(Minh họa: Ngọc Diệp)
Những ngày qua, trời Hà Nội nóng như chưa từng
thấy. Trong nghị trường, dù máy điều hòa chạy ro ro nhưng cũng trở nên nóng
bỏng vì Quốc hội đang thảo luận về một vấn đề nóng không kém thời tiết Thủ
đô, đó là Dự thảo Luật phí và lệ phí.
Có lẽ trong lịch sử, chưa bao giờ người dân Việt Nam phải chịu
nhiều thứ phí và lệ phí như bây giờ.
Thôi thì đủ loại phí, lệ phí từ việc nhỏ đến việc
lớn nâng tổng danh mục lên tới con số gần 100 (chính xác là 90 khoản trong đó
51 khoản phí và 39 khoản lệ phí).
Tại phiên thảo luận “nóng bỏng” này, nhiều đại
biểu đã chỉ ra những loại phí và lệ phí rất vô lý.
ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) cho
rằng, việc thu phí môi trường hiện nay là không phù hợp đối với ngư dân. “Ngư
dân chạy ngoài biển sao lại bắt họ phải đóng phí môi trường. Có quá nhiều
điều vô lý nhưng chúng ta vẫn cứ làm”. Ông Lịch nói.
ĐB Lê Đình Khanh (Hải Dương) tỏ ra bức xúc với các loại
thuế phí đường bộ. Theo ĐB Khanh, các tuyến đường đầu tư theo hình thức BOT
mọc lên rất nhiều nên những người sống trong vùng BOT đang phải “gánh” nhiều
“phí chồng phí”. “Người ta đã nộp phí bảo trì đường bộ rồi nhưng giờ cứ đi ra
khỏi nhà là phải mất phí. Như thế không phí chồng phí thì là gì”. ĐB Khanh
đặt câu hỏi khá gay gắt.
Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề
xã hội Trương Thị Mai cũng phải kêu rằng: “Dân nói phí chồng phí là đúng”.
Theo bà Mai, đi đâu cũng thấy dân kêu về phí từ các dự án BOT. “BOT hiện xuất
hiện nhiều lắm. Tôi nghĩ ở vùng sâu, vùng xa làm BOT hạn chế thôi, để dân đỡ
phải đóng phí”. ĐB Mai nói.
Trong một lần trả lời phỏng vấn báo Dân trí, Chủ nhiệm
Phùng Quốc Hiển cũng phải kêu lên: “Các trạm thu phí đặt quá dày đặc”.
Đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) đặt
vấn đề về chất lượng các công trình đường bộ: “Người dân đã nộp phí rồi thì
phải được hưởng một dịch vụ công tương xứng…”.
Đây là đòi hỏi chính xác bởi cách đây ít lâu, trả lời phỏng vấn phóng
viên Dân trí, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã nói một câu cũng rất… chính xác. Đó
là "Không thể vừa không muốn mất tiền vừa muốn đi đường đẹp". Thế
nhưng sẽ chính xác hơn, nếu Bộ trưởng đặt thêm một vế ngược lại, đó là “Không
thể vừa mất tiền vừa phải đi đường xấu”.
Không chỉ bất hợp lý, chồng chéo, các đại biểu còn chỉ ra
trong danh mục có những qui định thiếu tính nhân văn, ví như lệ phí đăng ký
nuôi con nuôi và lệ phí cấp phép nuôi con nuôi chẳng hạn.
ĐB Hà Sĩ Đồng (Quảng Trị) đề nghị xem lại qui định này vì
hiện nay nhiều gia đình không có con, nhận trẻ mồ côi về nuôi là có tính nhân
văn sâu sắc, dù mức lệ phí không lớn nhưng cũng nên bỏ ra khỏi danh mục.
Thế nhưng, càng ngạc nhiên khi đại biểu phát hiện
ra những loại phí và lệ phí “buồn cười” mà ngay cả họ cũng không hiểu nổi.
ĐB Lê Đình Khanh (Hải Dương)
than thở: “Lệ phí hoa hồng chữ ký là cái lệ phí gì? Tôi đọc mà không thể hiểu
nổi… Liệu có phải đó là hình thức “bo” chữ ký không? Hay “hoa hồng” chỉ là
“hoa hồng” dành cho chữ ký của “sếp”?
Chịu! Người viết bài này cũng
botay.com vì đại biểu Quốc hội mà còn chả hiểu nữa là cử tri!
Trở lại với việc trong qui định
có quá nhiều khoản thu, biết rằng việc thu phí là tất yếu của một xã hội thị
trường, song việc điều tiết như thế nào là điều cần quan tâm. Nếu như không
thu thuế hoặc thu quá thấp các loại phí và lệ phí sẽ không có nguồn tài chính
để tái đầu tư, phát triển. Thế nhưng nếu như “tận thu” thì cũng không khác
chuyện đem con gà đẻ trứng vàng ra… mổ lấy trứng.
Và càng đau xót hơn, nếu như
những khoản phi, thuế đó không được quản lý chặt chẽ, rơi vào lãng phí, tham
nhũng thì mắc tội với nước, với dân.
Cách đây hơn 700 năm, khi được
vua Trần Anh Tông hỏi về quốc sách giữ nước, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc
Tuấn đã khuyên: “(Nên) khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là
thượng sách giữ nước vậy”.
Lời người xưa như văng vẳng bên
tai…
(Theo Dân trí) Bùi Hoàng Tám
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét