Chủ Nhật, 21 tháng 8, 2016

Đường tốt vẫn sửa để dựng cùng lúc 2 trạm thu phí

Cập nhật lúc 14:42   

(Tin tức thời sự) - Người dân Kiến Xương bức xúc về việc đặt 2 trạm BOT bất hợp lý tận thu phí, trong khi đại diện UBND tỉnh khẳng định chỉ là việc chẳng đã!!!

Đặt 2 trạm thu phí: Dân bức xúc, lãnh đạo huyện không đồng tình
Nhiều nông dân huyện Kiến Xương (Thái Bình) phản ánh với báo chí về tình trạng bất hợp lý trong việc đặt 2 trạm thu phí BOT trên địa bàn.
Cụ thể sau khi đầu tư cải tạo đường 39B, đoạn từ thị trấn Thanh Nê (huyện Kiến Xương) đến thị trấn Diêm Điền (huyện Thái Thụy) công ty Cổ phần Tasco Nam Thái đã cho thi công 1 trạm thu phí đặt ở đầu tuyến đường tránh thị trấn Thanh Nê.
Hiện nay công ty Tasco Nam Thái lại xin làm tiếp trạm thu phí thứ 2 nằm trên trục đường 39B từ TP Thái Bình đi huyện Tiền Hải, chỉ cách trạm thu phí thứ nhất 150m, nằm ở ngã ba tuyến tránh. Đây là tuyến đường Nhà nước đã đầu tư xây dựng và sử dụng gần 10 năm bằng nguồn vốn ngân sách, hiện vẫn sử dụng tốt.

 Duong tot van sua de dat cung luc 2 tram thu phi
Trạm thu phí thứ nhất đã được xây dựng xong. Ảnh: QĐND

Trạm nằm ở vị trí “đón lõng”, có thể tận thu nhiều phương tiện chỉ đi vài trăm mét trên tuyến đường đã đầu tư vốn ngân sách, không đi trên đường BOT vẫn phải nộp phí “oan”.
Không chỉ người dân bức xúc, UBND huyện Kiến Xương đã nhiều lần có văn bản chưa đồng tình với chủ trương này.
Cụ thể, ngày 19/5/2016, UBND huyện đã có Công văn số 191/UBND-VP cho biết: UBND huyện đã họp các phòng, ban chuyên môn và các xã, đại diện hộ dân liên quan, xin ý kiến của Thường trực Huyện ủy, HĐND huyện.
Sau khi thảo luận, UBND huyện thống nhất: Đề nghị của công ty Nam Thái xin chấp thuận bổ sung một số hạng mục thi công thuộc dự án BOT 39 như tưới nhựa dính bám 0,5kg/m2, thay thế toàn bộ bó vỉa, thay thế mới bổ sung toàn bộ hệ thống biển báo; sơn lại vạch kẻ đường... là chưa cần thiết. Các hạng mục vẫn còn tốt, việc cải tạo sẽ lãng phí, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

 Duong tot van sua de dat cung luc 2 tram thu phi
UBND huyện Kiến Xương và người dân đều không đồng tình trước kiến nghị này. Ảnh: QĐND

Mặt khác, đoạn đường mà công ty đề xuất cải tạo không thuộc dự án cải tạo, nâng cấp đường 39B từ thị trấn Thanh Nê đi thị trấn Diêm Điền. Việc đặt trạm thu phí thứ hai chưa được sự đồng thuận của cử tri và nhân dân.
Ngày 24/5/2016, UBND huyện có Công văn số 202/UBND-VP gửi công ty, tiếp tục nêu rõ: “Việc đầu tư xây dựng trạm thu phí thứ hai chưa bảo đảm quy trình theo quy định, chính quyền và nhân dân trong khu vực chưa đồng thuận...”.
Bên cạnh đó, UBND huyện Kiến Xương cũng cho biết, theo Quyết định số 3059/QĐ-UBND ngày 17/12/2014 của UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt dự án thì nội dung, quy mô đầu tư đã ghi rõ: “Đầu tư trạm thu phí trên tuyến đường: 1 trạm (vị trí cụ thể do nhà đầu tư đề xuất, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thống nhất). Song tại nhiều công văn do Công ty Cổ phần Tasco Nam Thái gửi cơ quan chức năng đều thể hiện rõ nhà đầu tư xin “lập trạm thu phí thứ 2”.
UBND tỉnh Thái Bình: Việc cực chẳng đã nhưng... đúng luật!?
Trong khi đó, trao đổi với báo chí, văn phòng UBND tỉnh Thái Bình cho biết, dự án cải tạo, nâng cấp đường 39B được UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt từ năm 2010, tổng mức đầu tư ban đầu 2.072 tỷ đồng theo hình thức hợp đồng xây dựng-chuyển giao (BT), thanh toán cho nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Tasco Nam Thái từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.
Đến tháng 9/2014, dự án thực hiện khoảng 1.250 tỷ đồng. Vì giá cả đầu vào, chi phí giải phóng mặt bằng tăng và điều chỉnh thiết kế, tổng mức đầu tư của dự án lên tới 2.602 tỷ đồng.
Do khó khăn chung của nền kinh tế, Chính phủ chỉ bố trí vốn cho dự án 1.437 tỷ đồng, số vốn còn thiếu lên tới 1.165 tỷ đồng.
Ngày 6/9/2014, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình khi đó là ông Phạm Văn Sinh đã ký tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ xin chuyển đổi hình thức thực hiện dự án từ BT sang BT+BOT để giải quyết khó khăn về vốn.
Theo đó, sẽ bố trí từ ngân sách tỉnh 445 tỷ đồng để thanh toán hợp đồng BT cho nhà đầu tư. Số vốn khoảng 720 tỷ đồng do nhà đầu tư huy động triển khai theo hình thức BOT và tổ chức thu phí trong 21 năm để hoàn vốn, từ năm 2016.
Theo ông Nguyễn Trọng Phúc, Phó trưởng Phòng Công Thương, xây dựng, giao thông (thuộc Văn phòng UBND tỉnh), Thái Bình là tỉnh nghèo, lượng xe cộ đi qua dự án không nhiều nên phải đặt trạm thu phí ở vị trí thu được nhiều xe.
“Cách hiểu nhà đầu tư xây hai trạm thu phí là sai. Chúng tôi khẳng định vẫn chỉ có một trạm, nhưng chia làm hai nhánh. Dù vị trí đặt trạm có hơi “tận thu” nhưng vẫn nằm trong dự án, vẫn đúng quy định của pháp luật”, ông Phúc giải thích.
Ông  Phúc cho biết thêm, do dự án ban đầu làm theo hình thức BT, nhà đầu tư đã thi công trên toàn tuyến thì hết vốn nên phải chuyển đổi hình thức đầu tư hỗn hợp.
“Có thể hiểu nôm na, cùng một đoạn đường, nhưng cốt nền là vốn BT, mặt đường là vốn BOT, không thể tách bạch. Đây là việc cực chẳng đã”, ông Phúc phân trần.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tuấn, Phó chánh văn phòng UBND tỉnh Thái Bình cho rằng việc hoàn vốn rất khó khăn nên người dân cũng cần thông cảm với chủ đầu tư.
“Kể cả khi lắp trạm thu phí xong, thu được phí để hoàn vốn là rất khó, nguồn ngân sách 445 tỷ đồng trả cho dự án BT nay mai cũng chưa chắc đã có tiền mà trả. Thế nên phải thu phí BOT thôi, tận thu một chút thì cũng nên thông cảm. Dân ta quen bao cấp rồi, giờ cứ thu một tý là... ý kiến!”, ông Nguyễn Tuấn khẳng định.
Theo QĐND

Món "giả cầy" BT, BOT này dân Thái Bình buộc phải xơi, dù biết rằng rất hôi. 
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét