Thế nào là “lỗi điều hành”?
Cập nhật lúc 11:03
Lỗi do “điều
hành” thì phải sửa “điều hành”. Nếu không sửa “hệ điều hành” như Bill Gates
thì phải sửa “người điều hành” như cách làm của Donald Trump...
Trong 14 năm tính từ 2001 đến 2015, dư nợ
nước ngoài của Chính phủ tăng 6,5 lần. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng
khẳng định: “nợ công tăng nhanh trước tiên do điều hành”. [1]
Người Việt Nam thông minh, cần
cù, chịu khó, sau giai đoạn chiến tranh biên giới phía Bắc, hòa
bình ít nhất cũng được gần 30 năm, định hướng phát triển kinh tế xã hội luôn
đúng đắn, khoa học, vậy tại sao đất nước lại trở thành con nợ lớn của các thể
chế tài chính nước ngoài (Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng phát triển châu Á,
Nhật Bản,…)?.
Xác nhận nguyên nhân mang
nợ là do “điều hành” nhưng “điều hành” phải dựa vào thể chế, vào pháp luật
tức là phải dựa vào “hệ điều hành”.
Liệu có chuyện “điều
hành” đứng ngoài pháp luật, đứng trên pháp luật, thậm chí không cần “hệ điều
hành”?
Điều hành hiệu quả thấp là điều hành kém,
điều hành bất chấp pháp luật chỉ có thể gọi là maphia, là “băng đảng” chứ gọi
là “nhóm lợi ích”
xem ra vẫn còn nhẹ.
Khi ông Bộ trưởng Bộ Tài chính xác nhận
điều mà ai cũng biết, rằng “nợ công tăng nhanh trước tiên do điều hành”
thì cần phải nói rõ hơn, nó bao gồm cả “hệ điều hành” và “người điều hành”.
“Hệ điều hành” ở đây là
một cơ chế thị trường nhưng ta vẫn lấy, vẫn dựa vào các tập đoàn, tổng công
ty nhà nước làm hạt nhân, xem đó là lực lượng “dẫn dắt” đoàn tàu kinh tế khỏi
chạy lạc đường.
“Người điều hành” là một
đội ngũ cán bộ công chức, trong đó không ít người xuất thân “danh gia vọng
tộc”, không ít người được bổ nhiệm “thần tốc” theo “quy trình 4C”.
Dân chúng hay truyền
thông có đôi chút “băn khoăn” thì cứ việc ý kiến.
Nói như thế có phải là
hơi cực đoan, là không nhận thấy lớp cán bộ trẻ được đào tạo bài bản toàn bên
Tây, bên Mỹ, là quên câu dạy của tiền nhân “tre già, măng mọc”?
Trả lời câu hỏi này, xin
nêu ví dụ tại ba địa phương từ Nam ra Bắc.
Gia Lai là tỉnh bắc Tây Nguyên, mới đây Kiểm toán Nhà
nước sau khi làm việc với ngành Y tế tỉnh này đã công bố kết
luận: tổng bốn gói thầu ngành Y tế có giá trị 33,9 tỷ đồng đã bị kê thành
71,2 tỷ đồng, lớn gấp hơn 2 lần giá trị thực. [2]
Thuế của dân bị người ta
bỏ túi, hoặc thất thoát 37,3 tỷ đồng nhưng chưa thấy có ai bị xử lý hình sự
ngoài việc yêu cầu khắc phục sai phạm (bồi hoàn, nộp trả ngân sách).
Số tiền 37,3 tỷ đồng bằng
bao nhiêu cái bánh mì mà mấy “kẻ cướp” đi ăn cướp suýt bị vào tù?
Vì sao không khởi tố hay
ít nhất cũng phải có hình thức kỷ luật về phía đoàn thể, chính quyền.
Phải chăng cả tổ chức Đảng lẫn chính quyền
địa phương sợ đau khi phải tự mình đánh vào tay mình, sợ ảnh hưởng đến điều
quý báu là “uy tín cán bộ”
nếu quyết tâm “đập chuột, diệt ruồi”?
Có phải Y tế vì là ngành
nghèo nên người ta bất chấp đạo lý “nghèo cho sạch, rách cho thơm”?
Chắc chắn không phải như
vậy nếu nhìn cung cách làm việc của bộ máy địa phương được xem là giàu, là
“đáng sống” nhất Việt Nam hiện tại.
Đà Nẵng có diện tích chỉ
hơn 1.200 km2, chạy dài từ 15°15' đến 16°40' vĩ độ Bắc.
Như vậy khoảng cách giữa
hai điểm xa nhất thành phố này vào khoảng hơn 100 km. Chỉ cần chạy xe hai
tiếng là bao quát hết toàn bộ chiều dài thành phố (theo hướng Bắc - Nam).
Thế nhưng ở đây người ta xây cả “dãy phố kiểu
Trung Quốc” mà chính quyền không biết, người ta đào bới cả địa bàn
chiến lược an ninh, quốc phòng trên bán đảo Sơn Trà khi chưa cấp phép cũng
không ai trong các cấp chính quyền biết.
Còn nữa, người Trung Quốc
trá hình mua bao nhiêu đất bao quanh sân bay Đà Nẵng? Bao nhiêu cửa hàng (của
người Trung Quốc) núp bóng người Việt cấm không cho người Việt vào mua hàng,
có ai tìm hiểu không?
Bao nhiêu hãng du lịch
bản địa tiếp tay cho người nước ngoài đưa khách Trung Quốc Đà Nẵng vào xuyên
tạc lịch sử đất nước và con người Việt Nam?
Tất cả những điều đó do
chính quyền thành phố phát hiện hay do người dân, do truyền thông phát hiện?
Vì sao chỉ sau khi truyền thông lên tiếng
thì quan chức mới chịu đến tận nơi thị sát, mới vào cuộc kiểm tra, mới yêu
cầu “đình chỉ ngay tức khắc dự án du lịch sinh thái Biển Tiên Sa ở bán đảo
Sơn Trà để làm rõ những sai phạm tại dự án này”?
Lại nghe nói Đà Nẵng đã xử
phạt doanh nghiệp vi phạm 40 triệu đồng vì đã xây 40 móng
biệt thự không phép, vị chi mỗi móng là 1 triệu đồng.
Ở Hà Nội, báo Tuoitre.vn
ngày 13/2/2017 đưa tin Công an quận Hoàng Mai phạt ba lái xe taxi “tè bậy”
mỗi người 2 triệu đồng.
Nếu đem so sánh có thể bạn đọc sẽ chê cười
là khập khiễng, là không “ý tứ” nhưng quả thật tiền phạt xây một trụ móng
biệt thự không phép ở Đà Nẵng chỉ bằng đúng một nửa so với “tè bậy” ở Hà Nội,
vậy nên chẳng cần phải là người Thổ mới nghĩ ra “Những người thích
đùa”.
Trong khi có nơi kỷ cương
bị buông lỏng, luật pháp bị lợi dụng thì sự giàu có của một số quan chức
thành phố này không phải là dân chúng không biết.
Luật pháp Việt Nam quy
định thế nào khi một quan chức chính quyền đầu tư vào các doanh nghiệp? Khoản
2, 3, 4, 5 Điều 37 Luật phòng chống tham nhũng (2005) quy định:
“Người đứng đầu, cấp phó của người đứng
đầu cơ quan, vợ hoặc chồng của những người đó không được góp vốn vào doanh
nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện
việc quản lý nhà nước”.
Chủ tịch thành phố có
phải là người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trên địa bàn
thành phố?
Nếu vậy họ có được góp
vốn vào doanh nghiệp nằm trên địa bàn họ quản lý không? Những câu hỏi về việc
đầu tư vào 5 doanh nghiệp của Chủ tịch Đà Nẵng có hợp pháp không hiện vẫn bỏ
ngỏ.
Khi phá nát mỏm núi Sơn
Trà mà vẫn “trong quy hoạch”, chỉ bị phạt mấy chục triệu thì Đà Nẵng trở
thành nơi “đáng sống” với ai, với doanh nghiệp, với “người điều hành” hay với
người lao động?
Địa điểm thứ ba là Thủ đô
Hà Nội, Chủ tịch thành phố đã chỉ rõ có quan chức quận huyện, sở và cấp cao
hơn chống lưng cho sai phạm trên địa bàn.
Câu nói của ông Nguyễn Đức Chung: “Tôi không bao giờ
đổ lỗi cho thế hệ trước” liệu có ẩn ý, rằng ông và cộng sự đang
phải gánh chịu hậu quả mà “thế hệ trước” để lại.
Đó là lỗi của “người điều
hành”, của “hệ điều hành” hay là của cả hai?
Ví dụ tại ba địa phương
không biết đã đủ để đánh giá năng lực của “người điều hành” hay còn phải tìm
thêm nhiều ví dụ khác?
Liệu đó chỉ là năng lực
chuyên môn hay kèm theo đó còn là những gì thuộc về đạo đức công vụ, về văn
hóa của “con người” mà dư luận chưa biết hoặc biết nhưng chưa đề cập?
Nói đến “điều hành” không
thể chỉ tập trung vào khối hành chính, không thể bỏ qua khối doanh nghiệp
quốc doanh - vốn được xem là đầu tàu kinh tế của cả nước.
Thông tin cho thấy, dự án bôxit Tây Nguyên lỗ
khoảng 3.700 tỷ đồng, đạm Ninh Bình tổng lỗ lũy kế từ năm 2012 đến 2015 là
khoảng 2.000 tỷ đồng.
Tập đoàn Dầu khí
quốc gia Việt Nam (PVN) có thể lỗ hơn 40.000 tỷ đồng (để bù
lỗ cho Dự án Khu liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn),… [3]
Báo cáo của Thanh tra Bộ
Tài chính cho biết hàng loạt công ty khai thác khoáng sản đang thua lỗ, khoản
nợ của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã vượt con số
100.000 tỷ đồng. [4]
Cổ nhân có câu “ôm rơm
nặng bụng”, thế nên “ôm” cả sắt thép, tàu biển, xi măng, khoáng sản,… thì
không chỉ “nặng bụng” mà còn làm cho người ôm còng lưng, trở thành “người
lùn” so với đồng loại.
“Chính phủ không
đi bán bia, bán sữa” là ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc,
nhưng nếu không cẩn thận thì bao nhiêu công sức của người dân sẽ nằm gọn
trong túi “người điều hành” khi cổ phần hóa được thực thi, câu chuyện doanh
nghiệp Điện Quang hay Cienco4 không
phải chỉ là cá biệt.
Rừng vàng, biển bạc tiền
nhân để lại bây giờ ra sao?
Than khai thác gần hết,
nghe nói đã có kế hoạch nhập khẩu từ nước ngoài, rừng gần như không còn, may
ra còn cát sông Cầu (đang bị tranh cãi), cát Phú Quốc đang hút để xuất ngoại
và các … “dự án” đang chuẩn bị đấu thầu.
Ông Lý Quang Diệu khi còn
sống mơ ước được lãnh một đạo đất nước rộng lớn như Việt Nam. Diện tích
Singapore (720 km2) lớn hơn đảo Phú Quốc một chút (574 km2).
Với hiện tượng băng tan
vùng cực, nước biển dâng cao, kèm theo đó là cát Phú Quốc được khai thác
nhiều, liệu có xảy ra viễn cảnh dân Đảo Ngọc sẽ phải dựng nhà giàn để bảo vệ
chủ quyền như các nhà giàn DK trên vùng biển phía Nam?
Mấy hôm nay, người dân
hơi bất ngờ khi biết chuyện Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội
cùng Viện Thiết kế và Quy hoạch thành phố Hàng Châu (Trung Quốc) tiến hành
khảo sát thực địa dọc hai bên bờ, chuẩn bị làm quy hoạch thiết kế tổng thể
thành phố ven sông (đoạn chảy qua Hà Nội).
Có thể người/cơ quan đề
xuất ý tưởng này có lý do riêng chưa tiện giãi bày?
Người dân chỉ có thể băn khoăn, không biết
họ có rút kinh nghiệm từ bài học “uốn lượn mềm mại”
đường sắt Cát Linh - Hà Đông, kinh nghiệm bán “rác công nghiệp” giá cao ở nhà
máy Đạm Ninh Bình, kinh nghiệm “kéo dài tuổi thọ” dự án Gang thép Thái Nguyên
mà Vietnamnet.vn viết là: “Nhà máy thép 8.000 tỷ: Đại dự án 10 năm hoang
tàn”?
Nhìn xa hơn, liệu họ có
rút được kinh nghiệm gì khi 80% cửa hàng của hãng Lotte (Hàn Quốc) phải đóng
cửa chỉ vì cái “hắt hơi” của ai đó ở Trung Nam Hải?
Nếu kể thêm thì còn vô số
kinh nghiệm mà nông dân Việt chỉ khi bị khuynh gia bại sản mới kịp nhận ra
như kinh nghiệm “dưa hấu”, “lợn hơi”, “rễ hồi”, “hoa thanh long”, và gần đây
nhất là “chuối già hương” ở Đồng Nai. [5]
Khi tỷ phú Donald Trump
trở thành Tổng thống Hoa Kỳ, nội các cũ bị giải thể, Tổng thống mới chọn tất
cả lãnh đạo hành pháp và tư pháp cho Quốc hội xem xét.
Trong số 4.000 nhân viên
phục vụ Nhà trắng, chỉ khoảng 300 người phục vụ hậu trường (quản gia, đầu bếp,…)
là có thể tại vị, 3.700 người bị sa thải, không những thế toàn bộ công tố
viên dưới thời ông Obama cũng được yêu cầu từ chức, nếu không tự nguyện từ
chức sẽ bị sa thải - như trường hợp công tố viên New York.
Đây là trường hợp “hệ
điều hành” không thay đổi nhưng “người điều hành” cũ phải ra đi.
Trường hợp của Bill
Gates, người sáng lập hãng phần mềm Microsoft lại khác. Vẫn là Bill Gates
lãnh đạo mấy chục năm nhưng “hệ điều hành” (operating system) của Microsoft
luôn luôn thay đổi.
Tính từ phiên bản Dos 1.0
ra đời vào năm 1981 đến Windows10 ra đời năm 2016, trong 36 năm, đã có 18
phiên bản khác nhau của “hệ điều hành” được đưa vào sử dụng, bình quân 2 năm
một phiên bản.
Cứ cố giữ “hệ điều hành”
cũ liệu Bill Gates có thành người giàu nhất thế giới?
Lỗi do “điều hành” thì
phải sửa “điều hành”. Nếu không sửa “hệ điều hành” như Bill Gates thì phải
sửa “người điều hành” như cách làm của Donald Trump.
Đương nhiên nếu học cả Donald Trump và Bill
Gates thì càng tốt. Giới công nghệ thông tin hiểu điều này rất rõ nhưng nói
đến chuyên môn hơi “thời thượng” này liệu có lọt tai những người ít tiếp xúc
với công nghệ?
Tài liệu tham khảo:
[1] http://www.tienphong.vn/kinh-te/no-nuoc-ngoai-tang-65-lan-sau-14-nam-1132271.tpo
[2] http://dantri.com.vn/blog/ke-khong-va-no-cong-20170320055059318.htm
[3] http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/dau-tu/pvn-bu-lo-hon-40-000-ty-dong-cho-loc-dau-nghi-son-321220.html
[4] http://vneconomy.vn/doanh-nhan/tkv-no-vuot-100000-ty-dong-loat-cong-ty-con-thua-lo-20170318015658572.htm
[5] http://www.tienphong.vn/kinh-te/trong-chuoi-ban-cho-de-bo-heo-1125937.tpo
(Theo
Giáo dục VN) Xuân
Dương
|
Thứ Sáu, 24 tháng 3, 2017
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét