Tổng kiểm tra việc bổ nhiệm cán bộ
để tránh "ngồi nhầm ghế"
Cập nhật lúc 15:30
Chủ nhiệm UB Tư pháp vừa kiến nghị
Chính phủ chỉ đạo tổng kiểm tra công tác bổ nhiệm cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo
trên cả nước để trả lời dư luận, cử tri.
Đề nghị này là cần thiết sau một loạt
các vụ kỷ luật một số lãnh đạo cao cấp như Bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí
Minh Đinh La Thăng, Thứ Trưởng Hồ Thị Kim Thoa, Phó chủ tịch Hậu Giang Trịnh Xuân
Thanh, Bí thư thành Uỷ Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh Chủ tịch tỉnh Đà Nẵng Huỳnh
Đức Thơ, Lãnh đạo Tập đoàn Hoá chất và Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ… Họ đều là
những cán bộ cao cấp, những người được giao nắm trọng trách trong bộ máy quản
lý.
Câu chuyện Hải Dương chưa hết nóng đã lan
sang câu chuyện ở Vĩnh Phúc, Sở giáo dục có 45 cán bộ trong đó 39 người có
chức vụ. Qua đó cần phải có suy nghĩ và có thái độ phê phán nghiêm túc. Thậm
chí có rất nhiều nơi ở tổ chức, cơ quan ban Đảng ở cấp viện hay thị xã không
có một chuyên viên nào, đa số là cán bộ, chủ yếu là trưởng ban và phó ban
trong khi chúng ta đang cần chất lượng của những người trực tiếp làm việc. Xu
hướng chạy theo quan chức, chức vụ đang ngày càng nhiều. Cái không bình
thường là ở chỗ cán bộ nhiều hơn nhân viên.
Tôi đã theo dõi thông tin trên các
phương tiện thông tin đại chúng liên tục trong nhiều năm nay, nhất là thời
điểm sau ĐH 12 có rất nhiều biểu hiện mà báo chí nêu với tinh thần phê phán
như lợi dụng chức quyền để bổ nhiệm những người thân trong gia đình như vợ chồng,
con cái, anh em, họ hàng hay có những thiên vị cá nhân là những nhóm lợi ích,
sân sau. Việc này đã tồn tại cần thiết phải xử lí nghiêm khắc để giữ cho được
uy tín của Đảng và đảm bảo cho Đảng, Nhà nước cũng như hệ thống chính trị có
đội ngũ cán bộ thực sự có đức có tài, thực sự xứng đáng để điều hành công
việc, đảm nhận các chức vụ được uỷ thác.
Trong công việc áp dụng quy trình bổ
nhiệm cán bộ qua các hiện tượng ở một số địa phương cho thấy một số hiện tượng
vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng. Việc vi phạm nguyên tắc như
vậy chính là nguyên nhân lớn làm cho Đảng suy yếu, mất sức chiến đấu, dẫn đến
hệ quả tiêu cực làm phân tâm, gây mất niềm tin, mất đoàn kết ngay trong nội
bộ Đảng từ câu chuyện bổ nhiệm cán bộ từ đó gây hậu quả khôn lường.
Không ít những khuyết điểm yếu kém liên
quan tới việc bổ nhiệm cán bộ đã kéo dài nhiều năm. Mắt xích tổ chức cán bộ
là mắt xích xung yếu nhất trong cả dây chuyền quản lý. Nếu mắt xích này bị
lỗi sẽ tác động không nhỏ tới các hoạt động khác của Đảng, làm giảm lòng tin
của người dân.
Qua theo dõi thông tin liên quan tới
các vị vừa bị kỷ luật, không khó để nhận ra rằng, trong việc bổ nhiệm cán bộ,
cái gọi là quy trình đã bị hình thức hoá, luôn dung quy trình để biện hộ cho
những việc làm sai trái, những việc làm ẩn dấu trong đó sự không công tâm và
không khách quan nhưng đến khi giải trình về mặt hình thức thì ai cũng cho
rằng đúng quy trình. Cách giải trình này nhiều đến mức không còn là cá biệt
nữa. Nếu tình trạng này không được chấn chỉnh sớm, nghiêm túc thì chúng ta vẫn
tiếp tục kéo dài sự suy thoái, sự biến chất từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến sự
tồn vong của chế độ và sinh mệnh của Đảng.
Đọc lại các nghị quyết của Đảng từ ĐH
9, ĐH 10 đến ĐH 12 vừa rồi luôn luôn nhấn mạnh tinh thần trách nhiệm, sự
gương mẫu của cấp Uỷ nhất là người đứng đầu cấp Uỷ thì tất cả những trường
hợp xem xét kỉ luật vừa qua đều vướng vào vấn đề không gương mẫu trong công
việc lẫn trong sinh hoạt riêng tư như nhận xe của doanh nghiệp, nhận nhà của
doanh nghiệp.
Đã
có những cảnh báo từ lâu về kinh tế thị trường, nếu quan chức chính trị không
rèn luyện, không giữ được phẩm chất đạo đức trọn vẹn mà rơi vào thoái hoá
biến chất thì thường có những sự liên kết với sân sau, với những “đại gia”.
Chúng ta rất trân trọng những chủ doanh nhân, doanh nghiệp làm ăn quang minh
chính đại nhưng ta không thể chấp nhận hiện tượng lợi dụng giữa kinh tế và
chính trị theo lợi ích cá nhân.
Nếu không giải quyết được những hiện
tượng ấy thì làm sao lấy lại được niềm tin của nhân dân. Niềm tin của dân là
một thứ tài sản của Đảng, của chế độ, Sức mạnh là ở dân, nếu dân không còn
niềm tin với Đảng, chế độ thì chế độ này sẽ tồn tại như thế nào?! Nói vậy để
thấy công tác kỉ luật của Đảng lúc này là rất cần thiết, cấp bách và hệ trọng
trong việc củng cố vai trò của Đảng trong cuộc sống hôm nay.
Những quyết định kỷ luật này minh chứng
một bước tiến rất lớn so với trước đây. Điều này cũng thể hiện sự đồng thuận
lớn về yêu cầu giữ vững kỷ cương trong công tác cán bộ. Quan sát xung quanh
sẽ không khó để thấy dư luận nhiệt liệt ủng hộ và tán thành việc làm khách
quan, nghiêm túc, công minh của Đảng với mục đích cao nhất là làm cho Đảng
trong sạch và vững mạnh nhằm thúc đẩy công cuộc Đổi Mới của đất nước theo
hướng kiến tạo và liêm chính.
Tổng kiểm tra việc bổ nhiệm cán bộ là
việc cần làm nghiêm túc vì việc này sẽ củng cố niềm tin rằng Đảng ta quyết
tâm thực hiện cho bằng được phương châm của Bác Hồ là lời nói phải đi đôi với
việc làm. Qua đó còn thể hiện sự công khai minh bạch, thấu lí đạt tình
trong phương châm giáo dục và rèn luyện cán bộ của Đảng đặc biệt theo chiều
hướng đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết ĐH 12, tiếp tục đẩy mạnh
việc xây dựng chỉnh đốn Đảng theo 2 nghị quyết quan trọng là Nghị quyết 4 của
Khoá 11 và Nghị quyết 4 của Khoá 12 gắn với việc toàn Đảng đang tập làm
theo tư tưởng đạo đức phong cách của Bác để lấy lại niềm tin của nhân dân, để
tăng cường sức mạnh, sức chiến đấu của Đảng.
Những quyết định kỷ luật vừa rồi được
làm rốt ráo, làm nghiêm túc cho thấy công tác kỉ luật của Đảng rất nghiêm
khắc đồng thời cũng thể hiện việc không có ngoại lệ, không có vùng cấm. Và
việc Tổng kiểm tra việc bổ nhiệm cán bộ là cần thiết để bộ máy quản lý mạnh
hơn, sạch hơn khi những người đã “ngồi nhầm chỗ” được loại bỏ hoàn toàn.
Theo VietNamNet
(Giáo sư Hoàng Chí Bảo, nguyên
Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Lan Anh ghi)
|
Thứ Sáu, 29 tháng 9, 2017
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét