Thứ Năm, 19 tháng 11, 2015

 Đà Nẵng nhận 300 lao động Trung Quốc: Lại đúng quy trình

Cập nhật lúc 08:19  
(Tin tức thời sự) - Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng cho rằng việc UBND thành phố cho 300 lao động Trung Quốc vào làm việc là đúng quy trình.
UBND thành phố làm đúng quy trình
Liên quan đến việc UBND Đà Nẵng vừa cho phép Công ty TNHH Sichuan Huashi Trung Quốc đưa 300 lao động vào làm việc tại công trường thi công khách sạn 5 sao JW Marriott trên đường Võ Nguyên Giáp (phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) gây xôn xao dư luận thời gian qua, phóng viên báo Đất Việt đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn An – Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Đà Nẵng (phụ trách mảng lao động – việc làm) để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Ông Nguyễn Văn An khẳng định số lao động mà phía Trung Quốc đề nghị thành phố cho vào làm việc tại Đà Nẵng không phải lao động phổ thông mà là cán bộ, kỹ thuật lành nghề, đáp ứng chất lượng và tiến độ được điều động từ công ty mẹ ở Tứ Xuyên .
“Đầu tháng 10 vừa rồi nhà thầu Sichuan Huashi có văn bản xin tăng thêm 650 lao động, gồm 350 lao động bản địa và 300 cán bộ, kỹ thuật từ Trung Quốc sang. UBND thành phố sau khi xem xét đã đồng ý phê duyệt rồi giao Sở LĐ-TB&XH đứng ra lo về các thủ tục.
 Da Nang nhan 300 lao dong Trung Quoc: Dung quy trinh
Để kịp tiến độ phục vụ APEC 2017 diễn ra tại Đà Nẵng, nhà thầu đề nghị chuyển 300 cán bộ kỹ thuật Trung Quốc sang làm việc. Ảnh: Dân trí
Số lao động này sẽ vào thành nhiều đợt và làm việc từ tháng 11/2015 đến tháng 10/2017. Hiện nay phía nhà thầu Trung Quốc chưa cung cấp hồ sơ liên quan nên chúng tôi chưa cấp phép cho bất cứ ai vào làm việc tại công trường thi công khách sạn 5 sao JW Marriott cả”, ông An thông tin.
Theo lời phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng, lý do được công ty đưa ra là công trình đang chậm tiến độ không kịp phục vụ Hội nghị thượng đỉnh APEC diễn ra vào năm 2017. Trong khi đó lao động Việt Nam không thích ứng với công việc kỹ thuật phức tạp cũng như khó khăn trong giao tiếp vì bất đồng ngôn ngữ.
Ông An cũng cho rằng, thành phố đã thực hiện đúng quy trình và tuân thủ nghiêm ngặt các văn bản, nghị định của Chính phủ khi quyết định cho 300 cán bộ kỹ thật của nước bạn làm việc tại công trường thi công khách sạn 5 sao JW Marriott.
“Quan điểm của Sở và UBND TP là tạo điều kiện cho lao động Trung Quốc làm việc, miễn sao đúng pháp luật Việt Nam. Việc lao động Trung Quốc sang lúc nào, bao nhiêu cơ quan chức năng sẽ nắm rõ từ khâu xác minh hồ sơ đến cấp giấy phép lao động.
TP Đà Nẵng có quy chế phối hợp quản lý lao động nước ngoài giữa các ngành Sở LĐ-TB&XH, Công an, Sở Ngoại vụ và chính quyền địa phương. Các đơn vị sẽ phân công chi tiết từng ngành, từng công việc cụ thể, cùng nhau giao ban để báo cáo tình hình, thông tin với nhau. Chúng tôi sẽ căn cứ vào hồ sơ đăng ký từng vị trí công việc ban đầu để theo dõi và giám sát”, ông An khẳng định.
Kỹ sư Việt Nam có đủ khả năng
Cùng ngày, trao đổi với Đất Việt ông Nguyễn Cửu Loan - Chánh văn phòng Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Đà Nẵng đã rất ngạc nhiên trước việc UBND thành phố Đà Nẵng đồng ý để 1 số lượng lớn cán bộ kỹ thuật Trung Quốc vào làm việc tại địa bàn.
“Tôi không hiểu vì lý do gì mà thành phố lại quyết định như vậy. Việc xây dựng các công trình kiểu như khách sạn 5 sao JW Marriott thì các kỹ sư Việt Nam hoàn toàn có thể làm được, không thua kém gì chuyên gia nước ngoài.
Điều này đã được kiểm chứng thông qua hàng loạt các công trình trọng điểm trong thành phố như: cầu Nga Ba Huế, cầu Rồng, các trung tâm thương mại, dịch vụ. Trong khi lao động phổ thông và kỹ sư của chúng ta đang bị thất nghiệp thì thành phố lại đồng ý để một lượng lớn cán bộ kỹ thuật Trung Quốc vào làm việc. Tôi cho rằng quyết định này có phần khó hiểu”, ông Loan băn khoăn.
Ông Loan cho rằng nếu xét trên góc độ kinh doanh theo thị trường tự do thì có thể chấp thuận để 300 lao động từ Tứ Xuyên đến làm việc nhưng xét trên bình diện xã hội thì người dân ai cũng thấy có vấn đề.
“Chỉ khi nào các kỹ sư trong nước không thể đảm nhận được các yêu cầu kỹ thuật của công trình thì mới cân nhắc tính đến khả năng cho nhà đầu tư nước ngoài đưa người của họ vào làm việc. Hiện nay chưa có cơ sở nào để đánh giá chất lượng lao động giữa Việt Nam với Trung Quốc cả.
Chúng ta cũng không thể biết họ thật sự có giỏi hay không. Trước những bất thường này, sắp tới phía Hội Quy hoạch Phát triển độ thị Đà Nẵng sẽ tiến hành một cuộc họp lấy ý kiến, đánh giá tổng thể rồi gửi văn bản lên UBND thành phố để đề nghị xem xét”, ông Loan nhấn mạnh.
Tối ngày 18/11, trao đổi với phóng viên Đất Việt, ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết đang tháp tùng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự hội nghị cấp cao APEC 2015 tại Philippines và sẽ cho ý kiến về chỉ đạo về vấn đề này sau khi về nước.
  Đưa lao động Trung Quốc vào Đà Nẵng là vội vã
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh cho rằng việc cho phép Công ty TNHH Sichuan Huashi (Trung Quốc) đưa 300 lao động từ Tứ Xuyên vào Đà Nẵng xây khách sạn (KS) JW Marriott là việc làm vội vã.
“Nếu Đà Nẵng thực sự thiếu nhân lực, thiếu đội ngũ lao động kỷ thuật đáp ứng yêu cầu công việc mới tính đến chuyện cho nhà đầu tư nước ngoài đưa người của họ vào làm việc” - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Xuân Anh, từ trước đến nay, hàng loạt dự án khu nghỉ dưỡng, khách sạn tầm cỡ quốc tế đã được xây dựng ở Đà Nẵng đều do các chuyên gia, tư vấn thiết kế, đội ngũ kỷ thuật trong nước đảm trách và cũng hoàn thành đúng tiến độ. Nếu các lao động trên địa bàn đáp ứng được, các doanh nghiệp không việc gì phải đưa lao động nước ngoài vào mà phải ưu tiên số 1 giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ.
Ông Nguyễn Xuân Anh cũng cho biết hiện nay, lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng đi công tác nước ngoài. Khi nào lãnh đạo này về sẽ cùng Thường trực Thành ủy Đà Nẵng hội ý, xem xét kỹ mới chính thức cho phép hay không. Theo ông, phía chủ đầu tư Sliver Shore xây thêm khách sạn hay khu hội nghị là chuyện của họ, TP Đà Nẵng không giao nhiệm vụ phải xây để phục vụ Hội nghị APEC 2017.
(Theo Người lao động)
(Theo Đất Việt) Hoàn Nguyễn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét