7 tháng, khám hơn 300 lần chỉ để… lấy thuốc
Cập nhật lúc 14:55
Theo
BHXH Việt Nam, qua công tác kiểm tra, giám định, đã phát hiện nhiều cơ sở
khám chữa bệnh (KCB) có tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT. Thậm chí, có
những trường hợp đi khám chữa bệnh nhiều lần trong ngày, nhiều lần trong
tháng chỉ để “lấy” thuốc mà không vì mục đích điều trị của bản thân.
Người
dân chờ làm thủ tục thanh toán viện phí và BHYT.
Muôn “chiêu”
trục lợi
Qua công tác kiểm tra, giám định, BHXH Việt Nam đã phát hiện nhiều cơ
sở KCB có tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT. Các “chiêu” thường được các
cơ sở KCB áp dụng như: Đưa ra các hình thức khuyến mại không phù hợp để thu
hút người bệnh; chỉ định các dịch vụ kỹ thuật, thuốc quá mức cần thiết để
tăng thu; kê thêm nhiều chẩn đoán để hợp lý hóa các chỉ định (có nhiều trường
hợp được kê đến 10, 15 chẩn đoán); tăng cường đưa người bệnh chỉ cần điều trị
ngoại trú vào điều trị nội trú để tăng thu tiền giường bệnh (một số cơ sở có
tỷ lệ vào điều trị nội trú cao hơn mức trung bình 1,5 đến 2 lần); sử dụng các
bác sỹ chưa đủ điều kiện về chứng chỉ hành nghề, đăng ký hành nghề để cung
cấp dịch vụ y tế.
Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước mới đây cũng chỉ ra tình trạng liên
kết, liên doanh lắp đặt máy móc, trang thiết bị tại cơ sở KCB theo hình thức
xã hội hóa phát sinh nhiều bất cập. Đặc biệt là tình trạng cho mượn máy để
cung cấp hóa chất xét nghiệm. Một số nơi đã lợi dụng việc chưa có các quy
định về cho thuê, mượn, đặt máy, khi xây dựng đề án, ký kết hợp đồng có những
điều khoản ràng buộc về số lượt dịch vụ, số lượng hóa chất, vật tư sử dụng
hàng tháng. Để nhanh thu hồi vốn hoặc đáp ứng điều kiện sử dụng hóa chất của
các công ty đặt máy, cơ sở KCB đã chỉ định rộng rãi, quá mức cần thiết các
dịch vụ kỹ thuật, làm gia tăng chi phí phải chi trả từ Quỹ BHYT và của người
dân. Một số cơ sở KCB có máy do ngân sách đầu tư, nhưng lại chủ yếu thực hiện
trên máy xã hội hóa và người bệnh phải trả thêm tiền chênh lệch giữa giá do
cơ sở KCB xây dựng và giá viện phí do Nhà nước quy định.
Ông Phạm Lương Sơn cho biết, thời gian qua, BHXH Việt Nam và BHXH các
địa phương đã tăng cường công tác giám định, kiểm tra, từ chối thanh toán các
chi phí sai quy định hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Đồng thời, kiến nghị các cơ
quan chức năng xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT. Theo ông
Sơn, để phòng chống lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT, ngoài cơ quan BHXH, cần có
sự vào cuộc của Chính quyền, ngành y tế, người dân.
Áp dụng nhiều
biện pháp ngăn chặn
Trao đổi với PV Tiền
Phong, bà Nguyễn Thị Minh, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, thời
gian qua, BHXH Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ
nhằm ngăn chặn trục lợi Quỹ BHYT. Theo đó, đã thành lập các đoàn kiểm tra
trực tiếp việc thanh toán chi phí KCB tại các địa phương; phối hợp với Bộ Y
tế, Tổng hội Y học Việt Nam triển khai đánh giá công tác KCB tại địa phương
theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Công văn số
7200/VPCP-KGVX. Báo cáo kết quả sẽ được BHXH Việt Nam công bố trong thời gian
tới.
“Việc giám
định BHYT điện tử là bước đột phá, có ý nghĩa quan trọng, làm thay đổi căn
bản phương pháp giám định, quản lý chi trả chi phí KCB BHYT... Quan trọng hơn
là đảm bảo tính chính xác trong công tác giám định, minh bạch trong thanh
toán BHYT, mang lại hiệu quả cao trong công tác quản lý và ngăn ngừa tình
trạng trục lợi, lạm dụng quỹ BHYT”.
Bà Nguyễn Thị
Minh, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam
Cùng
đó, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH 63 tỉnh, thành phố tập trung kiểm soát chi
phí; đánh giá nguyên nhân và các yếu tố tác động đến việc gia tăng chi phí
KCB BHYT. Đặc biệt, tại các cơ sở y tế có chi phí tăng cao, bất thường. Chủ
động tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, giám định tại các cơ sở khám chữa bệnh;
kiên quyết từ chối thanh toán chi phí dịch vụ kỹ thuật, thuốc cung cấp và
thanh toán sai quy định. Ngoài ra, yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp
với Sở Y tế để tổ chức tốt việc đấu thầu, đảm bảo đủ thuốc, vật tư y tế điều
trị hiệu quả, phù hợp với khả năng chi trả của Quỹ BHYT.
Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cũng cho biết, từ cuối tháng 6/2016, BHXH
Việt Nam đã chính thức vận hành Hệ thống thông tin giám định BHYT, kết nối
với trên 99% cơ sở KCB BHYT từ tuyến xã đến Trung ương trên phạm vi toàn
quốc. Việc giám định BHYT điện tử là bước đột phá, có ý nghĩa quan trọng, làm
thay đổi căn bản phương pháp giám định, quản lý chi trả chi phí KCB BHYT. Với
khối lượng công việc “khổng lồ” gần 150 triệu hồ sơ, bệnh án phải giám định
mỗi năm, trên 22.000 loại thuốc, 18.000 dịch vụ kỹ thuật y tế, Hệ thống thông
tin giám định BHYT vừa giúp giải quyết nhanh chóng, kịp thời chế độ cho người
dân tham gia BHYT vừa giảm áp lực đối với cơ quan BHXH. Quan trọng hơn là đảm
bảo tính chính xác trong công tác giám định, minh bạch trong thanh toán BHYT.
Thời gian qua, nhờ Hệ thống thông tin giám định BHYT, đã phát hiện
những trường hợp đi khám chữa bệnh nhiều lần trong ngày, nhiều lần trong
tháng chỉ để “lấy” thuốc mà không vì mục đích điều trị của bản thân (có
trường hợp trong 7 tháng đi khám hơn 300 lần - PV).
Hiện, BHXH Việt Nam đang xây dựng, cập nhật các quy tắc giám định theo
quy trình kỹ thuật của Bộ Y tế để Hệ thống thông tin giám định BHYT phát hiện
các trường hợp người cung cấp dịch vụ không đủ điều kiện; chỉ định dịch vụ kỹ
thuật, thuốc không phù hợp, quá mức cần thiết; thống kê thanh toán sai quy
định; đồng thời kiểm soát giá thuốc, vật tư y tế; xác định các cơ sở y tế có
gia tăng chi phí bất thường, dịch vụ gia tăng bất thường để kịp thời kiểm
tra, ngăn ngừa lạm dụng trục lợi BHYT.
Bên cạnh đó, BHXH Việt
Nam cũng đang phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Tài chính để rà soát các dịch vụ có
giá cao, không phù hợp với thực tế để điều chỉnh nhằm giảm tình trạng tăng
chỉ định đối với các dịch vụ này. Trong năm nay, ngành BHXH sẽ tiếp tục tăng
cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng Quỹ KCB BHYT, đẩy nhanh tiến độ triển
khai Hệ thống thông tin giám định BHYT để đảm bảo công khai, minh bạch và đảm
bảo quyền lợi người bệnh tham gia BHYT.
(Theo Tiền phong) Hà Phương Linh
|
Thứ Năm, 16 tháng 3, 2017
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét