Thứ Tư, 8 tháng 3, 2017

228tỷ/km đường bộ cao tốc Bắc Nam: Quá lãng phí

Cập nhật lúc 11:01

 

(Tin tức thời sự) - Hiện có những đoạn đường QL1 qua miền Trung vừa cải tạo nâng cấp, xe chạy vẫn chưa nhiều, thậm chí có thể mở rộng thêm QL1 còn hiệu quả hơn.
Xây thêm tuyến đường song song với QL1 cũ
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam.
Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam kéo dài từ Lạng Sơn đến Cà Mau, trong đó các đoạn Lạng Sơn - Hà Nội và TPHCM - Cà Mau đã cơ bản hoàn thành, còn 1.372 km cần nghiên cứu đầu tư.
Bộ GTVT cho biết, tổng mức đầu tư toàn dự án là hơn 314.100 tỷ đồng, giai đoạn phân kỳ dự kiến đầu tư khoảng 245.000 tỷ đồng trong đó vốn Nhà nước khoảng 96.600 tỷ; vốn nhà đầu tư khoảng 148.400 tỷ đồng; giai đoạn hoàn thiện khoảng 69.100 tỷ đồng.
Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 7/3, TS Phạm Sanh - chuyên gia giao thông đô thị cho biết: "Bộ GTVT đang triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 01/03/2016. Theo nội dung quy hoạch, Việt Nam sẽ có mạng lưới đường bộ cao tốc dài khoảng 6.411km.

 228ty/km duong bo cao toc Bac Nam: Qua lang phi
Đường bộ cao tốc Bắc Nam

Dự án mà Bộ GTVT đang trình Chính phủ chỉ là khép kín các đoạn thuộc Tuyến cao tốc Bắc – Nam phía đông dài 1.372km/1.814km (một số đoạn đã làm rồi hoặc đang chuẩn bị). Về mặt thủ tục pháp lý theo luật định, dự án này phải trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi lên Quốc Hội để thông qua, sau đó Chính phủ mới phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án.
Hướng tuyến dự án chạy gần song song với QL1 về phía Tây, chứ không phải cải tạo tuyến QL1 cũ.
Theo tôi, Bộ GTVT và các đơn vị tư vấn đã nghiên cứu hệ thống đường bộ cao tốc Việt Nam trong đó có tuyến Bắc-Nam phía Đông cả chục năm, nếu tính khả thi cao, nên sớm trình Quốc hội thông qua nghiên cứu tiền khả thi để có thời gian triển khai thực hiện các bước tiếp theo.
Ý kiến cá nhân, nên đưa đoạn Trung Lương – Mỹ Thuận- Cần Thơ vào trong dự án này, vì thực ra đoạn cao tốc này hết sức quan trọng với giao thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tai nạn xảy ra trên QL1 liên tục, nhưng hiện nay Bộ GTVT và nhà đầu tư chưa làm gì hết.
Nếu không đưa đoạn cao tốc này vào, nên sửa tên dự án, không gọi là tuyến Bắc-Nam nữa, mà là tuyến cao tốc Hà Nội-TPHCM".
Suất đầu tư 228 tỷ đồng/km là không chính xác
Đặc biệt, ở góc độ khác, theo ông Sanh, với suất đầu tư 1km mà 228 tỷ đồng, thì trên thế giới hiện nay vẫn còn nhiều ý kiến về suất đầu tư 1km đường cao tốc vì tiêu chuẩn yêu cầu kỹ thuật, đơn giá nhân công vật liệu, điều kiện tự nhiên, trình độ và trách nhiệm quản lý, mức độ lạm phát và tham nhũng... các nước đều khác nhau.
So sánh chỉ là khập khiểng mà mang tính tương đối. Chi phí cho 1km đường cao tốc 4 làn xe, Ấn Độ từ 4 triệu đô la Mỹ (đồng bằng) đến 6 triệu đô la Mỹ (đồi núi), Mỹ từ 8 đến 12 triệu.
Các nước Châu Âu thường từ 10 đến 14 triệu (Austria 12.87 triệu €, Hungary 11.21 triệu €, Slovakia 9.56 triệu €, Czech Republic 8.86 triệu €, nhưng Denmark chỉ 5.89 triệu €, Croatia 6.682 triệu €, Slovenia 7.29 triệu € và Germany 8.24 triệu €). Nếu đường cao tốc vào đô thị, con số này phải nhân lên 1,5 đến 2 lần.
"Với đường cao tốc Việt Nam, con số 228 tỷ cho 1km đường 4 làn xe, có vẻ khá cao so với thế giới vì tiêu chuẩn, chất lượng và tuổi thọ các đường cao tốc đã làm kém xa so với thế giới.
Cho đến hiện nay, vẫn chưa minh bạch và thống nhất cho được suất đầu tư 1km cao tốc, dù rằng Quốc Hội và Chính phủ cũng đã nhiều lần lên tiếng về vấn đề này. Các con số “dư” về tổng mức đầu tư của một số dự án BOT mà Kiểm toán Nhà nước vừa đưa ra, theo tôi mới là bề nổi của tảng băng chìm, chỉ phát hiện các sai lệch định mức đơn giá tông thường và ăn gian khối lượng công việc quá lộ liễu của nhà đầu tư.
Lỗi nặng từ cơ chế quản lý chi phí xây dựng và trách nhiệm bộ máy con người quản lý, vẫn chưa được Bộ GTVT và Bộ Xây dựng quan tâm giải quyết.
Nếu tính đúng, con số này có lẽ chỉ ở mức 150 tỷ đồng cho 1km đường cao tốc VN, theo cách đang thi công xây dựng và quản lý chất lượng hiện nay", ông Sanh nhấn mạnh.
Lãng phí là nhìn thấy rõ
Trong một vấn đề liên quan khác, theo vị chuyên gia giao thông trên, hiện nay, đường bộ từ Bắc vào Nam có 4 trục đường chính, gồm QL1, đường Hồ Chí Minh, đường cao tốc và đường ven biển. Lượng xe nhiều nhất vẫn trên trục QL1, tập trung nhiều ở hai đầu Hà Nội – TPHCM.
Nhiều nghiên cứu cho rằng tuyến Bắc-Nam phía Đông, nên dựa vào lưu lượng xe dự báo, chỉ số FIRR, mà làm ưu tiên từng đoạn, từ Hà Nội vào Vinh, từ TPHCM ra Nha Trang, kết nối Đà Nẳng Quảng Ngãi, TPHCM Cần Thơ. Bộ GTVT còn phải làm các tuyến cao tốc khác như Biên Hòa Vũng Tàu, Cần Thơ Cà Mau, TPHCM Tây Ninh...
"Ở đây, lãng phí thì chắc chắn rồi, vì có những đoạn đường QL1 qua miền Trung vừa cải tạo nâng cấp, xe chạy vẫn chưa nhiều, thậm chí có thể mở rộng thêm QL1 còn hiệu quả hơn.
Ngại nhất là không kêu gọi được nhà đầu tư hoặc vay được vốn ưu đãi để xây dựng các đoạn cao tốc có FIRR quá bé hoặc âm. Lúc bấy giờ dễ trở lại vấn đề đầu tư dàn trãi, nợ đọng kéo dài, thậm chí kêu gọi đầu tư bằng mọi giá, dễ dẩn đến tham nhũng tiêu cực lợi ích nhóm", ông Sanh cho biết thêm.
Cùng với đó, ông Sanh cho rằng, Bộ GTVT còn phải phân tích chi tiết hiệu quả tài chính từng dự án thành phần, từ đó mới tham mưu cho Chính phủ, dự án nào BOT, dự án nào PPP, dự án nào BT hay dự án nào vốn ngân sách, vốn ODA.
Như vậy sẽ có đoạn đường thu phí nhưng cũng có đoạn không thu phí, rồi mức thu cũng khác nhau với từng phương thức đầu tư và cơ cấu vốn khác nhau.
Quan trọng nhất là cần phải đánh giá lại hoạt động các dự án BOT thu phí hiện nay để có các khung pháp lý hiệu lực nhằm quản lý hiệu quả dự án BOT thu phí trên cả mước.
"Với hàng loạt BOT cao tốc mở ra, thì Bộ GTVT càng phải trách nhiệm nhiều hơn nữa về bộ máy con người của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, về tổ chức và công nghệ thu phí, về đánh giá tác động lên phát triển kinh tế xã hội", ông Sanh nhấn mạnh.
(Theo Đất Việt) Châu An

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét