Vay Trung Quốc 7.000 tỷ làm cao tốc: 'Ai ăn bánh thì
trả tiền'
Cập nhật lúc 07:17
Điều quan trọng là cần xem xét dự án cao tốc dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái có cần phải vay tới gần 7.000 tỷ hay không
và hiệu quả đến đâu để không tạo thêm gánh nặng cho đất nước, các chuyên gia
khuyến cáo.
Cân nhắc về hiệu quả kinh tế
Trao đổi với PV.VietNamNet, ông Đỗ Thiên Anh
Tuấn, Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright, cho rằng, việc quyết định đầu
tư dự án này bằng nguồn vốn vay Trung Quốc hay không đừng chỉ xem xét đơn
giản trên phương diện kinh tế. Nếu một dự án mang lại hiệu quả kinh tế thì
đương nhiên phải làm, đặc biệt khi dự án đó đóng góp vào giá trị gia tăng cho
nền kinh tế, cải thiện thu nhập và tạo ra nhiều việc làm.
Về dự án cao
tốc Vân Đồn - Móng Cái, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn nhận xét: “Tôi chưa thấy có
phương án tài chính, kỹ thuật để thẩm định dự án này có hiệu quả hay không”.
Dẫn ý kiến của
Bộ Giao thông Vận tải cho rằng ngoài Trung Quốc, chưa có đối tác nào tham gia
dự án, ông Tuấn phân tích: Mục tiêu thúc đẩy cải cách và phát triển kinh tế ở
các nước đang phát triển như Việt Nam là ưu tiên của Ngân hàng Thế giới (WB)
hay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Nếu dự án Vân Đồn - Móng Cái thực sự
có hiệu quả kinh tế thì khả năng rất lớn là WB hay ADB có thể sẽ tham gia tài
trợ.
“Họ đang rất
muốn tìm kiếm dự án mang lại hiệu quả kinh tế của nước đang phát triển để cho
vay, thúc đẩy cải cách. Có lý do gì mà họ lại từ chối tham gia tài trợ một dự
án có tiềm năng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế? Việc họ không có dự định tham
gia vào dự án Vân Đồn - Móng Cái cho thấy còn có sự nghi ngờ về tính khả thi
về mặt kinh tế của dự án này”, ông Tuấn nhận định.
Ngay cả Nhật
Bản, với tư cách là nhà tài trợ ODA song phương lớn nhất của Việt Nam, cũng
không tài trợ. "Điều này đặt một dấu hỏi lớn về tính khả thi kinh tế
thực sự của dự án", vị chuyên gia Fulbright nói.
Ông Dương Văn
Cận, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội nhà thầu Việt Nam, cũng cho rằng:
Chúng ta thiếu tiền thì phải đi vay, nhưng không vì thế mà chịu quá nhiều sức
ép từ phía đối tác.
Theo ông Cận,
sức ép thứ nhất của nguồn vốn vay Trung Quốc là về nhà thầu. Chúng ta cần rút
ra bài học kinh nghiệm qua dự án Cát Linh - Hà Đông, nếu bị sức ép mà nhà
thầu không có năng lực thì chúng ta không nên vay.
Ông Đỗ Thiên
Anh Tuấn bổ sung, việc khát vốn đầu tư không chỉ diễn ra đối với các dự án
giao thông phía Bắc, càng không phải chỉ với cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. Hơn
nữa, nếu càng khát vốn đầu tư thì chi phí cơ hội của vốn càng lớn, và do vậy
phải ưu tiên lựa chọn dự án thực sự cần thiết.
“Nhìn khắp đất
nước, dự án Vân Đồn - Móng Cái có phải là dự án cần nguồn vốn này nhất hay
không? Câu trả lời là không hẳn. Bởi, ngoài Quảng Ninh, nhiều địa phương khác
thậm chí còn khát vốn hơn. Song chúng ta lại tính dùng nguồn vốn khan hiếm đó
để tài trợ cho một dự án còn nghi ngờ về hiệu quả kinh tế và tính cần thiết
như Vân Đồn - Móng Cái”, ông Tuấn cảnh báo.
Cho nên, việc
vay vốn Trung Quốc cho dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái là chưa thuyết phục,
ông Tuấn khẳng định.
Ai ăn bánh, người ấy trả tiền
Trong trường
hợp bắt buộc phải vay vốn Trung Quốc cho dự án này, ông Dương Văn Cận khuyến
nghị: Ngay từ Hiệp định vay, phía Việt Nam phải đề nghị được lựa chọn nhà
thầu thông qua hình thức đấu thầu công khai để chọn được nhà thầu có năng
lực, kinh nghiệm, không nên chỉ định nhà thầu. Phương thức này chúng ta vẫn
thường thấy ở các dự án vay của Nhật Bản.
Ngoài ra, theo
đại diện Hiệp hội nhà thầu, rút kinh nghiệm từ dự án Cát Linh - Hà Đông, cần
kiểm soát giá gói thầu, không để nhà thầu Trung Quốc sau này muốn đội vốn đầu
tư lên bao nhiêu cũng được. Bởi, đó là tiền đi vay và tương lai, chúng ta sẽ
phải trả.
Ông Cận khuyến
nghị, khi thỏa thuận hiệp định vay vốn phải có các nhà chuyên môn về đầu tư
xây dựng cùng đàm phán, giám sát ngay từ đầu để tránh thua thiệt cho dự án.
Còn ông Đỗ
Thiên Anh Tuấn cho rằng: Chính quyền Quảng Ninh phải là chủ đầu tư dự án này
theo nguyên tắc “ai ăn bánh người đó phải trả tiền”, chứ không phải Bộ GTVT.
Có nghĩa, nếu Quảng Ninh đầu tư dự án bằng khoản vay gần 7.000 tỷ đồng này từ
Trung Quốc, tỉnh này phải có trách nhiệm, nghĩa vụ trả nợ bằng chính ngân
sách của địa phương.
Trong trường
hợp quyết định thực hiện, các chuyên gia cho rằng, Bộ GTVT cần có trách nhiệm
giám sát độc lập về phương án kỹ thuật của dự án, đảm bảo tiến độ, tiêu chuẩn
kỹ thuật, chất lượng công trình. Nếu dự án không đảm bảo chất lượng thì cơ
quan này phải chịu trách nhiệm. Bộ Tài chính lo giám sát phương án tài chính,
đảm bảo khả năng thu hồi vốn và trả nợ của chính quyền Quảng Ninh. Còn Quảng
Ninh đóng vai trò là chủ đầu tư, chịu trách nhiệm trả nợ nếu dự án không đảm
bảo thu hồi vốn.
Người dân Quảng
Ninh chính là đối tượng hưởng lợi và do đó, cũng phải chịu rủi ro đối với
hiệu quả dự án. Vì vậy, cần xây dựng cơ chế để người dân Quảng Ninh được
quyền tham gia giám sát dự án nhằm đảm bảo quyền lợi cho họ.
"Với cơ
chế này sẽ góp phần giảm thiểu rủi ro, đặc biệt là tâm lý ỷ lại, xác lập
trách nhiệm của các bên liên quan", ông Đỗ Thiên Anh Tuấn thẳng thắn.
(Theo VietNamNet)
Lương Bằng
Ở VN ta có cái
lạ là nhiều dự án họ chỉ làm để mà làm, không mấy quan tâm đến hiệu quả. Những
dự án ngàn tỷ đắp chiếu như gang thép Thái Nguyên, xơ sợi Đình Vũ, hay cả như
cái “Kim tự tháp lộn ngược” - Bảo tàng ở Hà Nội là điển hình. Xem ra họ chỉ thích tiêu
tiền, đơn thuần vậy thôi!
Thương Giang
|
Thứ Ba, 2 tháng 8, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét