Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2015

"Chúng tôi sẽ còn góp ý kiến cho sân bay Long Thành"


Đó là khẳng định của các chuyên gia, nhà khoa học khi dự án sân bay Long Thành chính thức được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư
Với kết quả bỏ phiếu 428/461 Đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành; 17 Đại biểu không tán thành (16 Đại biểu không biểu quyết), ngày 25/6/2015, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành) chính thức được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư xây dựng. 
Theo đó Cảng hàng không quốc tế Long Thành được thiết kế xây dựng đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO); là Cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.
 
Ảnh minh họa
Tổng mức đầu tư khái toán cho toàn bộ dự án là 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,03 tỷ USD, áp dụng đơn giá của năm 2014), trong đó giai đoạn 1 là 114.450 tỷ đồng (tương đương 5,45 tỷ USD). Quy mô công suất đạt 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm…
Dự án sân bay Long Thành được Quốc hội thông qua trong bối cảnh vẫn còn có ý kiến băn khoăn xung quanh báo cáo tiền khả thi dự án.
Kết quả được dự báo trước
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngay sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư xây dựng dự án sân bay Long Thành, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật Hàng không, Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM cho rằng, ông không ngạc nhiên với kết quả này.
“Khi dự án chính thức thông qua, tôi thấy buồn và thất vọng. Tại sao Báo cáo tiền khả thi dự án không đạt yêu cầu, không đúng bài bản bình thường mà Quốc hội căn cứ vào đó để ra biểu quyết ra chủ trương?”, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống chia sẻ.
Theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, về nguyên lý báo cáo nghiên cứu tiền khả thi phải làm sao để giảm bớt sai lệch của báo cáo khả thi sau này. Vì vậy, tất cả vấn đề cần xem xét sơ bộ một cách cụ thể, các phương án cần được đưa ra rõ ràng. Nếu không nghiên cứu tiền khả thi tốt sẽ dẫn đến tốn kém nhiều trong nghiên cứu khả thi.
 
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống (Ảnh: HL)
Vị chuyên gia hàng không phân tích: Thứ nhất hiệu quả tài chính dự án sân bay Long Thành không được nêu cụ thể trong báo cáo tiền khả thi. Hầu hết trong tóm tắt báo cáo tiền khả thi đều né tránh các tính toán tài chính, thay vào đó họ chỉ đưa ra con số mà không đưa ra tính toán con số trình bày. 
Cụ thể, trong Báo cáo Giải trình bổ sung về Báo cáo đầu tư Dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành của Chính phủ gửi Quốc hội ngày 27/10/2014, mới có phần đề cập đến kết quả tính toán cho chỉ số nội hoàn tài chính FIRR là 13,9% xem xét cho thời hạn 25 năm đối với hạng mục nhà ga hành khách (nguồn vốn doanh nghiệp, công ty cổ phần, PPP - tr. 21 Báo cáo Giải trình bổ sung). Tuy nhiên báo cáo không cung cấp số liệu sử dụng và phương pháp tính toán tài chính này. 
Đây là hạng mục có khả năng cho lãi suất cao nhất và được chọn để tính toán với dự báo lạc quan về nhu cầu hành khách nhằm đưa ra chỉ số nội hoàn tài chính FIRR cao là 13,9%.
Tuy nhiên, đối với những hạng mục khác cần đầu tư từ nguồn vốn xã hội (tư nhân) mà có khả năng cho lãi suất thấp hơn thì chỉ số nội hoàn tài chính FIRR chắc chắn sẽ thấp hơn 13,9%.
Nhiều hạng mục có chỉ số nội hoàn tài chính FIRR thấp hơn 10% sẽ không hấp dẫn nhà đầu tư và như thế khả năng huy động nguồn vốn tư nhân cũng sẽ không có.
“Từ đó có thể thấy có sự không trung thực của người làm dự án, họ có thể đưa tính toán hiệu quả tài chính nhưng sợ đưa ra người ta sẽ thấy rõ không hiệu quả”, ông Tống nhận xét. 
Thứ hai báo cáo tiền khả thi dự án chia ra các giai đoạn tương ứng với số vốn đầu tư tuy nhiên lại không chỉ ra phương án thu hồi vốn đầu tư đó trong bao lâu.
Một vấn đề nữa là lúc đầu, giai đoạn 1 dự án có số vốn đầu tư là 7,84 tỷ USD cho diện tích sân bay 2.565 ha với 2 đường băng cất hạ cánh và nhà ga hành khách 400.000 m2 để đạt năng suất 25 triệu khách/năm.
Tuy nhiên trong tóm tắt Báo cáo đầu tư Dự án vào tháng 3/2015, tổng mức vốn đầu tư cho giai đoạn 1 rút xuống còn 5,24 tỷ USD cho diện tích 1.165 ha với chỉ 1 đường băng cất hạ cánh và nhà ga hành khách 400.000 m2 cũng để đạt năng suất 25 triệu khách/năm. 
"Tâm lý số đông thôi thì cùng làm tôi chỉ một phiếu trong bao nhiêu phiếu, đúng sai các vị kia nữa chứ đâu phải mình tôi. Các Đại biểu Quốc hội phải nhớ mỗi lá phiếu có trách nhiệm của mình, mỗi lá phiếu phải đúng đắn" PGS.TS Nguyễn Thiện Tống
Vốn đầu tư cho giai đoạn 1 giảm đi 1/3 chủ yếu là do giảm 1.400 ha diện tích sân bay, giảm 1 đường băng cất hạ cánh và đặc biệt là do không đưa vốn đầu tư cho nhóm 5 vào dự toán như trước với lý do các công trình này do thành phần tư nhân đầu tư, phát triển, khai thác và sở hữu.
Nhóm 5 gồm: khu bảo trì máy bay và ga hàng hóa của Vietnam Airlines, trung tâm điều hành của hãng hàng không, khu bảo trì thiết bị phục vụ mặt đất, bệ thử động cơ, nhà điều hành vệ sinh máy bay.
Tuy nhiên chi phí xây dựng của nhóm 5 là 426,9 triệu USD mà sau khi tính chi phí tư vấn, dự phòng và thuế vào thì vốn đầu tư cho nhóm 5 này lên đến 594 trệu USD.
“Việc cắt bỏ không đưa vào dự án các hạng mục đầu tư thuộc nhóm 5 như thế là quá tùy tiện và hết sức vô lý. Nếu tính đúng thêm nhóm 5 như ban đầu thì tổng mức vốn đầu tư cho giai đoạn 1 lần này phải là 5,83 tỷ USD. Như vậy tổng mức đầu tư giảm thật sự 2 tỷ USD”, PGS. TS Tống nêu ý kiến.
Từ việc điều chỉnh diện tích, quy mô dự án, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng dường như có sự thụ động nào đó trong Quốc hội. 
“Tại sao cơ quan Quốc hội không có sự kiểm tra chuyên môn, không ai thắc mắc về sự thay đổi đó? Tại sao Quốc hội không triệu tập nhà chuyên môn phản biện dự án được Bộ đưa ra?” - PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nói.
Sẽ tiếp tục đóng góp ý kiến
Theo quy trình, sau khi được thông qua chủ trương xây dựng, chủ đầu tư dự án sân bay Long Thành tiếp tục làm báo cáo khả thi. Trong báo cáo khả thi sẽ trả lời tất cả vấn đề chi tiết trong dự án như dự trù nguồn vốn thực hiện, chi tiết hiệu quả kinh tế, hiệu quả tài chính…
Ở góc độ nhà khoa học, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho biết, ông sẽ tiếp tục đóng góp ý kiến về dự án này, còn quyết định phụ thuộc vào cơ quan quản lý nhà nước.
Cùng chung suy nghĩ như PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, mặc dù còn nhiều trăn trở với dự án tuy nhiên TS Nguyễn Bách Phúc - Chủ tịch Hội Tư vấn HASCON TP.HCM cho biết ông và các nhà khoa học của Hội Tư vấn HASCON sẽ tiếp tục theo dõi quá trình làm báo cáo khả thi của dự án để góp ý kiến với tâm huyết của nhà khoa học.
“Nếu những vấn đề bất cập vẫn còn, chúng tôi sẽ tiếp tục có ý kiến, mong sao khi đó ý kiến của chúng tôi sẽ được lắng nghe nhiều hơn chỉ với mục đích để dự án có hiệu quả nhất”, TS Phúc nói.
(Theo Giáo dục VN) Minh Hồng

Chất lượng đại biểu QH ta chỉ “tương đối tốt” thôi. Nhiệm kỳ này đã có mấy kẻ “chui” được vào QH nhưng đã bị “đuổi” ra. Luật BHXH vừa thông qua, đánh máy mới khô mực đã phải bàn sửa, cuối cùng “chữa cháy” bằng một Nghị quyết. Cứ nhìn vào thực trạng ấy thì có thể hiểu những lo lắng của giới khoa học về sân bay Long Thành là có cơ sở.
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét