Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2015

Gà oằn mình cõng phí và hàng nghìn tỷ đồng thất thu

Cập nhật lúc 08:37  

Người dân đóng thuế, các loại phí là bổn phận và cũng là yêu nước. Nhưng ngược lại, người dân cũng đòi hỏi nhà nước thu phí, lệ phí thể nào để thể hiện rõ sự… yêu dân?
Ai cũng biết ở bất cứ quốc gia nào, thuế là một nguồn thu quan trọng vào loại bậc nhất cho quốc gia đó. Ở VN cũng vậy. Người viết bài này đã từng rất chú ý một câu khẩu hiệu cỡ lớn đã nhiều năm đứng ở một ngã ba thành phố: Đóng thuế là yêu nước.
Bên cạnh thuế còn có phí, lệ phí. Nếu như thuế là một khoản nộp bắt buộc mà con người, các doanh nghiệp có nghĩa vụ phải thực hiện đối với Nhà nước, trên cơ sở các văn bản pháp luật  Nhà nước ban hành, thì phí, lệ phí cũng được quy định rất rõ ở Pháp lệnh phí và lệ phí . Thế nhưng, vì sao phí, lệ phí trở thành một đề tài được các ĐBQH phát biểu sôi động, và bức xúc trong sáng 18/6 khi bàn về dự thảo Luật vấn đề này?
“Phí hoa hồng chữ ký là phí gì?”
Đây là câu hỏi của không ít các ĐBQH khi họ đề nghị dự thảo luật cần điều chỉnh theo hướng thu gọn giảm các khoản vô lý, tránh gánh nặng cho người dân đang “oằn lưng cõng quá nhiều khoản phí” như cái title báo Lao động, ngày 19/6 mới đây. Và sự đề nghị của các ĐBQH là có lý.
Tỷ như, “phí hoa hồng chữ ký” mà các ĐB không hiểu phải đặt câu hỏi, thì xét cho cùng, là sự hợp pháp hóa hành vi tiêu cực của cấp dưới với cấp trên- người có quyền ký duyệt một văn bản, một dự án nào đó. Trong khi thực chất chữ ký đó là bổn phận, trách nhiệm của người có thẩm quyền phải cân nhắc điều lợi hại trước khi đặt bút.
 doanh nghiệp, lệ phí, Bộ Công an, buôn lậu, Ấn tượng trong tuần, Kỳ Duyên, yêu nước
Ảnh minh họa: Báo Giao thông
Xưa nay, dư luận XH từng ám chỉ “hoa hồng” nở trên chữ ký. Thì nay, nó nghiễm nhiên hợp pháp hóa, đi vào quy định của dự thảo luật? Kỳ lạ.
Đó là điều phi lý nhất, bên cạnh rất nhiều cái phi lý không kém mà các ĐBQH đã đề cập.
Tỷ như phí luồng lạch, phí cập cảng, phí neo đậu, phí lưu trú. Đến nỗi có ĐB  kêu lên: Nhiều phí quá, đã nộp phí cập cảng rồi thì nên thôi phí neo đậu. Vì người ta vào cảng thì phải neo đậu chứ?
Tỷ như đã đóng tiền bảo hiểm y tế, rồi lại còn có phí phòng chống dịch bệnh.
Tỷ như đã đóng phí bảo trì đường bộ nhưng vẫn phải gánh thêm phí đường bộ qua các trạm BOT..v..v… và v. v…
Từng ấy cái tỷ như khiến cho cột sống người dân cũng oằn xuống...tỷ như cái đòn gánh.
Trước đó, tại Diễn đàn kinh tế mùa xuân tháng 04/2015, một chuyên gia kinh tế đã chỉ ra thực trạng ở VN, thuế và phí hiện nay ở mức rất cao. Mỗi người dân VN gánh chịu tỷ lệ thuế- phí/GDP cao gấp từ 1,4 đến 03 lần so với các nước khác trong khu vực. Điều đáng nói, thu nhập của người lao động VN vẫn rất thấp.
Theo Phó Gs. Ts Nguyễn Thị Lan Hương (Viện trưởng Viện Khoa học lao động và XH) thu nhập bình quân từ công việc chính của lao động người VN tăng rất chậm, chỉ tăng 0,5%/năm, đạt 4,36 triệu/người/tháng trong giai đoạn 2010-2014. Thu nhập bình quân của lao động nông thôn thấp hơn của thành thị, tuy  khoảng cách cũng đã cải thiện đáng kể (từ 66% năm 2010 lên 73.2% năm 2014) do thu nhập thành thị giảm trong khi thu nhập của nông thôn lại tăng (thesaigontimes.vn, ngày 06/5).
Nhưng “phí chồng phí” còn rất đáng quan ngại ở chỗ, nó không tha bất cứ vật gì là tài sản, từ giá trị lớn đến giá trị nhỏ. Từ biết chạy cho đến biết… đi
Lớn như chiếc ô tô, mà bài viết trên báo Lao động, ngày 15/6 đã phải nhận xét, không ở đâu trên thế giới này, người tiêu dùng lại phải đóng nhiều loại thuế và phí đến thế khi mua và sử dụng một chiếc ôtô như ở VN.
 Xin tạm liệt kê: - Thuế nhập khẩu linh kiện với xe lắp ráp trong nước (hoặc thuế nhập khẩu nguyên chiếc): từ 30 – 70% tùy loại.
- Thuế tiêu thụ đặc biệt: 40-60%, tùy theo dung tích xe.
- Thuế giá trị gia tăng (VAT): 10%.
- Thuế thu nhập doanh nghiệp: 22%.  
Đó là thuế. Đến lượt phí cũng không thua, vì "kém miếng khó chịu":
- Phí trước bạ: 10 – 15%, tùy thành phố.
- Phí cấp biển số: 2 – 20 triệu đồng.
- Phí đăng kiểm: 240.000 đồng – 560.000 đồng/một lần kiểm định.
- Phí cấp giấy chứng nhận đảm bảo an toàn kỹ thuật: 50.000 đồng – 10.000 đồng (một lần cấp).
- Phí sử dụng đường bộ.
- Phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự.
- Phí bảo hiểm vật chất.
- Phí xăng dầu.
- Phí thử nghiệm khí thải.
- Phí thử nghiệm mức tiêu thụ nhiên liệu.
- Phí cấp giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng.
Đọc từng ấy loại phí, người viết bài cũng bỗng thấy "ngột ngạt".
 doanh nghiệp, lệ phí, Bộ Công an, buôn lậu, Ấn tượng trong tuần, Kỳ Duyên, yêu nước
Người dân phải chịu các loại "phí chồng phí". Ảnh minh họa: Zing
Nhỏ như con gà yếu ớt, loài gia cầm luôn gắn bó với con người, cũng phải gánh trên… đôi cánh của nó tới 14 loại phí. Số phận khắc nghiệt đến nỗi, sau khi bị giết mổ, cánh, đùi, cổ, chân đóng gói riêng, gà vẫn phải tiếp tục đóng phí cho từng loại bộ phận này.
Nhưng con gà vẫn vào loại cao lớn, nếu biết rằng, con ong cũng phải  “cõng” quá nhiều loại phí, còn cán bộ thú y chỉ “ngó qua một cái, cấp cái giấy và thu tiền”- theo bà Nguyễn Thị Hằng, Phó CT kiêm Tổng thư ký Hiệp hội nuôi ong VN.
Người viết bỗng ngơ ngẩn tự hỏi, không biết “cái kiến” có bị đóng phí và lệ phí không, khi chúng chẳng may sinh nở ra trên đời này?
Chưa hết. Duyên nợ với phí, lệ phí không chỉ có con gà, con ong bé nhỏ, mà ngay cả những thứ vô tri, dơ dáy như chất thải động vật cũng bị không cho chúng nó thoát!
Không biết đề xuất tháo gỡ 14 loại phí vô lý trên đôi cánh gà của Bộ NN & PTNT rồi đây sẽ ngã ngũ ra sao, nhưng trả lời phỏng vấn báo Đất Việt, ngày 06/5 về hiện tượng “phí chồng phí”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thẳng thắn cho rằng, điều này thể hiện nguồn thu ngân sách đang khó khăn. Cũng như giới chuyên môn nhiều người đã phân tích, do nợ công tăng cao và thâm hụt ngân sách nặng nề.
Dù vậy, bà Phạm Chi Lan vẫn cảnh báo, điều này đang đi ngược với mong muốn tạo đà để nền kinh tế phát triển bền vững. Bởi theo bà, cứ nhìn vào con số 6-7 vạn doanh nghiệp đóng cửa trong một năm, sẽ thấy mất đi biết bao nhiêu người đóng thuế. Những người lao động mất việc làm thì yêu cầu an sinh xã hội tăng lên, thêm gánh nặng cho nhà nước. Tất cả thành vòng luẩn quẩn. Như vậy, cần phải nhìn nhận thuế trên tinh thần nuôi dưỡng nguồn thu chứ không phải chỉ vắt kiệt khả năng đóng góp của doanh nghiệp và người dân.
Có lẽ nhìn nhận của bà Phạm Chi Lan cũng là kiến nghị gửi tới các ĐBQH nay mai sẽ phải bấm nút cho dự thảo Luật về phí và lệ phí.
Người dân đóng thuế, các loại phí là bổn phận và cũng là yêu nước. Nhưng ngược lại, người dân cũng đòi hỏi nhà nước thu phí, lệ phí thể nào để thể hiện rõ sự… yêu dân?
Chiếc kim khâu liệu có khéo vá?
Mặc dù người dân cõng các loại phí chồng lên phí, nhưng một hiện tượng cay đắng khác, đã được chính các ĐBQH đưa ra khi đề nghị thành lập Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu, trực thuộc Bộ Công an, trong sáng 19/6 mới đây.
Theo các ĐBQH, mỗi năm nhà nước mất hàng nghìn tỷ đồng vì buôn lậu.
"Đỉnh cao" của hiện tượng này là thông tin của ĐBQH Mai Hữu Tín, Phó CT Hội Liên hiệp Thanh niên VN, thuộc đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương, khi đưa ra một con số rất lớn trong thâm hụt thương mại VN – TQ. Nhưng cũng theo ông này, vấn đề lớn hơn, nguy hiểm hơn đối với nền kinh tế VN không chỉ ở con số thâm hụt thương mại, mà còn là “chênh lệch xuất nhập khẩu giữa số liệu thống kê của tổng cục thống kê 02 nước. Chênh lệch này cho thấy khuynh hướng ngày càng bất lợi cho phía VN.
 doanh nghiệp, lệ phí, Bộ Công an, buôn lậu, Ấn tượng trong tuần, Kỳ Duyên, yêu nước
Hàng nhập lậu từ Trung Quốc tràn ngập chợ quê. Ảnh: Báo Lao Động
Cũng theo ông Mai Hữu Tín, chỉ riêng năm 2014, giá trị nhập khẩu từ TQ mà VN ghi nhận lẽ ra phải cao hơn giá trị mà TQ ghi nhận, nhưng số liệu nhập khẩu VN ghi nhận lại thấp hơn số liệu từ phía TQ vào khoảng 20 tỉ USD. Đó là một con số khổng lồ. Tức là riêng 2014, chúng ta có hơn 20 tỉ USD hàng hóa TQ lọt vào VN không qua ghi nhận của các cơ quan chức năng.
Đó là 20 tỷ USD bị mất vì buôn lậu. Đến mức ông Mai Hữu Tín đã ám chỉ “về một nền kinh tế ngầm” còn “chiếc áo giáp bảo vệ nền kinh tế” thì… đang rách.
Rách vì cơ chế, hệ thống quản lý sơ hở? Hay vì con người- mà thực chất là vì lợi ích của chính những người có chức năng bảo vệ nền kinh tế?
Điều đáng nói, cái áo giáp bảo vệ nền kinh tế này đang bị rách ngược rách xuôi. Bởi trong khi thất thu vì 20 tỷ USD hàng hóa TQ lọt vào VN không qua sự kiểm soát của các cơ quan chức năng, thì theo ĐBQH Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh), Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế của QH, trong thời gian vừa qua các cơ quan chức năng phát hiện hàng chục nghìn vụ việc, nhưng chỉ khởi tố được hơn 4000 vụ, còn lại là xử lý hành chính. Trong số các vụ khởi tố mới chỉ xử lý được các đối tượng vận chuyển chứ chưa xử lý được đối tượng cầm đầu (GDVN, ngày 20/6)
Liệu Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu và các Phòng Cảnh sát điều tra chống buôn lậu có phải là những… cây kim khéo vá những miếngrách của tấm áo kinh tế?
Câu trả lời cũng còn ở thì tương lai
Trong khi đó, ở thì hiện tại, người dân, các hộ kinh doanh đang phải chịu đựng những… miếng rách kiểu khác.
Đó là các hộ kinh doanh, các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ đang phải chấp nhận sống chung với “lệ chung chi” cho cán bộ thuế.
Chuyện chẳng có gì lạ, mà vẫn phải ầm ĩ. Vì cái lệ chung chi cho cán bộ ngành chức năng, giờ đây nó là “tục lệ” chung của các ngành khác. Nhưng chắc chắn nó là tục lệ khốn khổ cho các hộ kinh doanh, các DNTN vừa và nhỏ, bởi doanh nghiệp, dù sản xuất hay kinh doanh, vẫn là nơi kiếm ra đồng tiền nhanh nhất.
Dân gian xưa có câu đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn thì có lẽ các hộ kinh doanh, các DNTN vừa và nhỏ là những người học thuộc câu này nhất.
 doanh nghiệp, lệ phí, Bộ Công an, buôn lậu, Ấn tượng trong tuần, Kỳ Duyên, yêu nước
Đến bao giờ thì tham nhũng, ăn hối lộ bị ngăn chặn, đẩy lùi. Ảnh minh họa
Hãy nghe tâm sự của một hộ kinh doanh: Một năm hai lần cứ đến tháng 6 và tháng 12, chúng tôi lại được cán bộ gọi điện để "hỏi thăm sức khỏe". Và dù muốn hay không, vui hay buồn, thua lỗ hay lời to, chúng tôi vẫn phải “gặp” các vị nếu không chỉ có con đường bị làm khó mà thôi.
Thậm chí, theo ông Đặng Hoàng Giang, Trung tâm phát triển cộng đồng (CECODES), chủ biên đề tài nghiên cứu về nguy cơ tham nhũng trong khu vực hộ kinh doanh tại VN, còn nói thẳng, chính cán bộ thuế còn bày cho hộ kinh doanh chiêu trốn thuế.
Kết quả báo cáo của trung tâm này cho thấy, trong 500 hộ kinh doanh được khảo sát, có 1/3 đồng ý hoàn toàn hoặc một phần về việc thường dàn xếp với cán bộ thuế để phải nộp mức phạt thấp hơn và không lấy biên lai. 14% cho biết họ phải nộp thuế ít hơn nếu biếu quà cho cán bộ thuế (TTO- ngày 21/6).
Rõ ràng, với cách các hộ kinh doanh phải học thuộc lòng bài học “đầu tiên-tiền đâu" này, XH còn thiệt đơn thiệt kép.
Cũng theo bài báo, kết quả điều tra xã hội học cho thấy có 63% hộ kinh doanh (tại 08 tỉnh lớn như  TP.HCM, Hà Nội …) được khảo sát tin rằng việc thông đồng, cấu kết, vòi tiền luôn diễn ra.
Không phải vô lý khi PGS.TS. Ngô Trí Long - nguyên Viện phó Viện nghiên cứu thị trường giá cả, nhận định: Hiện nay, thuế là một trong những mảnh đất màu mỡ cho tội phạm tham nhũng. Vì sao ngành thuế lại “hot” đến thế khi có hàng nghìn người xếp hàng thi tuyển?
Còn người viết bài, và dư luận XH lo lắng đến vận mệnh đất nước chỉ muốn đặt câu hỏi: Đến bao giờ thì tham nhũng, ăn hối lộ bị ngăn chặn, đẩy lùi? Đến bao giờ thì chiếc áo giáp bảo vệ nền kinh tế được "vá" lành lặn.
Để lương tâm, niềm tin người Việt khỏi tổn thương sâu sắc vì sâu mọt đục ruỗng đủ kiểu?
Xin hãy làm cho thì tương lai ở ngay trong.... thì hiện tại
(Theo TuanVietNam) Kỳ Duyên

Dân kinh doanh nhỏ, tiểu thương, ngoài thuế, phí chính thống ra còn những khoản “phí ngầm” rất khó chịu nhưng chẳng biết kêu ai. Tôi có người bạn bán quầy quần áo may sẵn tại HN, doanh thu chỉ mươi triệu/tháng nhưng đều đặn hàng năm phải có quà cám ơn mấy chú CA phường gọi là “giúp đỡ bảo vệ trật tự”. Năm nào cũng được tiếp mấy chú trước khi đi nghỉ mát ra thăm hỏi, chuyện trò để chủ hộ biết rằng “chúng tôi chuẩn bị đi nghỉ mát”!. Mỗi lần viếng thăm như vậy cũng phải có quà vài ba triệu. Cứ thử không hiểu và phớt lờ xem, sẽ bỗng dưng bị rất nhiều chuyện, khó mà yên ổn làm ăn.
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét