Quý bà 'xì tin' dính bẫy
lừa đảo qua Facebook
Cập nhật lúc 08:17
Thời gian gần đây, nhiều “quý
bà” ở Hà Nội liên tục dính bẫy tội phạm công nghệ cao lừa đảo qua Facebook.
Bằng việc gọi điện thoại, chat qua Facebook… các đối tượng đã “buộc” các bà,
các chị gửi cho chúng cả trăm triệu đồng mỗi lần.
Lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm
công nghệ cao thống kê 4 tháng trở lại đây, chỉ riêng trò lừa đảo qua điện thoại, các đối
tượng đã lừa trót lọt hơn 30 vụ với số tiền lên đến hơn 17 tỉ đồng. Bị hại
phần lớn là các bà các cô cao tuổi!
1. Mấy chục năm buôn bán ở chợ Hôm, bà Nguyễn Thị M. (SN 1960, trú
tại Bạch Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội) nổi tiếng là "xì tin". Tuy tuổi
đã ngũ tuần, song bà M. vẫn rất mê các thiết bị công nghệ. Bà có tới 3
smartphone, 2 máy tính bảng và thường xuyên lên mạng để lướt web, vào các diễn
đàn kết bạn...
Cô con gái lấy chồng sớm, bà M. trở
thành bà ngoại trẻ nhất chợ. Tháng trước, đứa cháu ngoại sang chơi hướng dẫn
bà lập Facbook để giao lưu với bạn bè. Từ ngày biết cái "thằng
phây" bà M. ham lắm. Cả ngày ngoài giờ đi chợ, nấu cơm ra, rảnh chút nào
là bà vào "phây" chơi.
Mấy tuần trước, bà M. bất ngờ nhận được
một tin nhắn với nội dung đầy hấp dẫn. Rằng bà đã may mắn trúng giải đặc biệt với chùm giải thưởng gồm một
chiếc xe máy Lead; 1 phiếu quà tặng và tiền mặt trị giá 200 triệu đồng. Chưa
biết thực hư thế nào, bà M. liền gọi điện đến số điện thoại kèm tin nhắn thì
gặp một giọng đàn ông ngọt như mía lùi. Anh ta chúc mừng bà là người may mắn
trong số hàng "tỷ" người, có mã số Facebook đoạt giải đặc biệt của
cái gọi là "Tổng Công ty Tập đoàn Facebook Việt Nam".
Để được nhận giải thưởng, bà M. sẽ phải
nộp "thuế" giá trị gia tăng là 20 triệu đồng, nạp qua thẻ cào điện
thoại. Mừng rỡ vì số mình hên, bà M. vội đi tìm mua khắp nơi đủ số thẻ cào
rồi cặm cụi nộp vào tài khoản cho đối tượng. Nạp xong, bà M. liên lạc theo số
điện thoại cũ thì không thấy người bắt máy nữa!
Cũng bị lừa trên mạng Facebook, nhưng bà
Phạm Thị Thu P. (SN 1962, chủ một tiệm tạp hóa, hiện trú tại quận Long Biên,
Hà Nội) còn bị một vố đau hơn.
Được con cháu lập cho tài khoản Facebook
để giao lưu với bạn cũ, bà P. thích lắm. Được hai tuần, Facebook của bà xuất
hiện một tin nhắn có nội dung: "Chúc mừng tài khoản của bà đã trúng giải
nhất từ Chương trình Tri ân khách hàng Facebook. Giải thưởng gồm 1 xe
máy Liberty 150 trị giá 65 triệu đồng; 1 phiếu quà tặng trị giá 100 triệu
đồng và 1 phiếu đổ xăng miễn phí trị giá 5 triệu đồng. Tin nhắn này còn kèm
theo mã số may mắn, khiến bà P. lại càng tin tưởng hơn về vận may của mình.
Bà P. vội truy cập vào trang web trong
tin nhắn hướng dẫn, song không vào được. Gọi theo số điện thoại
(0084)961.294.xxx ghi trong tin nhắn, bà P. được hướng dẫn đăng nhập
vào tài khoản Internet banking của một ngân hàng. "Sau khi tài khoản
được xác thực thì tiền thưởng sẽ được chuyển vào cho bà. Còn chiếc xe máy sẽ
được trao thưởng sau" - người phía đầu dây cho biết.
Vội làm theo hướng dẫn của đối tượng, bà
P. không ngờ được rằng sau khi lấy được tài khoản của bà, đối tượng đã lập
lệnh chuyển tất cả tiền của bà sang một tài khoản khác. Đối tượng đề nghị bà
nhắn cho hắn mã OTP (xác nhận giao dịch Internet banking) bà vẫn đồng ý gửi.
Chờ mãi không thấy đối tượng liên hệ lại nhận quà, bà P chủ động gọi thì số
máy không còn liên lạc được nữa. Kiểm tra tài khoản ngân hàng, bà P. phát
hiện số dư cả trăm triệu nay chỉ còn vài chục ngàn đồng.
Ngoài hai trường hợp trên, cơ quan chức
năng cũng ghi nhận nhiều trường hợp quý bà "xì tin" lên mạng kết
bạn với giai rồi bị lừa nhận quà vẫn tiếp tục xảy ra.
Bà Phùng Lan H. (SN 1965 trú tại phường
Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội) quen biết người đàn ông quốc tịch Hà Lan tên
Dragan Covic. Qua nhiều lần trò chuyện tâm tình, Covic bày tỏ niềm thương mến
với người phụ nữ xinh đẹp, tinh tế. Rồi hắn nói sẽ gửi tặng bà H. một thùng
quà qua đường bưu điện, đề nghị bà làm theo yêu cầu của bên chuyển phát
Cuối tháng 4-2015, bà H. nhận được một
cuộc gọi từ một phụ nữ xưng là nhân viên hải quan sân bay Tân Sơn Nhất, đề
nghị bà chuyển số tiền 53 triệu đồng vào tài khoản Ngân hàng ACB để được nhận
quà. Sau đó, người phụ nữ tiếp tục yêu cầu bà H. chuyển thêm 115 triệu nữa,
vì số tiền trong bưu kiện quá nhiều. Chuyển xong, bưu kiện chẳng thấy đâu. Và
Covic cũng biến mất!
2. Theo Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao
(PC 50) Công an TP Hà Nội gần đây thủ đoạn gọi
điện thoại giả danh cơ quan chức năng để lừa đảo ngày một gia tăng. Đặc biệt các đối
tượng thường nhằm vào những người cao tuổi và là phụ nữ.
Tháng 4/2015, bà L.T.P. (SN 1952, trú
tại quận Tây Hồ, Hà Nội) đột nhiên nhận được một cú điện thoại từ một đối
tượng tự xưng là… cán bộ công an. Sau khi hỏi về số chứng minh nhân dân
(CMND) của bà P. đối tượng này thông báo cho bà biết hiện thuê bao điện thoại
của bà đang nợ tiền cước viễn thông lên tới nhiều triệu đồng. Nghiêm trọng
hơn, số CMND mang tên bà còn liên quan đến một vụ việc tiêu cực lớn, với số
tiền lên tới 16 tỉ đồng. Đối tượng còn tra hỏi bà hiện có bao nhiêu tiền
trong tài khoản ngân hàng, bao nhiêu tiền trong sổ tiết kiệm…
Sau khi nhận được cú điện thoại này, bà
P. vô cùng hoảng sợ và ra sức "thanh minh" rằng mình không hề liên
quan gì đến những vụ việc tiêu cực kia. Đối tượng đã chuyển điện thoại cho
một thanh niên khác xưng là… "Phó trưởng phòng Cảnh sát điều tra"
để cho bà P. tiếp tục trình bày. Các đối tượng tiếp tục khẳng định bà P. hiện
có liên quan đến một đường dây hối lộ lớn. Và để chứng minh rằng không có
liên quan thì bà P. phải chuyển hết số tiền tiết kiệm của bà là 2 tỉ 350
triệu đồng vào tài khoản cho… "cơ quan công an" để xác minh. Sau
khi đã làm rõ, "cơ quan công an" sẽ hoàn trả lại đầy đủ cho bà,
không thiếu một xu.
Bên cạnh đó, đối tượng còn dặn bà P.
rằng đây là một chuyên án lớn của lực lượng công an, yêu cầu bà phải giữ kín,
không được tiết lộ cho bất kỳ ai kể cả chồng, con. Và cũng phải giữ liên lạc
thật chặt chẽ với "cơ quan điều tra". Ngay hôm sau, bà P. tuân thủ
đi rút hết sổ tiết kiệm rồi chuyển vào 8 tài khoản Ngân hàng Techcombank do
các đối tượng cung cấp. Nhiều ngày sau, bà P. gọi điện thoại lại cho "cơ
quan công an" thì thấy không liên lạc được nữa. Lúc này bà mới biết mình
bị lừa, và lên Cơ quan điều tra để trình báo.
Bà N.T.M.H. (SN 1944, trú tại quận Ba
Đình) cũng được một đối tượng xưng là công an gọi đến để điều tra. Kịch bản
cũng giống hệt với bà P., chỉ có khác là lần này các đối tượng thông báo cho
bà H. biết hiện thuê bao điện thoại của bà có liên quan đến một đường dây
buôn bán ma túy xuyên quốc gia. Bà H. được yêu cầu chuyển hết tiền đang có
vào tài khoản cho bọn chúng để điều tra, xác minh. Tin lời các đối tượng, bà
H. đã chuyển cho bọn chúng 800 triệu và bị các đối tượng chiếm đoạt.
Danh sách bị hại còn kéo dài với bà
V.T.H. (SN 1955, trú tại quận Cầu Giấy) bị lừa mất 400 triệu đồng; bà
N.T.K.H. bị lừa 800 triệu, bà P.T.D bị lừa mất 2,3 tỉ đồng.
Thượng tá Ngô Minh An, Phó trưởng phòng PC50
Công an TP Hà Nội cho chúng tôi biết, thời gian qua trên địa bàn cả nước nói
chung và TP Hà Nội nói riêng liên tục xảy ra vụ việc các đối tượng sử dụng
công nghệ cao lừa đảo, chiếm đoạt với thủ đoạn gọi điện thoại giả danh.
Đối tượng thường gọi đến máy điện thoại
cố định của người dân, giả làm nhân viên của tổng đài các mạng viễn thông,
thông báo cho người dân biết họ đang nợ tiền cước điện thoại. Khi người dân
thắc mắc việc nợ cước thì đối tượng yêu cầu ấn các phím để được khiếu nại
theo hướng dẫn. Khi làm theo hướng dẫn, người dân được thông báo hiện bản
thân đang đứng tên một số điện thoại ở các tỉnh, thành khác chưa thanh toán
tiền cước, đồng thời yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân (tên, tuổi, địa chỉ
và số CMND) để đối chiếu.
Khi có thông tin cá nhân, đối tượng sẽ
chuyển máy cho đối tượng khác nói chuyện. Các đối tượng giả danh là cán bộ Cơ
quan Công an, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân… ở các tỉnh, thành khác
và thông báo cho người dân biết bản thân đã bị kẻ gian trộm cắp thông tin cá
nhân và sử dụng vào mục đích vi phạm pháp luật. Tài khoản ngân hàng đứng tên
của họ có liên quan đến các vụ án mà công an đang điều tra.
Đồng thời đối tượng yêu cầu người dân
phải rút toàn bộ số tiền đã gửi để chuyển vào tài khoản mà đối tượng cho sẵn
để phục vụ điều tra xác minh; nếu không liên quan thì sẽ hoàn trả tiền trong
vòng 1-2 ngày (trong khi thực hiện các đối tượng yêu cầu người dân phải giữ
liên lạc liên tục, không được tắt máy điện thoại và không được thông báo cho
người khác). Sau khi chuyển tiền đến thời hạn như đã hẹn, người dân không
được trả lại tiền mới biết bị kẻ gian lừa.
Từ ngày 1/4/2015 đến nay, Phòng PC 50
Công an TP Hà Nội đã tiếp nhận hơn 30 đơn trình báo của bị hại bị chiếm đoạt
tài sản với thủ đoạn nêu trên. Tổng số tiền chúng chiếm đoạt lên đến hơn 17
tỉ đồng.
PC 50 Công an TP Hà Nội cảnh báo đến
người dân (đặc biệt là người trung tuổi, cao tuổi) cần hết sức cảnh giác khi
nhận được điện thoại "lạ" xưng là cơ quan điều tra. Trường hợp có
người xưng là công an thì người dân cần đề nghị cho biết tên, nơi làm việc,
giấy mời hoặc giấy triệu tập để trực tiếp liên hệ với cơ quan, đơn vị đó. Đặc
biệt, Cơ quan Công an cũng không sử dụng tài khoản cá nhân trong khi thi hành
công vụ. Vì thế khi người dân nhận được yêu cầu chuyển tiền vào một tài khoản
cá nhân thì cần hết sức thận trọng, kiểm tra kỹ lưỡng.
Theo An ninh thế giới
|
Thứ Năm, 3 tháng 9, 2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét