Thứ Tư, 29 tháng 3, 2017

'Tượng rùa vàng không phải là biểu tượng của Hà Nội'

Cập nhật lúc 15:00
   
Ông Trương Minh Tiến, phó giám đốc Sở VH-TT Hà Nội khẳng định, rùa vàng không phải biểu tượng của Hà Nội, vì vậy ý tưởng đúc tượng rùa vàng 10 tấn tại hồ Hoàn Kiếm (hồ Gươm) cần phải tính toán kỹ lưỡng. 

 'Tượng rùa vàng không phải là biểu tượng của Hà Nội'
Mẫu phác thảo rùa vàng hồ Hoàn Kiếm 1

Trao đổi với PV Tuổi Trẻ trưa ngày 29-3, ông Trương Minh Tiến bày tỏ quan điểm, Sở VH-TT Hà Nội rất trân trọng các ý tưởng đóng góp của mọi cá nhân, tổ chức với mục đích làm cho Thủ đô đẹp hơn.
Nhưng đến thời điểm hiện tại, Sở VH-TT Hà Nội vẫn chưa nhận được thông tin về đề xuất đúc tượng rùa vàng 10 tấn tại hồ Hoàn Kiếm của công dân Tạ Hồng Quân.
“Tôi cũng mới chỉ biết thông tin này qua báo chí phản ánh. Nếu được thành phố giao thì chúng tôi có trách nhiệm nghiên cứu, tính toán các phương án cụ thể, lấy ý kiến các nhà khoa học, ý kiến nhân dân…
Hồ Hoàn Kiếm không chỉ là di tích quốc gia đặc biệt mà còn là không gian di sản văn hoá rất đặc sắc của thủ đô nên bất kỳ ý tưởng xây dựng, đặt thêm công trình nào cũng phải được nghiên cứu kỹ lưỡng và tuân thủ Luật di sản văn hoá”, ông Tiến cho biết.
Phản biện lại ý tưởng của ông Tạ Hồng Quân muốn đúc tượng rùa vàng làm biểu tượng của Hà Nội và VN, ông Trương Minh Tiến nói rõ, Hà Nội đã có biểu tượng nhận diện là Khuê Văn Các.
Biểu tượng Khuê Văn Các của Hà Nội đã được Quốc hội đưa vào Luật Thủ đô. Vì thế không thể nói rằng Hà Nội đang thiếu biểu tượng nhận diện.
GS Phan Huy Lê, chủ tịch danh dự Hội Khoa học lịch sử VN cho biết, ông Quân có đề xuất ý tưởng đúc tượng rùa vàng đặt tại hồ Gươm từ trước dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tuy nhiên, GS Phan Huy Lê chưa bao giờ phát biểu ủng hộ ý tưởng này.
“Có thể ý tưởng đúc tượng rùa vàng gắn với sự tích rùa hồ Gươm. Nhưng rùa ấy như thế nào, đặt ở đâu, đặt để làm gì, ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên xung quanh ra sao, ảnh hưởng đến không gian văn hoá ra sao… thì đều phải cân nhắc, tính toán rất kỹ. Không thể làm tuỳ tiện sẽ để lại hệ quả cực kỳ nguy hiểm”, GS Lê nói.
GS Lưu Trần Tiêu, chủ tịch Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia khẳng định, ông chưa được biết ý tưởng đúc tượng rùa vàng hồ Gươm và không tham gia trong ban cố vấn xây dựng ý tưởng này.
GS Tiêu khẳng định, ông không ủng hộ ý tưởng đúc tượng rùa vàng tại hồ Gươm cũng như không nên đưa thêm bất cứ mô hình, công trình nào vào không gian này.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến cũng không ủng hộ đề xuất xây dựng tượng rùa vàng tại hồ Gươm bởi: “Hãy cứ để truyền thuyết, huyền thoại tồn tại trong dân gian như trước đây nó vốn có thì sẽ có sức sống lâu bền hơn thay vì dựng tượng sẽ tầm thường hoá và làm mất đi đời sống tâm linh của nó”.
Ông Tiến cũng khẳng định, rùa không phải là biểu tượng của Hà Nội hay VN bởi rất nhiều nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc…cũng dùng hình ảnh rùa làm biểu trưng.
Trước đó, ngày 28-3, ông Tạ Hồng Quân, một công dân Hà Nội cho biết đã trình UBND TP Hà Nội đề án đúc tượng rùa vàng tại hồ Gươm.
Tượng rùa vàng hồ Gươm sẽ được thực hiện bằng chất liệu đồng nguyên chất và vàng, dài 2,5 mét, cao 3,5 mét và có trọng lượng khoảng 6-10 tấn đồng.
 'Tượng rùa vàng không phải là biểu tượng của Hà Nội'
Mẫu phác thảo rùa vàng hồ Hoàn Kiếm 2

 'Tượng rùa vàng không phải là biểu tượng của Hà Nội'
Những vị trí dự kiến đặt tượng rùa vàng tại hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội
(Theo Tuổi trẻ) VŨ VIẾT TUÂN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét