‘Ép dân thu đất vàng, cho tư nhân thuê là vô lý’
Cập nhật lúc 06:46
Những người trước đây vì công
việc, kiên quyết thu hồi đất của gia đình bà Nguyễn Thị Oanh rất bất ngờ khi
khu đất vàng này về tay tư nhân. Họ cho rằng điều này là vô lý, sai quy hoạch
ban đầu.
Ông Hồ Nhật Lệ - Trưởng Phòng Quy
hoạch và giao đất (Sở TN&MT Hà Tĩnh) xác nhận, mảnh đất của gia đình bà
Oanh (trú tại tổ 8, phường Trần Phú, TP Hà Tĩnh) trước đây được tỉnh Hà Tĩnh
thu hồi và giao cho công ty TNHH Xây dựng Đại Thành thuê đất trong vòng 50
năm, giá thuê đất 251 ngàn đồng/m2/năm.
“Hiện việc cho
thuê đất đã hoàn thành. Công ty Đại Thành đang xây dựng dự án Tổ hợp thương
mại dịch vụ tổng hợp tại khu đất trên. Việc cho công ty Đại Thành thuê đất
trong vòng 50 năm là phù hợp với luật Đầu tư”, ông Lệ nói.
Ông giải thích:
“Tại vị trí đất của hộ bà Oanh trước đây không rõ giải tỏa để làm gì, tuy
nhiên sau thời gian để trống khá lâu nên tỉnh Hà Tĩnh đã cho công ty Đại
Thành thuê lại đầu tư".
Theo ông, việc
giải tỏa đất của người dân để xây dựng các dự án làm cho bộ mặt đô thị phát
triển hơn "là rất cần thiết".
“Không riêng Hà
Tĩnh mà các địa phương khác cũng làm như vậy, điều quan trọng là trong quá
trình giải tỏa, bồi thường có thỏa đáng cho người dân hay không. Nếu việc bồi
thường hợp lý thì việc triển khai các dự án chỉnh trang đô thị luôn được
người dân đồng tình” - ông Lệ nói.
Sai quy hoạch ban đầu
Ông Trần Thế
Dũng, Bí thư Đảng uỷ Khối cơ quan cấp tỉnh (nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Tĩnh)
cho biết, vào giai đoạn 2005, thị xã Hà Tĩnh vẫn chưa lên TP. Hạ tầng đô thị
mới chỉ phát triển phía đông đường quốc lộ 1A. Việc tỉnh quy hoạch khu đô thị
phía đường bao tây (dự án SIMCO Sông Đà - PV) nhằm chỉnh trang đô thị để tiến tới
đưa thị xã Hà Tĩnh lên TP.
Trong quá trình
quy hoạch, mặt bằng được giải tỏa một phần dùng để tái định cư, một phần làm
đất công cộng để xây trường học, trạm xá… phần còn lại quy hoạch làm các khu
tài chính, kinh tế.
Trong quá trình
giải tỏa, hầu hết người dân đồng tình, chỉ một số ít hộ lấy lý do đất hương
hỏa, không muốn giải tỏa. Riêng hộ bà Oanh cũng từng gửi đơn kiến nghị lên
TP, sau đó đã giải quyết ổn thỏa, cấp đất, trả tiền đền bù cho bà Oanh đúng
với quy định.
Trả lời câu hỏi
của PV "Trước đây khu đất của
bà Oanh quy hoạch để làm gì?", ông
Dũng cho biết "Trong quá trình làm đường Lê
Duẩn có đi qua một phần đất của bà
Oanh, làm đường xong thì dư ra hơn
2000m2 đất bám đường Hàm Nghi và đường Lê
Duẩn.
Trong hơn
2000m2 này gồm một phần đất của bà Oanh (891m2 - PV), còn lại của các hộ
khác. Khu đất này quy hoạch để sử dụng để xây dựng trung tâm tài chính, tín
dụng".
“Sau khi giải
tỏa, khu đất trên để trống lâu ngày nên một số DN xin vào làm trụ sở nhưng tôi
không cho, vì không đúng với quy hoạch ban đầu. Năm 2016, khu đất này đã được
cho một DN khác thuê, họ làm gì thì tôi không biết, vì tôi chuyển công tác
hơn 1 năm nay rồi” - ông Dũng nói.
Cũng theo ông
Dũng, quá trình giải tỏa, người dân rất quan tâm sau khi giải phóng mặt bằng
để làm gì. Dân có quyền giám sát. Làm đúng thì không vấn đề gì nhưng làm sai
quy hoạch thì dân có quyền phản ánh.
Thu hồi đất xây ngân hàng,
không phải cho DN thuê
Nguyên Bí thư,
Chủ tịch phường Trần Phú, ông Dương Đình Luận (hiện là Phó Ban Dân vận TP)
cho biết, ngày trước khu vực đất nhà bà Oanh quy hoạch cho mục đích xây ngân
hàng. Vì vậy, phường và TP đã làm mọi cách để buộc bà Oanh phải bàn giao mặt
bằng cho dự án.
“Trước quy
hoạch làm ngân hàng, không phải để cho thuê. Nay cho thuê 50 năm là vô lý.
Trong nguyên
tắc đền bù, có thể cho tái định cư tại chỗ. Trừ khi thu hồi để làm công trình
công cộng hoặc công trình nhà nước. Khi thu hồi thì không cho dân tái định cư
tại chỗ mà lại cho tư nhân thuê”, ông Luận nói.
Ông nói thêm:
“Không riêng gì dư luận mà cá nhân tôi cũng bức xúc. Không hiểu bằng cách nào
mà cá nhân có thể thuê được mảnh đất vàng này, trong lúc giá trên thị trường
phải đến cả trăm tỷ. Kể cả điều chỉnh quy hoạch thì cũng phải làm từ cơ sở,
công khai trước dân, không thể thích thì làm”.
Trao đổi với
VietNamNet, Chủ tịch UBND TP Hà Tĩnh Hà Văn Trọng thừa nhận, trước đây, khu
đất của bà Oanh được thu hồi để xây dựng trung tâm tài chính ngân hàng.
“Do để trống
quá lâu nên năm 2015 tỉnh Hà Tĩnh thay đổi quy hoạch, cấp phép cho doanh
nghiệp Đại Thành vào đầu tư xây dựng trung tâm giải trí, ẩm thực tại khu đất
nói trên” - ông Trọng nói.
Theo một luật
sư thuộc Đoàn luật sư Hà Tĩnh, việc chính quyền thu hồi đất của người dân
nhưng không sử dụng đúng mục đích đã vi phạm điều 38,39,40 của luật Đất đai năm
2003; vi phạm điều 61, 62 luật Đất đai năm 2013.
Dự án đường bao
phía tây do tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, vì vậy việc thu đất của người dân
cũng do tỉnh chủ trì. Trường hợp thu đất sai mục đích, tỉnh phải có trách
nhiệm đứng ra hủy quyết định thu hồi đất, đồng thời ra quyết định phục hồi
quyền sử dụng đất cho người bị thu.
Ép dân lấy đất vàng: '4 năm tôi sống trên đất vô chủ'
Sau khi bị thu hồi đất, gia đình bà Nguyễn Thị Oanh phải di dời về
khu tái định cư hơn 4 năm nay, nhưng vẫn chưa được trao giấy chứng nhận quyền
sử dụng đất.
Trao đổi với VietNamNet, ông Trần Thế Dũng (nguyên Chủ tịch TP Hà
Tĩnh) và Hồ Nhật Lệ - Trưởng Phòng Quy hoạch và giao đất (Sở TN&MT Hà Tĩnh)
đều khẳng định: Sau khi thu hồi
đất của người dân để
quy hoạch khu đô thị đường bao phía tây (dự án SIMCO Sông Đà - PV), một phần diện tích đất sẽ dùng để tái
định cư. Một phần xây dựng các công trình công cộng. Một phần quy hoạch làm các
khu kinh tế, tài chính.
Ý nguyện được ở lại mảnh đất của tổ tiên
được ông Nguyễn Văn Thái (chồng bà Oanh) thể hiện rõ tại văn bản kiểm tra việc
thu hồi đất lập ngày 7/6/2010.
Trong văn bản, ông Thái nêu rõ: “Yêu cầu
TP Hà Tĩnh trả lời bằng văn bản các yêu cầu của dân và đề nghị cho gia đình
được tái định cư tại chỗ”.
Thế nhưng không
biết vì lý do
gì, yêu cầu của gia đình bà Oanh không được TP Hà Tĩnh đồng ý. Gia
đình bà phải dời đến khu tái định cư khác.
Có sai phạm trong đền bù
Sau khi buộc phải giao đất 891m2 đất tại
giao lộ đường Hàm Nghi và Lê Duẩn cho dự án, gia đình bà Oanh được TP Hà Tĩnh
bồi thường hơn 4,5 tỷ đồng và cấp 2 lô đất tái định cư, gồm 1 lô bám đường Hàm
Nghi có diện tích 352m2 và 1 lô đất lối 2 đường Hàm Nghi với diện tích là 272m2.
Cho rằng diện tích đất tái định cư không
tương xứng với lượng đất thu hồi, năm 2011, gia đình bà Oanh đã trực tiếp kiến
nghị lên TP Hà Tĩnh để làm rõ trắng đen. Nhận phản ánh của bà Oanh, đích thân
ông Trần Thế Dũng thị sát hiện trường khu tái định cư.
Qua buổi kiểm tra hiện trường, các phòng
ban chức năng TP Hà Tĩnh họp bàn thống nhất cắt chuyển hơn 80m2 đất tại lối 2
đường Hàm Nghi để chuyển sang bổ sung vào lô bám đường Hàm Nghi. Như vậy, 1 lô
mặt tiền đường Hàm Nghi của bà Oanh được tăng từ 352m2 lên 432m2.
Hơn 4 năm nơm nớp trên đất vô chủ
Bà Oanh cho biết, sau khi bị chuyển đến
khu tái định cư mới, bà dựng một ngôi nhà cấp 4 trên mảnh đất mặt tiền đường
Hàm Nghi để sinh sống. Từ đó đến nay, bà vẫn chưa được cấp quyền sử dụng tại các
mảnh đất trên.
“Năm 2011 gia đình chúng tôi giao đất cho
TP Hà Tĩnh và chuyển về khu tái định cư mới nhưng không được chính quyền lập
biên bản giao đất. Từ khi nhận đất cho đến nay, chưa có một cấp chính quyền nào
hướng dẫn gia đình tôi làm các thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng
đất ở cả” - bà nói.
“Dù TP đã cấp đất tái định cư, gia đình
tôi cũng làm nhà để ở nhiều năm nay nhưng chẳng khác gì ở trên đất vô chủ cả.
Bây giờ chẳng có giấy tờ gì chứng minh, ai kiện tụng tranh chấp cũng chẳng biết
làm thế nào” - bà Oanh lo lắng.
Ngày 8/8 vừa qua, bà tiếp tục gửi đơn
kiến nghị đến các cơ quan chức năng TP Hà Tĩnh để yêu cầu giải quyết dứt điểm
các thủ tục cấp quyền chứng nhận sử dụng đất. Đến nay các đơn vị chưa trả lời.
“Tâm nguyện của gia đình, đặc biệt là
người chồng quá cố của tôi là yêu cầu UBND TP, UBND tỉnh giải thích rõ ràng
việc lấy đất của gia đình tôi giao cho doanh nghiệp sử dụng là đúng hay sai” -
bà Oanh đau đáu.
(Theo VietNamNet) Lê Minh
|
Thứ Tư, 17 tháng 8, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét