Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2016

Formosa được hoàn thuế 13.000 tỷ: ĐBQH chất vấn
Cập nhật lúc 08:32  
(Tin tức thời sự) - Các ĐBQH đề nghị cục thuế Hà Tĩnh công khai, minh bạch, giải thích rõ ràng về việc hoàn thuế hơn 13.000 tỷ đồng cho Formosa.
Cần công khai, minh bạch
Liên quan đến việc Cục thuế tỉnh Hà Tĩnh từ năm 2014 đến tháng 5/2016 đã giải quyết hoàn thuế VAT cho Formosa Hà Tĩnh số tiền lên tới 13.483,4 tỷ đồng, trao đổi với Đất Việt, nhiều ĐBQH tỏ ra bất ngờ và đề nghị cần làm rõ, công khai, minh bạch vấn đề này.
Ông Trần Du Lịch, nguyên ĐBQH TP.HCM. nguyên ủy viên ủy ban kinh tế của Quốc hội đặt ra nhiều câu hỏi.
“Tôi chưa thể bình luận được. Tôi không biết là việc cấp phép chính sách ưu đãi miễn giảm thuế, đất đai cho Formosa như thế nào và quá trình hoạt động ra sao.  Liệu rằng cơ quan thuế có làm đúng hay không?”, ông Lịch đặt dấu hỏi.
Trong khi đó, ông Dương Trung Quốc, ĐBQH tỉnh Đồng Nai hết sức đồng cảm với những lo lắng, nghi ngại từ người dân về khoản miễn thuế trên 13.000 tỷ đồng cho Formosa Hà Tĩnh.
Formosa duoc hoan thue 13.000 ty: DBQH chat van  
ĐBQH Dương Trung Quốc đề nghị công khai minh bạch số tiền cục thuế Hà Tĩnh đã hoàn thuế cho Formosa Hà Tĩnh.

“Đương nhiên với người dân khi nhìn thấy con số trên thì rất ngạc nhiên. Liệu rằng có phải sự ưu đãi FDI của chúng ta dẫn tới cái chuyện như thế hay không. Toàn bộ đền bù thiệt hai của Formosa cho sự cố ô nhiễm môi trường cũng chỉ 500 triệu USD thôi. Người dân rất thắc mắc.
Về cá nhân, tôi không kết luận đúng sai vì việc này gắn với chính sách, tính toán nhưng cần phải giải trình cụ thể cho dân biết là căn cứ vào đâu chúng ta thực hiện những chính sách như thế. Đặc biệt, cần công khai minh bạch xem con số chi trả đó có hợp lý không? Nếu mà sai sót trong luật thì phải sửa luật, nếu sai sót trong quá trình thực thi pháp luật thì phải chấn chỉnh lại. Điều này rất cần thiết để giải tỏa cho dân những bức xúc, nghi ngại”, ông Quốc nói.
Đồng quan điểm, bà Bùi Thị An, ĐBQH khóa 13 khẳng định  cơ quan thuế cần phải có báo cáo cụ thể, nêu rõ quan điểm, lý do hoàn thuế số tiền lớn cho Formosa Hà Tĩnh như vậy.
“Tôi cảm nhận thấy có vấn đề nên mới gây nên dư luận trái chiều. Người thì bảo là đúng, người bảo không đúng.
Vì vậy, việc làm đầu tiên là đề nghị cơ quan thuế giải thích rõ vì sao hoàn thuế, việc này có đúng luật hay không? Phải làm rõ như thế sau đó chúng ta sẽ có hướng xử lý tiếp.
Đặc biệt, thời điểm này cũng rất nhạy cảm khi Formosa vừa gây ra thảm họa về môi trường. Nhưng chúng ta không đánh đồng. Mọi việc đều cần xử lý theo đúng quy định của pháp luật”, bà An nói.
Công bằng với doanh nghiệp trong nước
Trước lời đề nghị của Tổng cục thuế về việc ngừng hỗ trợ đối với Formosa trước ngày 1/9/2016, bà An khẳng định, đây là việc làm cần thiết và nên triển khai áp dụng sớm.
“Tôi nghĩ chúng ta dừng hỗ trợ là đúng. Bởi vì hiện giờ những sai phạm về môi trường trong quá trình xả thải của Formosa đã được điều tra làm rõ. Hiện nay đang ở giai đoạn khắc phục hậu quả. Thiệt hại vẫn còn hết sức nặng nề. Rõ ràng chúng ta hỗ trợ và dành nhiều ưu đãi cho Formosa nhưng họ lại gây ra thảm họa môi trường hết sức nghiêm trọng”, bà An nêu quan điểm.
Trong khi đó, nhìn nhận từ trường hợp của Formosa, ĐB Dương Trung Quốc cho rằng đang tồn tại nghịch lý trong quá trình thu hút đầu tư và khuyến khích sản xuất tại Việt Nam.
“Thực tế hiện nay, doanh nghiệp trong nước bị rất nhiều phiền toái, yêu cầu khắt khe trong khi doanh nghiệp FDI lại nhận nhiều ưu đãi. Điều đó hết sức ngược đời.
Theo tôi, việc thu hút doanh nghiệp nước ngoài là điều cần thiết nhưng tôi nghĩ đứng về lâu dài thì doanh nghiệp trong nước mới quan trọng.
Yếu tố nước ngoài chỉ là cái ban đầu và nguyên tắc cuối cùng là các doanh nghiệp trong nước. Tất nhiên Việt Nam tuân thủ các cam kết quốc tế, chính sách bảo hộ và quy phạm quốc tế nhưng về ý thức chúng ta phải tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát triển. Đấy mới là cái gốc, cái bền vững”, ông Quốc băn khoăn.
Từ những bất cập còn tồn tại trên, ĐBQH tỉnh Đồng Nai lưu ý muốn phát triển mạnh các doanh nghiệp trong nước, tạo tiềm lực cũng như thu hút thêm các nguồn đầu tư nước ngoài, Việt Nam cần phải thay đổi chính sách FDI.
“Chúng ta cần điều chỉnh chính sách FDI trên cơ sở điều tra, kết luận, theo đúng quy trình của pháp luật từ vấn đề luật pháp cho đến vấn đề thực thi luật pháp, từ văn bản luật cho đến văn bản dưới luật. Cần phải nhìn vào thực tế để đưa ra những điều chỉnh cho phù hợp”, ông Quốc nói thêm.
(Theo Đất Việt) Hà Đông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét