Thứ Hai, 2 tháng 11, 2015

Đằng sau chuyện bán "con bò sữa tỷ đô"

Cập nhật lúc 20:56

Cổ phần hóa phải là quá trình "tư nhân hóa" tài sản quốc gia một cách chính trực, minh bạch, không cho phép cá nhân trong cơ quan công quyền lạm dụng làm giầu cá nhân một cách bất chính.   
Thông tin Chính phủ quyết định cho phép thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại Công ty cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk (VNM) trị giá tới 2,5 tỷ USD gây chấn động trên thị trường chứng khoán.
Mục tiêu của CP đến hết 2015 phải cổ phần hóa được 432 doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Riêng năm nay, thực tiễn cho thấy khó đạt được mục tiêu cổ phần hóa 289 DNNN.
“Tư nhân hóa” tài sản quốc gia như thế nào?
Chủ trương cổ phần hóa DNNN là đúng đắn nhưng thời điểm bán vốn của nhà nước phải là lúc được giá cao nhất và mục đích bán là đưa tất cả khoản tiền này về ngân sách nhà nước.
Cổ phần hóa phải là quá trình "tư nhân hóa" tài sản quốc gia một cách chính trực, minh bạch, không cho phép cá nhân trong cơ quan công quyền lạm dụng làm giầu cá nhân một cách bất chính.
Tài sản quốc gia thì vốn thu được phải trở về quỹ tài sản quốc gia, chứ không thuộc một nhóm người, chính quyền địa phương hay trung ương muốn làm gì thì làm, nhất là không thể để nhằm mục đích giảm thiếu hụt ngân sách, trả nợ hay xây hạ tầng. Làm gì với quỹ tài sản quốc gia là điều mà CP phải trình Quốc hội quyết định  theo quy định của Hiến pháp.
Những biện pháp cổ phần hóa rất phong phú nhưng để đạt được sự công bằng tương đối thì rất khó nếu như trước khi cổ phần hóa chưa có được bộ khung pháp lý, các hình thức chế tài hiệu quả, thực sự. Nói đúng ra, chúng ta phải tiến hành cổ phần hóa song song với cải cách thể chế, mở rộng dân chủ, công khai minh bạch. Chỉ khi nào hai dạng cổ phần hóa này đồng hành thì mới thành công và phát triển bền vững.

 'tư nhân hóa', tài sản, nhà nước, Tô Văn Trường, ngân sách, lợi nhuận, DNNN
Bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sữa Vinamilk (Ảnh: Tienphong.vn)

Đất nước đang phải đối mặt với việc trả nợ cả ở trong nước và quốc tế. Theo lẽ thông thường để trả nợ thì phải tiếp tục phát hành trái phiếu, sẽ làm tăng nợ công của CP. Cổ phần hóa DNNN như việc cho phép thoái vốn toàn bộ ngân sách nhà nước ở Công ty cổ phần Sữa Vinamilk là cách làm ‘bán cho nó lành”.  Tuy nhiên, trên công luận đang có sự hiểu lầm về việc tái sử dụng nguồn vốn nhờ cổ phần hóa!  
Bệnh viện GTVT trung ương mới được làm thí điểm cổ phần hóa thu được 116,8 tỷ đồng là bệnh viện công lập lại lấy khoản tiền này để tái đầu tư nâng cấp cho bệnh viện (công ty cổ phần) là sai lầm. Về nguyên tắc quản trị, phải nộp khoản tiền này về ngân sách nhà nước.
Nhận thức là cả qúa trình
Quá trình tư nhân hóa (privatizasia) của  nước Nga trước đây dẫn đến kết quả là những kẻ có thế lực ở DNNN cũ lại vẫn quay lại thâu tóm toàn bộ tài sản của DN, hình thành một tầng lớp siêu giầu nhờ quyền lực chính trị và các mối liên kết với tư bản nước ngoài. Thành quả của cổ phần hóa chỉ là tập trung tài sản vào tay các nhóm quyền lực chính trị trong xã hội và do vậy thân phận người lao động thấp cổ bé họng vẫn chịu nhiều thiệt thòi, bế tắc.
Công ty ở các nước tư bản muốn tưởng thưởng cho công nhân làm việc hăng hái, năng suất cao thì họ để ra 01 phần cổ phiếu (thí dụ vài phần trăm) để  bán cho công nhân, ngay khi và sau khi DN phát hành cổ phiếu. Để thu hút công nhân giỏi, họ có thể ký hợp đồng hứa cho công nhân được mua một số cổ phần nhất định theo giá lúc ký hợp đồng nhận việc. Hợp đồng cũng có thể nói rõ lương là tiền mặt cộng với số cổ phiểu được phép mua (tùy vào số năm làm việc) và chỉ được phép mua sau khi làm việc với DN 3-5 năm v..v...
Việc bán cổ phần DNNN cần lưu ý tránh lạm dụng vì vốn DNNN là từ tiền thuế  của dân Cổ phần hóa ở VN là hình thức "tư nhân hóa" nên gọi đúng tên là công ty nhà nước có phần hùn của tư nhân. Tư nhân nào mà nắm cổ phần lớn thì có thể lạm dụng vai trò của nhà nước để làm lợi cho mình.
Tái cấu trúc DNNN gồm nhiều khâu công việc, nối tiếp, độc lập tương đối với nhau. Chuyển đổi chủ sở hữu (một phần hay toàn bộ) là khâu bắt buộc đầu tiên. Cổ phần hóa DNNN là nói về khâu này. Đây là khâu khó nhất, nhiều rào cản phải vượt qua nhất.
Có bán hay không bán tài sản của nhà nước, ngành nào được bán, ngành nào không là vấn đề rất nhạy cảm dễ bị quy chụp là chệch hướng hay không chệch hướng. Nếu bán thì bán cho ai, tức ai được mua?  “Ai” ở đây là chủ sở hữu ngoài nhà nước, tức là tư nhân (sở hữu tập thể cũng là sở hữu tư nhân, tư nhân trong nước, tư nhân nước ngoài….). Chỉ một chi tiết rất nhỏ là có ưu tiên bán cho người lao động trong công ty không?
Thuở ban đầu, phải mất cả năm trời bàn vấn đề này, bởi lẽ DNNN  được hình thành bằng vốn ban đầu rất nhỏ của ngân sách nhà nước. Sau đó, tập thể người lao động bổ sung dần bằng công sức của mình. Trong số những người lao động thì có người mới đến, có người cống hiến cả cuộc đời. Còn việc một pháp nhân hay một thể nhân được mua bao nhiêu thì pháp luật hiện nay quy định khá chặt chẽ, không phải ai muốn nắm bao nhiêu cũng được.
Tất nhiên, luật còn kẽ hở, nên người ta lách luật, chẳng hạn, theo quy định hiện nay một thể nhân không được nắm quá 5% cổ phần của một ngân hàng. Vậy mà có đại gia thực chất nắm đến 20-25% cổ phần trong một ngân hàng và tất nhiên họ quản trị ngân hàng theo kiểu “gia đình trị”. Người đó, để cho những người thân trong gia đình đứng tên chủ sở hữu các cổ phiếu, (việc này, pháp luật cũng có những quy định ràng buộc, nhưng vẫn còn nhiều kẽ hở). Mỗi người chỉ nắm 3-4% thế là đại gia đó thực chất có trong tay 20-25% cổ phần ngay lập tức.
Vấn đề đặt ra là bán theo giá nào? Định giá trị DNNN là việc cực kỳ khó khăn, phức tạp, giá trị thương hiệu định thế nào? Vị trí địa lý nơi DN hoạt động  định giá ra sao? Nhiều chuyên gia kiến nghị bán “theo giá thị trường”; “niêm yết trên thị trường chứng khoán” là  xong. Tuy nhiên, thuở ban đầu làm gì có thị trường mua bán tài sản nhà nước và thị trường chứng khoán? Xin lưu ý gần 15 năm, sau khi chúng ta thực hiện cổ phần hóa DNNN thị trường chứng khoán mới ra đời để có giá thị trường?
Hơn thế nữa, muốn niêm yết trên thị trường chứng khoán thì trước hết phải có giá từng cổ phần của DNNN, do đó phải định giá cả DNNN. Ngay bán một bó rau muống, người bán phải nêu giá trước, người mua mới trả giá cơ mà! Nên hiểu một hiện tượng kinh tế được luật pháp cho phép là người ta mua bán một loại cổ phiếu cụ thể nào đó không theo giá công bố hằng ngày trên thị trường chứng khoán, mà theo giá thỏa thuận!?
Sau khi chuyển đổi xong chủ sở hữu mới đến khâu quản trị, quản lý DN. Nhà nước cần làm gì và không được làm gì đối với DN sau cổ phần hóa để cho DN hoạt động có năng suất và hiệu quả cao hơn thì còn cả một khối lượng công việc khổng lồ nữa rất phức tạp.
Lưu ý là lợi nhuận của DNNN phải được chuyển nộp cho ngân sách. Sai lầm trước đây là để lại lợi nhuận cho DN sử dụng bổ sung vốn cho nên mới dẫn đến tình trạng đầu tư ngoài ngành.
(Theo VietNamNet) Tô Văn Trường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét