Trời mát, tiền điện vẫn tăng cao
Cập nhật lúc 13:41
Dù tháng 8 thời tiết khá mát mẻ,
nhưng nhiều khách hàng của Tổng Cty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) bất ngờ với
việc hóa đơn tiền điện bỗng dưng nhảy vọt, thậm chí cao hơn hẳn so với các
tháng nóng nhất của mùa hè. Đại diện EVN Hà Nội cho biết sẽ kiểm tra và trả
lời tất cả những trường hợp có lượng điện cao bất thường.
Ghi số công tơ
hằng tháng bằng “thiết bị mới” ở Hà Nội. Ảnh: Như Ý.
Bất thường hóa đơn tiền điện tháng 8
“Các tháng mùa
hè, trẻ con ở nhà, điều hòa bật nhiều nhưng tiền điện cũng chỉ hơn 1,6 triệu
đồng. Tháng 8 dùng điều hòa ít hẳn do trời mát nhưng tiền điện lại nhảy vọt
lên hơn 2,1 triệu đồng. Các thiết bị điện khác ở nhà chỉ dùng ít hơn chứ
không nhiều như các tháng trước.
Số điện cao bất
thường nên tôi đang yêu cầu bên điện lực kiểm tra làm rõ”, anh X.Nam (phố
Vọng, quận Hai Bà Trưng) chia sẻ với một vài người bạn về hóa đơn tiền điện
tháng 8 lại nhảy vọt bất thường. Theo anh
Không chỉ tăng
cao, tiền điện của nhà anh Hùng (Phương Mai) cũng tăng cao bất thường. Theo
phản ánh, các tháng cao điểm mùa hè, tiền điện của gia đình cũng chỉ dao động
ở mức từ 3-4 triệu đồng. Nhưng đến tháng 8, cả gia đình mới giật mình khi
nhận được thông báo tiền điện nhảy vọt lên 2.319 kWh với số tiền phải thanh
toán là 6.345.243 đồng.
“Thấy bất thường
gia đình đã thắc mắc với điện lực nhưng họ đưa ra một ảnh chụp công tơ với số
điện như vậy. Đây là điều lạ lùng do gia đình dùng điện ít hơn hẳn. Tôi đã
nhờ người thử kiểm tra thì với lượng điện dùng bình quân trong ba ngày của cả
nhà (có bật hết các điều hòa) cũng chỉ hết 40 số điện. Giờ không biết làm thế
nào để kiểm chứng được việc số điện có bị ghi sai không”, anh Hùng cho biết.
Khá ngạc nhiên
với hóa đơn tiền điện tháng 8, chị N.T.Hà (phường Mỹ Đình, quận Nam Từ
Liêm) cho biết, những tháng cao điểm nắng nóng như tháng 5, tháng 6, điều hòa
bật suốt ngày, tiền điện sử dụng của cả nhà chỉ ở mức gần 2,5 triệu đồng.
Sang tháng 7 tiền điện của cả nhà ở mức 1,9 triệu đồng.
“Tháng 8, thời
tiết dịu hơn hẳn, thời gian sử dụng điều hòa của cả nhà chưa bằng nửa tháng
trước đó nhưng tiền điện vẫn ở mức 1.838.000 đồng. Tôi thật sự không hiểu
điện dùng ít hơn hẳn sao tiền phải trả vẫn cao như thế.
Bực nhất mỗi lần
phản ánh việc tiền điện sao cao thế với nhân viên đi thu tiền điện thì đều
nhận được câu trả lời: Dùng nhiều thì trả nhiều, kêu gì. Trước thái độ như
vậy nên tôi cũng không biết phải phản ánh thế nào”, chị Hà cho biết.
Nhiều trường hợp hóa đơn tiền điện
tăng cao bất thường trong 8 tháng.
Không chỉ thắc mắc về cách tính tiền điện, ghi số điện
tiêu thụ, anh Đức Phương (Văn Quán, Hà Đông) cũng bày tỏ sự không hài lòng
với việc trả lời kiểu “cắm cảu” của nhân viên thu tiền điện của Điện lực Hà
Đông về việc hóa đơn tiền điện tăng cao. Theo anh Phương, điểm gây
thắc mắc chính là việc lượng điện tiêu thụ của gia đình anh trong tháng 8 cao
bất thường không rõ nguyên nhân.
“Các tháng nắng nóng, tiền điện tháng 5, 6, 7 cũng chỉ dao động
trên dưới 600 nghìn đồng/tháng. Sang tháng 8, trời mát hơn, khi báo thu tiền
điện ngày 10/9 lại lên tới hơn 900 nghìn đồng. Vấn đề khiến tôi thắc mắc là
không biết số điện sử dụng của gia đình có được ghi chính xác hay không trong
khi cả nhà luôn ý thức việc tiết kiệm điện, cả nhà chỉ bật điều hòa khi đi
ngủ, luôn tắt đèn khi không sử dụng, thậm chí bình nóng lạnh chỉ bật khi thấp
điểm. Hỏi nhân viên thu tiền điện thì không được giải thích rõ ràng”, anh
Phương cho biết.
Khẳng định gia
đình cũng đã tiết kiệm điện, sử dụng điều hòa ít hơn nhưng tiền điện tháng 8
vẫn cao ngang ngửa với tiền điện của những tháng nóng nhất của mùa hè, anh
Nguyên (đường Lê Trọng Tấn, quận Thanh Xuân) cho rằng: Đây là điều khá bất
thường. “Tháng nóng nhất là tháng 6, và tháng 7 điều hòa nhà tôi bật như thế
nhưng tiền điện cũng chỉ hết 1,2 triệu đồng. Đến tháng này không hiểu sao vẫn
1,5 triệu đồng tiền điện dù sử dụng điều hòa ở nhà đã giảm rất nhiều”, anh
Nguyên thắc mắc.
Nhà chỉ có một
người lớn, một trẻ em, tiền điện các tháng luôn ổn định dù trong các tháng
nóng nhất của mùa hè, tuy nhiên, đến tháng 8 dù dùng điện ít hơn nhưng tiền
điện lại tăng vọt là thắc mắc của chị M.Bạch (Văn Cao, Ba Đình). “Hàng ngày
tôi đi làm từ sáng đến chiều muộn mới về. Các thiết bị điện dùng ít hơn tháng
trước. Khi nhận được thông báo tháng 8 nhà dùng hết 1,5 triệu đồng. Các tháng
nóng nhất nhà tôi cũng chỉ mất hơn 600 nghìn đồng. Tôi thấy rất khó hiểu”,
chị Bạch cho biết.
Kiểm tra công tơ điện trên phố Đường
Thành. Ảnh: Như Ý.
Cần thanh tra việc ghi số điện
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Viết
Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, sai sót của đồng hồ đo
điện thường xuyên xảy ra, kể cả đồng hồ cơ và đồng hồ điện tử. Tuy nhiên,
theo ông Ngãi, hiện nước ta chưa có cơ quan nào giám sát việc ghi số công tơ
và tính tiền điện, dù điện cũng là một thị trường có người mua và người bán.
“Hiện hàng tháng việc ghi số điện không ai kiểm tra, nhân viên ghi số điện
bao nhiêu người dân chỉ biết vậy. Ít nhất Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công
Thương – PV) phải làm, nhưng họ chưa làm được”, ông Ngãi nói.
Ông Ngãi cho
hay, sắp tới sẽ kiến nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thành lập cơ quan
thanh tra về ghi số công tơ và thu tiền điện. Tuy nhiên, nếu cơ quan trung
gian vẫn thuộc EVN khó tránh khỏi công bằng với người dân, ông Ngãi cho rằng,
những người được giao nhiệm vụ sẽ có lương tâm, trách nhiệm nghề nghiệp,
không thể làm mất hình ảnh của EVN, nên phải khách quan.
Chính phủ và Bộ
Công Thương phải cho EVN thành lập cơ quan giám sát, hàng tháng cơ quan này
phải báo cáo kết quả tới cơ quan quản lý. Nếu nơi nào bị người dân kêu ca
nhiều không xử lý cơ quan này phải chịu hình thức kỷ luật.
Về xử lý những
trường hợp ghi sai công tơ và tính sai tiền điện cho người dân, theo ông
Ngãi, nếu sai các đơn vị điện lực phải ghi nhận, khắc phục và xin lỗi người
tiêu dùng. Trường hợp công tơ sai, phía điện lực phải thay công tơ mới cho
người dân; người ghi sai số công tơ phải trả lại tiền chênh lệch cho người dân,
đồng thời có thể trừ lương, thậm chí đuổi việc người làm sai.
Sẽ kiểm tra các trường hợp có số điện
cao bất thường
Chiều 15/9, ông Nguyễn Quang Trung,
Phó tổng giám đốc kinh doanh EVN Hà Nội cho biết, lượng điện sử dụng của
thành phố trong tháng 8 rất cao, ở mức hơn 1,5 tỷ kWh. Lượng điện sử dụng này
chỉ thấp hơn tháng 7 hơn 1,3 triệu kWh.
Tuy nhiên, lượng điện sinh hoạt của
người dân chiếm bao nhiêu phần trăm, tăng giảm thế nào trong tháng so với
lượng điện dùng trong công nghiệp, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ cần phải
tính cụ thể.
“Với những phản ánh về trường hợp hóa đơn tiền điện
tháng 8 tăng cao bất thường của khách hàng, chúng tôi sẽ cho kiểm tra và có
trả lời cụ thể cho từng trường hợp. Những trường hợp người dân thắc mắc về
việc hóa đơn điện tăng cao không rõ nguyên nhân, hoặc cần tư vấn, giải đáp về
việc sử dụng điện có thể phản ánh tới Trung tâm chăm sóc khách hàng của Điện
lực Hà Nội số 19001288. Đây là tổng đài hỗ trợ, chăm sóc, tư vấn và giải đáp
thông tin của EVN Hà Nội, có người trực 24/24h”, ông Trung cho biết.
(Theo Tiền
phong) Phạm Tuyên-Lê Hữu Việt
Tại trời mưa nhiều quá nên tiền điện
tăng cao, bà con thông cảm đừng kêu nữa, tôi sắp được phong anh hung rồi!
KB
|
Thứ Tư, 16 tháng 9, 2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét