Thứ Ba, 15 tháng 9, 2015

TKV, EVN xin chuyển lỗ vào giá: Đổ lỗ cho tỷ giá?

Cập nhật lúc 13:06    

(Doanh nghiệp) - Hầu hết các chuyên gia không đồng ý việc TKV, EVN, PVN xin chuyển lỗ tỉ giá hàng chục ngàn tỉ đồng vào giá điện .

Đào tài nguyên đem bán, lỗ bắt dân phải gánh
Đồng tình với quan điểm tỉ giá tăng ít nhiều sẽ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp sản xuất, TS. Trần Văn Ngãi, Trưởng khoa Kinh tế, ĐH Nông lâm TP.HCM phân tích, tỉ giá tăng, những mặt hàng nhập khẩu cũng phải tăng, giá bán theo đó cũng đội lên. TKV, PVN hay EVN cũng vậy, nếu nhập khẩu các mặt hàng thiết bị, máy móc chắc chắn cũng sẽ bị đội giá do chênh lệch tỉ giá.
Vấn đề là xử lý việc này thế nào? Có thể gán vào giá thành và bắt người dân phải chịu hay không? Vị chuyên gia nhắc nhở phải hết sức thận trọng khi đưa ra quyết định. Theo vị chuyên gia này, khi bắt người tiêu dùng phải gánh lỗ cũng giống như đang bắt nền kinh tế phải gánh thêm một khoản nợ.
Khoản nợ này không đơn giản có vay thì có trả, mà nó tác động trực tiếp tới cả nền sản xuất, kinh doanh trong nước. Làm triệt tiêu động lực phát triển, triệt tiêu sức cạnh tranh của cả nền kinh tế. Tăng giá bán, đồng nghĩa với tăng giá các mặt hàng khác, lạm phát gia tăng, rất khó kiểm soát. Vì lẽ đó, ông cho rằng chỉ được coi tăng giá bán là phương án bất đắc dĩ chứ không thể lạm dụng, coi đó như chiếc phao cứu sinh của các doanh nghiệp. Lỗ là xin, xin là được.
Hơn nữa, trước khi đưa ra quyết định có cho phép chuyển lỗ của doanh nghiệp vào giá thành bán điện hay không, vị chuyên gia yêu cầu EVN cũng như Bộ Công thương phải công khai, minh bạch tổng lỗ do tỉ giá là bao nhiêu? Bao nhiêu phần trăm lỗ do giá điện để tránh tình trạng thua lỗ do quản lý kém, đầu tư ngoài ngành, thất thoát, tham nhũng…
Sở dĩ ông yêu cầu như vậy vì theo ông ở đây còn có câu chuyện khác nữa. Ngoài việc đều là những tập đoàn độc quyền, luôn được hưởng những đặc quyền đặc lợi, TKV, EVN, PVN đều là những lĩnh vực sản xuất đặc thù và đang được hưởng một lợi thế công khai từ nguồn tài nguyên sẵn có như than, nước mà chi phí mua gần như bằng 0. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng hầu hết đều được đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước (cũng chính là tiền thuế do người dân đóng góp), máy móc, thiết bị gần như không còn khấu hao. Trong khi đó, than còn đang được lợi lớn từ việc đào lên rồi xuất khẩu.
Đối với nhiệt điện cũng vậy, nhiệt điện chủ yếu là nhập khẩu nhiên liệu nhưng giá nhiên liệu vừa qua lại giảm rất mạnh. Vì vậy, dù giá USD tăng nhưng giá nhiên liệu giảm nên gần như cũng không bị ảnh hưởng.
Vị chuyên gia nhận định, mức lỗ do chênh tỉ giá mà TKV, EVN nói không thật sự đáng quan ngại như lời ca thán của các ông lớn này.
“Điều chỉnh tỉ giá vừa qua chưa đủ lớn để gây ra biến động, trong khi hầu hết nguyên liệu đầu vào là có sẵn. Có nói thua thiệt do chênh tỉ giá trong trường hợp này là không đáng kể. Doanh nghiệp cứ la ầm lên nghe có vẻ nghiêm trọng lắm nhưng thực chất chưa có gì đáng ngại”, ông Ngãi nói.
Hơn nữa là Petrolimex cũng ăn theo, kêu thiệt? TS. Trần Văn Ngãi nhấn mạnh, Petrolimex hiện đang làm hai việc là nhập nguyên liệu và xuất dầu thô. Khi xuất dầu thô, tỉ giá tăng Petrolimex chỉ có lợi chứ không thiệt. Còn khi nhập nguyên liệu, giá thế giới giảm mạnh hơn tỉ giá được điều chỉnh vì vậy đứng trên vị trí của tập đoàn này cả xuất và nhập Petrolimex chỉ lợi chứ không thiệt. Vậy thì Petrolimex đang kêu gì? Vì sao lại kêu?
Vị chuyên gia cho rằng, cần phải cân nhắc, xem xét rất thận trọng trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào với các tập đoàn này.
EVN, TKV phải trung thực
PGS.TS. Thịnh Văn Vinh - Phó trưởng khoa kế toán - Học viện hành chính cũng cho rằng, Bộ Công thương với trách nhiệm cơ quan quản lý Nhà nước nên có những bằng chứng cụ thể, minh bạch chứng minh cho những thua lỗ và phải công bố một cách thường xuyên cho người dân biết mới có sức thuyết phục.
Dư luận và nhiều cuộc hội thảo rất cần EVN, TKV đưa ra số liệu chính xác về giá thành để mọi người biết lãi, lỗ thật nhưng vẫn không được các tập đoàn này công bố. Nếu EVN, TKV công bố, chúng ta có thể tính toán đơn giản những chi phí biến động do ảnh hưởng của tỷ giá. Lý do tại sao EVN, TKV không công bố? Vì nếu công bố các tập đoàn này và ngay cả Bộ công thương cũng không thể có bằng chứng nói theo ý chủ quan của mình được.
Trong khi, các tập đoàn Nhà nước theo số liệu thống kê và kết quả kiểm toán của Nhà nước trước đây và kiểm toán độc lập hiện nay hoạt động rất yếu kém, thua lỗ từ lâu nhưng vẫn giấu diếm, không công bố công khai nhằm báo cáo thành tích ảo.
Nay nhân cơ hội "sự kiện tỷ giá" đổ lỗ cho lỗ tỷ giá là không thể chấp nhận được vì các chuyên gia đã chỉ rõ doanh nghiệp đang lợi lớn từ chênh lệch lãi suất giữa hai đồng tiền Việt và ngoại tệ chứ không có chuyện lỗ do chênh tỉ giá. Cụ thể, từ năm 2011 tới nay, lãi suất VNĐ bình quân là 10%, trong 5 năm là 50%. Trong khi đó, lãi trung bình USD là 5%/năm, 5 năm là 25%. Lãi suất giữa hai đồng tiền chênh nhau 5 năm là 25%
Trong khi lợi từ chênh lệch lãi suất 25%, chênh tỉ giá là 15% Trong khi chênh tỉ giá từ 2011- nay (từ 19.500 đồng tới 22.500 đồng) là 3000 đồng (tương đương 15%). Tức là chênh lãi suất với tỉ giá là 10%. DN đang lợi lớn.
Hơn nữa, Kiểm toán nhà nước cũng từng phát hiện EVN là đem vốn đi kinh doanh chứng khoán bị thua lỗ nặng, sau đó kêu lỗ để nâng giá điện nhằm bù đắp cho những thua lỗ này nhưng đã bị kiểm toán Nhà nước phát hiện và công bố. Hay Thanh tra Chính phủ cũng đã từng chỉ ra EVN mang tiền đầu tư ngoài ngành lỗ hàng ngàn tỉ đồng, rồi lại hạch toán chi phí xây biệt thự, siêu xe, sân golf vào giá thành bán điện và bắt dân phải chịu.
Những hạn chế này các tập đoàn Nhà nước nói chung và TKV, EVN nói riêng cần phải biết phải biết tôn trọng người sử dụng thông tin, phải biết sự hội nhập đang cần những Doanh nghiệp và tập đoàn làm ăn trung thực, minh bạch.
Đứng trước hội nhập kinh tế và cơ chế hiện nay vấn đề đã nói rất nhiều về minh bạch và là một trong những yêu cầu của cơ chế thị trường nhưng Bộ công thương và các tập đoàn lớn có tính chất độc quyền, mang hình ảnh của Nhà nước lại không làm được. Cả nước và các loại hình Doanh nhiệp khác đang nhìn vào cách làm của Bộ công thương và các tập đoàn “con cưng” này. Cơ chế thị trường hội nhập và người sử dụng thông tin hiện nay không thể chấp nhận kiểu kinh doanh độc quyền với những thông tin áp đặt, không minh bạch.
Nếu cứ đà này, người dân sẽ phải gánh vác suốt cuộc đời cho những yếu kém, thua lỗ cho các tập đoàn như vậy. Đã đến lúc cần phải kiểm toán độc lập chặt chẽ các tập đoàn này bởi những Doanh nghiệp kiểm toán uy tín, có tên tuổi (phải là Big four) để có căn cứ thuyết phục và phải công bố công khai trước khi có những bước đi tiếp theo.
Về phía PGS.TS Ngô Doãn Vịnh – nguyên viện trưởng viện chiến lược và phát triển Bộ KHĐT – nguyên giám đốc học viện chính sách và phát triển cho rằng, giải pháp không thể khác là phải xóa bỏ vị thế độc quyền của EVN, TKV và PVN. Ông khẳng định, các doanh nghiệp này không bao giờ làm ăn thua lỗ bởi lẽ đầu tư nhà nước bỏ tiền, vay vốn nhà nước bảo lãnh, tổn hao, thua lỗ bắt dân gánh hết thì không có lý gì lại nói thua lỗ.
(Theo ĐVO) Vũ Lan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét