Thứ Hai, 27 tháng 3, 2017

Quy hoạch hai bên sông Hồng: Nói có sự tương đồng là vội vã

Cập nhật lúc 09:57

UBND thành phố Hà Nội đang tái khởi động nghiên cứu quy hoạch hai bên sông Hồng có sử dụng kinh phí tài trợ của 3 tập đoàn bất động sản. Trao đổi với PV Tiền Phong, KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho rằng, không thể đặt ra vấn đề tương đồng ở đây được, bởi đặc trưng của dòng sông Hồng rất khác so với các nước.

 Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, quy hoạch 2 bên sông Hồng vấn đề quan trọng nhất là phải đảm bảo thoát lũ. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, quy hoạch 2 bên sông Hồng vấn đề quan trọng nhất là phải đảm bảo thoát lũ. Ảnh: Hồng Vĩnh.

KTS Đào Ngọc Nghiêm nói: Trong quy hoạch hai bên sông Hồng, theo tôi vấn đề an toàn dòng chảy, an toàn thoát lũ là yếu tố quan trọng nhất. Trong lịch sử dòng chảy, thế sông có nhiều biến động khó lường. Cả dòng thượng nguồn sông Hồng chảy qua Trung Quốc trong khi ta không nắm rõ những tác động thượng nguồn. Tôi được biết có rất nhiều trạm thủy điện trên thượng nguồn nên đã có tác động khá nhiều đến hạ lưu phần qua các tỉnh đồng bằng sông Hồng.
Yêu tố cần quan tâm là tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và lượng mưa trên thượng nguồn. Từ năm 2011, lượng nước mưa đã vượt quá lượng tính toán. Ví dụ, khi tính toán lượng nước mưa bình thường tần suất chỉ khoảng 200ml nhưng thực chất thời gian vừa qua đã thấy lên đến 400ml. Nói về thế sông, bãi giữa trước đây hoàn toàn bồi, nên đã hình thành ra điểm dân cư bãi giữa, gần như 1 phường.
Sau đó đã bị lở đi rất nhiều, cuối cùng không còn dân cư ở đó. Như vậy sông Hồng biến động rất lớn, bình thường mùa cạn có thể ở cốt 2 so với mực nước biển nhưng khi dâng cao năm 1971 đến 11,5. Sông Hồng còn góp phần quan trọng vào giao thông đường thủy, kết nối nhiều tỉnh thành.
Ngoài ra, sông Hồng có vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh, quốc phòng và văn hoá lịch sử. Nhiều căn cứ quân sự đóng gần sông Hồng. Nhiều làng nghề, nhiều di tích nằm dọc hai bên sông. Tính riêng đoạn qua nội thành Hà Nội đã có gần 30 di tích, trong đó nhiều di tích quốc gia cần bảo tồn…Tôi cũng nhấn mạnh yêu cầu quy hoạch, phát triển hai bên sông Hồng là rất cần thiết.
Đã có nhiều dự án đề xuất xây dựng thêm nhiều công trình cao ốc dọc hai bên sông Hồng. Vậy theo ông nên xem xét đề xuất này ra sao?
Như tôi đã nói yêu cầu quan trọng nhất là đảm bảo thoát lũ. Đây là an nguy của hàng triệu dân. Thứ hai, khi quy hoạch phải xác định sông Hồng là trục cảnh quan chính của thành phố, kết nối sự phát triển hai bên bờ Nam-Bắc, ưu tiên không gian xanh, nơi vui chơi và công trình phục vụ cộng đồng.
Thực tế, đây là nơi tạo ra những điểm dân cư, càng ngày càng có sức hút nhưng thành phố vẫn chưa có giải pháp quản lý chặt chẽ. Nếu trước kia chỉ là điểm dân cư nhỏ lẻ thì từ những năm 1960 đã hình thành nhiều khu dân cư lớn tại Ngọc Thụy, Phúc Xá, Long Biên, Đầm Trấu…và đến nay đã lên tới hơn 20 vạn dân. 
Quy hoạch hai bên sông Hồng: Nói có sự tương đồng là vội vã ảnh 1 
KTS Đào Ngọc Nghiêm.

Những năm qua, đã có nhiều dự án quy hoạch hai bên sông Hồng. Vậy vì sao đến nay vẫn chưa có đồ án nào được duyệt?
Đúng là chúng ta đã có nhiều đồ án nghiên cứu quy hoạch hai bên sông Hồng trong những năm qua. Tôi ví dụ như năm 2000 – 2007, chúng ta có dự án Seoul – Hà Nội nghiên cứu quy hoạch tổng thể 2 bên sông Hồng. Đồ án đã được hoàn thành và tổ chức lấy ý kiến người dân. Đã có nhiều tổ chức quốc tế tham gia cùng chúng ta.
Như vậy có thể thấy 2 bên sông Hồng có sự hấp dẫn lớn với những nhà nghiên cứu, nhưng cũng là nơi thể hiện tầm nhìn rất khác nhau. Từ đó đến nay chưa có dự án nào được duyệt, kể cả những dự án rất công phu mà chúng ta đã phối hợp với Hàn Quốc mới chỉ nghiệm thu dự án.
Nguyên nhân là mỗi dự án dường như mới chỉ xem xét một vài khía cạnh mà chưa có đánh giá, giải pháp tổng thể. Trong khi đây là vấn đề phức tạp, cần đa ngành, xem xét nhiều yếu tố bao gồm cả các vấn đề về an ninh quốc phòng; đòi hỏi sự thận trọng, kế thừa các nghiên cứu và phải có tầm nhìn.
Chúng tôi đã tổ chức nhiều đoàn sang các nước châu Âu, châu Á… nhưng có thể khẳng định đặc trưng của dòng sông Hồng rất khác so các nước khác, ngay cả những nước trong khu vực, sát với Việt Nam. Do đó không thể đặt ra vấn đề tương đồng ở đây được.
Mục tiêu khai thác khác, yếu tố an ninh quốc phòng rất quan trọng. Do đó, ai nói có sự tương đồng là kết luận rất vội vã. Yêu cầu quy hoạch hai bên sông Hồng đặt ra là rất cấp thiết nhưng tôi biết đến nay thành phố mới giao nhiệm vụ quy hoạch phân khu sông Hồng mà chưa có tiến triển gì nhiều.
Phải có định hướng phát triển 2 bên sông Hồng, không thể chỉ căn cứ vào quy hoạch chung của Hà Nội đến năm 2030 mà phải nghiên cứu tác động của dòng sông Hồng đến các tỉnh thành.
Quy hoạch hai bên sông Hồng có ảnh hưởng đến các tỉnh thành, vậy có cần ban chỉ đạo cấp vùng?
Tôi cho rằng Hà Nội phải chủ trì nhưng có sự tham gia của đa ngành, các thành viên Chính phủ. Việc lựa chọn các đơn vị tư vấn thiết kế là yêu cầu quan trọng.  Nên là 1 liên danh trong nước và nước ngoài,  không thể giao cho nước ngoài cả. 
Luật Xây dựng hiện nay đã đặt ra vấn đề lựa chọn tư vấn phải đấu thầu rộng rãi  chứ không thể chọn. Trường hợp chọn phải được sự cho phép của Chính phủ. Công tác phản biện khá quan trọng, và cần thiết phải có chuyên gia, đặc biệt là cộng đồng tham gia trong công tác quy hoạch. Phải tính đến yếu tố cộng đồng, có vai trò cộng đồng. Phát triển hai bên sông Hồng phải vì dân do dân, không thể áp đặt. Và phải tính đến khai thác của người dân 2 bên sông Hồng. Ví dụ không gian xanh công cộng hiện đang rất thiếu.
Cảm ơn ông!

(Theo Tiền phong) Minh Tuấn, Trần Hoàng thực hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét