Thứ Tư, 16 tháng 9, 2015

“Tin ở hoa hồng”!
 Cập nhật lúc 13:04                 
 

Chỉ trong bốn tháng kể từ khi chuyên mục Việc tử tế lên sóng VTV1, những người làm chương trình đã nhận được hàng triệu ý kiến, thư từ của khán giả cả nước gửi về, bày tỏ tình cảm trước những tấm lòng nhân ái vì cộng đồng được Việc tử tế giới thiệu, tôn vinh. Nhưng thật đáng tiếc, khi đây đó vẫn còn một số người tỏ thái độ hoài nghi, thậm chí thiếu thiện chí, trước những điều tốt đẹp đang hiện diện trong cuộc sống hằng ngày.
Điều gì sẽ xảy ra nếu tài sản của bạn vô tình bị mất, bị đánh rơi trên đường? Vừa qua một nhóm bạn trẻ đi tìm câu trả lời bằng cách “thử” đánh rơi những chiếc ví trên một số tuyến đường đông người qua lại ở hai TP Đà Nẵng và Hội An. Và kết quả thu được thật bất ngờ: trong tổng số 40 chiếc ví bị cố ý đánh rơi, đã có tới 34 chiếc ví được trả lại, chiếm tỷ lệ 85% . Tất nhiên, đây chỉ là thử nghiệm ở quy mô nhỏ, chưa có tính phổ quát, hoặc đại diện cho một vấn đề của xã hội, nhưng rõ ràng điều đáng nói là: Ở những địa điểm chiếc ví bị cố ý đánh rơi đều có sự chứng kiến của rất nhiều người thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau, lại đa dạng về nghề nghiệp, nhưng số lần chiếc ví được nhặt lên trả lại, nhắc nhở, hoặc chạy theo trả lại người đánh rơi,… chiếm tỷ lệ áp đảo. Chỉ vài giờ sau khi đăng tải, lập tức clip trên thu hút được số lượng lớn người xem, nhanh chóng lan tỏa trên mạng xã hội. Nhiều độc giả đã tham gia bình luận sôi nổi với các ý kiến xúc động như: “Tôi đã khóc khi xem clip này”; “Người tốt vẫn còn rất nhiều, các bạn trẻ đừng quá thiếu niềm tin vào cuộc sống như vậy”; “Mình thấy ở đâu cũng có người tốt, cái tốt nằm ở ý thức của cả một gia đình, một thế hệ. Điều người ta muốn truyền tải qua clip là hãy cố gắng phát huy lòng tốt và lòng trắc ẩn của bạn chứ không phải họ làm ra để bạn phán xét, chê bôi và nghi ngờ lòng tốt của người khác”. Rất tiếc vẫn còn ý kiến tỏ ra ngờ vực: “Đấy là một số nơi có nhiều người tốt thôi chứ ra những chỗ khác xem, mất ngay”!
Mặc dù chỉ là một tình huống giả định, nhưng câu chuyện về những chiếc ví bị đánh rơi trong đoạn clip ngắn này khiến chúng ta phải suy nghĩ. Rõ ràng sự trung thực, lòng tốt vẫn hiện diện ở khắp mọi nơi, dù đây đó trong cuộc sống, những thói tật xấu và cái ác còn tồn tại nhưng không vì thế mà chúng ta mất đi lòng tin vào sự tử tế và những điều tốt đẹp. Vậy mà chung quanh chúng ta vẫn còn một số ít người luôn sống trong trạng thái hồ nghi và thích phán xét lòng tốt của người khác. Họ thường trực tâm lý cảnh giác, đề phòng, nơm nớp lo sợ như thể tội ác, những điều xấu xa đang bao vây, có thể tiến công mình bất cứ lúc nào. Những người sống trong tâm lý ấy, thực ra là vừa đáng thương, vừa đáng giận. Nếu cuộc sống chỉ có những tiêu cực và cái ác hoành hành, thì an ninh, trật xã xã hội sẽ ra sao? Thiết nghĩ, điều quan trọng không phải là chúng ta sẽ đối diện với cái xấu, cái ác như thế nào, mà là việc chúng ta có niềm tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc đời hay không. Không phải vô cớ khi có người khẳng định rằng: Nếu mất lòng tin là mất đi tất cả! Rõ ràng, nếu không có niềm tin vào lòng tốt, sự tử tế ở cuộc đời này, làm sao có thể lý giải được sự việc bé gái Trần Tú Anh bảy tuổi ở Bình Dương được cứu sống khi bị tụt xuống khe giếng hẹp và sâu tới 13 m? Họ sẽ không hiểu nổi tại sao, để cứu một bé gái nhà nghèo mà có tới 400 người được huy động túc trực tham gia giải cứu trong suốt hơn 10 giờ đồng hồ. Nếu không có niềm tin vào những điều tốt đẹp, cũng không thể giải thích được tại sao những người thợ đào giếng vô danh lại đào đất suốt đêm trong điều kiện địa hình phức tạp: đất mềm chảy nhão, có thể sụt lở bất cứ lúc nào; không chỉ thế, họ vừa đào vừa thay phiên nhau trò chuyện để bé gái đỡ hoảng sợ hoặc quá mệt rồi ngủ thiếp đi mà nguy hiểm tới tính mạng.
Hình ảnh người thợ đào giếng toàn thân bê bết mồ hôi và bùn đất, nở nụ cười rạng rỡ, bế bé gái từ khe giếng “tử thần” lên mặt đất trao cho mẹ em khiến những ai chứng kiến không khỏi xúc động. Có người đã coi đó là bức chân dung đẹp nhất về con người, về lòng nhân ái. Sau 10 giờ làm việc cật lực, những người thợ đào giếng lại lặng lẽ thu gom vật dụng và về nhà. Có lẽ họ không hay biết sau khi chứng kiến công việc thầm lặng đó, cộng đồng mạng đặt cho họ danh hiệu “người hùng”. Có bạn đọc chia sẻ: “Cảm ơn các anh, bên những thói hư tật xấu của xã hội, chúng ta vẫn còn những con người bình thường nhưng làm những việc phi thường đáng kính trọng”, “Chiến công lớn của những con người nhỏ bé. Chúng tôi tự hào vì các anh. Các anh đã tiếp thêm niềm tin yêu cuộc sống này cho tất cả mọi người”. Hẳn là những người thợ đào giếng không nghĩ đến điều đó. Chắc chắn trong thâm tâm, họ chỉ nghĩ đã làm được một công việc có ích, không đón đợi một sự tung hô ồn ào. Đó đơn giản là công việc mà người tử tế, vào hoàn cảnh của họ, cũng sẽ làm như vậy. Hơn một tháng sau khi chuyện giải cứu bé gái diễn ra, thông tin về những người thợ đào giếng cũng phai nhạt dần trên mặt báo và mạng xã hội. Điều đó là tất yếu. Cuộc sống vẫn phải tiếp tục. Những người thợ trở về với cuộc mưu sinh, và chúng ta tin nếu tiếp tục gặp tình huống nguy nan mà có thể đóng góp công sức nhỏ bé, họ sẽ không khước từ. Vì như anh Trần Lê Phương, một trong những người thợ đào giếng nói: “Đó là việc nghĩa, nên dù không ai trả công thì chúng tôi cũng làm. Nhìn cảnh mẹ Tú Anh ngất lên ngất xuống, gọi tên con chúng tôi cầm lòng không được”.
Nhiều người hẳn còn nhớ người lái tàu Trương Xuân Thức xả thân cứu đoàn tàu Thống Nhất năm 2010. Khi đó ông Thức đang lái đoàn tàu qua huyện Duy Tiên (Hà Nam), bất ngờ trông thấy xe tải nhấn ga vượt đường tàu khi khoảng cách chỉ khoảng 100 m. Trước tình huống đó, ông Thức có thể chọn cách hãm phanh rồi nhảy ra ngoài, hoặc gạt cần hãm “độc”, lùi lại khoảng 50 đến 70 cm thì sẽ không bị thương, hoặc nếu có chỉ bị xây xát nhẹ; nhưng như vậy tốc độ đoàn tàu giảm rất chậm, tai nạn sẽ vô cùng thảm khốc. Và người lái tàu Trương Xuân Thức quyết định giữ chặt cần hãm giảm tốc đến khi đầu tàu va chạm với xe tải. Hành động này đã cứu được đoàn tàu, nhưng tay và chân ông bị kẹt chặt bởi các thiết bị trong buồng lái. Cánh tay trái của ông sau đó đã phải cắt vì bị giập nát. Là người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề, chắc chắn ông biết được kết cục xấu có thể xảy ra, nhưng ông vẫn hy sinh sự an toàn của bản thân để cứu đoàn tàu cùng tính mạng của hàng trăm hành khách. Việc làm dũng cảm ấy hẳn đã thức tỉnh một số người hay hoài nghi và thích áp đặt suy nghĩ vị kỷ của mình lên người khác. Rõ ràng người tốt vẫn luôn tồn tại trong cuộc đời này, và họ sẵn sàng làm những công việc mà lương tâm họ mách bảo, không mưu cầu lợi ích cho bản thân.
Thời gian qua, một chuyên mục rất mới được phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam, nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của khán giả, đó là chuyên mục Việc tử tế. Nhà báo Lê Bình, Giám đốc Trung tâm Tin tức VTV24 cho biết, chỉ vài tháng sau khi Việc tử tế phát sóng, chuyên mục đã đưa được hình ảnh về hàng trăm việc tử tế trên khắp mọi miền đất nước đến với khán giả, và đã nhận được hàng triệu lời bình luận và nhiều thư gửi về chia sẻ, động viên, bày tỏ sự yêu quý của họ trước những việc làm được tôn vinh trong chuyên mục Việc tử tế. “Những điều đó khiến chúng tôi thấy mình phải có trách nhiệm để nhân rộng, lan tỏa hơn nữa những việc tử tế trong xã hội” - nhà báo Lê Bình nói. Theo dõi chuyên mục này, khán giả có thể gặp nhiều con người bình dị với việc làm thầm lặng nhưng đang góp phần nhỏ bé giúp cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Đó là người nông dân tự bỏ tiền túi để xây đường và làm cầu trong thôn xóm giúp mọi người đi lại thuận tiện; đó là người thầy 83 tuổi mở thư viện miễn phí với khoảng 4.000 đầu sách phục vụ cộng đồng; đó là người cựu chiến binh với hơn 40 năm chữa bệnh miễn phí cho người nghèo; đó là vị tổ trưởng tổ dân phố bền bỉ suốt 10 năm chiến đấu với tội phạm ma túy; đó là người đàn ông khuyết tật tình nguyện gác đường tàu suốt nhiều năm ở Đà Nẵng; đó là các cụ bà tuổi ngoài 60 tận tình nấu những bát cháo nghĩa tình cho người nghèo; đó là lớp dậy múa của cụ bà 75 tuổi giúp trẻ em khuyết tật tự tin vào bản thân từ đó hòa nhập với cộng đồng… Không nghĩ tới việc được tôn vinh, ngợi ca, những con người bình thường xuất hiện trong chuyên mục Việc tử tế thuộc mọi lứa tuổi, mọi ngành nghề đã âm thầm làm những công việc mà họ thấy là cần thiết. Rất nhiều những việc làm nhân ái, nghĩa tình như vậy đã và đang diễn ra ở khắp mọi nơi và chuyên mục Việc tử tế cùng nhiều tờ báo mới chỉ có thể phản ánh được phần nào, nhưng cũng đủ cho chúng ta thấy ấm lòng trước tình đời, tình người.
Trong cuộc sống hằng ngày, cái xấu và cái ác vẫn đang tìm mọi cách len lỏi, gây những tác hại làm một số người hoang mang, sợ hãi thậm chí là sa sút niềm tin. Nhưng là một công dân tốt trong xã hội, mỗi người thay vì thờ ơ hoặc khoanh tay phán xét, chỉ trích,… thì cần mạnh dạn trực diện đấu tranh với cái xấu, cái ác. Quan trọng hơn, cần tham gia góp phần hoàn thiện, phát triển xã hội bằng chính thái độ nghiêm túc, những việc làm cụ thể, thiết thực, có tính nhân văn để giúp ích cho cộng đồng. Đó cũng là góp sức để ngăn chặn cái xấu, cái ác. Trong bối cảnh đó hệ thống truyền thông, trong đó có báo chí, có vai trò hết sức quan trọng. Sự xuất hiện quá nhiều tin bài về hành vi tiêu cực, hay mô tả tội ác một cách chi tiết, tỉ mỉ ở một số tờ báo gần đây vô hình trung lại gây hoang mang trong cuộc sống chứ không tác động tích cực đến cuộc sống. Sự quan tâm của bạn đọc tới những chuyện đời chân thực, nhân ái, cảm động là bằng chứng cho thấy cái đẹp, cái thiện vẫn luôn là đích hướng tới của xã hội con người. Thiết nghĩ, báo chí tuyên truyền, tôn vinh việc làm tử tế, chuyển tải những câu chuyện “người tốt, việc tốt” là việc làm thiết thực nhất đấu tranh với cái xấu, cái ác. Đó chính là điều Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh tại phiên họp của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng T.Ư tháng 12-2014: “Lấy cái tốt, cái điển hình để xây cái đẹp, đẩy lùi cái xấu, cái tiêu cực” vì “Nếu chỉ một chiều phê phán, lên án thì chúng ta mới đạt được một nửa yêu cầu”. Hãy “tin ở hoa hồng”, bởi dẫu đâu đó còn tiêu cực, giả dối, xấu xa thì con người vẫn chỉ có thể trưởng thành bằng sự tử tế và lòng nhân ái.
(Theo Nhân dân) AN THẢO

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét