Vì sao BOT biến chất ?
Cập nhật lúc 10:11
Những
bất hợp lý, sai phạm của các dự án BOT đã được dư luận và cả cơ quan chức
năng nêu rõ. Nhưng bản chất dẫn đến sai phạm và trách nhiệm vẫn chưa được chỉ
ra thấu đáo và thẳng thắn.
Thu phí BOT tại trạm thu phí Pháp Vân - Cầu GiẽẢNH: NGỌC THẮNG
Trước năm 2011 chỉ 18 dự án BOT được triển
khai, nhưng giai đoạn 2011 - 2015 có tới 62 dự án BOT giao thông được thực
hiện.
Sự bùng nổ dự án BOT đến từ sự thuận lợi về
chính sách và nguồn vốn, nhưng quan trọng hơn xuất phát từ việc rút ngắn thủ
tục siêu tốc của lãnh đạo Bộ GTVT đã khiến BOT từ “công thần” thành “tội đồ”
trong mắt người dân.
Từ lập những dự án “ngon ăn”...
Khung pháp lý cho BOT được định hình từ
Nghị định 108 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) ra đời năm 2009.
Tuy nhiên, dấu mốc “đột phá” bùng nổ về số lượng các dự án BOT đến từ hai đại
dự án được Bộ GTVT xây dựng trình Chính phủ là đề án mở rộng QL1 giai đoạn
2012 - 2020 và đầu tư đường Hồ Chí Minh (QL14) qua Tây nguyên theo hình thức
hợp đồng BOT kết hợp sử dụng vốn trái phiếu. Để đẩy nhanh tiến độ dự án, đầu
tháng 1.2013, Ngân hàng Đầu tư và phát triển VN (BIDV) và Bộ GTVT ký kết thỏa
thuận triển khai chương trình mở rộng QL1 đoạn từ Hà Nội đến Cần Thơ, cởi
trói nguồn vốn tín dụng cho các dự án BOT.
Sau thời điểm này, có thể nói BOT chưa bao
giờ dễ dàng và “ngon ăn” đến thế. Xét về nguyên tắc, các dự án BOT phải áp
dụng xây dựng những con đường mới hoàn toàn, nhưng Bộ GTVT đã trao cho các
nhà đầu tư BOT cơ hội chỉ cần nâng cấp, mở rộng, thậm chí chỉ tăng cường mặt
đường tuyến đường hiện hữu. Trên thực tế, đa phần là chỉ nâng cấp, tráng lại
mặt đường, nhà đầu tư đã có thể thu tiền với giá thu phí được sự cho phép của
liên bộ GTVT - Tài chính gấp 3 - 3,5 lần giá thu qua các trạm bằng ngân sách
(từ 30.000 - 35.000 đồng/xe tiêu chuẩn).
Đáng chú ý, dự án mở rộng QL1 từ Hà Nội -
Cần Thơ gồm 17 dự án BOT với tổng chiều dài hơn 600 km, được làm xen kẽ với
18 dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước (không thu phí). Tính toán
này của Bộ GTVT đã “hợp lý hóa” việc đặt các trạm thu phí BOT không vướng quy
định cách 70 km mới được lập một trạm thu phí. Chưa kể, từ khâu lập dự án,
các đoạn tuyến phân theo hình thức BOT có chiều dài ngắn hơn so với các đoạn
tuyến đầu tư bằng hình thức trái phiếu chính phủ. Đơn cử, tuyến QL1 qua tỉnh
Quảng Trị được chia làm 2 đoạn, trong đó, đoạn Km 717 - Km 741 và Km 769 - Km
791 dài khoảng hơn 40 km sử dụng vốn trái phiếu, tổng mức đầu tư 2.789 tỉ
đồng. Xen kẽ vào giữa, đoạn Km 741 - Km 756 dài 15 km được đầu tư theo hình
thức BOT do liên danh Công ty CP Tập đoàn Trường Thịnh và TCT xây dựng Trường
Sơn thực hiện, với mức đầu tư 1.067 tỉ đồng.
Ăn theo nâng cấp, mở rộng QL1, hàng loạt dự
án nâng cấp đường hiện hữu khác đã được Bộ GTVT cho phép “BOT hóa” như dự án
cải tạo nâng cấp QL10, đoạn cầu Quán Toan đến cầu Nghìn TP.Hải Phòng (nhà đầu
tư là Tasco, dài 30 km, dự kiến thu phí 35.000 đồng/xe tiêu chuẩn); cải tạo,
nâng cấp QL18 đoạn Bắc Ninh - Uông Bí (Công ty Đại Dương, mức phí thấp nhất
35.000 đồng/xe)…
Chưa hết, hình thức BOT còn được áp dụng
cho những dự án “bia kèm lạc”, đầu tư xây dựng tuyến mới và nâng cấp mở rộng
một phần tuyến cũ, đặt trạm thu phí cả 2 tuyến như dự án Thái Nguyên - Chợ
Mới (Bắc Kạn) và nâng cấp, mở rộng QL3; dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc -
Hòa Bình và nâng cấp, cải tạo QL6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình; Hay các dự án
tuyến tránh đầy tai tiếng như tuyến tránh Cai Lậy (Tiền Giang), tuyến tránh
TP.Vinh…
Đến hoa mắt với những màn biến ảo
Nếu trước năm 2011, BOT kén nhà đầu tư do
tỷ suất lợi nhuận thấp, thời gian thu hồi vốn kéo dài, thì từ 2012, BOT như
nam châm thu hút cả những cái tên mới toanh, thậm chí chỉ được thành lập vài
tháng trước khi dự án khởi công.
Tháng 3.2013, Bộ GTVT, 2 tỉnh Bình Định,
Phú Yên và liên doanh nhà thầu Công ty CP BOT Bình Định đã khởi công dự án mở
rộng QL1 đoạn Km 1212 - Km 1265. Liên doanh nhà thầu do Công ty CP đầu tư
năng lượng xây dựng thương mại Hoàng Sơn với tỷ lệ vốn góp 66% và Công ty CP
Kiến Hoàng với 34%. Đáng chú ý, Công ty Kiến Hoàng chỉ được thành lập trước
đó vài tháng, vào tháng 8.2012.
Nhiều dự án BOT có sự chuyển nhượng lòng
vòng giữa các nhà đầu tư. Đơn cử như dự án xây dựng tuyến tránh TX.Cai Lậy
(Tiền Giang), liên danh nhà đầu tư ban đầu là Công ty CP phát triển đường cao
tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC) và Công ty CP đầu tư, thương mại và xây dựng
giao thông 1 (Trico). Tuy nhiên, sau gần 1 năm triển khai dự án, BVEC được
thay thế bằng một doanh nghiệp tư nhân là Công ty tư vấn đầu tư xây dựng Bắc
Ái.
Trước đó, tại một dự án khác cũng vướng
nhiều lùm xùm là Pháp Vân - Cầu Giẽ, nhà đầu tư Nhật là Nexco Central đã
trình phương án nâng cấp tuyến này với tổng mức đầu tư khoảng 1.500 tỉ đồng
trong 1 năm, từ nguồn vốn vay tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp của Cơ quan Hợp
tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Phương án của nhà đầu tư này đã nhận được sự đồng
thuận rất cao từ các cấp. Thế nhưng, cuối năm 2013, Nexco Central đã từ bỏ dự
án do không đạt được thỏa thuận về các điều kiện bảo lãnh rủi ro cho dự án.
Thay thế nhà đầu tư này là 3 liên danh
trong nước gồm Công ty CP đầu tư phát triển xây dựng Minh Phát (góp 65% vốn),
Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1) góp 18% và Công ty
CP đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành góp 17%. Trong đó, Minh Phát là
cái tên mới toanh. Hiện tại cùng sự thoái vốn toàn bộ của Cienco 1 khỏi dự
án, cổ đông lớn nhất của Minh Phát cũng rút khỏi liên danh này. Bên cạnh đó,
một số cổ đông sáng lập của Minh Phát đã thành lập Công ty CP đầu tư và xây
dựng giao thông Công Thành (tháng 6.2014). Một trong những cổ đông sáng lập
Công ty Công Thành là bà Nguyễn Thị Cẩm Tú, cũng là cổ đông lớn của Công ty
Minh Phát.
Dù mới thành lập, nhưng Công Thành đứng đầu
liên danh cùng với Phương Thành vào tháng 5.2015 đã được giao đầu tư dự án
cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và cải tạo, nâng cấp QL18 đoạn Hạ Long - Mông Dương
theo hình thức BOT, với tổng vốn 14.000 tỉ đồng. Theo một nguồn tin, Công ty
Phương Thành dự kiến sẽ thoái toàn bộ vốn tại dự án này để đổi lại quyền sở
hữu toàn bộ số cổ phần của Minh Phát đang nắm giữ tại Pháp Vân - Cầu Giẽ.
Bên cạnh đó, Cienco 1, Phương Thành và Công
Thành cũng góp vốn thành lập Công ty CP BOT Bạch Đằng, đầu tư dự án cầu Bạch
Đằng. Cùng với quyết định bán 18% cổ phần tại dự án Pháp Vân - Cầu Giẽ cho
Phương Thành, Cienco 1 cũng mua lại toàn bộ số cổ phần thuộc sở hữu của
Phương Thành và Công Thành (cùng sở hữu 9%) tại dự án cầu Bạch Đằng.
Việc liên danh của những cái tên quen thuộc
tại các dự án lớn, kèm theo sự chuyển nhượng loằng ngoằng vốn góp giữa các
nhà đầu tư khi dự án đang tiếp tục thực hiện, cho thấy không chỉ sự thiếu
minh bạch trong chỉ định thầu, mà còn là dấu hỏi lớn về việc “mượn danh” mua
bán dự án BOT?
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng vươn
lên thành trùm BOT, sở hữu cả chục dự án. Ông chủ người Nam Định của Công ty
CP Tasco Phạm Quang Dũng là chủ đầu tư hàng loạt dự án BOT như dự án nâng cấp
QL10 đoạn qua Thái Bình, đoạn tránh TP.Nam Định từ QL10 đến TT.Mỹ Lộc, QL1
đoạn qua Quảng Bình, QL10 đi Hải Phòng, đường 39B Thái Bình, đường Hồ Chí
Minh đoạn QL2 đến Hương Nộn và nâng cấp mở rộng QL32 đoạn từ Cổ Tiết đến cầu
Trung Hà…
(Theo
Thanh niên) Mai Hà
- Thái Sơn
|
Thứ Hai, 18 tháng 9, 2017
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét