Thứ Sáu, 15 tháng 9, 2017

BOT băn khoăn trạm thu phí tự động: Không có độc quyền
Cập nhật lúc 09:03

Nếu không thể thỏa thuận các điều kiện với VETC, chủ đầu tư có quyền lựa chọn nhà thầu khác, chứ không có độc quyền.

Chủ đầu tư BOT có quyền lựa chọn nhà cung ứng
Tính đến ngày 31/8, vẫn còn hai nhà đầu tư chưa ký hợp đồng là Liên danh Công ty TNHH Sản xuất và xây dựng Thi Sơn - Công ty Cổ phần Thương mại và Tư vấn đầu tư xây dựng, chủ đầu tư dự án BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp và Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng 194, đơn vị quản lý dự án BOT Cam Thịnh - Khánh Hòa.
Lý giải nguyên nhân chậm trễ ký hợp đồng thực hiện thu phí không dừng, theo các nhà đầu tư hợp đồng BOT sẽ khó có sự minh bạch trong việc thu phí nếu chỉ có một nhà cung ứng dịch vụ thu phí cho tất cả các trạm. Đồng thời, không chấp nhận có đơn vị thứ 3 xen vào giai đoạn khai thác kinh doanh.
Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 14/9, ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ, Bộ GTVT cho biết: "Lợi ích của việc áp dụng thu phí điện tử không dừng là không thể phủ nhận. Triển khai thu phí không dừng sẽ khiến mọi việc trở nên rõ ràng, minh bạch hơn bao giờ hết.
Sẽ có tới 6 thành phần có thể kiểm soát được việc thu phí, đó là Bộ GTVT, Bộ Tài chính, Bộ Công an, chủ đầu tư BOT, nhà cung cấp dịch vụ và chủ xe.
Còn việc nhà thầu VETC được lựa chọn cung cấp dịch vụ thu phí tự động cho 28 trạm thu phí là do sau 1 năm không có đơn vị nào tham gia, nên Chính phủ quyết định lựa chọn VETC.


Vẫn rộng cửa với nhà đầu tư thu phí không dừng

Ngay cả 2 trạm thu phí kia nếu không thích làm với VETC thì có thể lựa chọn các nhà cung cấp công nghệ thu phí tự động khác. Tuy nhiên, nhà cung cấp đó phải được Bộ GTVT thẩm tra, chấp thuận và nhà đầu tư phải chiụ trách nhiệm tự kết nối với hệ thống của Tổng cục.
Đồng thời, bắt buộc phải kết nối với trung tâm quản lý các trạm thu phí theo hợp đồng BOO (Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh), tất cả các nhà đầu tư công nghệ thu phí tự động cho hơn 100 trạm thu phí đều phải kết nối về đó, để Tổng cục giám sát.
Còn việc các nhà đầu tư BOT muốn tự quản lý hệ thống thu phí không dừng là không thể.
Vì để thống nhất một đầu mối quản lý, Chính phủ đã có chủ trương để nhà cung cấp đứng ra giám sát, sau đó mọi dữ liệu sẽ truyền về cho Tổng cục đường bộ quản lý, chứ không có chuyện để cho đơn vị thứ 3 quản lý như lo lắng của nhà đầu tư".
Bên cạnh đó, theo ông Huyện, dù lắp công nghệ thu phí không dừng của đơn vị nào thì cuối cùng các nhà đầu tư BOT vẫn phải hoàn thiện trước tháng 10/2017, chứ không thể trì hoãn hơn được nữa.
Cứ là một người dân bình thường, đặt câu hỏi tại sao 25 nhà đầu tư làm hết chỉ còn 2 nhà không làm, đó chính là cố tình không chịu minh bạch, đến 30/10, đơn vị nào chưa lắp thì Tổng cục sẽ kiến nghị Bộ GTVT cho dừng thu phí.
Viettel nếu đủ năng lực vẫn được tham gia cung cấp dịch vụ
Trước thông tin Viettel đã gửi đề nghị lên Bộ trưởng Bộ GTVT, mong muốn cùng phối hợp triển khai dịch vụ thu phí tự động không dừng ETC hồi tháng 3, ông Huyện cho biết thêm: "Bất kỳ nhà đầu tư nào đủ năng lực đều có thể đăng ký lên Bộ GTVT, vẫn còn nhiều trạm thu phí BOT, nên thoải mái, chỉ cần đủ năng lực là được tham gia, chứ không có chuyện độc quyền.
Thực tế, đến nay đã có nhiều nhà đầu tư cũng được tham gia vào cung cấp dịch vụ thu phí tự động tại các trạm thu phí, như Pháp Vân - Cầu Giẽ đến nay đã gần xong. Cũng có nhiều ông lớn đang tham gia vào thị trường như Viettinbank, Viettel, VNPT, FPT...".
Theo ông Huyện, Bộ luôn mở rộng cửa đối với các nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng đủ điều kiện. Đơn vị nào cung cấp cũng được nhưng phải đàm phán giá dịch vụ và phải kết nối liên thông. Bộ không bắt buộc phải ký với nhà cung cấp dịch vụ nào.
Không có chuyện làm sai số liệu
Trước những lo ngại 27 dự án chỉ có một nhà đầu tư liệu có chuyện khó minh bạch, thông đồng sửa đổi phần mềm làm sai số liệu, theo ông Huyện, không thể có chuyện đó.
Bất cứ nhà cung cấp dịch vụ nào cũng đều phải bảo hành suốt đời dự án, nên không sợ thông đồng, không thể thay đổi phần mềm vì làm sai số liệu là bị đền bù gấp 30 lần, 5 lần sai thì đuổi ra khỏi dự án, một năm bị một lần phạt thì đưa đơn vị khác vào.
Có cơ quan giám sát nhà nước là Tổng cục đường bộ thì sẽ không có chuyện làm sai, thông đồng lợi ích ở đây. Các nước trên thế giới hiện nay đã làm hết rồi và họ rất thành công, không có lý gì chúng ta không làm được.
"Cứ 1 ngày thu 30 triệu đồng mà làm sai thì nhân lên 5 lần phạt 150 triệu đồng là được, cứ như vậy thì làm sao mà dám vi phạm", ông Huyện nhấn mạnh.
(Theo ĐVO) Châu An

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét