Thứ Năm, 4 tháng 2, 2016

Gạo hẩm và cái cổng chào


Cập nhật lúc 20:15

Có thể chắc chắn rằng gạo phát chẩn, cho dù là gạo có mùi xà phòng, vẫn là cái “không thể thiếu được” với số hộ nghèo còn đến 18% dân số...

Không rõ những người dân xã Phước Trà, huyện Hiệp Đức (Quảng Nam), bị ngộ độc sau khi ăn gạo hỗ trợ tết từ một đoàn từ thiện, có thở phào ra không khi nghe tin khẳng định rằng “các mẫu phân tích đều cho thấy không phát hiện chất độc tố nào ở trong số gạo hỗ trợ tết” cũng như kết quả kiểm tra “gạo có mùi xà phòng nhưng không thấy nổi bọt xà phòng”.
Dù gì đi nữa, đau bụng ói mửa sau khi ăn cơm nấu từ gạo đó cũng đã bị rồi, trong khi mùi xà phòng trong gạo được phát vẫn còn đó!
Số người nhận những bịch gạo cứu tế nhân dịp tết đó cũng chỉ là phần nổi của tảng băng! Huyện Hiệp Đức mới giữa tháng 9 năm ngoái đã tổng kết 20 năm cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” bằng báo cáo rất thành tích: “Tỉ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt qua từng năm; năm 1995 tỉ lệ hộ nghèo của huyện là 54%, đến nay còn 23,26%” (báo Quảng Nam 16/9/2015).
Bốn tháng sau, báo chí ngày 29/1/2016 cho biết: “Theo báo cáo của UBND huyện Hiệp Đức, dân số của huyện có khoảng 40.000 người. Trong đó, số hộ nghèo chiếm 18% và thường xuyên phải nhận gạo hỗ trợ của UBND tỉnh Quảng Nam” - mở ngoặc đơn: Chỉ sau bốn tháng số hộ nghèo giảm 5,26%!
Đang trong cuộc khủng hoảng “gạo có mùi xà phòng”, nổ ra vụ cổng chào lộng lẫy trị giá 1 tỉ đồng nhân kỷ niệm 30 năm thành lập huyện này. Giải thích của những người đứng đầu huyện đầy đủ che chắn, phòng chống phong ba dư luận: “Huyện đã xin chủ trương của tỉnh và được tỉnh đồng ý hỗ trợ 500 triệu để xây cổng chào với quy mô hơn 800 triệu đồng. Kinh phí còn lại lấy từ ngân sách huyện”.
Đầy đủ lý lẽ biện minh: “Cổng chào sẽ hoàn thành trước lễ kỷ niệm 30 năm thành lập huyện Hiệp Đức ngày 24/2 sắp tới... Người dân huyện Hiệp Đức rất có nguyện vọng” và rằng việc xây dựng được tập thể cán bộ UBND huyện, Huyện ủy thông qua với 5 cuộc họp”. Đầy đủ ô đội trên đầu, dân chúng làm bàn đạp bên dưới!
Thế nhưng không rõ các thang bậc chi tiêu của huyện này là như thế nào. Cái gì là “không thể thiếu được” đối với huyện? Nhưng có thể chắc chắn rằng gạo phát chẩn, cho dù là gạo có mùi xà phòng, vẫn là cái “không thể thiếu được” với số hộ nghèo còn đến 18% dân số.
Vấn đề không chỉ là cái cổng chào ở huyện này, mà là cái “phong trào” cổng chào cùng khắp, mà huyện này khiếu nại là “chưa có”.
Nếu ở cấp huyện là cổng chào, còn cấp tỉnh là quảng trường... thì đó sẽ là một cái thùng không đáy, bên cạnh cảnh báo của giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam ở Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam hôm 5/12/2015: “Không biết Việt Nam sẽ lấy nguồn ở đâu ra cho chương trình phát triển 5 năm tới khi các nguồn vốn ưu đãi thu hẹp dần?!”.
Cộng với thực tế giảm nguồn thu khi mà ngành dầu khí bắt đầu giảm khai thác dầu thô do giá dầu xuống dưới 30 USD/thùng!
Năm mới, thiết chế mới, vận hội mới tốt xấu lẫn lộn, người dân càng cần những tín hiệu mới cho phép tin rằng sẽ có một kỷ luật ngân sách và một cách suy nghĩ đúng đắn hơn về chi tiêu! Không còn dân nghèo phải ngửa tay nhận gạo hẩm, mục tiêu đó cấp thiết hơn là cái cổng chào, đó là đạo cầm quyền tối thiểu của những người lãnh đạo.
(Theo Tuổi trẻ) DANH ĐỨC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét