Chủ Nhật, 21 tháng 8, 2016

Sai lầm không thể sửa của Boris Elsin trong và sau cuộc đảo chính tại Liên Xô



Việc B.Elsin được V.Putin đảm bảo rời yên ngựa an toàn là thành quả duy nhất của ông kể từ sau cuộc đảo chính ngày 19/8/1991.

Cách nay tròn 25 năm, ngày 19/8/1991, một cuộc đảo chính đã diễn ra tại Liên Xô nhằm lật đổ Tổng thống Mikhail Gorbachev, nhưng chỉ sau ba ngày đã thất bại. Cuộc đảo chính diễn ra đã đặt dấu chấm hết cho sự tồn tại của Liên Xô sau hơn 70 năm ra đời và phát triển.
Cuộc đảo chính là một sự mở đầu, song đồng thời cũng là một sực kết thúc cho sự nghiệp của hai nhân vật chính trị nổi bật nhất Liên Xô lúc bấy giờ là Tổng thống Liên Xô, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Mikhail Gorbachev và Tổng thống Nga Boris Elsin.
Khi M.Gorbachev bị giam lỏng ở Crimea thì tại Moscow, B.Elsin một mình tả xung hữu đột chống lại lực lượng đảo chính – Uỷ ban Khẩn cấp quốc gia Liên Xô. Hình ảnh B.Elsin đứng trên xe tăng kêu gọi người dân chống lại đảo chính là hình ảnh đậm nét nhất trong cuộc chính biến.
Ngày 23/8/1991 M.Gorbachev được đưa trở lại Moscow để tái hồi chức vụ Tổng thống Liên Xô, nhưng thực ra ông ta không còn chút quyền lực nào nữa, mà mọi thứ đã hoàn toàn nằm trong tay B.Elsin.
Cuộc đảo chính 19/8/1991 đã chấm dứt sự nghiệp chính trị của M.Gorbachev, dù ông còn ngồi ghế Tổng thống Liên Xô thêm 4 tháng nữa.
 
Cố Tổng thống Nga Boris Elsin không chứng minh được là nhà lãnh đạo có tầm, dù là nhân vật chủ chốt trong cuộc đảo chính ngày 19/8/1991. Ảnh: ria.ru

Hình ảnh người hùng trong cuộc đảo chính đã giúp B.Elsin trở thành lãnh đạo tối cao của nước Nga thời hậu Xô Viết trong 9 năm liên tiếp sau đó. Mặc dù vậy, cũng chính hình ảnh người hùng ấy đã mở đầu một giai đoạn thành công ít, thất bại nhiều trong sự nghiệp chính trị của B.Elsin.
Hình ảnh B.Elsin một mình chống lại lực lượng đảo chính đã là một sự chứng minh cho nguyên lý trong đời sống chính trị: thời thế tạo anh hùng. Song với cá nhân người viết, B.Elsin chỉ đóng vai “người hùng” chứ không thể trở thành “anh hùng”, dù thời thế đã tạo ra cơ hội ấy cho ông.
Việc B.Elsin không thể trở thành “anh hùng” có nguyên nhân quan trọng từ những hành động và quyết định sai lầm của ông từ cuộc đảo chính ngày 19/8/1991.
Những sai lầm ấy khiến cho ông B.Elsin không bao giờ vững vàng ở đỉnh cao quyền lực, dù ông có cả thiên thời và địa lợi. 
Cấm đảng Cộng sản Liên Xô hoạt động sau cuộc đảo chính ngày 19/8/1991 là sai lầm lớn nhất và gây ra nhiều hệ luỵ trong cuộc đời làm chính trị của ông Boris Elsin
Đến nay đã tròn một phần tư thế kỷ, hầu hết giới phân tích cho rằng, quyết định cấm đảng Cộng sản Liên Xô hoạt động là vì B.Elsin muốn đảm bảo quyền lực của ông không bị đe doạ bởi tổ chức chính trị lớn nhất chính trường Nga lúc bấy giờ.
Tuy nhiên người viết luôn cho rằng, việc cấm đảng Cộng sản Liên Xô chỉ là hành động xả cơn giận dữ của ông B.Elsin đối với tổ chức chính trị đã đưa ông lên đỉnh cao, nhưng cũng đồng thời đưa ông xuống vực sâu trong đời sống chính trị những năm 1980 của thế kỷ 20.
Song cho dù vì lý do nào, vì mục đích gì thì đây luôn là một sai lầm lớn nhất trong cuộc đời làm chính trị của ông Boris Elsin. Sai lầm của ông B.Elsin không thể sửa chữa và nó kéo theo rất nhiều hệ luỵ cho bản thân ông, qua đó chứng minh ông không phải là lãnh đạo có tầm. 
Có thể thấy rằng, việc B.Elsin ra quyết định cấm đảng Cộng sản Liên Xô hoạt động là hành động vi hiến, cả tại Nga và trên toàn lãnh thổ Liên Xô. Bằng hành động này, ông B.Elsin đã chứng tỏ mình đứng trên luật pháp và thiếu dân chủ.
Do Liên Xô là đối trọng của Mỹ và đồng minh, nên làm Liên Xô suy yếu, tan rã là mục đích của họ. Bởi thế việc B.Elsin cấm đảng Cộng sản Liên Xô hoạt động là giúp phương Tây tránh hậu hoạ. Vì vậy Washington và đồng minh phớt lờ việc này.
Vì B.Elsin là người hùng chống đảo chính đang một mình một ngựa trên chính trường Nga lúc đó nên việc cấm đảng Cộng sản Liên Xô hoạt động không gặp phải nhiều phản ứng tiêu cực từ các thành phần, các lực lượng chính trị - xã hội tại Nga lúc bấy giờ.
 
Được Vladimir Putin đảm bảo an toàn sau khi rời khỏi đời sống chính trị là thành quả duy nhất của Boris Elsin kể từ sau cuộc đảo chính ngày 19/8/1991. Ảnh: Internet.

Mặc dù vậy, hình ảnh một nhà độc tài, một chế độ chính trị thiếu “kỷ cương phép nước” đã phôi thai trong hành động vô tổ chức đó của B.Elsin. Vị Tổng thống Nga đầu tiên thời hậu Xô Viết đã chứng tỏ ông không sẵn sàng hướng tới tự do và dân chủ cho nước Nga.
Trong lúc nước sôi lửa bỏng, những hành động của Boris Elsin dễ dàng được thực thi và đưa ông lên đỉnh cao quyền lực tuyệt đối tại nước Nga. Nhưng thời gian trôi qua, khi cuộc đảo chính chỉ còn là dư âm thì sai lầm của Boris Elsin đã khiến ông và nước Nga phải trả giá.
Nhiều người từng cho rằng việc B.Elsin cấm đảng Cộng sản Liên Xô hoạt động là giúp Mỹ và đồng minh tránh hậu hoạ thì B.Elsin phải được xem là bạn của phương Tây.
Tuy nhiên, “bộ tứ quyền lực” lúc đó là G.W.Bush – F.Mitterrand – H.Kohl – J.Major đều không nâng tầm quan hệ với B.Elsin.
Không những vậy họ còn gây sức ép cho B.Elsin trong việc tiếp quản những gì của Liên Xô, từ vai trò thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đến những khoản nợ nước ngoài.
Họ không cho B.Elsin kịp đường xoay sở và luôn buộc B.Elsin giải quyết theo luật pháp.
Tại nước Nga thì nhiều tổ chức, cá nhân đã nhanh chóng làm giàu bất chính trong cái xã hội “nhộn nhạo” mà B.Elsin tạo ra. Tổng thống Nga đã trở thành cái bình phong cho tất cả các lực lượng chính trị và những tổ chức, cá nhân cơ hội trong và ngoài nước Nga lợi dụng.
Sự thiếu nghiêm minh trong hệ thống chính trị của nước Nga thời B.Elsin đã khiến cho chính quyền trở thành lực lượng dung túng, thậm chí bao che cho tội phạm có tổ chức. Cuộc sống của người dân Nga cùng cực, sức mạnh của nhà nước Nga suy giảm nghiêm trọng.
Trong vị thế phải “đổ vỏ’ cho những cá nhân phạm tội và các tổ chức tội phạm, không những khiến sinh mạng chính trị của ông B.Elsin bị nguy hiểm, mà tính mạng của ông cũng bị đe dọa.
B.Elsin phải đi tìm người kế tục hòng rút ra khỏi mớ bòng bong trong sự nghiệp của mình.
Song B.Elsin đã bao lần đổi ngựa mà không thể tìm được con ngựa nào giúp ông có thể rời yên cương một cách an toàn. Trong nỗi lo bị ngã ngựa, ông B.Elsin phải phóng lao, tiếp tục tranh cử Tổng thống Nga lần thứ hai vào năm 1996. Và ông đã nhận ra sự đắng cay và nguy hiểm.
Có thể thấy rằng, khi bị vị tướng trẻ Aleksandr Lebed thách thức và có nguy cơ thất bại trong vòng hai của cuộc bầu cử, B.Elsin đã phải toát mồ hôi hột.
May cho ông là vị tướng trẻ tuổi không sâu sắc và quá tham vọng quyền lực nên ông dễ dàng đổi chức danh Thư ký Hội đồng an ninh Nga cho A.Lebed để tránh đối đầu.
Có lẽ trong suốt nhiệm kỳ hai của minh, ông B.Elsin chỉ lo đi tìm người có thể gửi gắm niềm tin và trao lại quyền lực. Nước Nga thì ngày càng hỗn loạn.
Và rồi ngày 31/12/1999, ông B.Elsin đã trao vận mệnh quốc gia và sinh mạng chính trị của mình cho vị Thủ tướng trẻ tuổi Vladimir Putin.
Người viết cho rằng, việc B.Elsin được V.Putin đảm bảo rời yên ngựa an toàn là thành quả duy nhất của ông kể từ sau cuộc đảo chính ngày 19/8/1991. Có lẽ ngay cả khi về cõi vĩnh hằng, B.Elsin vẫn không thể trả hết ơn nghĩa cho Anatoly Sobchak – người thầy vĩ đại của Putin.
A.Sobchak là người đã có ý kiến quyết định với cả B.Elsin và V.Putin trong việc chuyển giao và tiếp nhận quyền lực, mà diễn ra khi thời khắc giữa thiên niên kỷ thứ hai và thứ ba chỉ còn tính bằng giờ.

Hành xử tiểu nhân với Mikhail Gorbachev gây ra nhiều hậu hoạ cho Boris Elsin
Có thể thấy rằng cuộc đảo chính ngày 19/8/1991 diễn ra là dấu chấm hết cho sự nghiệp chính trị của M.Gobachev vì những sai lầm hệ thống của ông.
Song hành động của B.Elsin buộc M.Gorbachev rời chính trường theo cách không thể ê chề hơn được nữa thì lại là sự sai lầm lớn hơn của B.Elsin.
Người viết cho rằng, việc B.Elsin lên thẳng bục phát biểu trước toàn thể đại biểu Xô Viết Tối cao, yêu cầu M.Gorbachev phải đọc ngay quyết định từ chức Tổng bí thư đảng Cộng sản Liên Xô và tuyên bố giải tán tổ chức chính trị này, là sự trả thù bà Raisa Gorbacheva.
Bởi lẽ, lúc đó M.Gorbachev không còn là gì trong mắt B.Elsin, nhưng với bà Raisa Gorbacheva – phu nhân của M.Gorbachev – thì đây mới là dịp tốt nhất để B.Elsin rửa hận.
Raisa được xem là người đứng sau quyết định gạt B.Elsin khỏi Bộ chính trị đảng Cộng sản Liên Xô năm 1987.
Nữ giáo sư triết học này được giới phân tích đánh giá là có vai trò và ảnh hưởng rất quan trọng với M.Gorbachev. Quyết định trừng phạt B.Elsin đã khiến cho vị Tổng thống tương lai của nước Nga rất ê chề.
Điều đó đã được B.Elsin nói đến nhiều trong các chuyến thăm phương Tây, trước khi ông rời bỏ đảng Cộng sản năm 1990. 
Tuy nhiên, với những hành động mang tính tư thù cá nhân ấy đã khiến cho B.Elsin bị đối tác dè chừng và đồng minh ái ngại. Và đúng như vậy, khi chỉ chưa đầy hai năm sau cuộc đảo chính 19/8/1991, các đồng minh chính trị lại làm đảo chính hòng lật đổ Tổng thống B.Elsin. 
Có thể thấy rằng, việc Tổng thống Nga B.Elsin đập tan âm mưu cướp quyền của Phó Tổng thống Aleksandr Rutskoy và Chủ tịch Xô Viết Tối cao Nga Ruslan Khasbulatov, là một chiến thắng chính trị, nhưng đó không thể xem là một thành công trong sự nghiệp chính trị của ông.
Từ đó, B.Elsin cảm nhận được việc tìm kiếm người kế tục là rất khó khăn và nguy hiểm với ông. Các đồng minh sợ cách hành xử cực đoan của ông có thể làm hại họ nên họ núp bóng ông, gây bè kết cánh quanh ông và ngày càng đưa ông vào thế nguy hiểm.
Một Tổng thống mà luôn phải “chạy marathon” trong việc tìm người tâm phúc có thể được xem là thất bại lớn nhất của B.Elsin.
Nếu ai đã từng chứng kiến các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về lo ngại của Tổng thống B.Elsin khi quyết định uỷ quyền cho Thủ tướng Viktor Chenomyrdin để lên bàn mổ, mới thấy sự bất an với B.Elsin lớn như thế nào.
 
Hình ảnh B.Elsin hạ nhục M.Gorbachev khi yêu cầu ông này đọc tuyên bố từ chức và giải tán đảng Cộng sản Liên Xô mang lại nhiều hậu hoạ cho B.Elsin, dù ông rất đắc thắng. Ảnh: BBC.

Việc ông phải dùng tiểu xảo với tướng không quân Aleksandr Lebed trước vòng hai cuộc bầu cử Tổng thống Nga năm 1996 đã cho thấy ông B.Elsin rất lo lắng cho bản thân, khi đối diện với nguy cơ phải rời bỏ quyền lực.  
Vì vậy, khi Vladimir Putin vừa mới chân ướt chân ráo lên Moscow, B.Elsin đã tính chuyển giao nhanh chóng quyền lực cho cựu điệp viên KGB tài năng này.
Việc thăng tiến như vũ bão trong sự nghiệp chính trị của V.Putin, từ chức vị Thư ký Hội đồng An ninh Nga đến Thủ tướng Nga gần như chỉ diễn ra trong nháy mắt.
Và khi ông B.Elsin cảm nhận được sự an toàn là ông quyết định chuyển giao ngay quyền lực tối cao của nước Nga cho vị Thủ tướng trẻ tuổi này. Việc ông B.Elsin khiến cả thế giới bất ngờ khi quyết định trao chức Tổng thống Nga cho V.Putin ngay trong ngày 31/12/1999 là một sự vội vã. 
Nguyên nhân của sự vội vã đó được cho là do ông B.Elsin sợ V.Putin sẽ đổi ý trong việc đảm bảo an toàn cho ông, khi đã nắm hết điểm yếu của B.Elsin.
Do vậy, việc M.Gorbachev bị B.Elsin hạ nhục trước bàn dân thiên hạ và việc B.Elsin đề nghị Putin có Nghị định của Tổng thống Nhà nước Nga không truy tố người tiền nhiệm, dù khác nhau về hình thức nhưng sự tủi thẹn thì chẳng khác gì nhau.
Đã 1/4 thế kỷ trôi qua kể từ ngày cuộc đảo chính ngày 19/8/1991 diễn ra và “người hùng” trong cuộc đảo chính B.Elsin cũng đã rời dương thế.
Người mà ông B.Elsin tin tưởng - Tổng thống Putin đã khôi phục lại được sức mạnh của Liên Xô trước đây trong vị thế của nước Nga thời hậu Xô Viết. Song chỉ có điều, ông Putin càng thành công, càng chứng tỏ tài năng thì tầm vóc người đã gửi trao quyền lực cho ông càng thấp.
Tài liệu tham khảo:
[1]http://www.bbc.com/vietnamese/worldnews/story/2007/04/070423_yeltsindeath.shtml
[2]https://en.wikipedia.org/wiki/Mikhail_Gorbachev
[3]http://news.bbc.co.uk/2/hi/europe/415124.stm
(Theo Giáo dục VN) Ngọc Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét