Thứ Năm, 31 tháng 3, 2016

Tài trợ cho dịch vụ công
 Cập nhật lúc 17:33

Quốc hội đã thông qua biết bao nhiêu đạo luật, nhưng không có đạo luật nào đề cập các vấn đề liên quan đến hoạt động tài trợ của các doanh nghiệp, các tổ chức phi lợi nhuận cho các dịch vụ công của Nhà nước.

Rất khó để có một ai đó đứng trên tất cả đánh giá hành vi chi tiêu của một cá nhân nào đó là đúng hay sai. Chẳng hạn hàng loạt đại gia mua xe siêu sang, thậm chí máy bay và du thuyền, trong bối cảnh đất nước đang còn nghèo lại nhập siêu liên tục, liệu có sai trái gì về mặt đạo đức?    
Họ làm ra tiền và họ có toàn quyền sử dụng đồng tiền chân chính của mình tùy ý. Vâng, không có bất kỳ điều gì sai trái về mặt đạo đức ở đây cả. Nhưng trong mối quan hệ với dịch vụ công thì vấn đề không đơn giản như thế.
Nguyên tắc đầu tiên phải tuân thủ là liệu hóa đơn chi tiêu và người chi trả có phải là một. Hay hóa đơn chi tiêu là của doanh nghiệp, còn người chi trả cuối cùng lại là người nộp thuế. Trong thực tế không dễ để biết được nguyên lý rất đơn giản này. Từ đó mới đặt ra vấn đề minh bạch ngân sách và giải trình trách nhiệm của các cấp có thẩm quyền.
Trên thế giới, thậm chí một tổ chức từ thiện tài trợ cho một hoạt động nào đó cũng phải có luật chơi riêng chứ không phải muốn làm gì thì làm. Chẳng hạn nếu anh tài trợ cho giáo dục nhưng chỉ toàn cho các trường giàu có, trong khi xung quanh còn có rất nhiều trường học thiếu thốn thì đã phạm vào nguyên tắc “công bằng giáo dục”.
Câu chuyện 1.000 tỉ đồng lát đá vỉa hè ở quận 1, TP.HCM phức tạp hơn, khi nhà tài trợ không phải các tổ chức từ thiện mà là các doanh nghiệp kinh doanh.
Nếu trong tổng số 1.000 tỉ đồng chỉ cần có 1 đồng của ngân sách thì người dân đã có quyền lên tiếng về tính cấp thiết của dự án này. Người dân có quyền yêu cầu chính quyền lý giải vì sao phải ưu tiên lát đá vỉa hè hơn so với các dự án dân sinh khác vô cùng cấp thiết như chống trộm cướp, kẹt xe, ngập nước chẳng hạn.
Tất nhiên, khi có yếu tố doanh nghiệp tài trợ thì sẽ có các hoạt động khác để các nhà tài trợ hoàn vốn từ nguồn tài trợ này, thậm chí có lãi do được hưởng lợi từ một dự án khác hoặc một công việc kinh doanh khác.
Trong trường hợp vụ lát đá vỉa hè, chỉ cần các vị lãnh đạo khẳng định dứt khoát 100% tiền này là của doanh nghiệp tài trợ hoàn toàn và không kèm theo bất kỳ điều kiện nào dẫn tới mâu thuẫn lợi ích giữa chính quyền và người dân.
Như thế cũng chưa đủ. Chính quyền và các cơ quan chức năng cần thiết kế một quy trình giám sát mối quan hệ giữa 1.000 tỉ đồng này với hoạt động của các doanh nghiệp đến dự án từ bây giờ và sau này có gì vi phạm mâu thuẫn lợi ích giữa chính quyền và người dân hay không.
Qua vụ này mới chợt giật mình khi Quốc hội đã thông qua biết bao nhiêu đạo luật, nhưng không có đạo luật nào đề cập các vấn đề liên quan đến hoạt động tài trợ của các doanh nghiệp và của các tổ chức phi lợi nhuận cho các dịch vụ công của Nhà nước.
Thế nên đất nước ta dù còn nghèo với biết bao cảnh đời cần được cứu giúp, mà chỉ thấy tiền tài trợ chủ yếu rót vào các vụ bắn pháo bông xa xỉ, thi hoa hậu, lễ hội tốn kém và cả những dự án ngàn tỉ phí phạm hoặc chưa cần thiết.
(Theo Tuổi trẻ) TRẦN NGỌC THƠ
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân làm Chủ tịch Quốc hội
 Cập nhật lúc 15:15  

Ảnh: VNN 

 Sáng nay 31.3, Trưởng ban kiểm phiếu Huỳnh Văn Tý cho biết có 472 đại biểu (95%) tán thành bà Nguyễn Thị Kim Ngân làm Chủ tịch Quốc hội, thay thế ông Nguyễn Sinh Hùng vừa được miễn nhiệm chiều 30.3.
Theo đó, trong 484 đại biểu bỏ phiếu, có 9 phiếu không đồng tình, 3 phiếu không hợp lệ, 1 đại biểu quên bỏ phiếu, sau đó gọi điện xin bổ sung.
Với chức danh Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia, 467 đại biểu (91%) đồng ý để bà Ngân nhận nhiệm vụ mới, 10 phiếu không đồng ý, 7 phiếu không hợp lệ.
Như vậy, căn cứ vào nội quy, bà Kim Ngân trúng cử Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia. Tờ trình Nghị quyết bầu hai chức danh trên được 100% đại biểu có mặt bấm nút thông qua.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân là nhân sự dự kiến duy nhất cho chức danh Chủ tịch Quốc hội được trình ra Quốc hội chiều hôm qua. Sau khi các đại biếu quốc hội thảo luận tại đoàn và tại hội trường để thông qua danh sách, Quốc hội đã bầu bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Trong lời tuyên thệ sau đó, tân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thề  tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
"Tôi nguyện nỗ lực rèn luyện, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó", tân Chủ tịch Quốc hội tuyên thệ.
"Kể từ giờ phút này, tôi luôn khắc ghi lời tuyên thệ của mình trước Quốc hội, để thực hiện đúng, đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Quốc hội theo luật định, phát huy truyền thống tốt đẹp của những người đi trước” – bà Kim Ngân nói.
Tân Chủ tịch Quốc hội cũng cam kết sẽ cùng với Ủy ban Thường vụ Quốc hội lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ của cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam.
Bà Kim Ngân cũng không quên gửi lời cám ơn chân thành đến nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, bày tỏ sự trân trọng về những đóng góp đầy tâm huyết và trách nhiệm của ông Hùng gần 5 năm qua cho hoạt động của Quốc hội nhiệm kỳ khóa 13.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân sinh năm 1954, quê ở Bến Tre, đã từng giữ các chức vụ Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bến Tre, Thứ trưởng Bộ Tài chính, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, Thứ trưởng Thường trực Bộ Thương mại, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Bà Kim Ngân là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ khóa 9 đến khóa 12. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 13, bà được bầu là Phó chủ tịch Quốc hội.

Tại hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa 11), bà được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị. Tại Đại hội 12 của Đảng, bà tiếp tục trúng cử Ban Chấp hành Trung ương, và sau đó được bầu vào Bộ Chính trị.
(Theo Một thế Giới) Trí Lâm

Thông điệp lạ từ chuyến thăm Việt Nam của ông Thường Vạn Toàn

 Cập nhật lúc 15:01  

 Cách tốt nhất để "phản bác luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch" là giải quyết một cách sòng phẳng, khách quan, cầu thị...

LTS: Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được bài viết của Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ về nhận định của ông xung quanh chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn và quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong giai đoạn hiện nay.
Để rộng đường dư luận, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xin gửi đến quý bạn đọc bài phân tích này của Tiến sĩ Trần Công Trục. Văn phong và nội dung bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn của tác giả.
 
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ trả lời phỏng vấn đài Phố Bolsa TV về quan hệ Việt - Trung. Ảnh do tác giả cung cấp.

Sau chuyến thăm chính thức Việt Nam lần đầu tiên của ông Tập Cận Bình trên cương vị nguyên thủ quốc gia Trung Quốc tháng 11 năm ngoái, một sự kiện ngoại giao thu hút sự chú ý của dư luận là chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn.
Bối cảnh đặc biệt của chuyến thăm
Chuyến thăm diễn ra từ ngày 26 đến ngày 29/3 năm nay. Ngày 30, 31/3 Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh lại sang Quảng Tây dự hội đàm cấp cao biên giới Việt - Trung với ông Thường Vạn Toàn, theo vtv.vn.
Như vậy hoạt động của ông Thường Vạn Toàn trên lãnh thổ Việt Nam kéo dài 4 ngày, trên lãnh thổ Trung Quốc sát biên giới với Việt Nam 2 ngày, một chuyến thăm khá dài và hiếm gặp.
Trong khi tại Trung Quốc sáng 26/3 cả thảy 9 Thượng tướng, thành viên Quân ủy trung ương Trung Quốc sau cải cách đồng loạt hiện diện trong lễ Nghĩa vụ trồng cây tại xã Tôn Hà khu Triều Dương, Bắc Kinh, vắng mỗi ông Tập Cận Bình - Chủ tịch Quân ủy và ông Thường Vạn Toàn - Bộ trưởng Quốc phòng. Hai ông đều đi công du nước ngoài.
Còn tại Hà nội, Quốc hội khóa XIII đang họp kỳ họp cuối cùng để quyết định nhiều vấn đề hệ trọng, trong đó có vấn đề chuyển giao quyền lực của 3 vị lãnh đạo chủ chốt của đất nước. Trên Biển Đông, các hoạt động của Trung Quốc vi phạm các quyền và lợi ích của các quốc gia xung quanh vẫn không ngừng diễn ra.
Gần nhất là vụ giàn khoan 943 rục rịch kéo ra hoạt động tại khu vực chồng lấn ở cửa vịnh Bắc Bộ, bất chấp quy định của Luật Biển quốc tế và thỏa thuận chính trị giữa 2 nước.
Ngay trong ngày hôm qua 30/3 khi Bộ trưởng Quốc phòng hai nước còn đang hội đàm ở Quảng Tây, thì ông Hồng Lỗi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc công khai thừa nhận thông tin báo giới phản ánh tuần trước, Trung Quốc đã bố trí bất hợp pháp tên lửa chống hạm YJ-62 ở đảo Phú Lâm, Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam).
Hồng Lỗi nói, chuyện này bình thường thôi, không phải "quân sự hóa".
Như vậy với Trung Quốc, chuyến thăm Việt Nam lần này của ông Thường Vạn Toàn cũng là một hoạt động ẩn chứa nhiều ý nghĩa đáng được dư luận quan tâm.
Thông điệp lạ từ chuyến thăm Việt Nam của ông Thường Vạn Toàn
Người viết lấy làm lạ khi đọc được bài báo "Bộ trưởng Quốc phòng TQ thăm VN, phản bác luận điệu xuyên tạc" đăng trên báo điện tử vietnamnet.vn ngày 23/3/2016. Trong đó khi giới thiệu về nội dung chuyến thăm có đoạn:
"Đồng thời phản bác lại những luận điệu xuyên tạc sai trái của các thế lực thù địch về những vướng mắc, bất đồng trong quan hệ giữa hai nước thời gian qua."
Lạ là vì đến giờ này khi ông Thường Vạn Toàn đã rời khỏi lãnh thổ Việt Nam về Quảng Tây, Trung Quốc, nhưng chưa thấy ông hay tùy tùng có phát biểu nào nhằm "phản bác lại những luận điệu xuyên tạc sai trái của các thế lực thù địch về những vướng mắc, bất đồng trong quan hệ giữa hai nước thời gian qua".
 
Các cựu binh Trung Quốc tham gia chiến tranh xâm lược toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam giai đoạn 1979 - 1989 hôm 28/3 tập trung tảo mộ binh lính Trung Quốc chết trận trong cuộc chiến phi nghĩa này tại Phòng Thành Cảng, Quảng Tây. Ảnh: QQ News.

Trong khi theo QQ News, ngày 28/3 hơn 4500 cựu binh và quyến thuộc từng tham gia Chiến tranh xâm lược toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam giai đoạn 1979-1989 tập trung về Phòng Thành Cảng, Quảng Tây để tảo mộ binh lính chết trận và kỷ niệm cái họ gọi là "chiến tranh phản kích tự vệ chống Việt Nam", một sự xuyên tạc lịch sử trắng trợn về bản chất của cuộc xung đột.
Cho đến nay, Trung Quốc cùng với Nga được các nhà ngoại giao Việt Nam xếp vào diện "đối tác chiến lược - toàn diện", nhưng lịch sử quan hệ Việt Nam - Trung Quốc kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức đến nay đã trải qua nhiều thăng trầm, có lúc hợp tác mật thiết, có lúc xung đột đối đầu và để lại nhiều hệ lụy ngày hôm nay vẫn chưa giải quyết hết được.
Sau các sự kiện năm 1974 Trung Quốc xâm lược nốt nửa phía Tây quần đảo Hoàng Sa, thì năm 1979 Trung Quốc cất quân xâm lược toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam và xung đột kéo dài đến mãi năm 1989.
Năm 1988 Trung Quốc xâm lược 6 bãi đã ở quần đảo Trường Sa, và gần nhất là năm 2014 giàn khoan 981 hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam gây ra cuộc khủng hoảng tồi tệ trong quan hệ 2 nước. 
Vụ giàn khoan 981 là một kế nghi binh ngoạn mục để Trung Quốc thúc đẩy việc bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa đảo nhân tạo trái phép với quy mô chưa từng có trên ít nhất 7 thực thể họ chiếm đóng trái phép ở Trường Sa. Đó là những sự thật lịch sử rõ như ban ngày mà không một "thế lực thù địch" nào có thể xuyên tạc được.
Với mỗi người Việt Nam yêu nước, dù một tấc đất do cha ông để lại cũng có ý nghĩa vô cùng thiêng liêng cao cả và sẵn sàng hy sinh tính mạng và tài sản để bảo vệ, giữ gìn cơ đồ cha ông cho con cháu mai sau.
Quyết không thể coi đó là "chuyện nhỏ" hay "tiểu cục" như ông Tập Cận Bình nói trong chuyến thăm Việt Nam năm ngoái, hay nói như bài báo trên vietnamnet.vn chỉ là "những vướng mắc, bất đồng trong quan hệ giữa hai nước thời gian qua".
Cá nhân người viết luôn ủng hộ chủ trương giải quyết các tranh chấp bất đồng giữa Việt Nam - Trung Quốc bằng biện pháp hòa bình, đối thoại trên cơ sở luật pháp quốc tế. Mà muốn đối thoại, thì những cuộc gặp cấp cao giữa lãnh đạo hai nước có vai trò quan trọng.
Bởi vậy nên người viết hoan nghênh các chuyến thăm Việt Nam của các nhà lãnh đạo Trung Quốc và ngược lại. Vấn đề chính đặt ra là, trong nội dung chuyến thăm và lãm việc, lãnh đạo cấp cao hai nước đã đề cập và có hướng xử lý như thế nào về các tranh chấp, bất đồng ấy.
Bởi lẽ chỉ có thái độ khách quan, sòng phẳng và cầu thị với lịch sử mới giúp củng cố quan hệ hợp tác giữa 2 nước thực sự bền vững, thực chất, mới hy vọng có được “niềm tin chiến lược” như ai đó vẫn nói.
Cũng chỉ có khách quan, sòng phẳng và cầu thị với lịch sử mới giúp Việt Nam và Trung Quốc vượt qua những khúc quanh lịch sử, giải quyết tranh chấp bất đồng hiện tại và hướng tới tương lai hợp tác, ổn định, lâu dài mà không một "thế lực thù địch" nào có thể xuyên tạc hay chống phá được.
Nhưng người viết chưa thấy thiện chí nhìn thẳng sự thật lịch sử với thái độ khách quan, sòng phẳng và cầu thị từ các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Dường như họ chỉ muốn tìm cách khuyên răn chúng ta “khép kín” để quên đi quá khứ, muốn chúng ta "duy trì hiện trạng" còn họ thì "lấn tới tương lai". 
Mọi người Việt Nam yêu nước đều ghi nhớ, Trung Quốc chính thức cất quân tấn công toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam ngày 17/2/1979 gây ra cuôc chiến tranh xâm lược đẫm máu ác liệt kéo dài suốt 10 năm. Ngày 17/2 năm nay, người dân và các tổ chức Việt Nam đã tưởng niệm đồng bào, chiến sĩ ngã xuống trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc vĩ đại này.
 
Ông Thường Vạn Toàn, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, ảnh: AP.
Nhưng tại sao các cựu binh Trung Quốc lại "đợi" đúng ngày 28/3 khi ông Thường Vạn Toàn đang ở Việt Nam để tổ chức kỷ niệm, tảo mộ, dù vẫn còn nhận thức khác nhau về bản chất và nguyên nhân cuộc chiến? Với người viết, đó là một sự việc "lạ mà không lạ".
Mục đích và kết quả chuyến thăm Việt Nam của ông Thường Vạn Toàn
Mục đích thực chất chuyến thăm Việt Nam của ông Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc thì chỉ có cá nhân ông Thường Vạn Toàn và cộng sự mới biết rõ nhất. Những gì thể hiện trên truyền thông có lẽ chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Cũng giống như mọi hoạt động đối ngoại khác trên thế giới, giới phân tích và quan sát chỉ có thể "nhìn quả đoán cây", chứ hiếm có người biết được chính xác mục đích, ý đồ của người trong cuộc.
Kết quả chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam của ông Toàn được báo Thanh Niên phản ánh có thể tóm lại thành mấy nội dung chính:
1) Đánh giá quan hệ hai nước về tổng thể phát triển ổn định;
2) Trao đổi thẳng thắn về tranh chấp trên biển, nhấn mạnh tiếp tục xử lý thỏa đáng qua đàm phán hòa bình hữu nghị, căn cứ vào chế độ pháp lý và nguyên tắc được xác định bởi luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, nỗ lực tìm kiếm giải pháp lâu dài hai bên có thể chấp nhận được;
3) Nghiêm chỉnh tuân thủ thỏa thuận và nhận thức chung lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được, thực hiện DOC và xúc tiến xây dựng COC;
4) Quân đội hai nước phải bình tĩnh, kiềm chế, kiểm soát tốt tình hình, không để xảy ra xung đột, tăng cường hợp tác thực chất và hiệu quả, tiếp tục khẳng định hợp tác quốc phòng tiếp tục là một trong những trụ cột của quan hệ song phương.
Cũng với nguyên tắc "nhìn quả đoán cây", người viết xin dẫn ra nhận định của tờ Đa Chiều, một tờ báo người Hoa hải ngoại tại New York có quan điểm thân chính phủ Trung Quốc, bình luận ngày 28/3 về mục đích chuyến thăm Việt Nam của ông Thường Vạn Toàn lần này:
 
Ảnh chụp tiêu đề và một phần đầu  bài báo trên Đa Chiều ngày 28/3 bình luận về mục đích chuyến thăm Việt Nam của ông Thường Vạn Toàn.

1) Xoa dịu phản ứng của Việt Nam với việc tàu cá Việt Nam bị tấn công trên vùng biển Hoàng Sa ngày 6/3 và ngày 7/3 do lo ngại có thể bùng lên phản ứng dữ dội từ dư luận như vụ giàn khoan 981 năm 2014.
Nhất là gần đây Indonesia đã có những động thái phản ứng gay gắt với hành vi của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Natuna, Indonesia phía Nam Biển Đông;
2) Nhấn mạnh hợp tác giữa Trung Quốc với các nước ASEAN vẫn lớn hơn bất đồng trên Biển Đông. Trong trường hợp này là Việt Nam;
3) Trấn an Việt Nam về các hoạt động quân sự hóa đảo nhân tạo bất hợp pháp ở Biển Đông. (BBC tiếng Trung Quốc ngày 29/3 lưu ý, tháp tùng ông Toàn thăm Việt Nam còn có tướng Thẩm Kim Long, Tư lệnh Hạm đội Nam Hải).
4) Thăm dò thái độ của các nhà lãnh đạo Việt Nam sau Đại hội 12 về Biển Đông và quan hệ Việt - Trung.
Còn cá nhân người viết cho rằng, ngoài 4 mục đích mà tờ Đa Chiều chỉ ra,  có thể còn có  2 mục đích quan trọng khác trong chuyến thăm Việt Nam của ông Thường Vạn Toàn:
1) Thêm một lần nữa tìm cách ngăn cản Việt Nam không được khởi kiện Trung Quốc như Philippines đã làm, nhất là ngày ra phán quyết của PCA đang đến gần;
2) Cản trở khả năng Việt Nam hợp tác quân sự với Hoa Kỳ, như việc đặt kho hậu cần tại Việt Nam mà một số quan chức Mỹ đã tiết lộ, hoặc tìm kiếm việc truy cập cảng Cam Ranh…
Dù với mục đích nào, thì người viết vẫn đánh giá cao kết quả chuyến thăm này, đặc biệt là việc thống nhất quan điểm giải quyết tranh chấp trên Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS và quân đội 2 bên kiềm chế không để xảy ra xung đột đối đầu.
Vấn đề còn lại là chúng ta đấu tranh như thế nào trong khuôn khổ luật pháp quốc tế? Hiểu và vận dụng luật pháp quốc tế bao gồm UNCLOS như thế nào? Hiểu như thế nào về duy trì hiện trạng trong khi Trung Quốc vẫn thúc đẩy quân sự hóa Biển Đông?
“Binh bất yếm trá”
Người Trung Quốc có câu “Binh bất yếm trá” với ý nghĩa, trong việc dùng binh, việc quân sự thì không loại trừ gian kế, dối trá. Điều này khiến người viết bất giác nhớ đến Tập 35 "Khổ nhục kế" của tác phẩm điện ảnh kinh điển Trung Hoa "Tam Quốc diễn nghĩa" bản 1986 thể hiện rõ tư tưởng "binh bất yếm trá" của các nhà lãnh đạo quân sự, chính trị Trung Quốc.
Sau khi Tưởng Cán trúng kế Chu Du làm Tào Tháo giết nhầm 2 tướng thủy quân Sái Mạo, Trương Doãn, Tháo tức tối tìm cách đối phó. Tào Tháo sai Sái Trung, Sái Hòa em họ Sái Mạo sang trá hàng.
Chu Du tương kế tựu kế, dùng Hoàng Cái vào "khổ nhục kế" trá hàng Tào Tháo để triển khai kế hỏa công trong trận Xích Bích. Khổng Minh đứng ngoài quan sát, không một động tĩnh nào của Chu Du thoát khỏi mắt ông ta, bởi trong "Tam Quốc diễn nghĩa", Khổng Minh là bậc thầy của "binh bất yếm trá".
Sở dĩ người viết nhắc tới tác phẩm văn học và điện ảnh kinh điển này là muốn nhấn mạnh, chính người Trung Quốc đã dạy con cháu họ, việc quân sự và bang giao giữa các nước thì không loại trừ gian kế, không ngại dối trá. Câu chuyện này còn nhắc nhở chúng ta phải biết tương kế tựu kế.
Nếu như Trung Quốc muốn dùng "đại cục - tiểu cục" để ràng buộc Việt Nam thì chúng ta phải dùng cái gốc của "đại cục" để hóa giải.
 
Ông Tập Cận Bình thăm Việt Nam tháng 11 năm ngoái nhấn mạnh "đại cục - tiểu cục". Sau đó sang Singapore, ông lại nhắc lại tuyên bố Trung Quốc có "chủ quyền từ thời cổ đại với các đảo ở Biển Đông", ảnh: AP.

Việt Nam rất coi trọng và mong muốn chung sống hòa bình, hợp tác hữu nghị với Trung Quốc. Nhưng để củng cố được quan hệ hợp tác hữu nghị phát triển lâu dài, những mầm mống xung đột cần phải được giải quyết dứt điểm một cách khách quan, cầu thị, sòng phẳng và dựa trên luật pháp quốc tế.
Ngư dân Việt Nam vẫn bị tấn công ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa - một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc đang bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp. Trung Quốc vẫn tiếp tục quân sự hóa Biển Đông thì lấy đâu ra lòng tin và cơ sở củng cố quan hệ hai nước?
Họ muốn sang thăm dò mình, cũng tốt thôi, hãy nhân những cơ hội thăm dò để chuyển tải thiện chí, lập trường kiên định của mình bằng những thủ pháp mềm dẻo, khéo léo, nên tìm cách tương kế tựu kế.
Do đó, về mặt đối ngoại thiết nghĩ chúng ta vẫn phải vừa hợp tác, vừa đấu tranh trên cơ sở công pháp quốc tế, lẽ phải và sự thật. Chúng ta hoan nghênh các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc như ông Thường Vạn Toàn sang thăm, vì đó là cơ hội cho đối thoại giải quyết các tranh chấp bất đồng, củng cố đoàn kết, hòa bình, hữu nghị giữa 2 nước.
Tuy nhiên cũng phải hết sức tỉnh táo trước bài toán "đại cục - tiểu cục" mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang triển khai. Về mặt ngoại giao chúng ta lắng nghe để sau đó phản hồi, phản biện lại một cách thấu tình đạt lý, họ nghe được và ta nghe được.
Còn về chính sách đối ngoại nói chung, chúng ta cần giải thích cho họ hiểu, Việt Nam nhất quán chủ trương muốn làm bạn bè tin cậy, đối tác có trách nhiệm với tất cả các quốc gia yêu chuộng hòa bình và công lý.
Trung Quốc cũng là một đối tác bình đẳng của Việt Nam như Hoa Kỳ hay Nhật Bản, Singapore, Philippines...Để dư luận khu vực và thế giới hiểu lầm Việt Nam và Trung Quốc "nói riêng" với nhau gì đó trên Biển Đông sẽ vô cùng nguy hại.
Về mặt đối nội, cũng cần giải thích rõ cho nhân dân về phương châm vừa hợp tác, vừa đấu tranh trong quan hệ với Trung Quốc, vừa bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, vừa bảo vệ hòa bình ổn định khu vực và Biển Đông như thế nào.
Có như thế mới tạo được đồng thuận xã hội, loại trừ bất ổn và tăng sức mạnh quốc gia trong đàm phán, giải quyết tranh chấp với Trung Quốc và các nước khác trên Biển Đông.
Nhân dân Việt Nam, nhân dân Trung Quốc hay bất cứ quốc gia nào trên thế giới cũng mong mỏi được sống trong hòa bình, hợp tác và phát triển. Nhưng lãnh đạo một số quốc gia có vẻ xem nhẹ điều này. Với họ trở thành siêu cường số một số hai thế giới mới thực sự là mục tiêu, bởi lẽ ấy xung đột, chiến tranh trên thế giới mới liên miên không dứt.
Vì vậy, người Việt Nam mặc dù  không bao giờ quên được những trang sử thấm đẫm máu và nước mắt của biết bao thế hệ đã ngã xuống để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền thiêng liêng của mình. Nhưng vì các quyền và lợi ích chính đáng của mỗi quốc gia, đân tộc, vì hòa bình, hợp tác và phát triển, tiến bộ, người Việt Nam sẵn sàng “gác lại quá khứ” để hướng tới tương lai.
Người Việt Nam rất coi trọng hòa bình, hữu nghị với nhân dân Trung Quốc, nhưng cũng kiên quyết bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Người dân Việt Nam mong muốn các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiểu rằng, cách tốt nhất để "phản bác luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch" là giải quyết một cách sòng phẳng, khách quan, cầu thị theo đúng tinh thần luật pháp quốc tế các tranh chấp, bất đồng giữa hai nước trên Biển Đông và nhìn nhận đúng đắn, khách quan về các sự kiện lịch sử, chứ không phải tìm cách lảng tránh, che đậy nó để "thế lực thù địch" nào đó lợi dụng.
Cách tốt nhất để tránh chiến tranh, vun đắp cho quan hệ hòa bình hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc là phải nỗ lực loại bỏ tận gốc các mầm mống của chiến tranh xung đột trên cơ sở đàm phán hòa bình, căn cứ theo luật pháp quốc tế.
(Theo Giáo dục VN) Ts Trần Công Trục
 Hớ
Cập nhật lúc 09:45

Trong cuộc sống đôi khi chúng ta cũng bị hớ, chẳng hạn như mua phải món hàng quá đắt mà không biết. Hoặc quan hệ cam kết, trao đổi, giao dịch việc gì đó... vô tình chấp nhận thiệt thòi về phía mình mà không hay.
Nhưng, có một loại hớ, đó là “hớ chính sách”! Nghe có vẻ hơi lạ nhưng đôi khi vẫn xảy ra với cơ quan quản lí nhà nước. Chuyện dân bị móc túi 3.500 tỉ đồng vì mua xăng dầu giá đắt là một cái hớ tương đối lớn! Sự việc đang làm nóng dư luận. Nguyên nhân do ai chưa rõ vì “quả bóng trách nhiệm” vẫn đang lăn, chưa có điểm dừng. 
Chuyện là Bộ Tài chính và Bộ Công Thương đã phối hợp tham mưu ban hành áp thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu nhưng chưa tính “hết nước, hết cái”. Cùng mặt hàng xăng dầu nhưng nhập ở thị trường khác nhau có các mức thuế không giống nhau. Mức chênh lệch có mặt hàng lên đến 10%. Không những thế, trong lộ trình giảm thuế khu vực ASEAN, từ 1/1/2016 tất cả các mặt hàng dầu từ thị trường này hưởng thuế 0%, cao nhất là xăng cũng chỉ còn 10%, bằng nửa so với thị trường khác. Thực tế, Petrolimex và hầu hết các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối khác có thể linh hoạt tận dụng được mức thuế thấp khi nhập khẩu xăng dầu từ khu vực ASEAN. Lẽ ra cơ quan quản lí phải có quy định cụ thể nhằm điều tiết chênh lệch mức thuế trên vào ngân sách Nhà nước, đồng thời giám sát chặt chẽ, bảo đảm công bằng giữa các doanh nghiệp khi nhập xăng dầu ở các thị trường khác nhau nhưng bán trong nước cùng một mức giá.
Mức chênh lệch cao nên chẳng ai dại gì nhập khẩu từ chỗ thuế cao. Mức thuế ấy có thể chỉ để doanh nghiệp xăng dầu lấy làm “chuẩn” để định giá bán hàng cho người sử dụng. Thực tế trên là nguyên nhân “phát lộ” số tiền lãi khủng hàng nghìn tỉ đồng.
Tầm quản lí cấp bộ, “cánh tay” tham mưu vĩ mô đắc lực, “chỗ dựa” tin cậy của Nhân dân mà lại “hớ hênh” như trên thì không thể coi là chuyện bình thường. Trước đã có chuyện hớ để doanh nghiệp nước ngoài chuyển giá lãi khủng. Chuyện đó có thể biện minh rằng ta không nắm được hết chi phí đầu vào, đầu ra của họ... Nhưng chuyện áp thuế nhập khẩu chẳng lẽ cơ quan chức năng cũng không nắm rõ chính sách tác động thế nào tới doanh nghiệp và dân sinh? Nếu thực sự trình độ quản lí của cơ quan chức năng như vậy thì đáng lo ngại, khi mà nhiều hiệp định tự do thương mại quốc tế đã và sắp có hiệu lực. Nếu đã hớ với đối tác nước ngoài liệu có đòi được tiền?
Điều đáng nói, chuyện hớ trên đã được cơ quan quản lí phát hiện từ tháng 10/2015 song đến nay mới đề xuất hướng khắc phục, trong khi nhiều người có thể tính được mỗi ngày chậm trễ, doanh nghiệp xăng dầu sẽ hưởng lợi ra sao.
Người dân, các doanh nghiệp khác hoàn toàn có quyền nghi ngờ lợi ích nhóm đằng sau câu chuyện... hớ!
(Theo blog Dòng quan họ) Hoàng Đình Khải

Lãi vay 'cắt cổ' bóc lột người nghèo

Cập nhật lúc 09:20
  
Chỉ cần giấy tờ xe chính chủ, chứng minh thư nhân dân (CMTND) hoặc đơn giản là thẻ sinh viên, hợp đồng công việc... nhiều chủ cửa hàng cho vay, hỗ trợ tài chính ở Thủ đô sẵn sàng cho vay nhưng với lãi suất “cắt cổ”.

Một số điểm cho vay lãi suất cao ở Thủ đô.
Một số điểm cho vay lãi suất cao ở Thủ đô.

“Hút máu” sinh viên
Cổng trường Đại học (ĐH) Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp (Hai Bà Trưng, Hà Nội) có đến 5-6 điểm cho vay, cầm đồ mọc lên. N.P.Q, một sinh viên luôn trong tình trạng “cháy túi” chia sẻ: “Ở đây, chỉ có một số ít sinh viên đi vay để đóng tiền học thôi, còn lại khá nhiều bạn chơi cá độ, cờ bạc phải đi vay lãi. Nhiều bạn không trả được, phải gọi cả bố mẹ lên trả thay”.
Như để chứng minh, Q. cho chúng tôi theo chân vào một điểm vay sinh viên. Một căn phòng nhỏ kê một chiếc bàn với hai chiếc ghế. Người đàn ông gầy gò, trạc trung niên tiếp chúng tôi. Biết khách đến vay tiền, chẳng cần rót nước, với thái độ lạnh nhạt, ông ta hỏi Q. về CMTND và thẻ sinh viên. Sau khi xem xét một lượt, người đàn ông bật máy tính rồi hỏi mật khẩu vào trang cá nhân. 
Q. kín đáo cho biết “Ông ta kiểm tra trang cá nhân của mình xem có đúng sinh viên ở trường này không, tình trạng học lực, hạnh kiểm thế nào?”. Một lát, người đàn ông này bảo Q. gọi điện cho bố hoặc mẹ, nói chuyện gì cũng được nhưng phải bật loa ngoài. Người đàn ông đề nghị Q. ghi lại số điện thoại vừa gọi, đồng thời cẩn thận kiểm tra lại trên điện thoại xem có chính xác không. 
Thấy đáng tin, người đàn ông này bảo Q. ký vào một tờ giấy trên đó ghi rõ số tiền vay là 5 triệu đồng rồi để lại cả CMTND và thẻ sinh viên lại. Q. hỏi lãi suất thì được trả lời 7.000 đồng/triệu/ngày. Ký xong, người đàn ông mở tủ lấy tiền đưa cho Q. và nói: “5 triệu trừ đi 350 nghìn, lãi của 10 ngày”. Cầm tiền ra khỏi cửa, Q. cho biết ở đây khách đều bị “cắt phế” trước như thế. Cũng theo lời Q., sinh viên hay vay vốn sau khi “thế chấp thẻ” thường báo mất thẻ sinh viên để nhà trường làm thêm thẻ nữa để đến trường.
Với những sinh viên vay tiền lãi suất nóng, nỗi lo thường trực là trả lãi hàng ngày và trả gốc khi đáo hạn. V.B.Đ., quê ở Bắc Giang, sinh viên tại ĐH Công nghiệp Thái Nguyên, trót nghiện game online nên Đ. đổ khá nhiều tiền cho các quán net. Tiền bố mẹ cho đóng học, Đ. nhanh chóng nướng vào các trò chơi trên Internet.
Đến kỳ đóng học phí, Đ. bắt buộc phải vay ngoài. Khi hạn trả nợ cận kề cũng là lúc Đ. thường xuyên nhận được điện thoại đôn đốc của các chủ nợ. Không nghe máy thì ngay lập tức chủ nợ điện thoại cho gia đình với lý do nghe rất mùi mẫn: “Cháu là bạn của Đ., không hiểu mấy ngày hôm nay Đ. bị làm sao mà không nghe máy?” khiến cả nhà một phen hốt hoảng. 
Không chỉ có vậy, một tốp thanh niên tóc xanh, tóc đỏ đến gõ cửa phòng trọ, “hỏi thăm sức khoẻ” của Đ. theo lệnh của chủ nợ khiến Đ. đứng ngồi không yên. Nghĩ quẩn, một buổi chiều Đ. đánh liều vào phòng của một số bạn nữ trộm chiếc laptop đi bán lấy tiền trả nợ. Vụ việc bị phát giác, Đ. bị đưa lên công an, đình chỉ học.
Nhiều khuất tất dưới vỏ bọc “hỗ trợ tài chính”
Lực lượng tham gia thị trường cho vay nặng lãi đang có sự phát triển nhanh về số lượng và không chỉ có các cá nhân mà rất nhiều doanh nghiệp cũng tham gia. Khảo sát qua các tờ rơi, chúng tôi nhận thấy nhiều doanh nghiệp như Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ T.T., Công ty cổ phần T.P., (đều ở Khương Thượng), Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ V.L.H (Ô Chợ Dừa), Công ty TNHH Q.M.... cũng thông báo cho vay tín chấp, hỗ trợ tài chính phục vụ tiêu dùng, kinh doanh.
Theo thông tin trên tờ rơi về trường hợp cho vay qua lương, chúng tôi tìm đến một địa chỉ trên phố Trần Điền (Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội). Cửa hàng trưng biển cho vay, hỗ trợ tài chính ngay mặt đường. Trong nhà, có tên là Cty TNHH thương mại và dịch vụ T.T. Tiếp chúng tôi là một thanh niên trẻ khoảng trên 20 tuổi. Thấy khách hàng, người đàn ông đang sửa bàn ghế bên cạnh vội dừng lại, bảo người đưa cho điện thoại và chụp ảnh khách. 
Chụp ảnh xong, người này lại tiếp tục sửa bàn ghế, trên ngực lộ vài ba hình xăm. Chúng tôi nói đang cần tiền vì có một người em bị tai nạn đang nằm Bệnh viện Việt Đức. Thấy vậy, người đàn ông xăm trổ góp lời: “Chắc là phải mổ cả đầu thì mới vay đến bằng đấy”, rồi tiếp tục truy vấn: vì sao không gọi điện cho bố mẹ, lấy tiền đâu ra trả nợ, bị tai nạn mấy hôm rồi sao bây giờ mới đi vay... 
Có vẻ nhã nhặn hơn một chút, người thanh niên trẻ hỏi chúng tôi nhiều thông tin, từ tên, tuổi, địa chỉ nhà ở, nhà trọ, cửa hàng, mức thu nhập, dạng hợp đồng công việc… và ghi lại vào một tờ giấy rồi tư vấn “Với mức thu nhập của anh là 5,5 triệu/tháng, lại phải trả tiền thuê nhà, chúng em chỉ cho vay được khoảng 10 triệu thôi. Mức lãi là 4.000 đồng/triệu/ngày”, người này nói.
Theo thông tin trên một tờ rơi khác ghi đơn vị cho vay là “Ngân hàng 100% vốn nước ngoài” nhưng không ghi tên ngân hàng cụ thể, với các hình thức cho vay không thế chấp, không bảo lãnh, vay theo lương, theo bảo hiểm nhân thọ và vay theo... tiền điện. 
Chúng tôi liên hệ trực tiếp với một người có tên là Hùng, số điện thoại 0911.0813xx thì được tư vấn: Nếu muốn vay thì phải có giấy xác nhận tạm trú tại Hà Nội, có bảng lương và có thể được vay đến 50 triệu đồng nhưng anh ta sẽ đến tận nhà để kiểm tra thực tế. Khi hỏi ngân hàng 100% vốn nước ngoài là đơn vị nào thì Hùng cho biết, anh ta đang làm cho Ngân hàng thịnh vượng Việt Nam - VPBank. Trong khi, VPBank hiện nay là Ngân hàng thương mại cổ phần trong nước chứ chưa bao giờ là ngân hàng 100% vốn nước ngoài.
(Theo Tiền phong) Chương Huyền - Trường Phong
Người tố vụ trục lợi Bảo hiểm Hậu Giang bị dọa giết

 Cập nhật lúc 08:44

Người tố Trung tá Bùi Minh Thắng, công tác tại Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Hậu Giang trục lợi bảo hiểm chưa nhận được kết luận trả lời vụ việc thì bị… dọa giết. 

nguoi to vu truc loi bao hiem hau giang bi doa giet 
Hiện trường xảy ra vụ tai nạn vào ngày 27/11/2012.
Những dòng tin nhắn đe dọa lúc nửa đêm
Ngày 30/3, chị Trần Thị Lê A (ngụ Cần Thơ) vẫn còn hoảng hốt trước việc bị dọa giết sau khi tố cáo Trung tá Bùi Minh Thắng, công tác tại Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Hậu Giang liên quan đến việc trục lợi bảo hiểm hơn 343 triệu đồng. Chị Lê A tường trình, trong ngày 28/3, chị liên tục nhận được tin nhắn từ số điện thoại 09862497xx có nội dung đe dọa đến tính mạng.
Lúc 1h32 ngày 28/3, số máy này nhắn tin: “Chị ghét tôi thì chị có ngon chị tìm tôi nè, tôi sẵn sàng tiếp chị, chị không cần đi rêu rao là tại tôi mà chị mới quậy, nếu vậy là chị ghen với tôi à, chị không đủ tư cách đấu với tôi đâu. Tôi còn nghe chị nói tới tôi lần nữa thì chị đừng trách tôi nhé, tôi tới nhà chị quậy một trận cho chị biết mà, mà chắc chị đâu có biết nhục là gì đúng không? Chị chạy xe ngoài đường cẩn thận nhé!”.
Chị Lê A chưa kịp hiểu rõ ngọn ngành câu chuyện thì đến 10h18 cùng ngày, số máy này lại tiếp tục nhắn tin: “Chào buổi sáng! Tối qua ngủ ngon không chị? Tôi tính không nói tới chị nữa, vì chị đã quá thê thảm rồi, tôi cũng thấy chị tội nghiệp, anh T kêu tôi nói với chị lúc này có cần tiền không qua anh cho mượn chứ đi ăn bún có 10k (10 ngàn đồng - PV) một tô, khám bệnh thì không có tiền mua thuốc, anh nói vậy mà khoe là Đại Gia, có cái vỏ mà không có ruột”.
Trong lúc đang hoảng hốt vì những tin nhắn lạ gửi đến thì đến 16h19, chị Lê A bần thần và bất an với tin nhắn đe dọa: “Chị đâu muốn được yên thân nên mới thách thức tôi, gặp ai cũng nói tại tôi mà chị quậy, chị không hại được anh T chắc chị ôm hận phải không? Vậy Bác Sáu làm gì chị mà chị cũng quậy? Ngày nào một tiếng cũng Cha hai tiếng cũng Cha, bây giờ trở mặt”.
Từ tin nhắn này, chị Lê A xác định, số điện thoại này của một người tên X.H (bạn của trung tá Bùi Minh Thắng, công tác tại Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Hậu Giang) đã nhắn đến cho chị. Trung tá Bùi Minh Thắng là nhân vật bị chị Lê A tố cáo liên quan đến hành vi trục lợi bảo hiểm xảy ra cách đây hơn 3 năm mà Báo điện tử PetroTimes từng đề cập.
Chị Lê A nói về việc tố cáo, do từng giúp đỡ trung tá Thắng trong việc tự nhận gây ra vụ tai nạn vào rạng sáng 27/11/2012 nên bị “khống chế”. Đến đường cùng, chị A mới tính đến việc “tố” hành vi của cha con ông Bùi Hoàng Bào (nguyên Giám đốc Công an tỉnh Hậu Giang và trung tá Bùi Minh Thắng).
Ngày 28/9/2015, chị Lê A làm đơn tố cáo hành vi của cha con ông Bùi Hoàng Bào và trung tá Bùi Minh Thắng đến cơ quan chức năng. Sau đó, Bảo Việt Hậu Giang đã có công văn xác nhận hành vi “khai man” hồ sơ bảo hiểm của ông Bùi Hoàng Bào và trung tá Thắng là có thật.
Khai man hồ sơ bồi thường bảo hiểm không bị xử lý?
Bảo Việt Hậu Giang khẳng định sẽ phối hợp với cơ quan chức năng có thẩm quyền để tiến hành các trình tự thủ tục thực hiện theo Hợp đồng bảo hiểm. Đến ngày 1/3, Cổng thông tin của Công an tỉnh Hậu Giang thông tin qua công tác điều tra, xác minh và kết luận của cơ quan chức năng.
Thiếu tá Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Hậu Giang đã chính thức công bố. Nội dung của bản tin thể hiện: “Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt giải quyết bồi thường vụ tai nạn số tiền 343.201.000 đồng cho bà Trần Thị Lê A là đúng thủ tục, quy định tại Quy tắc bảo hiểm và hợp đồng bảo hiểm đã ký kết”.
 nguoi to vu truc loi bao hiem hau giang bi doa giet
Nội dung tin nhắn dọa giết chị Trần Thị Lê A.
“Vì xe ô tô biển số 95L-8888 do ông Bùi Hoàng Bào đứng tên và mua bảo hiểm tự nguyện về thân xe. Sau khi xảy ra tai nạn, chủ xe đã ủy quyền cho bà Trần Thị Lê A làm thủ tục và nhận số tiền bồi thường từ Công ty Bảo Việt Hậu Giang. Do đó, việc thanh toán tiền bảo hiểm là thanh toán cho chủ xe chứ không thanh toán cho người điều khiển xe”.
“Trường hợp đồng chí Bùi Minh Thắng (được xác định có giấy phép lái xe hợp lệ) khai báo đúng ngay từ khi xảy ra tai nạn thì theo Quy tắc bảo hiểm, Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt vẫn bồi thường cho vụ tai nạn này. Như vậy, trong trường hợp này Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt xác định không có thiệt hại, nên hành vi của đồng chí Bùi Minh Thắng không có cơ sở để xem xét xử lý về hình sự”, bản tin trên Cổng thông tin Công an Hậu Giang đã nêu.
Chị Lê A phân tích, nếu Công an tỉnh Hậu Giang đã có kết luận từ ngày 1/3 nhưng đến nay, bản thân người đi tố cáo (chị Lê A – PV) chưa nhận được phản hồi và kết luận chính thức của cơ quan chức năng. Từ ngày chị Lê A tố cáo hành vi của cha con ông Bùi Hoàng Bào và Bùi Minh Thắng đến nay đã hơn 60 ngày, chị A cũng không nhận được kết luận, trả lời của Công an tỉnh Hậu Giang theo quy định của Luật tố cáo.
Chị A khẳng định, thông tin trên Cổng thông tin có nội dung chưa đúng vì chị với ông Bùi Hoàng Bào và Bùi Minh Thắng không làm ủy quyền để giải quyết vụ tai nạn. Hành vi say rượu khi điều khiển xe ô tô rồi lao xe xuống sông của trung tá Bùi Minh Thắng vẫn chưa bị xử lý. Ngoài ra, hành vi “khai man” hồ sơ bảo hiểm của cha con ông Bùi Minh Thắng có bị xử lý hay không?
Vụ việc đến nay chưa có hồi kết thì chị Lê A tiếp tục nhận được tin nhắn đe dọa: “… chạy xe ngoài đường cẩn thận…”. 
(Theo Năng lượng Mới) Thiếu Thơ

Chính quyền, doanh nghiệp làm sai, người dân hoa mắt vì tiền sử dụng đất

Cập nhật lúc 07:34

 Hàng trăm hộ dân ở quận Bình Tân đang cầu cứu lãnh đạo TP HCM vì bỗng nhiên bị đưa vào trường hợp phải đóng tiền sử dụng đất quá cao mà lỗi là do doanh nghiệp và chính quyền

Năm 2010, sau nhiều lần nộp lên trả về, anh Lê Thừa Toản - ngụ khu phố 1, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân - mới  được phường gửi thông báo đã được cấp giấy chứng nhận (GCN) nhưng chỉ nhận được bản sao, đóng tiền sử dụng đất xong mới được nhận bản chính. Tuy nhiên, cơ quan thuế thì bảo chưa có hướng dẫn cách tính tiền sử dụng đất nên phải chờ...
Bắt chẹt
Ông Trần Văn Mỹ - tổ trưởng tổ dân phố 14, khu phố 1 - xác nhận anh Toản chỉ là một trong số hàng trăm hộ dân ở khu vực này không được đóng tiền sử dụng đất dù đã có GCN bản sao.
 Muốn xin số nhà, điện nước, hộ khẩu… hay giấy phép xây dựng, người dân phải lên Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất Bình Tân để xin sao lục giấy chứng nhận với giá 200.000 đồng/lần
Muốn xin số nhà, điện nước, hộ khẩu… hay giấy phép xây dựng, người dân phải lên Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất Bình Tân để xin sao lục giấy chứng nhận với giá 200.000 đồng/lần
“Khoảng năm 2010, việc đóng tiền sử dụng đất trong khu vực này bị tạm ngưng, đa phần bà con nộp hồ sơ đều được cấp GCN nhưng chỉ nhận bản sao, còn bản chính quận vẫn giữ. Do vậy, bất cứ cuộc họp tổ dân phố, khu phố, tiếp xúc cử tri, tiếp xúc lãnh đạo quận hay thành phố..., bà con đều kiến nghị các cơ quan chức năng giải quyết cho họ được đóng tiền sử dụng đất để lấy GCN gốc vì nhiều hộ có nhu cầu mua bán nhà, không có GCN gốc thì không công chứng được” - ông Mỹ cho biết.
Không chỉ mua bán nhà, việc bị “giam” GCN còn gây ra nhiều bất tiện cho cuộc sống người dân. Khi làm bất cứ thủ tục hành chính nào liên quan đến chủ quyền nhà đất từ xin số nhà, điện nước, hộ khẩu... đến xin giấy phép xây dựng, họ lại phải lên Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất Bình Tân để xin sao lục.
Ông Hà Văn Cường, một người dân, cho biết mỗi lần xin sao lục được Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất Bình Tân cấp cho 3 bản photocopy GCN, có đóng dòng chữ: Sao lục từ hồ sơ gốc. Chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính. “Để có 3 tờ sao lục này người dân phải trả 200.000 đồng, dùng hết thì lên xin tiếp. Nếu có GCN gốc, chúng tôi photocopy và công chứng chắc chưa đến 2.000 đồng/tờ” - ông Cường so sánh.
Đẩy lỗi
“Cầu được, ước thấy”, cuối năm 2015, các hộ dân ở đây nhận được thông báo của Chi cục Thuế Bình Tân về việc đóng tiền sử dụng đất. Chưa kịp mừng vì được đáp ứng nguyện vọng bao nhiêu năm, nhiều người đọc xong thông báo đã thật sự... hoa mắt!
“Quá vô lý! GCN của tôi được quận cấp năm 2012, sao lại bắt tôi đóng tiền sử dụng đất theo giá đất năm 2015? Chính chi cục thuế nói chưa có phương án nên kéo dài thời gian chứ có phải tôi trì hoãn không chịu đóng đâu! Thế mà trong thông báo ngày 17-12-2015, Chi cục Thuế quận Bình Tân bảo nếu sau ngày 31-12-2015, tôi không có văn bản gửi Chi cục Thuế và Phòng Tài nguyên - Môi trường quận thì họ sẽ áp dụng các văn bản pháp luật tại thời điểm nhận thông báo để áp dụng cách tính tiền sử dụng đất. Họ nói như đây là lỗi của chúng tôi vậy!” - ông Cường bức xúc.
Trong khi đó, anh Toản lại nhận được thông báo của UBND phường Bình Hưng Hòa đến nhận GCN gốc. “Lên đến nơi, họ đưa tôi giấy báo đóng  283 triệu đồng cho phần nhà đất 40 m2 của tôi theo bảng giá đất năm 2015, kèm theo đó là một tờ cam kết tự nguyện đóng tiền sử dụng đất(?!)” - anh Toản thuật lại. Như vậy, bình quân mỗi mét vuông nhà đất, anh Toản phải đóng hơn 7 triệu đồng. Trong khi đó, một số người dân trong khu vực này đã được đóng tiền sử dụng đất trước thời điểm năm 2010 cho hay họ chỉ đóng với giá 635.000 đồng/m2.
Ông Nguyễn Gia Thái Bình, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, lý giải do trước đây một phần khu phố 1 và 2, phường Bình Hưng Hòa nằm trong dự án KCN Tân Bình mở rộng (do Công ty CP Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu dịch vụ và đầu tư Tân Bình - Tanimex - làm chủ đầu tư) cho nên người dân phải đóng tiền sử dụng đất theo hình thức giao đất dự án, theo mức giá thị trường. Nay TP đã chấp thuận cắt phần diện tích này ra để người dân tự chỉnh trang, do đó quận yêu cầu Công ty Tanimex phải lập hồ sơ điều chỉnh ranh quy hoạch.
“Theo tôi biết thì hồ sơ đang nằm ở Sở Tài nguyên và Môi trường nên người dân phải chờ. Còn giờ ai muốn lấy GCN thì phải chấp nhận đóng tiền sử dụng đất theo giá thị trường” - ông Bình khẳng định.
Ông Nguyễn Đình Thành, Phó Giám đốc Ban Quản lý hạ tầng KCN Tân Bình, Công ty Tanimex, bày tỏ công ty cũng rất muốn hoàn thành thủ tục điều chỉnh ranh để cho xong trách nhiệm của doanh nghiệp. Tuy nhiên, hồ sơ đã nộp từ năm 2014 nhưng cứ liên tục bổ sung, điều chỉnh cho đến bây giờ, Trung tâm Đo đạc bản đồ của Sở Tài nguyên và Môi trường mới ra được bản đồ ranh đất và đang trình lãnh đạo sở thẩm định để trình UBND TP phê duyệt quyết định điều chỉnh. Vả lại, không phải toàn bộ diện tích khu vực này đưa hết ra ngoài dự án mà vẫn còn những phần da beo mà Tanimex phải thu hồi để bàn giao cho quận xây dựng các công trình công cộng.
Ai bồi thường?
“Nhà cửa chúng tôi đang ở yên lành, tự nhiên lại đưa vào quy hoạch, vào dự án, rồi lại đưa ra. Người dân chẳng được lợi lộc gì, ngược lại còn bị thiệt hại và phiền toái. Cơ quan hay đơn vị nào phải chịu trách nhiệm cho việc này và bồi thường cho chúng tôi” - câu hỏi của ông Nguyễn Đức Thắng đang đợi cơ quan chức năng trả lời.

(Theo Người Lao động) MINH KHANH