Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2015

Lãng phí từ “Nhà hát trăm tỉ”

Cập nhật lúc 15:37        
        
Sau nửa năm không được thi công thì xung quanh Nhà hát huyện Đan Phượng, cỏ đã mọc um tùm, xanh mướt...
Trên các diễn đàn gần đây, Quốc hội, Chính phủ liên tục kêu gọi thắt chặt đầu tư công, dừng các công trình xây dựng chưa cần thiết. Thủ tướng nói thẳng rằng, nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020 chỉ ở mức khiêm tốn, với mức tăng khoảng trên dưới 10%/năm, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng kinh tế danh nghĩa 13,5-14%; và ngày càng giảm trong cơ cấu tổng đầu tư toàn xã hội. Tuy nhiên, các bộ ngành, địa phương vẫn tiếp tục tăng con số đầu tư: Phải chăng tâm lý “xin - cho” vẫn có hiệu lực?
Đầu năm 2015, Thanh tra TP Hà Nội đã công bố kết luận đối với 14 dự án, công trình trên địa bàn với tổng mức đầu tư 1.538 tỉ đồng. Trong số các dự án này, có Nhà hát huyện Đan Phượng, UBND huyện Đan Phượng đã phê duyệt dự án khi chưa có nguồn vốn bố trí, không thực hiện quy trình thẩm định vốn. Hơn thế nữa, dự án này không thuộc nhóm dự án cấp bách, nhưng UBND huyện Đan Phượng vẫn đồng ý để cho nhà thầu ứng vốn thi công.
Trong dự án này, có các hạng mục mua sắm thiết bị, nhưng khi lập dự án, UBND huyện Đan Phượng không thực hiện quy trình thẩm định giá thiết bị mà vẫn phê duyệt dự toán. Điều này đã vi phạm Thông tư 04/2010 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Để xảy ra vi phạm này thì HĐND và UBND huyện Đan Phượng đều phải chịu trách nhiệm.

“Nhà hát trăm tỉ” tại huyện Đan Phượng
Tính từ khi cơ bản hoàn thành năm 2014 cho đến nay, UBND huyện vẫn chưa có nguồn vốn thanh toán cho gói thầu thiết bị có giá trị 5,9 tỉ đồng và các khối lượng công trình đã hoàn thành. Chính vì thiếu vốn nên đã dẫn đến tình trạng chưa thể bàn giao công trình và đưa vào sử dụng, gây lãng phí ngân sách Nhà nước. Trách nhiệm trên thuộc về Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng và các phòng Tài chính - Kế hoạch, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Đan Phượng.
Theo thiết kế, Nhà hát huyện Đan Phượng cao 3 tầng, có tổng diện tích sàn 7.142m2, sân khấu rộng 535m2, sức chứa lên tới 490 khán giả. Ngoài ra còn các công trình phụ trợ khác...
Nhà hát được khởi công từ cuối năm 2012, dự kiến hoàn thành, đi vào hoạt động từ năm 2015. Tuy nhiên, khi đã hoàn thành xây dựng các hạng mục cơ bản vào cuối năm 2014, việc thi công phải dừng lại cho đến nay do thiếu vốn. Sau nửa năm không được thi công thì xung quanh nhà hát, cỏ đã mọc um tùm, xanh mướt.
Đường điện, cống thoát nước vẫn đang dang dở, còn bên trong nhà hát vật liệu xây dựng vẫn đang ngổn ngang, bừa bãi. Tầng hầm của nhà hát được trưng dụng làm nơi chứa vật liệu xây dựng và cho công nhân ở tạm.
Tháng 8/2014, trong công văn tạm dừng về lý do kỹ thuật và giãn tiến độ thi công một số dự án cơ bản UBND huyện Đan Phượng có đưa ra lý giải tại vì sao phải tạm dừng việc xây dựng nhà hát trăm tỉ này. Trong đó ghi rõ, việc dừng thi công nhà hát là để xử lý nợ xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách Nhà nước.
Ông Nguyễn Văn Đức - Phó chủ tịch UBND huyện Đan Phượng thì thanh minh cho dự án rằng: “Nguồn vốn xây dựng nhà hát từ ngân sách huyện, nhưng do vừa rồi huyện tập trung cho chương trình xây dựng nông thôn mới và thực hiện Chỉ thị 1792 của Chính phủ nên phải tạm dừng một số công trình để tập trung trả nợ xây dựng cơ bản”.
Về vấn đề địa phương cấp huyện mà đầu tư xây dựng nhà hát lên tới 117 tỉ đồng liệu rằng có lãng phí ngân sách Nhà nước hay không? Vị Phó chủ tịch này quả quyết, nhà hát này được xây dựng là để phục vụ nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa, tinh thần của người dân trong huyện Đan Phượng. Ngoài ra, còn phục vụ nhân dân một số huyện xung quanh…
“Mục tiêu xây dựng nhà hát là để cho tương lai, nên khi điều kiện kinh tế trong huyện phát triển thì việc xây dựng nhà hát là tất yếu” - ông Đức khẳng định.
Hiện nay, điều quan tâm nhất của người dân là khi nào “nhà hát trăm tỉ” này tiếp tục được thi công, hoàn thiện và đi vào hoạt động. Về vấn đề này, vị Phó chủ tịch huyện cũng không dám khẳng định được thời điểm cụ thể mà chỉ nói rằng, “khi nào trả nợ xây dựng cơ bản xong mới triển khai tiếp”.
Ở kỳ họp Quốc hội vừa qua, trong báo cáo giám sát của Quốc hội cũng đã chỉ rõ rằng, đầu tư công là nguyên nhân chính khiến bội chi ngân sách ở mức cao.
(Theo Năng lượng Mới) Tú Cẩm

Sân vận động Hoài Đức

Bảo tàng Hà Nội

Thành phố thì có Bảo tàng HN, huyện thì có sân vận động Hoài Đức, nhà hát Đan Phượng… Toàn những công trình rất hoành tráng, tầm cỡ quốc gia. Điểm chung của những công trình này là… vắng vẻ!
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét