Thứ Ba, 14 tháng 3, 2017

 Đà Nẵng dẫn đầu về năng lực cạnh tranh

Cập nhật lúc 17:13    

Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2016 công bố sáng 14-3 tiếp tục vinh danh TP Đà Nẵng năm thứ tư liên tiếp ở vị trí đầu bảng với số điểm 70 so với 68,34 điểm của năm trước. Đây cũng là lần thứ 7, thành phố này đứng đầu cả nước về chỉ số PCI.
Theo Báo cáo thường niên được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố, Quảng Ninh (65,60 điểm) lần đầu tiên vươn lên vị trí thứ 2. Tiếp đến Đồng Tháp (64,96 điểm) đứng thứ 3 và là địa phương trong tốp 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành cao nhất. Bình Dương (63,57 điểm) và Vĩnh Long (62,76 điểm) lọt vào nhóm những tỉnh, thành có chất lượng điều hành xuất sắc nhất cùng với Lào Cai (63,49 điểm).
Các tỉnh, thành phố như Thái Nguyên, TP Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc, Quảng Nam được các doanh nghiệp dân doanh đánh giá tích cực về các nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh. Năm thành phố trực thuộc Trung ương đều có cải thiện về chỉ số cạnh tranh, trong đó Trong đó, Hà Nội và Hải Phòng lần đầu tiên qua nhiều năm đã vượt ngưỡng 60 điểm, bước vào nhóm có chất lượng điều hành tốt, lần lượt ở vị trí 14 và 21 trên bảng xếp hạng. Bảng xếp hàng chỉ sô PCI 2016 cũng ghi nhận các tỉnh thuộc nhóm cuối bảng đã có nhiều nỗ lực cải cách rất ấn tượng.
Báo cáo PCI 2016 nhận định nhìn chung, chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố Việt Nam tiếp tục duy trì xu hướng cải thiện. So với năm 2015, những chuyển biến tích cực có thể được nhận thấy ở các lĩnh vực tính năng động, tiên phong của chính quyền tỉnh, thành, chi phí không chính thức, đào tạo lao động, cạnh tranh bình đẳng và đăng ký doanh nghiệp. Tuy nhiên, gánh nặng khi thực hiện thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai chưa thuận lợi và môi trường pháp lý chưa an toàn vẫn là một số trở ngại chính đối với doanh nghiệp trong nước.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius đánh giá, Bản báo cáo năm nay cho thấy tinh thần lạc quan đang tăng lên trong cả các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Cạnh tranh giúp chúng ta cải thiện hiệu quả hoạt động khi tăng cường quan hệ thương mại và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng. Các địa phương đang ngày càng sáng tạo trong việc thúc đẩy môi trường kinh doanh mạnh mẽ. Đại diện chính quyền địa phương chủ động tiếp cận giới doanh nghiệp để tìm các giải pháp sáng tạo cho những thách thức cải cách đang tồn tại.
Theo PCI 2016, khu vực doanh nghiệp dân doanh trong nước có dấu hiệu khởi sắc. Năm 2016, có 65% doanh nghiệp hoạt động có lãi, mức cao nhất trong năm năm trở lại đây. Lần đầu tiên trong 12 năm qua, quy mô vốn trung bình của doanh nghiệp đã tăng lên mức cao nhất, bình quân 18,1 tỷ đồng, gấp đôi so với năm 2006 (7,5 tỷ đồng). Tỷ lệ doanh nghiệp tuyển dụng thêm lao động cũng tăng từ 12% năm 2015 lên 13% năm 2016. Các doanh nghiệp tiếp tục lạc quan về triển vọng kinh doanh với 48% doanh nghiệp dự kiến sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong vòng hai năm tới, tương đương mức của năm trước đó.
Khối doanh nghiệp FDI cũng có dấu hiệu tích cực, khi 11% doanh nghiệp trong khối này đã tăng vốn đầu tư, 63% tuyển dụng thêm lao động mới, mức tăng cao nhất trong vòng năm năm qua. Hơn 50% số doanh nghiệp FDI có ý định tăng quy mô hoạt động, mức cao nhất kể từ năm 2010.
Theo Nhân dân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét