Thứ Năm, 30 tháng 3, 2017

Thực hư chuyện cha ruột Thái sư Trần Thủ Độ

Cập nhật lúc 10:18

Trước việc một số nhà nghiên cứu của Viện Sử học, Hội Khoa học lịch sử VN, Viện Nghiên cứu Hán Nôm... tôn vinh Hoằng Nghị đại vương - thần sấm - là cha ruột Thái sư Trần Thủ Độ, Ban Liên lạc họ Trần VN đã phản ứng: “Họ làm sai trái lịch sử”.
 Đền thờ Hoằng Nghị đại vương ở Thái Bình (2017) /// Ảnh: Kiều Mai Sơn
Đền thờ Hoằng Nghị đại vương ở Thái Bình (2017). ẢNH: KIỀU MAI SƠN

Khoảng trống trong lịch sử
Hoằng Nghị đại vương hiện được thờ tại công trình Đền thờ tổ họ Trần VN - tên khác nữa là Đền Nhà Ông thuộc địa phận làng Mẹo, thôn Phương La, xã Thái Phương, H.Hưng Hà, Thái Bình. Theo ông Trần Văn Trọng, người trông nom ngôi đền này, đây là đền thờ cụ Trần Hoằng Nghị - tức Hoằng Nghị đại vương. “Các nhà sử học Dương Trung Quốc (Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử VN), Nguyễn Minh Tường (Viện Sử học) cùng nhiều nhà khoa học khác đã thống nhất đó là cha đẻ Thái sư Trần Thủ Độ”, ông Trọng chia sẻ.
Là nhân vật kiệt xuất của nhà Trần, tuy nhiên, trong tất cả các bộ chính sử của VN từ Việt sử lược đời Trần, Đại Việt sử ký toàn thư đời Lê, Việt sử thông giám cương mục đời Nguyễn đều không thấy chép về cha đẻ Trần Thủ Độ là ai. Sách Đại Việt sử ký toàn thư do sử gia Ngô Sỹ Liên viết chỉ nói: “Trần Thủ Độ khi nhỏ ở với bác là Trần Lý”.
Vậy cha ruột của Trần Thủ Độ là ai? Đây là một khoảng trống của lịch sử chưa được làm sáng tỏ. Vì thế, Hội Khoa học lịch sử VN phối hợp với UBND tỉnh Thái Bình đã tổ chức hội thảo khoa học Hoằng Nghị đại vương và việc bảo tồn, tôn tạo khu di tích lịch sử văn hóa Phương La (ngày 9.1.2007 tại Hà Nội). Mục đích nhằm cố gắng làm sáng tỏ một góc khuất trong tiểu sử và hành trạng của Thái sư Trần Thủ Độ có liên quan đến nhân vật là thân sinh danh nhân lịch sử này.
Ông Dương Trung Quốc, trong Lời nói đầu cuốn sách Hoằng Nghị đại vương (NXB Thế giới - 2015), cho biết: “Trên cơ sở những nguồn tư liệu hiện có, nhiều nhà nghiên cứu đã đi tới kết luận: Thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ là Đại vương Trần Hoằng Nghị, quê làng Mẹo, nay là thôn Phương La, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình”. Trong cuốn sách trên, nhiều chuyên gia nghiên cứu của Viện Sử học (PGS-TS Nguyễn Minh Tường, PGS-TS Nguyễn Thị Phương Chi, PGS-TS Nguyễn Đức Nhuệ…); Viện Lịch sử quân sự VN (PGS-TS, đại tá Lê Đình Sỹ); Viện Nghiên cứu Hán Nôm (PGS Trần Lê Sáng, PGS-TS Nguyễn Tá Nhí, PGS-TS Đinh Khắc Thuân)… đều đồng thuận nhất trí: Trần Hoằng Nghị - Hoằng Nghị đại vương là thân sinh Trần Thủ Độ.
PGS-TS Nguyễn Minh Tường (Viện Sử học) đã công phu trình bày trong 22 trang sách, kết quả nghiên cứu từ điền dã thực tế địa phương (hỏi chuyện các cố lão), trích dẫn tư liệu trong tiểu thuyết, viện dẫn cả thần tích các làng bên cạnh... để đi tới kết luận Hoằng Nghị đại vương là cha đẻ Trần Thủ Độ. Cụ thể, PGS-TS Nguyễn Minh Tường đã chứng minh qua thần tích làng Xuân La có thờ Trang Nghị đại vương tức... Hoằng Nghị đại vương.
Sáng 28.3, Thanh Niên liên hệ với ông Nguyễn Minh Tường để làm rõ những thông tin về Hoằng Nghị đại vương. Ông Tường cho biết đang đi họp nên không trả lời. “Cuốn sách về Hoằng Nghị đại vương có trong Thư viện Quốc gia, anh cứ tìm đọc”, PGS-TS Nguyễn Minh Tường nói.
Bài viết Thân thế sự nghiệp Hoằng Nghị đại vương thân phụ của Thái sư Trần Thủ Độ do PGS-TS Nguyễn Minh Tường (Viện Sử học) viết, được in trong sách Hoằng Nghị đại vương, NXB Thế giới in lần đầu năm 2007, đến năm 2010 NXB Văn hóa Thông tin ấn hành với tên gọi Đức Hoằng Nghị đại vương, NXB Thế giới tái bản năm 2015 với tên gọi Đức Hoằng Nghị đại vương. Nội dung bài viết không có gì thay đổi. Tác giả Nguyễn Minh Tường khẳng định Hoằng Nghị đại vương là thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ. “Có thể khẳng định Trang Nghị đại vương được thờ làm thần thành hoàng ở đình thôn Xuân La, không thể là ai khác, ngoài Hoằng Nghị đại vương” (Đức Hoằng Nghị đại vương, NXB Thế giới, 2015, tr.34).
 Kiều Mai Sơn
Trang Nghị đại vương là thần sấm ?
Nhưng, kết quả nghiên cứu kết luận Hoằng Nghị đại vương là cha đẻ Trần Thủ Độ đã vấp phải ý kiến phản đối của chính con cháu dòng họ Trần VN và những nhà nghiên cứu khác. Lý do chính là trong các bộ chính sử, quốc sử cũng như gia phả dòng họ Trần ở nhiều chi phái, nhiều đời còn giữ được không hề có nhân vật nào tên gọi Trần Hoằng Nghị hay Hoằng Nghị đại vương, nên không thể hồ đồ công nhận một nhân vật không rõ nguồn gốc lại là thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ.
Trước việc tổ chức hội thảo rồi làm đề nghị với UBND tỉnh Thái Bình công nhận đền thờ Hoằng Nghị là tổ của họ Trần VN và là người sinh ra Thái sư Trần Thủ Độ, cụ Trần Ngọc Bảo - Chủ tịch Hội đồng cố vấn, Hội đồng Trần tộc VN, có đơn kiến nghị gửi lên Chủ tịch nước, Thủ tướng, Bộ VH-TT-DL: “Họ đã làm sai trái lịch sử, dám làm đảo lộn cả phả hệ của họ Trần VN, dòng thứ thành dòng trưởng”.
Cụ Bảo cho biết: Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử thông giám cương mục, Việt sử kỷ yếu và tất cả các chính sử của VN đều không có nói gì về nhân vật Trần Hoằng Nghị hay Hoằng Nghị đại vương. Sách Từ điển Thái Bình (2010), trong đó có hàng mấy chục trang nói về người họ Trần ở tỉnh Thái Bình, nhưng không có một chữ nào viết về Trần Hoằng Nghị hay Hoằng Nghị đại vương cả.
Theo cụ Trần Ngọc Bảo: “PGS-TS Nguyễn Minh Tường (Viện Sử học) suy ra Hoằng Nghị đại vương chính là Trang Nghị đại vương được thờ ở thôn Xuân La theo thần tích. Nếu hai người này, Hoằng Nghị và Trang Nghị là một thì các ngài là thiên thần chứ không phải nhân thần”.
Cụ thể, căn cứ vào 8 đạo sắc vào các năm Cảnh Hưng năm thứ 44 (1783) đời vua Lê Hiển Tông, Thành Thái nguyên niên (1889), Duy Tân năm thứ 3 (1909) và Khải Định năm thứ 9 (1924), cùng bản Thần tích “Đức Ông Trang Nghị đại vương sự tích” của làng Xuân La, lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm (ký hiệu AE a5/23), do TS Mai Hồng - một chuyên gia Hán Nôm phiên âm, dịch nghĩa thì Hoằng Nghị đại vương là... thần sấm (được in trong Tài liệu địa chí Thái Bình, tập 2). Vị thần sấm này có công phù trợ Cao Biền (quan Tiết độ sứ đời Đường - thế kỷ IX) mà được phụng thờ. Các đời vua Lê Đại Hành, Trần Thái Tông thần có công phù trợ nhà vua đánh quân Tống và quân Mông Cổ xâm lược mà được gia phong mỹ tự.
Lợi dụng các nhà khoa học đưa vào mục đích riêng ?
PGS-TS Tạ Ngọc Liễn (Viện Sử học) và PGS-TS Đinh Khắc Thuân (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) cho biết bài viết của hai nhà khoa học này trong sách Hoằng Nghị đại vương đã bị Ban Biên tập (Nhà sử học Dương Trung Quốc, nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh, PGS-TS Nguyễn Minh Tường và Ngô Vũ Hải Hằng - PV) tự ý thêm vào.  
Chia sẻ với chúng tôi, sáng 28.3, PGS-TS Tạ Ngọc Liễn khẳng định: “Cuốn sách in ra tôi không biết gì. Thậm chí, khi Kỷ yếu hội thảo in ra, có người xin, tôi cho ngay, tôi không hề đọc lại và tôi quên luôn chuyện đó”.
Về thông tin bài viết của ông trong sách có những câu viết khẳng định Hoằng Nghị đại vương là thân sinh Trần Thủ Độ, hoặc “Trong tham luận Thân thế sự nghiệp Hoằng Nghị đại vương thân phụ của Thái sư Trần Thủ Độ” của PGS-TS Nguyễn Minh Tường sẽ giải quyết có sức thuyết phục vấn đề này” (tr.108), ông Liễn cũng nói: “Đây là câu thêm vào. Tôi không nghiên cứu Hoằng Nghị đại vương, các ông ấy định xây một cái lăng thì tôi tra từ điển tôi viết thế nào là lăng mộ nhưng các ông ấy thêm vào. Việc thêm vào này cũng không thông qua tôi, không gửi bản thảo trước khi in để tôi đọc lại”.
Còn PGS-TS Đinh Khắc Thuân cũng khẳng định: “Trước khi in, họ không gửi bản thảo cho tôi. Sách in ra, họ cũng không gửi sách, tôi có được đọc đâu mà biết. Đến khi có người cho xem cuốn sách, tôi thấy họ đã thêm vào những câu không phải của tôi, vô lý lắm”.
Trước sự việc nêu trên, ông Thuân đã gửi bản thảo gốc và bản in sách để đối chiếu đến PGS-TS Đinh Quang Hải - Viện trưởng Viện Sử học và PGS-TS Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN đề nghị xem xét.
“Hội thảo về Hoằng Nghị đại vương từ năm 2007, xong ông Trần Văn Sen - khi ấy là tộc trưởng họ Trần Thái Bình, dùng bài viết trong hội thảo đó để làm những chuyện nằm trong mưu đồ của các ông, nguyên cái đó là không được. Cách làm của ông Trần Văn Sen là không đàng hoàng. Đó là lợi dụng bài viết của các nhà khoa học để dùng vào chuyện riêng của dòng họ là rất nguy hiểm”, PGS-TS Đinh Khắc Thuân nhấn mạnh. 
(Theo Thanh niên) Kiều Mai Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét