Thứ Ba, 1 tháng 9, 2015

Ủy ban Giám sát: Chưa nên có những điều chỉnh chính sách lớn

Cập nhật lúc 21:44

 
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Trong báo cáo kinh tế vĩ mô 8 tháng vừa được công bố hôm nay (1/9), Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến "sức khỏe" cũng như các chính sách kinh tế của Trung Quốc, ​Chính phủ chưa nên có những điều chỉnh chính sách lớn và điều chỉnh kế hoạch kinh tế - xã hội.

Theo Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, tâm điểm chú ý trong tháng Tám là sự kiện phá giá đồng Nhân dân tệ và phản ứng của Việt Nam. Động thái điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước được coi là nhanh nhạy, tạo hiệu ứng tích cực hỗ trợ cho cạnh tranh hàng hóa của Việt Nam cũng như hỗ trợ tâm lý cho thị trường.

Cũng theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, với mức độ điều chỉnh tỷ giá đồng Nhân dân tệ vừa qua và nếu từ nay tới cuối năm, đồng Nhân dân tệ không bị phá giá mạnh hơn nữa thì không trực tiếp ảnh hưởng nhiều đến thị trường tiền tệ, kinh tế Việt Nam. Do vậy, Việt Nam chưa nên có những điều chỉnh chính sách lớn và điều chỉnh kế hoạch kinh tế-xã hội.

Các chuyên gia của Ủy ban Giám sát tài chính cho rằng cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến sức khỏe của kinh tế Trung Quốc cũng như chính sách kinh tế, chính sách tiền tệ của Trung Quốc để có phản ứng chính sách thích hợp.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa sâu, rộng và quy mô thị trường tài chính thế giới cao gấp 4-5 lần quy mô nền kinh tế thực, tâm lý thị trường đóng vai trò vô cùng quan trọng. Nếu phần lớn các nhà kinh doanh, đầu tư có cùng cảm nhận và phản ứng cùng chiều thì sẽ tạo thành một lực cung-cầu rất lớn, có thể vượt ra ngoài sự kiểm soát của các Chính phủ.

Vì vậy, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia khuyến nghị, cùng với việc theo dõi sức khỏe của kinh tế thế giới cần theo dõi hàng ngày diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ, hàng hóa thế giới. Mặt khác, các cơ quan hoạch định chính sách cần xây dựng sẵn các kịch bản ứng phó để tránh thụ động.

Thị trường tài chính tiền tệ của Việt Nam hiện đã có liên thông nhất định đến thị trường tài chính quốc tế và chịu ảnh hưởng tâm lý của các nhà đầu tư trên thị trường quốc tế. Chính vì vậy, công tác truyền thông đóng vài trò hết sức quan trọng để duy trì lòng tin của thị trường. Các thông điệp chính sách cần rõ ràng nhưng cần linh hoạt để đảm bảo tính nhất quán trong thông tin và thống nhất, đồng bộ giữa thông điệp chính sách và hành động.

Theo báo cáo của Ủy ban Tài chính Quốc gia, tính tới 10/8, tổng tín dụng đối với nền kinh tế (cho vay doanh nghiệp, cá nhân, và trái phiếu doanh nghiệp) tăng 8,3% so với cuối năm 2014, cao hơn nhiều so với mức tăng 3,7% của 7 tháng đầu năm 2014; tăng trưởng tín dụng tốt hơn, khu vực doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn phần nào giúp khoản mục “lãi dự thu” của các ngân hàng thương mại cũng giảm nhẹ (-4,2%) so với cùng kỳ 2014.

Hiện tại, khả năng thanh khoản của khu vực ngân hàng khá tốt, tỷ lệ LDR (cho vay/huy động) duy trì ở mức dưới 80%; với huy động và tín dụng ngoại tệ, LDR cũng ở mức dưới 85%. Những tỷ lệ này nằm trong giới hạn an toàn về thanh khoản. Mặc dù tăng trưởng tín dụng khá, hệ số chênh lệch lãi suất giữa huy động và cho vay toàn ngành (NIM) tăng nhẹ, nhưng do trích lập dự phòng rủi ro tăng khiến khả năng sinh lời của khối ngân hàng thương mại giảm./.

Báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định lạm phát vẫn thấp và ổn định. Dựa trên kỳ vọng của thị trường thông qua những thay đổi của lợi suất trái phiếu chính phủ, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đánh giá hai lần điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước trong tháng 8 làm lạm phát có thể tăng thêm xấp xỉ 0,2 điểm %, là mức tăng không đáng kể. Do đó, Ủy ban Giám sát giữ nguyên dự báo năm 2015 lạm phát cơ bản khoảng 3% và lạm phát (tổng thể) thấp hơn 3%.

Ngoài ra, Ủy ban Giám sát cũng cho biết, tăng trưởng tiếp tục đà hồi phục bởi khu vực sản xuất tăng khá; hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng tốt giúp giảm tỷ lệ nhập siêu. Bên cạnh đó, tình hình sản xuất kinh doanh khu vực doanh nghiệp tiếp tục đà cải thiện. Trong 8 tháng qua, doanh nghiệp thành lập mới tăng 29,2% về số lượng và 29,9% về vốn so với cùng kỳ năm 2014. Trong khi đó, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động giảm 2,9% so với cùng kỳ năm 2014.
THÚY HÀ (VIETNAM+)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét