Thứ Năm, 18 tháng 8, 2016

Vụ trung tâm hành chính nghìn tỷ: Phải đền bù ngân sách


Cập nhật lúc 07:13 

Ai thiết kế thi công để "lỗi" gây nóng, thiếu ô xy là phải chịu trách nhiệm, phải đền bù ngân sách, KTS Đào Ngọc Nghiêm nói với Góc nhìn thẳng về trung tâm hành chính nghìn tỷ ở Đà Nẵng.

 trung tâm hành chính ngàn tỷ, trung tâm hành chính Đà Nẵng, toà nhà ngàn tỷ, trung tâm hành chính nóng, trung tâm hành chính thiếu ô xy, Đào Ngọc Nghiêm


Câu chuyện "nóng, thiếu ô xy" ở trung tâm hành chính Đà Nẵng gợi lên rất nhiều điều đáng suy nghĩ về chủ trương xây dựng trung tâm hành chính tập trung, nơi tích hợp các sở ban ngành về cùng một "mối". Rất có thể, những bất cập ở trung tâm hành chính Đà Nẵng không phải là cá biệt.
Chuyên mục Góc nhìn thẳng mời quý vị, các bạn cùng nghe ý kiến chia sẻ của KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam để cùng phân tích thêm về vấn đề này.
Theo dõi cuộc trao đổi tại clip dưới đây:
Nhà báo Phạm Huyền:Thưa ông, nhiều người dân đang băn khoăn hiện nay, khi đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào thực hiện thủ tục hành chính, thiết lập chính phủ điện tử thì việc xây các trung tâm hành chính, tích hợp các sở ngành thu về một mối, cùng dồn về làm việc tại một địa điểm liệu có còn phù hợp?
KTS Đào Ngọc Nghiêm: Tôi thấy rằng, khái niệm trung tâm hành chính tập trung không phải chỉ là để thuận tiện cho áp dụng các ứng dụng công nghệ thông tin mới là công nghệ điện tử mà ở đây còn có ý nghĩa biểu tượng văn hoá của địa phương. Ở đây, trung tâm hành chính còn thể hiện yêu cầu phát triển đô thị hoá của một địa phương. Chúng ta phải nhìn đồng bộ như vậy.
Tôi cũng xin khẳng định, hiện nay, không phải chỉ có mỗi một hình thức trung tâm hành chính tập trung mà cũng có rất nhiều huyên, tỉnh áp dụng hình thức phân tán.     
Tôi ví dụ như Thủ đô Hà Nội chẳng hạn, khi phê duyệt quy hoạch chung của Hà Nội ngay trong Luật Thủ đô, đặc biệt là quy hoạch chung của thủ đô đến năm 2020 đã khẳng định một câu rằng, trung tâm hành chính chính trị của Thủ đô Hà Nội được bố trí ở khu vực xung quanh Hồ Gươm chứ không nói đến địa điểm nào đó.
Trước khi làm quy hoạch này, cũng có ý kiến đề xuất tập trung một khu vực nhất định, giải toả các chỗ khác đi, nhưng rồi các cơ quan cuối cùng, đã quyết định như vậy.
Vậy thì, có những tỉnh sẽ là trung tâm hành chính tập trung, nhưng cũng có tỉnh, huyện thì cơ quan hành chính là phân tán. Tập trung hay phân tán là do yếu tố đặc trưng của địa phương, do các giải pháp về quy hoạch và đặc biệt do yếu tố phân bố dân cư địa phương để xác định hình thức nào là phù hợp.         
Nhà báo Phạm Huyền: Trở lại câu chuyện Đà Nẵng với thông tin trung tâm hành chính tập trung bị nóng, thiếu ô xy, theo ông, ai sẽ phải chịu trách nhiệm khi có một công trình sử dụng vốn ngân sách lớn như vậy, 2000 tỷ đồng giờ lại tỏ ra kém hiệu quả?
KTS Đào Ngọc Nghiêm: Về hiện tượng ở Đà Nẵng, chúng ta phải xem xét. Để làm rõ trách nhiệm vấn đề này thì phải làm rõ, rà soát từng khâu một. Trước hết, khâu chuẩn bị đầu tư, thứ hai là trách nhiệm của khâu thẩm định có đúng quy trình hay không? Trách nhiệm của người phê duyệt chủ trương đầu tư, có lắng nghe ý kiến của người thẩm định không hay chỉ đưa ý kiến riêng của mình làm quyết định. Có thể nói, ở đây, trách nhiệm lớn nhất là của hội đồng thẩm định và người quyết định dự án đó.
Thứ tư, chúng ta phải quan tâm là đơn vị nhận lập dự án và thiết kế công trình. Ở đây, có vấn đề đặt ra là việc tổ chức thi tuyển thiết kế công trình có vốn đầu tư 2000 tỷ là đúng hay chưa và đã đủ trình tự pháp lý hay chưa? Đơn vị thiết kế ở đây có phải là đơn vị có đủ năng lực hay không?
Đầu bài đặt ra là toà nhà không nóng, không thiếu ô xy nhưng thiết kế lại nóng và thiếu ô xy, thế thì anh phải chịu trách nhiệm, phải đền bù cho ngân sách. Những cái này đã được ghi rõ trong luật.
Rồi kế đến là nhà thầu thi công, có đúng năng lực, đúng thiết kế hay không? Ví dụ, toà nhà phủ kính toàn bộ nhưng ở đây là kính gì? Kính chống hấp nhiệt, kính phản quang hay là anh chọn kính thông thường, hay chỉ vì yếu tố chọn giá thành mà anh chọn kính không thích hợp? Ai là người đã nghiệm thu việc sử dụng kính như thế? Đó là liên quan nhà thi công.
Nói cách khác, anh phải chịu trách nhiệm chất lượng vật liệu để đảm bảo nội dung sử dụng như đã thiết kế mà chủ đầu tư dự án đã nêu rõ.
Một trách nhiệm nữa là cơ quan giám sát, là cơ quan Nhà nước. Trong quá trình giám sát, anh có khách quan hay không ? Anh có đủ trình độ giám sát hay không hay anh cho qua những sai phạm về sử dụng vật liệu, sai phạm về công nghệ, về giải pháp thiết kế để rồi công trình không đảm bảo an toàn, không đáp ứng yêu cầu sử dụng.
Cuối cùng, kết quả nghiệm thu như thế nào? Trách nhiệm của người sử dụng phải biết duy tu, bảo dưỡng công trình như thế nào?
Tôi cho đó là 6 đối tượng liên đới, chịu trách nhiệm về vấn đề "nóng, thiếu ô xy" ở toà nhà trung tâm hành chính Đà Nẵng.
Nhà báo Phạm Huyền:Hiện nay, nhiều dự án trung tâm hành chính đã được đề xuất xây dựng. Vậy theo ông, chúng ta nên tư duy theo hướng nào để các khu này vừa đảm bảo yếu tố văn hoá, ý nghĩa biểu trưng, vừa đạt mục đích gần dân, tiết kiệm, hiệu quả?
KTS Đào Ngọc Nghiêm: Ai là người quyết định trung tâm hành chính tập trung hay phân tán? Trước hết, chúng ta phải có định hướng lớn, phải tham khảo ý kiến, thể hiện ở trong khâu quy hoạch xây dựng đô thị. Việc nghiên cứu quy hoạch này không phải chỉ tuân thủ điều kiện phát triển kinh tế xã hội, chủ trương của chính quyền địa phương về một chính quyền kiến tạo mà ở đây, còn yếu tố văn hoá.
Ví dụ các khu đô thị tập trung lớn như ở Bình Dương, Đà Nẵng, khả năng tập trung có thể xảy ra nhưng ở Tây Nguyên, Tây Bắc, yếu tố tập trung thành một công trình lớn phù hợp văn hoá của người ta.
Trung tâm hành chính phải gắn kết biểu tượng quyền lực nhưng đó là biểu tượng văn hoá. Các nước đều làm như thế. Còn muốn xây dựng biểu trưng văn hoá hợp lý thì phải lắng nghe ý kiến của người dân, tham khảo.
Tôi cho là, Việt Nam đang ở giai đoạn đang phát triển nên cũng nên cân nhắc chuyện này.
VietNamNet
Thực hiện: Phạm Huyền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét