THÁI NGUYÊN:
Trạm thu phí BOT chưa hoạt động, dân đã rầm
rầm phản đối
Cập nhật lúc 15:36
Trạm thu phí BOT Thái Nguyên - Bắc Kạn. Ảnh: LN.
Theo
phản ánh của nhiều người dân, việc đặt trạm thu phí BOT trên QL3 là cực kỳ vô
lý, bởi đây là con đường được làm hoàn toàn từ ngân sách và hiện cũng đã cũ.
Bên cạnh đó, vị trí đặt cũng rất bất cập khi nhiều người và phương tiện dù
chẳng đi một mét cao tốc nào cũng phải trả phí.
Đi
đường cũ, trả phí đi cao tốc
Là chủ
đầu tư của tuyến cao tốc hoàn toàn mới nối Thái Nguyên và Bắc Kạn, sự việc sẽ
chẳng gây bức xúc nếu Công ty TNHH BOT Thái Nguyên - Chợ Mới chỉ đặt trạm thu
phí trên chính con đường của mình. Với lý do hỗ trợ doanh nghiệp thu hồi
vốn, các cơ quan chức năng cho phép công ty này đặt thêm một trạm thu phí khác
trên QL3 cũ - vốn được xây dựng từ lâu bằng ngân sách nhà nước, nhằm “vợt”
những phương tiện không "chịu" hoặc không có nhu cầu lưu thông trên
cao tốc. Câu chuyện đang gây bức xúc tại địa phương.
Có mặt
trên QL3 đoạn đi qua địa phận xã Sơn Cẩm, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên,
PV Báo Lao Động ghi nhận, cách ngã rẽ vào cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới
khoảng 3km là một công trường xây dựng đang được tiến hành hết sức khẩn
trương. Công trường đó, theo tìm hiểu, bao gồm cụm công trình nhà điều hành
và trạm thu phí của Công ty TNHH BOT Thái Nguyên - Chợ Mới, dự kiến sẽ hoàn
thành và đưa vào sử dụng quý II/2017. Mức phí thấp nhất dành cho ôtô đi qua
trạm là 35.000 đồng/lượt.
Vấn đề nằm ở chỗ, cách đó
không xa, ngay đầu cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới đã tọa lạc sừng sững một
trạm thu phí khác đang trong những ngày thử nghiệm cuối cùng, với mức thu
theo công bố cũng là 35.000 đồng/lượt/xe ôtô dưới 9 chỗ. Điều này đồng nghĩa
với việc khi cả 2 trạm đi vào hoạt động, người dân lưu thông trên QL3 theo
hướng Bắc Kạn hay Tuyên Quang, dù không đi một mét cao tốc nào vẫn phải è
lưng trả phí.
Bao năm
sinh sống trong khu vực và lưu thông trên tuyến đường QL3, anh Nguyễn Văn
Thanh bức xúc: “Công việc của tôi một ngày qua lại đường này không biết bao
nhiêu lần, khổ nỗi nếu trạm thu phí đặt ở đấy thì cũng từng đấy lần qua trạm.
Dù có là vé tháng đi nữa thì chúng tôi cũng thấy phi lý, tôi có dùng cao tốc
đâu mà bắt chúng tôi phải trả tiền?”.
Cùng
chịu chung cảnh vô lý của người dân là các hãng vận tải chạy tuyến Thái
Nguyên - Tuyên Quang. Anh Phó Đình Tuệ, một chủ xe, tâm sự: “Chúng tôi là
những người thiệt thòi hơn cả. Trong khi các nhà xe chạy lên Bắc Kạn sẽ được
lựa chọn đi QL3 hoặc cao tốc thì chúng tôi dù phải trả tiền nhưng không được
quyền lựa chọn. Chúng tôi vẫn buộc phải đi qua trạm thu phí đặt trên QL3, trả
tiền phí cao ngất rồi sau đó đi được một đoạn thì rẽ sang QL37 về Tuyên
Quang”.
Nằm sát
trạm thu phí QL3 đang rầm rộ xây dựng còn có làng bánh chưng truyền thống Bờ
Đậu. Ở thời điểm hiện tại, giá của mỗi chiếc bánh chưng là 30.000 đồng và
được giữ nguyên trong nhiều năm nay, nhưng sắp tới, có thể cùng với nhiều mặt
hàng khác, giá của chúng sẽ phải đội lên cao vì “cõng” phí cao tốc.
“Cuộc
sống của chúng tôi chỉ trông vào mỗi nồi bánh chưng. Đáng lẽ là 30 ngàn đồng
1 cái bánh, nhưng giờ cái trạm thu phí lù lù ở đấy, người dân muốn đi mua
cũng ngại, chưa kể là giá tăng sẽ còn khó bán hơn nhiều” - một người dân cho
biết.
Sẽ họp
để đảm bảo quyền lợi
Theo
tìm hiểu của PV Báo Lao Động, lý do để Công ty TNHH BOT Thái Nguyên - Chợ Mới
được phép đặt cả trạm thu phí trên QL3 cũ là bởi doanh nghiệp này cho rằng,
nếu chỉ lập trạm thu phí trên tuyến mới, lưu lượng xe không đủ để hoàn vốn.
Nhất là trong giai đoạn đầu tư ban đầu, tuyến đường mới có nhiều đường nhánh
ra, không thể thu phí khép kín, phương tiện dễ dàng né trạm.
Để làm dịu dư luận, chủ
đầu tư ra “chiêu” là sẽ nâng cấp cải tạo QL3 cũ để người dân đỡ thiệt thòi.
Tuy nhiên, trong khi thời gian được phép thu phí sắp cận kề, khối lượng nâng
cấp cải tạo trên thực tế chả được là bao.
Liên
quan đến sự việc này, ông Vũ Mạnh Hiền - Bí thư xã Sơn Cẩm – cho biết, giống
như đại đa số người dân địa phương, ông cũng thấy rằng việc xây dựng trạm thu
phí BOT trên QL3 cũ là rất bất cập. Trong khi đó, vị trí xây dựng trạm còn
chặn cả một tuyến đường đi Tuyên Quang.
"Đơn
vị đầu tư thực chất mới chỉ sửa lại một chút đường dài khoảng 10km cách trạm
thu phí tới hơn 25km nên càng khiến người dân bức xúc. Nhưng do phương án này
đã được duyệt nên chúng tôi chẳng biết làm gì hơn ngoài đề xuất các cấp xem xét
miễn giảm phí cho các hộ dân ở gần” - ông Hiền nói.
Còn ông
Phạm Bình Công – Chủ tịch UBND huyện Phú Lương thì cho PV Báo Lao Động biết,
để đảm bảo quyền lợi cho các bên, tới đây, UBND tỉnh Thái Nguyên sẽ tổ chức
một cuộc họp để bàn bạc thêm về vấn đề này.
Cơ chế đang bảo vệ nhà đầu tư?
Là người có nhiều năm
nghiên cứu về giao thông, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên nêu
quan điểm: “Đầu tư cơ sở hạ tầng thì ai cũng ủng hộ cả. Nhưng đầu tư thế nào
cho phù hợp lại là chuyện khác. Không thể vì thế mà đẩy gánh nặng lên vai của
người dân và các danh nghiệp vận tải. Trong trường hợp này, tôi cho rằng cơ
chế của chúng ta đang bảo vệ nhà đầu tư chứ không bảo vệ người dân...”.
Bài học từ BOT Tam Nông (Phú Thọ)
Trong
2 ngày 13 và 14.3, không lâu sau thời điểm trạm thu phí BOT trên QL32 qua Tam
Nông, Phú Thọ đi vào hoạt động, cho rằng mức thu phí của trạm này là không
hợp lý, nhiều chủ xe đã đưa ôtô đến chặn tại hai đầu trạm thu khiến giao
thông bị tắc nghẽn nghiêm trọng.
Do không thể thuyết phục
được người dân và chủ phương tiện, tối 14.3, đại diện Công ty TNHH BOT
Hùng Thắng cho biết, sau khi làm việc với UBND tỉnh và các cơ quan liên quan
của tỉnh Phú Thọ, Công ty đã chính thức tạm dừng thu phí BOT trên QL32 qua
Tam Nông, Phú Thọ để chờ chỉ đạo của Bộ GTVT.
(Theo Lao động)
LONG NGUYỄN
|
Thứ Tư, 15 tháng 3, 2017
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét