Núi rác thải y tế chình ình giữa làng ung thư
Cập nhật lúc 07:05
Rác thải y tế
chất cao như núi tập kết giữa xã Văn Môn, huyện Yên Phong (Bắc Ninh). Rác
được gom từ các bệnh viện, sau đó đem đi tái chế.
Văn Môn từ lâu
nổi tiếng là vùng ô nhiễm môi trường nước và không khí ở mức kinh khủng bậc
nhất nước bởi làng nghề tái chế phế phẩm nhựa, nấu nhôm… tồn tại hơn nửa thập
kỷ nay. Xã có tên trong 10 làng ung thư của cả nước do Bộ Tài nguyên Môi
trường khảo sát mới đây.
Thế nhưng, hàng
ngày, người dân ở làng ung thư này phải hứng khói bụi từ việc tái chế nhôm,
nhựa từ núi rác thải y tế.
Khu vực tập kết
rác thải y tế nằm phía sau bãi rác của thôn. Dù là làng nghề với khối lượng
rác thải từ đồ tái chế loại ra ở mức khổng lồ, mỗi ngày lên tới hàng tấn rác
thải, nhưng bãi rác của làng nghề được xây tạm bợ bởi 4 bức tường gạch chỉ
cao chừng 1m.
Cửa vào đổ rác
rộng khoảng 3m. Tất cả đều không có mái che.
Hàng ngày,
người dân làng nghề tự thu gom rác thải của xưởng nhà mình lên xe ba gác, xe
tải 1-1,5 tấn đổ tại bãi, tự châm lửa đốt. Khói bụi cứ thế mặc sức đổ lên
trời, tạt vào trong làng hay đổ sang các xã lân cận.
Phía sau bãi
tập kết rác thải tạm bợ này là núi rác thải y tế, ước tính lên tới hàng chục
tấn.
Hàng trăm bao
tải đựng vỏ chai truyền dịch, các lọ thủy tinh đựng thuốc đã sử dụng… chất
thành đống cao quá đầu người, lừng lững như những bức tường.
Tiếp tục vào
bên trong, không cần các bao tải đựng, rác thải y tế gồm chai lọ, ống dẫn,
ống truyền, xi-lanh, kim tiêm… đủ các thể loại được đổ đống cao như núi.
Lẫn trong đống
chai lọ, kim tiêm khổng lồ này là những bịch ni long chứa rác chuyên dụng của
các bệnh viện, bên ngoài vỏ bao ni-lông vẫn còn những dòng chữ và vạch đỏ:
“Không đựng chất thải quá vạch này”.
Tuy nhiên, lời
cảnh báo ấy dường như không có tác dụng: chai lọ thủy tinh, lọ nhựa đủ các
loại… vẫn đựng ngập lên tới ngọn, và được buộc chéo hai đầu túi một cách sơ
sài.
Những đống gạch
được đưa tới bãi tập kết, quây thành các ô có diện tích khoảng 2-3m2/ô. Trong
các ô này, chai lọ thủy tinh được phân loại theo kích thước to nhỏ khác nhau
để chứa trong từng ô.
Sau mấy ngày
mưa lớn do ảnh hưởng của cơn bão số 1, nước mưa ngấm đọng ở bãi rác gặp nắng
nóng bốc lên, mùi hóa chất, thuốc kháng sinh, thuốc chưa sử dụng hết trong
các chai lọ bốc lên tạo thành một dải hơi nước mờ mờ sát mặt đất.
Dù đã mang khẩu
trang, nhưng chúng tôi cũng không đủ kiên nhẫn trụ được quá 10 phút để có thể
quan sát kỹ những núi rác thải tại hiện trường.
Có vài tấm bạt
phủ được trùm chểnh mảng lên một phần núi rác thải y tế này.
Ước tính, núi
rác thải y tế được tập kết trên khu đất vài ngàn m2. Chai thuốc đổ tràn xuống
khắp mặt đất, xuống những vũng, ruộng bỏ hoang mà phần còn lại của đống rác
thải này tiếp giáp.
Bên phải của
bãi rác thải y tế khổng lồ này vẫn còn dấu của một khu tập kết khác, dù đã
được chuyển đi nhưng vẫn còn sót lại lớp chai lọ thủy tinh, nhựa y tế… dày cả
chục cm.
Theo tìm hiểu
của VietNamNet, bãi rác thải y tế này đã có mặt vài ba
năm trở lại đây. Chủ thu gom cứ khoảng 2-3 ngày lại chở một xe tải trọng 3,5
tấn rác thải y tế về đây tập kết.
Mỗi đợt tập
kết, có 5-7 lao động nữ được thuê để phân loại, đóng bao tải.
“Chai thủy tinh
thì không biết đưa đi đâu, nhưng những rác thải nhựa, dây truyền dịch… được
đưa về xưởng tái chế ngay trong làng. Nhựa được tái chế để làm các vật dụng
như thìa, muỗng, hộp cơm hộp dùng cho đồ ăn nhanh, áo mưa, túi ni-lông…” -
một người dân trong làng khẳng định.
(Theo VietNamNet)
Kiên Trung
|
Thứ Tư, 3 tháng 8, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét