Thứ Sáu, 1 tháng 9, 2017

Thuốc 'không giả' nhưng 'không thể dùng chữa bệnh cho người'? Chuyện chỉ ở VN

 Cập nhật lúc 08:03

                

 Trong khi Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến khẳng định lô thuốc H-Capita 'không phải là thuốc giả' thì cơ quan điều tra và hội đồng giám định khẳng định lô thuốc này 'không rõ nguồn gốc xuất xứ' và 'không được dùng chữa bệnh cho người'.


 
"Các chứng từ xác nhận nguồn gốc thuốc là giả thì lấy gì để nói đó là thuốc thật?", bác sĩ Võ Xuân Sơn bình luận trên Facebook của mình.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO): xuất xứ giả là thuốc giả
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)định nghĩa: "Thuốc giả là sản phẩm được gắn nhãn hiệu sai một cách gian dối và có chủ đích về đặc tính hoặc nguồn gốc. Thuốc giả có thể bao gồm sản phẩm đúng hoặc sai hoạt chất, không có hoạt chất hoặc không đủ hàm lượng hoạt chất hoặc với bao bì giả".
Theo PGS.TS.DS. Nguyễn Hữu Đức, Đại học Y dược TP.HCM, từ định nghĩa trên, thuốc giả có thể chia thành 6 loại có liên quan đến hình thức và mức độ giả mạo:
- Sản phẩm không có hoạt chất chữa bệnh,
- Sản phẩm có hàm lượng hoạt chất chữa bệnh không đúng,
- Sản phẩm có hoạt chất sai,
- Sản phẩm có lượng hoạt chất chữa bệnh đúng nhưng có bao bì giả nhái lại sản phẩm nguyên bản (mạo danh nhà sản xuất/nước sản xuất, xuất xứ thuốc thật bị làm giả),
- Sản phẩm có nồng độ hoạt chất không tinh khiết,
- Sản phẩm nhiễm bẩn chứa độc chất đến mức nguy hiểm. 
Uống thuốc giả có gây nguy hiểm gì cho người bệnh?
Theo PGS.TS.DS. Nguyễn Hữu Đức, thuốc giả luôn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng và sức khỏe của người dân ở nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển và các nước kém phát triển. 
Hoạt chất có trong thuốc chính là dược chất có tác dụng chữa bệnh, do không chứa dược chất hoặc có chứa nhưng không đủ hàm lượng.
Như viên thuốc paracetamol đáng lẽ phải chứa đủ 500 mg dược chất paracetamol, nhưng khi kiểm nghiệm lại chứa ở mức thấp hơn mức quy định gọi là không đủ hàm lượng và bị quy là kém chất lượng.
Dùng thuốc giả, người dùng thuốc sẽ không hết bệnh và bệnh càng ngày càng nặng thêm.
Một số thuốc giả không chứa bất kì thành phần có hoạt tính, do đó không cung cấp lợi ích khi điều trị cho người bệnh. Nguy hại hơn là thuốc giả chứa “sai hoạt chất” mà hoạt chất sai đó nếu là độc chất thì người dùng thuốc có thể tử vong.
Khoảng năm 2009, một số nước châu Phi đã xảy ra tình trạng thuốc dành cho trẻ chứa tá dược lẫn tạp chất là độc chất propylene glycol làm cho nhiều trẻ tử vong.
Có loại thuốc giả chứa đúng hàm lượng hoạt chất nhưng lưu hành bất hợp pháp, chủ yếu dựa vào uy tín của thuốc thật (như thuốc giả chứa đúng hoạt chất sildenafil dựa vào thuốc thật Viagra) để bán thu lợi nhuận sẽ làm hại uy tín của các hãng sản xuất thuốc thật.
Khi mua, uống thuốc, người bệnh có cách nào để phát hiện mình đang uống thuốc giả hay không?
Theo PGS.TS.DS. Nguyễn Hữu Đức, người tiêu dùng có thể tránh việc dùng thuốc giả bằng cách:
- Chỉ mua thuốc tại nhà thuốc, nếu là nhà thuốc đạt tiêu chuẩn "Thực hành tốt nhà thuốc" (GPP) càng tốt. Tuyệt đối không mua thuốc trôi nổi, bán kiểu trao tay.
- Khi mua thuốc cần quan sát kỹ món thuốc. Nếu là loại thuốc đã quen dùng, cần xem kỹ bao bì, dạng bào chế (dạng viên nén, viên nang…), mùi vị thuốc khi uống.
Nếu có sự nghi ngờ như bao bì đóng gói kém chất lượng, nhãn mác kém thẩm mỹ hơn so với trước đây, viên thuốc có sự khác biệt với thuốc quen dùng, mùi vị thuốc uống không như trước… thì có nguy cơ rất lớn là thuốc giả.
Lúc này không nên dùng thuốc mà nên đem món thuốc đến nhà thuốc hỏi xem thật giả như thế nào.
Những thuốc nào thường bị làm giả?
Đó là thuốc thuộc loại nổi tiếng và đang được tiêu thụ số lượng lớn như thuốc trị rối loạn cương ở nam giới là thuốc Viagra hay Cialis.
Các thuốc thuộc loại lâu đời trị các bệnh xã hội và cũng được tiêu thụ với số lượng rất lớn như thuốc trị sốt rét, thuốc kháng lao… cũng bị làm giả.
Thuốc trị ung thư cũng có thể bị làm giả vì đắt tiền và người bệnh ung thư dễ bị tử vong và thường được cho là do bệnh chứ không do thuốc.
PGS.TS.DS. NGUYỄN HỮU ĐỨC
Theo TTO

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét