3 trạm BOT “vây” người dân, tỉnh Bình Định đề nghị giảm phí
Cập nhật lúc 20:22
Tại tỉnh Bình Định có đến 3 trạm BOT được đặt trên QL1 và QL19. Người dân bức xúc yêu cầu giảm phí vì các trạm này đặt ở vị trí chưa hợp lý, đường lại bị hư hỏng quá nhiều khiến việc lưu thông rất nguy hiểm.
Đề nghị giảm 50% giá vé
Ngày 3.9, Sở GTVT tỉnh Bình Định cho biết, đơn vị này đã
có văn bản đề nghị Tổng cục Đường bộ xem xét, có ý kiến đề nghị Bộ GTVT
nghiên cứu giảm mức phí qua 3 trạm BOT đặt trên QL1 và QL19 qua địa bàn
tỉnh.
Theo văn bản này, đối với phương tiện trên địa bàn huyện
An Lão, Hoài Ân và Hoài Nhơn đề nghị được giảm phí qua Trạm BOT Bắc Bình
Định, phương tiện trên địa bàn huyện Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước và TX.An Nhơn
được giảm phí qua Trạm BOT Nam Bình Định, còn phương tiện ở địa bàn huyện Tây
Sơn và Vĩnh Thạnh được giảm phí qua Trạm BOT QL19. Cụ thể, vé quý đề nghị
giảm 50%, vé tháng giảm 40%, vé lượt trong phạm vi cách trạm 3km giảm 20%.
Trạm thu phí BOT Nam Bình Định (tại
phường Nhơn Hòa, TX.An Nhơn). Ảnh: D.T
Nhiều người dân sống 2 bên QL1 đoạn nằm gần Trạm thu phí
BOT Nam Bình Định (phường Nhơn Hòa, TX.An Nhơn) phản ánh từ ngày trạm này đi
vào hoạt động, cuộc sống của họ bị đảo lộn hoàn toàn. Người dân cho rằng, vị
trí đặt trạm thu phí này chưa hợp lý. Vì phương tiện đi lại từ cầu Tân An đến
ngã tư cầu Bà Di (huyện Tuy Phước) chỉ vài trăm mét nhưng phải mất phí qua
trạm như các phương tiện đi trên đường BOT vài chục cây số là không công bằng.
Điều này, khiến nhiều doanh nghiệp vận tải ở gần đó lâm cảnh khốn đốn, mất
phí “oan”.
“Chưa kể đến việc đường QL1, QL19 ở Bình Định hư hỏng quá
nhiều, chất lượng đường không tốt bằng các tỉnh lân cận. Chúng tôi đi trên
QL1 qua Bình Định phải nộp tiền tại 2 trạm thu phí BOT Bắc và Nam với mong
muốn đi trên tuyến đường bằng phẳng. Nhưng thực tế, đường bị vá lởm chởm khắp
nơi, lái xe phải di chuyển chậm mới đảm bảo an toàn. Tuyến đường “xương sống”
của cả nước mà vá như áo rách thế này thì không thể chấp nhận được” - anh
N..V. T (1 tài xế) than vãn.
Nguồn thu trạm thu phí chưa minh bạch?
Sở GTVT tỉnh Bình Định cho rằng, khoảng cách giữa 2 trạm
thu phí BOT Bắc Bình Định và BOT Nam Bình Định trên QL1 nhỏ hơn 70km. Vì vậy,
sau khi đưa vào hoạt động đã có nhiều ý kiến trái chiều của người dân về vị
trí đặt trạm chưa hợp lý.
Trong khi đó, việc đưa các trạm thu phí vào hoạt động dẫn
đến các phương tiện cơ giới đang sử dụng đường chỉ đóng phí bảo trì đường bộ
nay phải tốn tiền qua các trạm BOT khiến người dân có tâm lý phản đối
việc thu phí. Đặc biệt, phương tiện vận chuyển có yếu tố kinh doanh thì phí
này sẽ tính vào giá thành vận chuyển hàng hóa, suy cho cùng người dân phải
chịu tất cả các phí trên.
Thời gian qua, nhiều chủ xe đi trên QL1 bức xúc vì mất
phí nhưng tuyến đường lại kém chất lượng. Ảnh: D.T
Theo Sở GTVT tỉnh Bình Định, việc xác định tổng mức đầu tư
và tổng dự toán của dự án chưa chính xác (trong đó có dự phòng trượt giá) dẫn
đến tính toán thời gian thu phí hoàn vốn một số dự án BOT cao hơn nhiều so
với thời gian tính toán lại sau khi quyết toán dự án. Việc quản lý nguồn thu
của trạm thu phí, dư luận cho rằng chưa chặt chẽ, minh bạch. Trong quá trình
khai thác đường đã xuống cấp, chậm khắc phục nhưng vẫn thu phí bình thường,
chưa có chế tài cụ thể đối với chủ đầu tư. Đặc biệt, người dân phản ứng rất
gay gắt khi sử dụng đường chất lượng thấp nhưng bắt buộc phải trả phí.
“Bộ GTVT, Bộ Tài chính sớm triển khai các giải pháp hiệu
quả để quản lý doanh thu, thu phí chặt chẽ, minh bạch của các trạm thu phí.
Có chính sách miễn giảm đối với người dân có nhu cầu đi lại gần trạm thu phí.
Đề nghị các chủ đầu tư BOT tổ chức sửa triệt để hư hỏng công trình, khắc phục
bất cập để người dân lưu thông an toàn…” - Sở GTVT tỉnh Bình Định kiến nghị.
(Theo Dân Việt) Dũ Tuấn
|
Chủ Nhật, 3 tháng 9, 2017
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét