Thứ Năm, 4 tháng 2, 2016

Vụ mua tàu cũ Trung Quốc có "dáng dấp" vụ ụ nổi M83 !

 Cập nhật lúc 14:11  

 

Nhiều bạn đọc báo Dân trí cho rằng, vụ Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam chấp thuận mua 164 toa tàu cũ của Trung Quốc nghiêm trọng không khác gì vụ mua ụ nổi. Vì vậy, bạn đọc rất ủng hộ quyết định của Bộ trưởng Đinh La Thăng, nhưng còn băn khoăn liệu có chặn được việc đưa tàu cũ về Việt Nam.
 

Vì sao phải mua đồ cũ đã qua sử dụng 20 năm?
Liên quan đến vụ Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam chấp thuận cho Công ty TNHH MTV vận tải đường sắt Hà Nội mua hơn 100 toa tàu của Trung Quốc đã qua sử dụng 20 năm, bạn đọc đã gửi đến Dân trí hàng nghìn ý kiến chia sẻ quan điểm.
Bạn đọc Cu Mi nhắc lại vụ án tham nhũng nghiêm trọng xảy ra ở Vinalines. Khi đó Dương Chí Dũng cùng đồng bọn đã nâng khống giá trị ụ nổi cũ M83 lên hàng triệu đô la rồi chia nhau tiền tiêu xài. “Công ty đường sắt Hà Nội muốn mua 164 toa tàu cũ của Trung Quốc về sử dụng, các vị định lặp lại kịch bản của Vinaline đây”, độc giả này khéo léo nhắc ngành đường sắt.
 Ngành đường sắt muốn mua hơn 100 toa tàu cũ của Trung Quốc về sử dụng
Ngành đường sắt muốn mua hơn 164 toa tàu cũ của Trung Quốc về sử dụng
Bạn đọc Nguyễn Hưng nhìn nhận việc mua tàu cũ đã qua sử dụng từ 12 - 20 năm chẳng khác nào coi nước ta như một bãi rác của Trung Quốc. Độc giả cho rằng việc này có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng, cần phải truy rõ việc mua tàu cũ nhằm mục đích gì, từ đó làm rõ trách nhiệm từng cá nhân.
“Cũng may vụ việc được phát hiện ra sớm nếu không thì hậu quả khôn lường, có thể là vụ Vinashin thứ 2. Theo tôi hình thức kỷ luật cách chức rồi chuyển công tác khác thì quá nhẹ, sau cũng hòa cả làng. Do vậy, cần phải phạt thật nặng hơn nữa nhằm răn đe những kẻ cố tình vi phạm pháp luật khác”, bạn đọc Nguyễn Hưng nêu quan điểm.
Cùng quan điểm với bạn đọc Nguyễn Hưng, một bạn đọc khác cũng thẳng thắn: "Nói về công nghệ của TQ đến thời điểm giờ cũng thua xa Nhật và các nước phương Tây. Vậy mà cớ sao đi nhập đồ cũ TQ sản xuất và sử dụng đã 20 năm??? Phải chăng đường sắt Việt Nam đang đi tụịt lùi, làm bãi rác phế thải... Trong khi đáng lẽ đường sắt Việt nam phải có lộ trình nâng cấp và dần dần đi tới hiện đại."
Độc giả Lê Quân cũng nhìn nhận vụ việc này không khác gì vụ mua ụ nổi M83 và ủng hộ quyết định của Bộ trưởng Đinh La Thăng giúp ngăn chặn kịp thời một vụ việc nghiêm trọng.

Ụ nổi M83 tai tiếng trong vụ đại án tham nhũng ở Vinalines. (Ảnh: Báo Đầu tư)
 
Ụ nổi M83 "tai tiếng" trong vụ đại án tham nhũng ở Vinalines. (Ảnh: Báo Đầu tư)

Ủng hộ quyết định của Bộ trưởng Thăng
Sau khi đọc bài “Đường sắt muốn mua tàu “cũ” của Trung Quốc, Bộ trưởng Thăng chỉ đạo cách chức Tổng Giám đốc”, bạn đọc Nguyễn Tiến Bảo cũng như hàng nghìn bạn đọc khác cùng chia sẻ rằng rất khâm phục quyết định mạnh tay của Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng.
Bạn đọc Đinh Hoàng Long cho rằng, là người lãnh đạo đầu ngành giao thông phải làm như vậy. “Chúng ta phải hướng đến hiện đại hóa tất cả các ngành nghề chứ cách làm và quản lý như mấy ông đường sắt Việt Nam thì đất nước chỉ dậm chân tại chỗ. Người dân chúng tôi đồng tình với cách làm sáng suốt của Bộ trưởng Đinh La Thăng”.
Gửi tâm tư đến báo Dân trí, bạn đọc Hữu Lê cho rằng, qua vụ đề xuất mua hơn 100 toa tàu cũ, lãnh đạo Bộ GTVT nên tổ chức rà soát nghiêm ngặt về trình độ chuyên môn, đạo đức những người đứng đầu ở tất cả các đơn vị trực thuộc của Bộ. Từ đó, nếu phát hiện những nhân vật nào có vấn đề thì loại ngay ra khỏi bộ máy lãnh đạo.
Còn bạn đọc Nguyễn Cẩm Nhung ủng hộ cách làm quyết liệt của Bộ trưởng Thăng, đồng thời cũng mong muốn các Bộ trưởng, Trưởng ngành khác tiếp thu ý kiến của nhân dân, trong tất cả các vấn đề đều phải cân nhắc thiệt hơn một cách cẩn trọng.
Bạn đọc Quân Thụy, tuy đồng tình với quyết định của Bộ trưởng song không những phải cách chức những người có liên quan mà còn phải bồi thường thiệt hại, xử lý nghiêm những hành vi vụ lợi.
Cùng quan điểm trên, bạn đọc Nguyễn Hùng cho rằng, lâu nay chúng ta đã đi theo lối mòn “trách nhiệm tập thể” mà không có cá nhân cụ thể. Vì vậy mà đã làm mất vai trò lãnh đạo của người đứng đầu. Do đó, bạn đọc này cho rằng, việc làm của Bộ trưởng Thăng là rất hợp lý nhưng cần phải truy đến cùng ai là người ủng hộ việc này. “Nước ta ngày một đổi mới, đi lên nên không thể dùng đồ cũ với kỹ thuật lạc hậu của Trung Quốc”, độc giả đánh giá.
Có chặn được việc mua toa tàu cũ này?
Trong các ý kiến bạn đọc gửi về Dân trí, bên cạnh niềm hân hoan trước quyết định kịp thời sáng suốt của Bộ trưởng GTVT cũng không ít bạn đọc băn khoăn, người làm sai đã bị cách chức nhưng liệu thời gian tới, hơn 164 toa tàu cũ có được nhập về Việt Nam hay không? Bạn đọc này cho rằng, vụ việc có thể gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế và nó còn biến nước ta thành bãi rác thải công nghiệp của Trung Quốc. Nghiêm trọng hơn là những nguy hiểm sau này khi dùng đồ cũ 20 năm tuổi của Trung Quốc.
“Chính xác là mua phế liệu của Trung Quốc, có uẩn khúc gì ở đây mới làm như vậy. Mình băn khoăn ở Việt Nam có đội ngũ giáo sư, tiến sĩ hùng hậu mà có cái toa tàu vẫn phải mua lại của nước ngoài”, một bạn đọc phản ánh.
Bạn đọc Thu Hạnh băn khoăn, không hiểu ngành đường sắt đã có nghiên cứu kỹ càng chưa mà đưa ra đề xuất làm thụt lùi ngành công nghiệp đường sắt Việt Nam như vậy. “Cứ làm cái lợi trước mắt thì không biết ngành đường sắt Việt Nam đi về đâu. Do vậy, phải chặn được việc nhập tàu cũ về Việt Nam dù sự việc có phức tạp đến mấy”, độc giả Hạnh băn khoăn.
Bạn đọc Võ Đức Quang hy vọng ngành đường sắt có nhiều chuyển biến tích cực trong thời gian tới, đồng thời đất nước có những chuyển biến tích cực trong phòng chống tham nhũng. “Mong các Bộ khác cũng mạnh tay đối với những hành vi tương tự...”, bạn đọc Quang nêu mong muốn.
(Theo Dân trí) Quang Phong tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét