Tăng lương tối thiểu: hai bên cần nhượng bộ
Cập nhật lúc 07:37
Chuyên gia kinh tế
Ngô Trí Long cho rằng nếu không giải quyết hợp lý mức tăng lương tối thiểu
thì VN sẽ gặp bất lợi rất lớn khi hội nhập vào các cộng đồng kinh tế.
Đề xuất mức tăng lương tối thiểu của Tổng liên đoàn Lao động VN
và Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) chênh nhau khá lớn.
Theo đó, mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 dự kiến của Tổng liên
đoàn Lao động VN là khoảng 16,8%. Trong khi đó, VCCI vẫn giữ quan
điểm mức tăng lương không quá 10%.
Doanh nghiệp và người lao động đều
đang rất khó khăn
Ngày 2-9, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hoàng Quang Phòng - phó chủ tịch
VCCI - cho biết: mức tăng năng suất lao động trong những năm qua trên dưới
3%, độ trượt giá của đồng tiền nên căn cứ vào thực tế, mức điều chỉnh lương
tối thiểu tăng khoảng 10% là phù hợp hơn cả, nếu tăng 16,8% thì doanh nghiệp
(DN) không chịu nổi.
Trong khi đó, số DN phải ngừng hoạt động và giải thể từ đầu năm
đến nay đã tăng 1,2% so với cùng kỳ 2014, chủ yếu là các DN vừa và nhỏ.
Số lượng việc làm mới giảm, số người thiếu việc làm, thất nghiệp đều tăng.
Ông Phòng cho biết trong một cuộc khảo sát của VCCI, hiện có
trên 70% DN đang sản xuất kinh doanh không có lãi. Chỉ 30% DN đang ở trong
giai đoạn hoạt động cầm cự. Với mức tăng này, các DN sử dụng nhiều lao động
như dệt may, da giày, điện tử sẽ có điều kiện cố gắng hơn trong cuộc chiến
nâng cao năng lực cạnh tranh DN sắp tới.
“Người lao động (NLĐ) cần cảm thông, chia sẻ và đồng hành
với DN để DN trụ vững và có cơ hội phát triển. Đặc biệt, trong bối cảnh hội
nhập như hiện nay, DN sẽ thuận lợi hơn nếu duy trì hoạt động sản xuất kinh
doanh ổn định”, ông Phòng cho hay.
Về phía NLĐ, ông Đặng Ngọc Tùng - chủ tịch Tổng liên
đoàn Lao động VN - nhận định: Luật lao động quy định lương tối
thiểu phải đủ đảm bảo mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ. Tuy nhiên,
kết quả khảo sát mới đây của Viện Công nhân và công đoàn cùng Ban Chính sách
kinh tế - xã hội và thi đua khen thưởng cho thấy mức lương tối thiểu chỉ
đáp ứng 74-75% mức sống tối thiểu.
“Đó là thực tế của NLĐ VN hiện nay. Mức lương tối thiểu đã đảm
bảo mức sống tối thiểu theo quy định chưa? Bao giờ NLĐ mới sống được bằng
lương tối thiểu của mình?”, ông Tùng đặt vấn đề.
Ông Tùng khẳng định: đoàn chủ tịch Tổng liên đoàn Lao
động VN đã xem xét và quyết định giữ nguyên phương án đề xuất tăng lương
tối thiểu thêm 16,8% so với 2015.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân - chủ tịch
Hội đồng tiền lương quốc gia, việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu không hợp
lý sẽ dẫn đến nếu giá bán sản phẩm của DN không thay đổi thì lợi nhuận của DN
sẽ co lại, thậm chí giải thể, điều này ảnh hưởng trực tiếp NLĐ.
Yếu tố nào đang cản trở quá trình tăng lương?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phillip Hazelton - cố vấn trưởng
dự án quan hệ lao động của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại VN, quan sát
viên Hội đồng tiền lương quốc gia VN - phân tích:
Bộ luật lao động VN quy định lương tối thiểu phải đáp ứng nhu cầu
tối thiểu của NLĐ nhưng chưa nói rõ cần bao lâu để đáp ứng nhu cầu tối thiểu
đó. Vì vậy, cuộc tranh luận hiện nay thật sự là tranh luận xung quanh
câu hỏi “Cần bao lâu mới đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của NLĐ?”.
Giới chủ muốn tăng chậm mức lương tối thiểu trong các lĩnh vực
cần lao động giá rẻ nhằm tăng sức cạnh tranh như giày da, may mặc, điện tử vì
nếu tăng quá nhanh sẽ tạo thêm áp lực đè nặng lên các ngành công nghiệp này.
Do vậy, họ muốn tăng lương dựa theo năng suất lao động. Rào cản thứ hai chính
là thời gian cụ thể của việc tăng lương. Đây là hai tác nhân đang cản trở quá
trình tăng lương tối thiểu ở VN.
Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thì không nên tăng lương tối
thiểu quá nhiều mỗi năm mà phải được dựa trên năng suất lao động, mức lạm
phát, sự tranh luận và phản biện. Đó là một thách thức lớn, tuy
nhiên không thể không thực hiện vì mức lương tối thiểu của VN đang thấp
hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực.
Cần nhượng bộ vì lợi ích lâu dài
Ngày 2-9, trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên
viện phó Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, cho biết DN và NLĐ
cần phản biện về những số liệu của nhau, tìm nguyên nhân vấn đề dưới góc
độ số lượng, năng suất, chất lượng và hiệu quả của lao động.
Cụ thể, đại diện DN cần nhìn nhận
số lượng lao động hiện tại đã hợp lý chưa, năng suất chất lượng lao động
như vậy đã tương xứng với mức lương tối thiểu hay chưa. Ngược lại, NLĐ cần
xem xét có phải giới chủ phần lớn sử dụng lao động thủ công nên công nghệ
không cải tiến, khâu tổ chức quản lý yếu kém dẫn đến lao động nhiều nhưng
năng suất thấp.
Theo ông Long, hai bên phải biết hi sinh vì lợi ích chung
bởi thực tế nếu lương tối thiểu tăng 50% thì đời sống NLĐ cũng chưa chắc được
đảm bảo.
Trong bối cảnh khó khăn, hai bên phải hi sinh cái lợi trước mắt
để nghĩ đến cái lâu dài. Vì đầu năm 2016, cộng đồng kinh tế ASEAN đã được
hình thành. Đây là sân chơi chung với luật chơi chung. Không giải quyết ổn
thỏa vấn đề này dễ dẫn tới thực trạng chảy máu chất xám (lao động VN di
chuyển sang nước ngoài làm việc) hoặc DN nước ngoài có điều kiện, chất lượng,
tổ chức, quản lý tốt sẽ thu hút lao động VN làm DN VN mất lao động ngay trên
sân nhà.
(Theo Tuổi trẻ)
THANH HÀ - LÊ KIÊN - QUỲNH
TRUNG - MẠNH KHANG - XUÂN TRƯỜNG
|
Thứ Năm, 3 tháng 9, 2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét