Thanh Hóa: Công trình văn hóa 400 tỷ đồng vắng tanh, đó là tầm nhìn
của lãnh đạo
Cập nhật lúc 10:49
Tỉnh Thanh Hóa
của chúng ta lớn như thế này mà chỉ xây dựng một trung tâm bé cỏn con một vài
hecta thì không được...
Trong xu thế phát triển,
nhiều công trình, dự án trọng điểm mang tầm quốc gia, thậm chí quốc tế, ào ạt
đổ vào Thanh Hóa.
Trong số này không ít
những công trình không phát huy hiệu quả, gây lãng phí, hoặc hoạt động “cầm
hơi” để chờ thời cơ "hồi sinh”.
Một trong số đó phải kể
đến dự án Trung tâm Triển lãm - Hội chợ - Quảng cáo.
Tháng 5/2012, công trình
này được khởi công xây dựng trên diện tích 15,6 ha trong tổng diện tích Khu
Trung tâm Văn hoá tỉnh rộng 58 ha, tổng mức đầu tư 450 tỷ đồng.
Các hạng mục công trình
gồm: Khu triển lãm trong nhà, khu trưng bày giới thiệu sản phẩm, khu triển
lãm ngoài trời, các công trình hạ tầng kỹ thuật và công trình phụ trợ khác…
Dự án được kỳ vọng sẽ đáp
ứng nhu cầu tổ chức các hoạt động triển lãm, hội chợ thương mại, quảng bá sản
phẩm và sinh hoạt văn hóa của nhân dân trong tỉnh; góp phần thúc đẩy phát
triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.
Tháng 9/2015, công trình
cơ bản được hoàn thành và đi vào sử dụng.
Thế nhưng, qua gần 2 năm
sử dụng, công trình có mức đầu tư ngân sách tới hàng trăm tỷ đồng và các
nguồn vốn huy động hợp pháp khác đang trong tình trạng hoạt động "cầm
hơi", thậm chí nếu không muốn nói hoạt động chưa hiệu quả như kỳ vọng.
Giờ làm việc, triển lãm vắng cán bộ
16 giờ chiều (3/3), Trung
tâm Triển lãm - Hội chợ - Quảng cáo tỉnh (đại lộ Hùng Vương, TP. Thanh Hóa)
vắng vẻ đến lạ, khác hẳn với tên gọi của nó.
Từ hành lang tầng hai khu
nhà điều hành, một vài cán bộ, nhân viên vội vã bước xuống cầu thang như có
chuyện gì đó cần xử lý gấp gáp.
“Hết giờ làm việc rồi em,
không còn ai ở đây đâu mà vào…”, một cán bộ Trung tâm thông báo với chúng
tôi, rồi cất bước đến khu vực tầng trệt - nơi để xe của cán bộ, nhân viên cơ
quan.
Đồng hồ lúc này điểm 16
giờ 15 phút.
Cả công trình đồ sộ phục
vụ cho việc triển lãm, hội chợ, quảng cáo nằm trong khuôn viên rộng hơn 15
ha, bỗng chốc trở vắng vẻ, ảm đạm, trơ trọi những khối bê tông cốt sắt cứng
đơ.
Nhưng điều khiến chúng
tôi ngạc nhiên hơn cả đó chính là khu vực bên trong nhà chức năng, khu trưng
bày... luôn trong tình trạng cửa đóng then cài, vắng lặng không một bóng
người qua lại.
Trung tâm hoạt động theo
kiểu "cầm hơi", dụng cụ, sản phẩm trưng bày, triển lãm cũng dần rút
ngắn tuổi thọ theo thời gian.
Cả công trình lớn, không
thấy người trông coi, bảo vệ. Một vài hạng mục công trình xây dựng dang dở
nằm trong tình trạng ngổn ngang.
Có thời điểm nơi đây trở
thành bãi chăn thả trâu bò của cư dân địa phương.
Tại khu vực phía sau
Trung tâm, người phụ nữ trạc tuổi tứ tuần (xin giấu tên), mang trên mình bộ
đồ bảo hộ lao động đang tất bật chăm bón khu vườn sau phía sau nhà điều hành,
tỏ vẻ bất ngờ khi thấy sự xuất hiện của các vị khách lạ.
“Hôm nay nhà lãnh đạo Trung
tâm có việc nên chắc họ về trước. Trung tâm không còn ai đâu.
Bọn em bên nào?”, người
phụ nữ hỏi thăm chúng tôi với ánh mắt tò mò.
“Bọn em là khách thăm
quan. Thế chị không làm việc hay sao mà lại ra trồng rau trong giờ làm?”, tôi
hỏi.
"Chị làm xong rồi",
người phụ nữ cúi mặt cười gượng, tay vẫn xách xô nước để tưới cho vườn đậu.
"Thường thì một
tháng gì đó, Trung tâm mới có hoạt động trưng bày, triển lãm một lần.
Còn lại là thời gian cán
bộ lưu động tới các địa phương để tổ chức trưng bày, hội chợ...
Ngày thường không có gì
đâu, chủ yếu khóa cửa là chính.
Hôm sau có hội chợ, hoặc
triển lãm thì bọn em hãy đến”, người phụ nữ khuyên bảo.
“Chẳng lẽ một công trình
quy mô như và được đầu tư với số tiền lớn như vậy mà chỉ hoạt động lác đác
vài lần trong năm”, tôi tò mò hỏi.
Người phụ nữ như muốn trả
lời câu hỏi cho thật kỹ, nhưng rồi lại tỏ vẻ ấp úng như chợt nhận ra điều gì
đó không "không an toàn" đến từ sự tò mò của các vị khách lạ.
“Chuyện nhiều vấn đề lắm!
Với lại là khu mới xây, lại trái đường nên người ta (doanh nghiệp) xuống đây
để trưng bày, hội chợ cũng ít.
Hôm trước Viện quy hoạch
kiến trúc xuống Trung tâm mượn phòng để triển lãm.
Họ mở cửa đón khách được
một thời gian ngắn để triển lãm mô hình quy hoạch, rồi chả thấy triển lãm nữa.
Tới đây truyền hình họ
xuống để tiếp quản thì nhộn nhịp hơn vì Đài tỉnh cũng có đến mấy trăm con
người rồi.
Một số đơn vị thuê phòng
trưng bày của Trung tâm sắp tới cũng phải chuyển đi nơi khác chứ không ở nhờ
được”, người phụ nữ đáp, rồi tay chỉ về hướng nam, đúng chỗ công trình của
đài phát thanh truyền hình Thanh Hóa đang xây dựng dở dang.
Theo báo cáo của Sở Văn
hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2016, tại Trung tâm Triển lãm - Hội chợ - Quảng
cáo tổ chức được... 2 cuộc hội chợ, gần 10 cuộc triển lãm....
Doanh thu hằng năm của
Trung Tâm đạt hơn 3 tỷ đồng, trong đó có hơn 2.8 tỷ thu từ nguồn ngân sách
nhà nước. Nguồn thu từ hoạt động dịch vụ xã hội hóa chỉ 300 triệu đồng.
Dù là đơn vị sự nghiệp có
thu, nhưng chế độ lương, phụ cấp cho cán bộ, nhân viên chủ yếu được cấp từ
ngân sách nhà nước.
Giám đốc Sở thừa nhận có trách nhiệm để
công trình hơn 400 tỷ "lạnh lẽo"
Được biết, Trung tâm
Triển lãm - Hội chợ - Quảng cáo Sở Văn hóa, trước đây là đơn vị sự nghiệp có
thu trực thuộc sự quản lý của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa.
Ngày 16/12/2016, UBND
tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định bàn giao Trung tâm này cho Đài phát thanh và
Truyền hình Thanh Hóa quản lý.
Nói về hiệu quả khai thác
công trình đầu, hôm 2/3, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt
Nam, ông Phạm Duy Phương, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
thừa nhận có sự hạn chế.
Tuy nhiên, đây vấn đề này
thuộc tầm nhìn dài hạn của lãnh đạo tỉnh chứ không phải nhìn vào thực tế
trước mắt.
"Việc xây dựng công
trình Trung tâm Triển lãm - Hội chợ - Quảng cáo Sở Văn hóa có quy mô lớn, là
tầm nhìn về quy hoạch, xây dựng của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa.
Một tỉnh Thanh Hóa của
chúng ta lớn như thế này mà chỉ xây dựng một trung tâm bé cỏn con một vài
hecta thì không được.
Mình phải hình dung ra
đây là nơi giao lưu với trong nước và thế giới. Nó phải có đủ không gian hoạt
động.
Tôi cho rằng, với không
gian hiện có của Trung tâm vẫn chưa là cái gì cả.
Tôi tin chắc, trong tương
lai công trình sẽ phát huy hiệu quả, đó là điều chắc chắn. Không ai để công
trình được đầu tư lớn mà lại như vậy cả.
Cứ hình dung xem, nếu một
cuộc triển lãm quốc tế được tổ chức tại đây thì sẽ như thế nào?
Cho nên Thanh hóa không
làm thì thôi, đã làm thì làm đến nơi đến chốn. Đó là vấn đề thuộc tầm của mấy
chục năm sau", ông Phương nhận định.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể
thao và Du lịch cũng thẳng thắn nhìn nhận thực tế, hiện nay việc tổ chức hội
chợ, triển lãm với chức năng chủ yếu là quảng bá.
Tuy nhiên, các doanh
nghiệp với quy mô hoạt động nhỏ, kinh phí hạn hẹp, sẽ tìm địa điểm khác để
thuê trưng bày. Do vậy nguồn thu của Trung tâm có phần hạn chế.
Vị Giám đốc Sở thừa nhận
một phần trách nhiệm trong việc phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động của
Trung tâm Trung tâm Triển lãm - Hội chợ - Quảng cáo trong thời gian qua.
"Công trình được đầu
tư lớn nhưng không phát huy hiệu quả, đó là thực tế. Chúng tôi nhận một phần
trách nhiệm.
Vấn đề là chúng ta phải
có cơ chế để khai thác công trình hiệu quả hơn", ông Phương nói.
Nói về việc bàn giao
quyền quản lý, sử dụng Trung tâm Triển lãm - Hội chợ - Quảng cáo cho Đài Phát
thanh và Truyền hình Thanh Hóa, ông Phạm Đăng Quyền, Phó Chủ tịch tỉnh cho
rằng việc này là đúng.
"Chúng tôi xét thấy
với việc chuyển giao này Trung tâm sẽ được quản lý, sử dụng, khai thác hiệu
quả hơn", ông Quyền nói.
Tuy nhiên, việc bàn giao
công trình nói trên cho Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh quản lý, đồng thời
lập dự án đầu tư Trung tâm kỹ thuật phát thanh truyền hình, liệu có làm thay
đổi công năng của Trung tâm?
Như vậy, chủ trương đầu
tư Trung tâm Triển lãm - Hội chợ - Quảng cáo tỉnh là đúng hay sai?
Với hàng loạt câu hỏi nêu
trên, chúng tôi vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng từ lãnh đạo tỉnh
Thanh Hóa.
(Theo Giáo dục VN) THỤY
MIÊN
|
Thứ Tư, 8 tháng 3, 2017
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét