Ai muốn xây dựng hầm chui sông Hàn?
Cập nhật lúc 10:38
(Tin tức thời sự)
- Chỉ khi triển khai xây dựng nhanh hầm chui sông Hàn thì mức giá đất bên bán
đảo Sơn Trà mới tăng lên.
Vẫn liên quan đến câu chuyện làm biệt thự trên bán đảo Sơn Trà, trao
đổi thêm với Đất Việt, ngày 27/3, KTS Hồ Duy Diệm - Nguyên Chủ tịch Hội quy
hoạch TP Đà Nẵng đã có những chia sẻ tâm huyết với Đất Việt.
Thiếu cân đối...
''Đà Nẵng hiện nay chỉ chuyên làm du lịch, không có công việc, không
có các khu công nghiệp để tăng thêm lựa chọn việc làm cho dân. Các chuyên gia
kinh tế Lê Đăng Doanh, Phạm Chi Lan đã từng cảnh báo Đà Nẵng phải phát triển
kinh tế toàn diện chứ không nên chỉ dựa vào bán đất.
Tôi còn nhớ, nhận định trên báo chí năm 2013: "Những tiến bộ và
sự phát triển vượt bậc ở Đà Nẵng thời gian qua là rất thuyết phục và không
thể phủ nhận. Hạ tầng và quản lý đô thị của Đà Nẵng đã có những thay đổi
nhanh chóng, có thể cho nhiều bài học tốt. Đà Nẵng cũng vượt lên nhiều địa
phương khác về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh...
Tuy nhiên, như tôi từng cảnh báo, với hơn 80% nguồn thu là từ đất đai,
Đà Nẵng sẽ gặp rất nhiều khó khăn do nguồn thu này không bền vững. Đáng tiếc
là những cảnh báo đã không được lắng nghe.
Đà Nẵng đang giảm sút mạnh so với chính mình trước đây và khó khăn hơn
nhiều địa phương khác do nguồn thu từ đất đai giảm. Các dự án đầu tư dựa trên
tính toán giá đất cao, giờ thiếu nguồn tài chính. Đó là hệ quả phát triển quá
nóng, dựa quá nhiều vào nguồn thu từ đất đai và bất động sản".
Khai thác quỹ đất để phát triển không sai, nhưng đó chỉ nên là động
lực cho giai đoạn phát triển ban đầu. Có tiền, đầu tư “hạ tầng cứng” là đúng,
nhưng bên cạnh đó phải quan tâm phát triển “hạ tầng mềm” để đưa kinh tế đi
lên bền vững, khai thác tốt hạ tầng đã đầu tư".
Ở đây họ lấy ruộng của nông dân rồi đắp đất vào bán giá cao gấp
nhiều lần, tăng nguồn thu bằng bất động sản. Biểu hiện trước mắt rất rõ ràng,
Đà Nẵng có 1 triệu dân, theo quy chuẩn của Việt Nam, 1 triệu dân thì chỉ cần
10 nghìn hecta đất, hơn 100m2/đầu người.
Năm 1976, Đà Nẵng có 350.000 dân và diện tích chỉ 5.000ha. Phải đến 40
năm sau – 2016, dân số mới xấp xỉ 1 triệu người, nhưng bù lại diện tích đô
thị đã tăng lên gấp 5 lần với 25.000ha.
Và nếu có chuyện tăng lên 3 triệu dân thật thì cũng phải bắt buộc xây
trong khu đô thị cũ, mà vòng ra các khu đã làm sẵn chung cư, đường xá. Tất cả
như vậy là vẫn đáp ứng đúng được với yêu cầu.
Nhưng vì bán đất được nhiều, nên từ thời Cố Bí thư thành ủy Nguyễn Bá
Thanh đã đưa ra quy hoạch 25 nghìn hecta đất, đến bây giờ thành phố vẫn đang
mở đường làm các dự án làm sao để có được 25 nghìn hecta đất này.
Do đó đất bán nền nhà cho dân Đà Nẵng đang thừa, còn đất làm công
nghiệp, đất làm ruộng thì hao hụt. Trong khi, Bình Dương họ đi theo hướng
phát triển cân bằng hơn rất nhiều, họ có công nghiệp, tạo mọi điều kiện để
thu hút vốn FDI, phát triển kinh tế tư nhân.
Bình Dương đầu tư hạ tầng từng bước, làm đến đâu sử dụng, thu hút vốn
đến đó, tạo sự quay vòng nguồn vốn, tạo nguồn thu mới. Cho nên, bây giờ tại
sao không làm nhà hàng, khách sạn, biệt thự trên các khoảng đất đã có mà phải
đi phá rừng, phá khu bảo tồn thiên nhiên?
Đặc biệt nhất là khi đất của Sơn Trà không phải một vùng đất bình
thường mà được quyền kinh doanh bất động sản ở đó, vì đó là đất rừng, rừng
vàng có hàng nghìn loài cây, hàng trăm loại thuốc quý hiếm, hàng trăm loại
động vật quý hiếm đang đối diện với nguy cơ tuyệt chủng, cần được bảo vệ.
Xây nhanh bán đất giá cao?
Mặt khác, không chỉ bản thân tôi mà rất nhiều KTS của Đà Nẵng đã
phân tích hầm chui sông Hàn không phục vụ gì nhiều cho mục tiêu giao thông.
Đất ở Sơn Trà tại thời điểm trước khi có dự án chỉ trên dưới 10
triệu/m2, thậm chí ít người mua, nhưng sau khi có quyết định làm hầm chui thì
mức giá đã tăng lên 40 triệu - 50 triệu đồng/m2. Hơn nữa, sau khi Thủ tướng
Chính phủ có ý kiến dừng lại để xem xét theo quy hoạch, thì lại giảm xuống
chỉ còn khoảng 20 triệu đồng/m2.
Mà không chỉ riêng Sơn Trà, gần đây tự nhiên đất Đà Nẵng một số khu
vực xung quanh dự án hầm chui sông Hàn cũng đội giá lên rất cao, do những nhà
kinh doanh bất động sản nhân dịp đó thổi giá lên, giờ thì lại xẹp xuống.
Được biết, các lô đất nền biệt thự có diện tích khoảng 1000m2, 1 chiếc
biệt thự họ rao bán 100-110 tỷ đồng, nếu làm hầm chui, giá các căn biệt thự
này còn được tăng cao hơn nữa.
Mà hiện tại không phải chỉ có hơn 40 căn biệt thự, mà chỉ riêng ở đó
đã gần 100 căn biệt thự, cùng với đó, theo quy hoạch tổng thể phát triển Khu
Du lịch Quốc gia Sơn Trà TP Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030,
thì dự kiến sẽ mất hơn 1000ha diện tích đất rừng.
Đà Nẵng gần đây xuất hiện nhiều việc khó hiểu, từ đề xuất bán trung
tâm hành chính vừa xây dựng mấy nghìn tỷ đồng, rồi xây lại một trung tâm hành
chính khác, mà sai sót là do trước đây không phê duyệt thiết kế đúng. Rồi
quyết định lên dự án làm hầm chui qua sông Hàn, bán đất rừng để xây
biệt thự làm khu du lịch sinh thái.
Thật khó lý giải vì sao Sơn Trà đã được công nhận
là rừng quốc gia từ năm 1977, đồng nghĩa cấm khai thác rừng mà lại
xuất hiện dự án gây xôn xao dư luận như vậy.
Hiện Đà Nẵng đã xây dựng cầu vượt 3 tầng Đà Nẵng qua Huế, cây cầu vượt
lớn nhất Việt Nam, do Công ty TNHH BT Ngã Ba Huế Trung Nam làm chủ đầu tư với
mức giá hơn 2000 tỷ đồng, hiện đã đưa vào sử dụng.
Thế nhưng, tiền xây dựng còn nợ chưa trả, không chỉ vậy một số cây cầu
khác cũng chưa trả nợ hết, không lẽ vì thế nên phải bán đất để trả nợ? Khi
đó, vừa trả được nợ, vừa làm được cầu, vừa làm được hầm chui.
Chúng tôi sẽ đề nghị Chính phủ bảo vệ bằng được Sơn Trà''.
(Theo
Đất Việt) Châu An ghi
|
Thứ Ba, 28 tháng 3, 2017
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét