tôi đăng nguyên văn phần
nội dung sự việc trong quyết định đình chỉ điều tra của Viện KSND tỉnh Tây
Ninh, do ông Trịnh Quốc Anh, Phó Viện trưởng thời kì đó kí:
“Vào khoảng 23 giờ đêm ngày 26/7/1979 xảy ra vụ cướp tại nhà
Nguyễn Văn Đơ, ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh.
Do Ấp đội và Công an nghe Nguyễn Văn Đơ báo cáo, trong đám cướp, ngoài súng
M16, Carbine và súng ngắn còn có con dao loại trắng thường sử dụng để bán
bánh mì. Công an Ấp và Ấp đội nghi ngờ tên Hồ Long Chánh có con dao loại này,
nên chỉ sau 30 phút, Công an đã bắt Hồ Long Chánh để điều tra. Ấp, Xã hăm dọa
và Công an đánh Chánh, nên Chánh đã nhận và khai thêm cho Nguyễn Văn Dũng,
Nguyễn Văn Chiến, Nguyễn Văn Dũng và Nguyễn Thành Nghị (có hai người đều tên
Nguyễn Văn Dũng). Xã bắt tiếp những người này sau đó đưa về Công an huyện
điều tra, nhục hình họ, buộc họ nhận tội lấy tài sản của anh Đơ đem về cho vợ
con họ cất giấu, và cơ quan điều tra lại bắt tiếp vợ con họ là Nguyễn Thị
Lan, Võ Thị Thương, Nguyễn Thị Ngọc Lan, họ cũng bị nhục hình buộc họ nhận có
cất giấu tài sản cướp được, nhiều lần Công an dẫn đến lấy nhưng không có, mà
chỉ có 5 chỉ vàng được ông Hồ Thủy Trực, cha của Hồ Long Chánh đem nộp để bảo
lãnh Chánh về, ngoài con dao của Chánh và 5 chỉ vàng của ông Trực thì không
thu được gì là tang vật trong vụ án.
Như vậy việc họ đều đã nhận tội cướp và cất giấu tài sản cướp
được là do từ nghi vấn, bắt điều tra, nhục hình buộc họ nhận tội chớ họ không
phạm tội này”.
Từ người lính xuất sắc trở
thành “kẻ đào ngũ”!?
Từ khi bắt giam đến lúc trả tự do cho ông Dũng, các cơ quan tố
tụng tỉnh Tây Ninh không có bất kì thông báo nào gửi cho đơn vị của ông. Vì
thế, Thượng sĩ Nguyễn Văn Dũng bị đơn vị xếp vào trường hợp “đào ngũ”. Do đó,
sau khi được trả tự do, ông tìm về đơn vị mới ngã ngửa rằng mình bị từ chối…
vì đào ngũ. Từ đó, ông phải sống phiêu bạt, làm thuê, cuốc mướn để kiếm sống
qua ngày. Ông cũng không dám về địa phương, vì mang thận phận của thằng lính
đào ngũ và một thằng kẻ cướp.
Tuy bị lâm vào cảnh đường cùng, nhưng với bản lĩnh của người
lính, ông kiên trì, vừa làm thuê kiếm sống, vừa làm đơn khiếu nại gửi các
cấp. Đến tận năm 2000, ông mới được Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và Sư đoàn 317 xác
minh, công nhận ông bị oan sai, trả lại danh dự quân nhân cho ông, với lí do
việc gây nên oan trái là từ các cơ quan tố tụng của tỉnh Tây Ninh.
Đối với cá nhân ông Dũng, tuy đã được đơn vị Quân đội trả lại
danh dự, nhưng về dân sự thì ông và 8 người khác bị oan sai, đến nay chưa
được ai minh oan, bồi thường thiệt hại về danh dự, nhân phẩm theo quy định
của Nhà nước, mặc dù ông đã có nhiều đơn gửi từ địa phương đến Trung ương.
May mắn cho ông Dũng, ông gặp được người vợ hết mực thương yêu, đùm bọc, luôn
chia sẻ với ông nỗi đau về tinh thần và thể xác, hết mực chăm sóc mỗi khi
trái gió trở trời, thân thể đau đớn. Ông Dũng tâm sự: “Nếu không có vợ tôi,
có lẽ tôi lại trở thành tội phạm. Đã có lúc vì đi kêu khắp nơi không thấu,
tôi uất ức đã định xách súng đi hỏi tội những người từng đưa chúng tôi vào
lao lí, nhục hình, bức cung chúng tôi suốt thời gian dài. Nhưng vợ tôi ngăn
lại bảo, anh hãy tin rồi một ngày nào đó anh sẽ được minh oan, được bù lại
những mất mát anh phải hứng chịu, anh hãy tin trên đời này còn nhiều người
tốt. Vì thế tôi đã từ bỏ suy nghĩ tiêu cực này”.
(Còn nữa)
(Theo Ngày mới Online) Kiều Liệu – Hoàng Linh
|
Thứ Tư, 13 tháng 9, 2017
Vụ án bức cung, nhục hình, oan sai ở huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh:
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét