Bịt kẽ hở đầu tư BOT giao thông, doanh nghiệp yếu kém phải "tháo
chạy"
Cập nhật lúc
09:35
Theo các
chuyên gia giao thông, việc siết chặt quy định trong đầu tư hạ tầng giao
thông theo hình thức BOT đang giúp loại bỏ doanh nghiệp kém năng lực.
Một số doanh nghiệp xin rút khỏi dự án BOT
giao thông
Chỉ trong thời gian ngắn nhiều doanh nghiệp
tuyên bố hoặc có hành động rút khỏidự án giao thông theo hình thức BOT (hình
thức đầu tư – kinh doanh – chuyển giao).
Tại buổi gặp mặt nhà đầu
tư phía nam vào chiều 17/3/2017, lãnh đạo Công ty cổ phần Tasco cho biết, có
thể sẽ tìm kiếm các cơ hội đầu tư khác tốt hơn thay vì đầu tư vào lĩnh vực
BOT giao thông.
Theo doanh nghiệp này lợi
nhuận sinh lời trên vốn chủ sở hữu mỗi năm khoảng 11,5%, mức lợi nhuận này
không cao trong khi thời gian vốn đầu tư kéo dài.
Trước đó, ngày 9/3, Liên danh Nhà đầu tư dự
án BOT Bắc Giang – Lạng Sơn do Công ty cổ
phần Đầu tư UDIC đứng đầu đã cùng ký vào văn bản với Công ty cổ phần Xuất
nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (Geleximco) gửi Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đề
xuất việc chuyển nhượng dự án lại cho Geleximco thực hiện.
Điều này đồng nghĩa với
việc các nhà đầu tư cũ đã chính thức thừa nhận không đủ năng lực triển khai
dự án, trong khi đó Geleximco cũng mới chỉ thu xếp được khoảng 5.800 tỷ
đồng/11.765 tỷ đồng tổng vốn đầu tư dự án.
Tương tự các nhà đầu tư tại dự án như cầu Hạc Trì - Phú Thọ, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cũng muốn
rút ra khỏi dự án.
Việc hàng loạt nhà đầu tư
muốn rút không đầu tư các dự án BOT giao thông đang khiến nhiều người lo ngại
nguy cơ thiếu vốn không thể triển khai dự án.
Trước lo lắng này, trao
đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ
tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho biết: “Việc doanh nghiệp xin rút
không đầu tư tại các dự án BOT giao thông là hiện tượng hết sức bình thường,
khi cơ chế chính sách siết lại doanh nghiệp cảm thấy không đủ năng lực sẽ xin
rút. Doanh nghiệp này xin rút sẽ có doanh nghiệp khác thay thế”.
Theo Chủ tịch Hiệp hội
vận tải ô tô Việt Nam, hình thức đầu tư BOT trong giao thông những năm quan
đã mang lại bộ mặt mới cho hạ tầng giao thông cả nước.
Tuy nhiên, trong quá
trình thực hiện nhiều dự án BOT giao thông nảy sinh nhiều vấn đề bất cập do
năng lực chủ đầu tư kém.
“Nhiều doanh nghiệp ngoài
ngành nhưng thấy người ta làm BOT tưởng dễ cũng nhảy vào, đến khi thực hiện
thì năng lực tài chính kém, thiếu kinh nghiệm dẫn đến dự án kéo dài gây bức
xúc trong dư luận”, ông Thanh cho biết.
Ông Thanh khẳng định: Đầu
tư BOT giao thông cũng giống như lĩnh vực khác đều có cạnh tranh, ở đó đòi
hỏi doanh nghiệp phải có năng lực về vốn, về kinh nghiệm triển khai dự án. Do
vậy hoàn toàn không lo ngại thiếu vốn dù một vài doanh nghiệp xin rút không
đầu tư BOT giao thông.
Cùng chung quan điểm, ông
Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho biết, sau 5 năm triển
khai đầu tư theo hình thức BOT, hạ tầng giao thông cả nước đã thay đổi rõ
rệt, đóng góp vào phát triển kinh tế đất nước.
Tuy nhiên trong quá trình
triển khai do BOT là hình thức đầu tư mới, cơ quan quản lý nhà nước chưa
lường trước được những phát sinh tiêu cực gây bức xúc trong nhân dân.
“Mặc dù vậy chúng ta cũng
mừng khi những bức xúc của người dân, những méo mó trong đầu tư BOT giao
thông đã được cơ quan nhà nước lắng nghe, từ lắng nghe đó đã thành lập các
đoàn kiểm tra, thanh tra, giám sát từ đó có những điều chỉnh về chính sách”,
ông Liên cho biết.
Sàng lọc loại bỏ doanh nghiệp yếu kém
Theo ông Liên những vấn
đề nổi cộm trong đầu tư BOT giao thông thời gian qua đã được các cơ quan
thanh tra, kiểm tra làm rõ.
Cụ thể, sau kết quả kiểm
toán 27 dự án đầu tư, khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp
đồng BOT giai đoạn 2011- 2016, Kiểm toán Nhà nước kết luận nhiều trạm thu phí
hiện nay không đảm bảo quy định về khoảng cách tối thiểu 70 km, gây bức xúc
cho người dân.
Bên cạnh đó là việc
"khai vống" vốn đầu tư thêm hàng ngàn tỷ tại một số dự án BOT đã
được Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ đồng thời cơ quan này cũng kiến nghị giảm thời
hạn thu phí hoàn vốn của các dự án từ 10 tháng đến 13 năm so với phương án
tài chính ban đầu.
Mới đây nhất, Thủ tướng
Chính phủ vừa ban hành quyết định 07/2017/QĐ-TTg về việc thu giá dịch vụ
sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng.
Cụ thể, chậm nhất đến
31/12/2018 nhà đầu tư phải bàn giao toàn bộ các trạm thu giá dịch vụ sử dụng
đường bộ đang vận hành cho nhà cung cấp dịch vụ thu giá để thực hiện việc thu
giá theo hình thức điện tử tự động.
Theo quyết định mới của
Chính phủ nhà đầu tư phải bỏ chi phí đầu tư thêm hệ thống điện tử để minh
bạch số lượt phương tiện qua trạm, minh bạch khoản phí, tổng số phí.
Ông Bùi Danh Liên cho
biết: “Sau thời gian đầu tư BOT giao thông thả lỏng dẫn đến nhiều tiêu cực
như chỉ định nhà đầu tư không thông qua đấu thầu, nhà đầu tư được tự lập đề
án, việc phê duyệt mang tính chất gọi là có chứ chưa thẩm định nghiêm túc nên
dẫn đến sơ hở, dự án đầu tư có lợi cho doanh nghiệp.
Chính vì vậy doanh nghiệp
đầu tư BOT lợi lớn. Điều này dẫn đến hàng loạt doanh nghiệp nhảy vào xin đầu
tư BOT”.
Trước tồn tại trên theo
ông Liên cơ quan nhà nước đang hướng đến siết chặt, bổ sung văn bản để điều
chỉnh quy định phê duyệt, cấp phép dự án BOT giao thông.
Ông Liên cho rằng việc
siết chặt đầu tư dự án BOT giao thông lý giải vì sao từ đầu năm 2017 đến nay
Bộ Giao thông vận tải chưa triển khai dự án BOT giao thông nào.
Các dự án BOT giao thông
được công bố khởi công gần đây như dự án tuyến đường nối Quốc lộ 10 đến đường
Thái Bình - Hà Nam, dự án nối cao tốc Hà Nội - Ninh Bình với Thái Bình đều là
dự án do địa phương quản lý.
Ông Liên cho biết, trước
đây nhà đầu tư tự lo giải phóng mặt bằng tại các dự án BOT giao thông. Điều
này dẫn đến giải phóng mặt bằng chậm, do giá đất bồi thường của địa phương có
sự thay đổi theo từng năm. Vì vậy để tránh bị thiệt doanh nghiệp đầu tư BOT
phải khai khống lên.
“Tuy nhiên hiện nay quy
định đã chặt chẽ hơn, đó là với dự án BOT giao thông chính quyền địa phương
phải bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư thực hiện dự án.
Ngoài ra trước khi tính
toán chi phí đầu tư đường BOT đang có phương án làm thử một km đường trên
diện tích đất đã giải phóng mặt bằng sau đó mới đưa ra dự toán đầu tư. Điều
này tránh việc nâng giá, khai khống trong đầu tư”, ông Liên cho biết thêm.
Theo Chủ tịch Hiệp hội
vận tải Hà Nội khi kẽ hở đầu tư BOT giao thông bị bịt lại, đòi hỏi nhà đầu tư
phải có vốn, có thực lực vì thế nhà đầu tư không mặn mà với BOT nữa là điều
dễ hiểu.
Đồng quan điểm ông Nguyễn
Văn Thanh cho biết, quản lý đầu tư BOT giao thông đang hướng đến minh bạch.
Càng minh bạch sẽ càng loại bỏ được những doanh nghiệp đầu tư “chụp giật”,
loại bỏ doanh nghiệp lợi dụng lỗ hổng của chính sách để làm lợi cho mình.
“Có thể nói quy định đầu
tư BOT giao thông càng siết chặt sẽ giúp loại bỏ doanh nghiệp yếu kém. Khi
minh bạch thì sớm hay muộn những doanh nghiệp này cũng bị loại bỏ”, ông Thanh
cho biết.
(Theo
Giáo dục VN) Mai Anh
|
Thứ Năm, 30 tháng 3, 2017
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét