Hai dự án bauxite lỗ, đội giá nghìn tỷ: Thử
nghiệm là... làm thật?
Cập nhật lúc 16:29
(Doanh nghiệp) - Nếu các
nhà kinh tế hạch toán đúng và hạch toán đủ và không có tư tưởng “nhiệm
kỳ” thì số lỗ trên còn cao hơn nữa.
6 điểm mấu chốt
Ngày 13/3, báo Pháp Luật TPHCM đưa tin, cơ quan thanh tra vừa có kết
luận thanh tra tại Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin). Trong đó,
đáng chú ý là kết quả thanh tra tài chính hai dự án bauxite - nhôm Tân Rai
(Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắk Nông).
Với dự án Tân Rai, theo quyết định ban đầu tổng mức đầu tư cho dự án
này là gần 7.800 tỷ đồng với công suất 600.000 tấn/năm, thời gian thực hiện
2006-2009. Qua bốn lần điều chỉnh, đến lần điều chỉnh cuối (tháng 10/2013),
tổng mức đầu tư cho dự án này đã tăng lên gần 15.400 tỷ đồng. Thời gian thực
hiện dự án bị chậm 4 năm so với quyết định phê duyệt lần đầu.
Sau 3 năm đi vào hoạt động, từ tháng 10/2013 đến hết tháng 9/2016, dự
án bauxite - nhôm Tân Rai thua lỗ gần 3.700 tỷ đồng.
Nguyên nhân làm tăng chi phí này được cơ quan thanh tra chỉ ra là do
điều chỉnh tăng công suất từ 600.000 tấn alumin/năm lên 650.000 tấn/năm, thay
đổi công nghệ sản xuất alumin, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, tiền
lương tăng và năng lực, kinh nghiệm quản lý điều hành của chủ đầu tư, năng
lực thi công của nhà thầu còn hạn chế.
Đối với dự án alumin Nhân Cơ, theo quyết định đầu tư ban đầu (năm
2007), vốn đầu tư cho dự án này là gần 3.300 tỷ đồng. Qua hai lần điều chỉnh,
tổng mức đầu tư theo phê duyệt năm 2014, tăng gấp 5 lần với con số hơn 16.800
tỷ đồng.
Cơ quan thanh tra đã chỉ ra nguyên nhân đội vốn là do thay đổi công
suất của nhà máy từ 300.000 tấn/năm lên đến 650.000 tấn alumin/năm.
Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 15/3, TS Nguyễn
Thành Sơn - nguyên Giám đốc Ban quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng
thuộc Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cho biết:
"Trước khi nói đến 2 dự án trên, thứ nhất, tôi
xin nhắc lại nội dung chỉ đạo của Bộ Chính trị (Thông báo số 245- TB/TW ngày
24/4/2009) và Chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ (Công văn số 650/TTg-KTN ngày
29/4/2009) về các dự án bauxite Tây Nguyên này là mang tính chất thử nghiệm.
Thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt, các đối tác Pháp cũng đã khuyên Việt Nam
cần phải làm thử nghiệm từ A đến Z, và chỉ nên thử nghiệm với công suất
alumina khoảng 200.000 tấn/năm và làm cả ra nhôm kim loại với công suất
khoảng 100.000 tấn/năm vừa đủ đáp ứng nhu cầu trong nước.
Sau này, chúng ta đã thử nghiệm đến 2 dự án, công suất ban đầu là
300.000 tấn/năm mỗi dự án, rồi lại được nâng lên 650.000 tấn/năm mỗi dự án,
tức là gấp hơn 6 lần so với tư vấn. Như vậy là đã vội vàng triển khai phát
triển hàng loạt ngay, chứ không còn là thử nghiệm nữa.
Lý do nâng công suất mỗi dự án lên gấp hơn 2 lần theo TKV là để giảm
suất đầu tư. Nhưng thực chất thì suất đầu tư không những không giảm mà còn
tăng lên.
Lý do triển khai đồng loạt cả hai dự án và chỉ định cùng một nhà
thầu Trung Quốc cho cả hai dự án cũng được TKV nêu ra là để giảm vốn đầu
tư. Về lý thuyết, trong trường hợp này, thì vốn đầu tư của dự án Nhân Cơ phải
thấp hơn vốn đầu tư của dự án Tân Rai 15-30%. Nhưng thực tế thì ngược lại.
Thứ hai, tổng
mức đầu tư cả 2 dự án đều tăng lên và đạt tổng mức đầu tư là 650 triệu USD/dự
án, một dự án chậm gần 4 năm, 1 dự án hơn 2 năm. Như vậy, việc chậm tiến độ
gần 6 năm như vậy đã làm tăng khoản mục “lãi vay trong quá trình xây dựng”
(IDC) trong tổng mức đầu tư. Kéo dài thời gian xây dựng là kéo dài thời gian
trả lãi vay.
Chỉ riêng lãi suất trong quá trình xây dựng đã tăng lên hàng chục
triệu USD. Trong khi doanh thu thì lại bị đẩy lùi.
Thứ ba, vấn
đề trượt giá, trước đây khi giải trình, chủ đầu tư là TKV và cơ quan quản lý
nhà nước là Bộ Công thương cũng đã tính đến trượt giá. Nhưng bây giờ, tổng
vốn đầu tư đã tăng lên chỉ do trượt giá đã tới hơn 1500 tỷ đồng. Tức là những
dự kiến của Chủ đầu tư và Bộ Công Thương là thiếu trách nhiệm.
Thứ tư, sang
đến hiệu quả sản xuất, đó là chi phí sản xuất trừ đi giá bán nếu âm thì hiệu
quả, còn dương thì không hiệu quả. Giá bán ngày xưa Bộ Công thương dự tính
còn cao hơn giá bán hiện nay, cho nên, lỗ kế hoạch dự tính chỉ khoảng vài năm.
Tôi còn nhớ lúc đó còn có viễn cảnh dự kiến giá nhôm tăng 1,25%/năm,
trong khi giá alumina phụ thuộc vào giá nhôm. Tuyệt nhiên đây chỉ là cách
giải trình xin phê duyệt dự án, chứ kể cả có tăng như vậy cũng rủi ro và
không có lãi.
Thực chất bây giờ giá không tăng được như vậy, là bởi vì, giá
khoáng sản trên thế giới cũng phụ thuộc vào giá năng lượng, giá dầu, giá khí
và phụ thuộc vào thị trường alumina đã được hình thành.
Nguồn cung trên thế giới về alumina khoảng 50-60 triệu tấn/năm đã được
an bài. Các hộ tiêu thụ alumina cũng đã gắn với các nguồn cung đó, không có
gì thay đổi. Nên khả năng chen chân vào thị trường alumina thế giới của TKV
là không cao.
Đơn giản, nếu cả hai nhà máy chạy hết công suất là 1,3 triệu tấn,
trong khi thị trường thế giới là 60 triệu tấn thì cũng không có cách nào điều
chỉnh được, mà vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào nó.
Thứ năm, chi
phí sản xuất hay chi phí vận hành phụ thuộc vào tiêu hao năng lượng, vật tư
là nguyên liệu đầu vào.
Lẽ ra không nên xây nhà máy nhiệt điện than ở trên Tây Nguyên vì làm
như vậy là ngược, than chở từ ngoài Quảng Ninh vào Sài Gòn, rồi chở từ Sài
Gòn lên Tây Nguyên để thắp điện, vì sao không lấy lưới điện quốc gia trên đó.
Giá than Quảng Ninh chuyển vào Sài Gòn chi phí tối thiểu tăng 600.000đ/tấn.
Ở đây chẳng qua giá điện không hạch toán riêng, nếu hạch toán riêng
thì giá thành điện TKV phát trên Tây Nguyên chắc chắn cao hơn giá mua điện từ
lưới.
Còn về tiêu hao nhiệt, thì công nghệ khí hóa than được sử dụng cho mục
đích này lại rất lạc hậu, thậm chí mấy lò khí hóa than trên Tây Nguyên còn
lạc hậu hơn mấy lò khí hóa than ở Bát Tràng ngày xưa (bây giờ người ta cũng
đã dẹp rồi). Mức tiêu hao nhiệt ở các dự án của TKV cao hơn mức bình quân của
thế giới tới 30%.
Về tiêu hao bauxite: Trên thế giới, bình quân chỉ cần 2 tấn bauxite
thì làm ra được 1 tấn alumina, nhưng Tân Rai, Nhân Cơ nhà thầu thiết kế 2,7
tấn mới được 1 tấn alumina.
Về tiêu hao nước ngọt: Trên thế giới bình quân chỉ cần tiêu hao
2,5-3,0 m3 nước cho 1 tấn alumina, như của TKV tiêu hao hơn 7 m3/tấn, cũng
gấp hơn 2 lần.
Tất cả các yếu tố làm tăng chi phí sản xuất nêu trên đều có nguyên
nhân là công nghệ lạc hậu, nhà thầu không có kinh nghiệm. Hay nói cách khác,
chất lượng dự án rất thấp.
Tôi xin nhắc lại, việc chuyển hóa bauxite thành alumina trên thế giới
chỉ có 2 quy trình là dựa trên việc sử dụng a xít hoặc sử dụng xút. Vì sử
dụng a xít thì đắt, nên 98% các nhà máy alumina trên thế giới đều sử dụng
xút- đó chính là QUY TRÌNH BAYER.
Các giải pháp kỹ thuật và các thiết bị công nghệ (know-how và license)
để thực hiện quy trình Bayer này thì mỗi nhà thầu một khác, không ai giống
ai, và đối với từng loại quặng bauxite cũng khác nhau, mà nhà thầu TQ thì
hoàn toàn không có một chút kinh nghiệm nào đối với loại bauxite của Tây
Nguyên.
Hay nói cách khác, “công nghệ Bayer” mà Bộ Công thương và TKV báo cáo
đang được sử dụng trên Tây Nguyên là hàng kém chất lượng.
Ngoài ra, khấu hao là khoản mục rất quan trọng trong giá thành sản
xuất của alumina. Và ở đây tôi xin chỉ rõ, dự án này vẫn “thở” được là do chi
phí khấu hao, trong giá thành alumina rất uyển chuyển. Tất nhiên nhà nước có
quy định về khấu hao, nhà máy đầu tư phải khấu hao 20-30 năm, mỗi năm đều
phải khấu hao như vậy, nhưng với 2 dự án trên họ không làm thế.
Như mấy năm đầu có sự nhùng nhằng giữa chủ đầu tư và nhà thầu, chậm
bàn giao, chưa bàn giao thì chưa khấu hao, nên mấy năm vừa rồi họ nói có lãi,
thực chất là vì họ chưa tính hết tài sản vào để khấu hao.
Thế nhưng như thế không phải là ngon ăn, khấu hao là dòng tiền ảo, đơn
giản chi phí khấu hao là chi phí ảo đối với một doanh nghiệp, cho nên ảnh
hưởng đến dòng tiền thực. Có khi nhà máy có doanh thu, nhưng giám đốc không có
tiền để trả lương cho công nhân.
Thứ sáu, chuyện
sau khi đi vào khai thác 3 năm lỗ gần 3700 tỷ là chuyện đương nhiên. Nếu các
nhà kinh tế hạch toán đúng và hạch toán đủ và không có tư tưởng “nhiệm kỳ” và
không chạy theo thành tích thì số lỗ trên còn cao hơn nữa.
Những điểm khó hiểu...
Riêng về nguyên nhân cho rằng giá alumin trên thế giới giảm đột ngột,
theo ông Sơn, đây là khuyết điểm trong công tác quản lý do không dự báo được
thị trường. Chúng ta chỉ là một phân khúc rất nhỏ thì làm sao tránh được sự phụ
thuộc vào thị trường.
Còn về thải bùn đỏ: trước đây dư luận phản đối nhiều về thải bùn đỏ
theo công nghệ ướt vì đây là công nghệ lạc hậu và có nhiều rủi ro cho môi
trường (như đã từng xẩy ra bên Hunggary).
Với công nghệ thải ướt như hiện nay, mặc dù chúng ta đã phê duyệt lại
thiết kế của bể chứa bùn đỏ, mỗi một hố bùn phải đầu tư hơn 700 tỷ đồng, 1-2
năm thì lại phải làm một hố như vậy. Điều này cũng làm cho giá thành cũng
tăng lên đáng kể.
Trước nay, TKV đưa ra một khái niệm thải chồng lớp khô, nhưng thực
chất là ướt, cứ thải ướt rồi chờ nó lắng xuống, thu hồi xút về nhà máy rồi
lại thải lớp bùn ướt khác lên thì làm sao khô được.
Thải khô là lúc bơm từ nhà máy ra nó như cát, tức là thành phần chất
rắn hơn 65%, chất lỏng dưới 35%, và bùn đỏ có thể chồng lên thành núi (giảm
diện tích chiếm đất của bãi thải, giảm nguy cơ bục hồ bùn). Còn thải ướt thì
trong quá trình đang hoạt động, rủi ro về vỡ hồ bùn đỏ như bên Hungary là vẫn
có.
Nếu không may vỡ hồ bùn đỏ thì thành phần lỏng chính là xút (chất độc
hại, gây chết người) sẽ tràn ra ngoài không kiểm soát được.
Rõ ràng, công nghệ xịn thì trước khi thải ra phải thu hồi xút trong
nhà máy mới an toàn, không có rủi ro cho môi trường xung quanh. Công nghệ
thải bùn đỏ trên Tây Nguyên là thải ướt, chứ không phải thải khô.
(Theo
ĐVO) Châu An ghi
Tội này đáng phải quy rõ và trị nghiêm. Họ xài
tiền dân cứ coi rẻ như vỏ hến! Tiếc rằng mấy lãnh đạo cỡ lớn chịu trách nhiệm
việc này đã "hạ cánh" rồi. Liệu có để họ hạ cánh an toàn?
Thương Giang |
Thứ Năm, 23 tháng 3, 2017
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét